NHIỆM TÍCH TÌNH YÊU
Lm Jos. Trần Xuân Chiêu
Thứ Năm Tuần Thánh được bắt đầu bằng Thánh lễ Truyền Dầu, và ban chiều, khởi đầu Tam Nhật Vượt qua, Phụng vụ đưa mỗi người đến bữa Tiệc Li của Đức Giê-su, diễn tả việc Người rửa chân cho các môn đệ, tưởng niệm việc Chúa lập phép Thánh Thể và chức vụ Linh mục. Như vậy có quá nhiều đề tài cho người ta khai thác, học hỏi. Tuy nhiên, giờ đây mỗi người được mời đi sâu vào cội rễ của các tưởng niệm trên, đó là tình yêu của Chúa Kitô đối với loài người.
Nhiều người đặt vấn đề, có cần Chúa phải làm việc hèn hạ, là rửa chân cho các môn đệ không? Có phải đây là kiểu xu nịnh, như nhiều người thường đi bằng hai đầu gối để đạt mục tiêu không? Liệu Chúa có đối xử gì tệ bạc với Giuđa không, mà sao ông lại có hành vi tồi tệ và đê hèn, đến nỗi bán Thầy của mình với giá bèo bọt 30 đồng bạc?
1. Trong bữa Tiệc Li
Đức Giêsu đã cùng ăn bữa tối quan trọng với các môn đệ, để chuẩn bị cho việc ra đi của Người. Tất cả những sự kiện báo trước đang diễn ra trong bữa Tiệc Li này, đó là Giuđa phản bội bán Thầy với giá 30 đồng bạc, đó là Phêrô môn đệ thân tín nhất sẽ chối Chúa 3 lần. Đề tài chủ yếu trong Phụng vụ chiều nay cũng như tuần Tam Nhật Vượt qua là tình yêu. Tất cả việc Chúa lập phép Thánh Thể, bí tích Truyền Chức Thánh, đặc biệt là cử chỉ khiêm nhường rửa chân cho môn đệ, đều xuất phát từ tình yêu cao vời của Thiên Chúa.
Đức Kitô đã thiết lập Bí tích Thánh Thể: Chúa đã nhập thể để đến với nhân loại, Chúa đã sinh ra trong nghèo hèn để cảm thông cuộc sống với con người, Chúa đã giảng dạy để kêu gọi và mở ra con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực, Chúa chịu chết để cứu độ tất cả mọi người. Nhưng như thế chưa đủ, Chúa muốn làm hơn thế, để chứng tỏ tình yêu của Người: đó chính là phép Thánh Thể, mà Chúa lấy chính Máu Thịt mình để nuôi loài người. Tình yêu của Người luôn được tiếp tục bằng việc cung cấp thức ăn thiêng liêng cho nhân loại. Chúa muốn đi sâu vào thân xác, thấm vào máu thịt, để biến dòng máu đen ngòm tội lỗi của con người, thành dòng máu tươi hồng trong sạch của Chúa, Chúa muốn con người có sức mạnh phi thường, để họ có đủ sức vượt dặm trường, chống lại những vật cản tiến về Nước Chúa.
Đức Kitô đã lập ra chức vụ linh mục: Ôi lạ lùng huyền nhiệm, Chúa đã nên lương thực qua đôi tay linh mục thừa tác viên để phục vụ, để ban phát hồng ân, để tha thứ lỗi lầm, để giải hòa với Chúa và với nhau. Qua tác vụ linh mục, người tín hữu được lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, làm của ăn tinh thần, được giao hòa với Thiên Chúa tình yêu, được ánh sáng và sức mạnh để thăng tiến cuộc sống con người.
2. Rửa chân cho các môn đệ
Trong bữa Tiệc Li, Đức Giêsu còn thể hiện cử chỉ rất đặc biệt: rửa chân cho các môn đệ. Bỏ qua mọi rào cản, những kinh nghiệm đau thương, và những mất mát sẽ diễn ra, Đức Giêsu đã đứng dậy, cởi áo ra, lấy chậu nước và rửa chân cho các môn đệ. Người ta rất ngạc nhiên, cũng như Phêrô đã rất ngạc nhiên, tại sao Chúa làm như vậy? Đây là một việc làm của một tên nô lệ theo thói quen người Israel. Mỗi người có thể hiểu được việc làm này của Chúa vì nhiều lí do:
Trước hết là để ứng nghiệm những gì đã viết về Đức Kitô: Chúa là Người Tôi Tớ Thiên Chúa trong sách Isaia, Đấng đã chuộc lại loài người bằng những hy sinh của Người. Việc Chúa tự động đứng dậy rửa chân cho họ, cũng để chứng tỏ rằng Người tự nguyện chịu chết để cứu độ nhân loại. Những từ “cởi ra” “mặc vào” nói lên việc Người chịu chết và sống lại, việc con người đánh mất Hồng Ân Chúa khi phạm tội, và Đức Kitô đã chuộc lại ơn làm nghĩa tử của Chúa.
Việc rửa chân là bài học giáo dục, Đức Giêsu muốn nêu cao tấm gương trong cách sống mà các môn đệ phải noi theo: Sống để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, “Thầy nêu gương cho anh em, để anh em hãy làm cho nhau” (Ga.13, 15).
Rửa chân bằng nước còn nói lên việc thanh tẩy; Đức Giêsu muốn nói với con người rằng, Chúa đến để làm mới lại con người, thanh tẩy tội lỗi họ, để không những thân xác, chân tay, mà cả tâm hồn cũng nên trong sạch, loại bỏ những hiềm khích, đam mê, tội lỗi…
Việc rửa chân dạy loài người bài học khiêm nhường: Con người muốn làm lớn thống trị người khác, như hai anh em con ông Giêbêđê muốn chỗ nhất nhì trong Nước Trời. Quyền lực vẫn là cái gì làm cho người ta cuồng nhiệt tranh giật, ngoài xã hội cũng như trong tôn giáo, xưa cũng như bây giờ, Đức Giêsu dạy các môn đệ muốn làm lớn, hãy trở nên đầy tớ trước đã.
Cuối cùng, Đức Giêsu muốn chứng tỏ tình yêu trổi vượt của Người với nhân loại: Chúa muốn làm tất cả vì yêu. Một thứ tình yêu mãnh liệt không đắn đo tính toán, đã khiến Người có thể làm những điều người ta không tưởng, đó là việc quỳ xuống rửa chân cho môn đệ của mình.
3. Tình yêu đáp trả
Qua những hành vi trên đây, Đức Giêsu kêu gọi mọi người hãy đáp trả tình yêu của Người dành cho họ:
Trước hết là hãy đón nhận: Qua việc cúi xuống rửa chân cho đầy tớ, Đức Giêsu muốn nhắc con người: những gì là trịch thượng, quyền thế, là cái tôi, là hạ cố, cần phải loại trừ: Một Thiên Chúa quỳ xuống, để ngước mắt nhìn lên loài người, nhằm dạy người ta phải khiêm nhường đón nhận những ân sâu tận Trời của Chúa. Chỉ khi con người biết khiêm nhường, họ mới gặt hái thành công, mới có thể đạt mục tiêu Nước Trời. Thế gian chỉ biết hưởng thụ, chờ mong người khác hầu hạ. Người ta thường bị cám dỗ bởi tiền bạc vật chất, ăn trên ngồi trốc. Chúa không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ, vậy con người là ai, mà chỉ muốn người khác hầu hạ mình?
Hãy tôn vinh Thánh Thể Đức Kitô: Thánh Thể là kết quả tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Qua Thánh Thể, con người được nên một với Người, sống với Người. Chính vì thế, Thánh lễ trở thành trung tâm Phụng vụ. Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để tận hưởng lương thực thần hiệu này, hãy để Chúa sống với mình hằng ngày, hãy lắng nghe tiếng Chúa mời gọi: Hãy đến mà ăn. Đừng để Chúa cô đơn và nhục mạ bằng việc từ chối của mình.
Xin Chúa cho chúng con biết noi gương Người sống khiêm nhường, hi sinh và phục vụ để xứng đáng làm môn đệ Đức Kitô.
Lm Jos. Trần Xuân Chiêu