Hồi ký Dương Văn Ba: Những Ngã Rẽ – Chương 6

Hồi ký Dương Văn Ba: Những Ngã Rẽ – Chương 6

Viet-studies

Chương 6  NHỮNG CHUYỆN KHÓ QUÊN…

Chuyện mấy ông Tỉnh Trưởng Bạc Liêu và giai thoại “muốn vào phòng tôi xin hãy đạp cửa”

Thời kỳ 1967 đến 1971, Bạc Liêu có 2 ông tỉnh trưởng.

Ông Lâm Chánh Ngôn, Trung tá, quê ở Vĩnh Long. Ông làm Tỉnh trưởng Bạc Liêu từ cuối năm 1966 đến đầu năm 1970. Ông này để râu ngạnh trê, thích đá gà mê uống rượu. Dĩ nhiên rượu ấy phải là Martell hoặc Cognac. Ông rất sợ vợ; có người kháo nhau chức Tỉnh trưởng của ông do bà xã (Alice) mua từ chỗ Trung tướng Đặng Văn Quang, tư lệnh vùng 4, sau này có lúc làm cố vấn an ninh quốc gia cho Nguyễn Văn Thiệu. Thậm chí dư luận trong các giới chức có cỡ còn đồn rằng bà Alice là tình nhân của Đặng Văn Quang. Đồn đại không biết trúng trật nhưng Đặng Văn Quang rất thân với bà Alice, Quang nhận con gái của Alice làm con nuôi. Chuyện lẹo tẹo tình ái giữa các ông lớn bà lớn chế độ cũ là thường, người ta nói nghe đến nhàm cái lỗ tai. Ví dụ Tổng thống Thiệu, người có rất nhiều bồ, một trong những cô bồ của ông ta là Helen, vợ Đại tá Hoàng Đức Ninh, Tỉnh trưởng Bạc Liêu. Giữa Nguyễn Văn Thiệu – Hoàng Đức Ninh – Hoàng Đức Nhã có mối họ hàng rất gần (họ là anh em cùng mẹ khác cha). Do đó, Hoàng Đức Ninh tha hồ tung hoành sách nhiễu dân lành.

Tỉnh trưởng Lâm Chánh Ngôn, xuất thân từ một gia đình gia giáo ở Vĩnh Long cho nên thời kỳ làm Tỉnh trưởng của ông ta không đến nỗi dữ dằn, độc ác. Chỉ có một chuyện nhắc để cho vui giữa ông Ngôn và Dương Văn Ba, trong một cuộc nhậu nhân dịp Tết năm 1969 hai bên suýt đánh lộn với nhau. Ngày đó Phó Tỉnh trưởng Hành chính Bạc Liêu (xin lỗi quên mất tên) tổ chức ăn tết tại Dinh Phó Tỉnh trưởng. Quan quyền, chức sắc có cỡ trong tỉnh đều có mặt. Lâm Chánh Ngôn uống rượu say rủ Dương Văn Ba cụng ly. Nhưng để chứng tỏ là bề trên, ông ta cố tình đưa ly đụng ngay giữa trán của ông Ba. Tuổi trẻ máu nóng và cũng đã ngà ngà rượu, ông Ba đánh một thoi vào bụng ông Ngôn (cũng là nhẹ thôi để khỏi mất mặt). Tỉnh trưởng Ngôn nổi nóng, chửi bới và đòi bắn Dương Văn Ba tại chỗ. Chánh án Xuân, Quận trưởng Thới, Tiểu Khu phó Xính can ngăn giải hoà. Tiệc tan, Lâm Chánh Ngôn chiều hôm sau mời ông Ba lại nhà chơi, cười khà khà lại tiếp tục uống rượu. Thực ra giữa tôi và Lâm Chánh Ngôn không có đụng chạm nào sâu sắc. Một số thường dân bị bắt bớ oan ức, tôi can thiệp và bảo lãnh, ông ta đều thả ra. Quan hệ giữa một dân biểu với tay Tỉnh trưởng trong thời kỳ đó, dư luận trong tỉnh rất chú ý. Tay Ngôn có phần nào nể vì tôi, ông biết rõ giữa tôi và em của ông có tình bạn khá thân, cùng hoạt động cho Hội Liên Trường (Hội Cựu Ái hữu Học sinh các trường Pétrus Ký, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Gia Long – những trường lớn nhất của miền Nam. Hội này làm công tác xã hội cấp học bổng cho nhiều học sinh giỏi, con nhà nghèo. Họ đã xây được một trụ sơ lớn ở góc đường Hùng Vương và Trần Phú, quận 5). Trước mặt đông đảo quan khách, tôi vẫn phải giữ ý với ông ta. Phải nói Lâm Chánh Ngôn là tay hay uống rượu, mà uống rượu nhiều thì không phải là người có lòng dạ hiểm độc, tiểu nhân. Một tay tỉnh trưởng muốn hại một dân biểu đối lập, muốn làm mất mặt một người, quá dễ. Chỉ cần sai mấy tên sĩ quan “tà lọt” cho uống vài chai whisky, biểu bắn ai nó cũng bắn, đừng nói chi tới chuyện “đánh cho bể mặt ngoài đường”. Lâm Chánh Ngôn không làm việc đó với tôi.

Bạc Liêu là một tỉnh mua bán trù phú. Có rất nhiều tay “xì thẩu”, muốn làm giàu thêm nữa, chỉ cần bợ đỡ tỉnh trưởng, sẽ có thêm nhiều đặc quyền đặc lợi.

Thời kỳ ông Ngôn làm Tỉnh trưởng Bạc Liêu là do sự đỡ đầu của Tướng Đặng Văn Quang. Nhưng Tướng Quang làm sao mạnh bằng Thiệu, cho nên Hoàng Đức Ninh thời kỳ đó đang làm Quận Trưởng quận Thạnh Trị đã tạo dư luận râm ran trong giới em út là “tao sẽ về làm Tỉnh trưởng Bạc Liêu thay thế thằng Ngôn”. Dân Bạc Liêu đã biết việc đó 6 tháng trước khi anh ta về, vì gốc của anh ta là gốc bự số 1. Tỉnh Bạc Liêu dĩ nhiên béo bở hơn quận Thạnh Trị (Phú Lộc). Hoàng Đức Ninh không giành ghế tỉnh trưởng Sóc Trăng của Đại tá Quách Huỳnh Hà vì Đại tá Hà có nhiều thời gian làm thư ký riêng cho Thiệu. Ninh nhắm ghế tỉnh trưởng Bạc Liêu, “món ăn” ở Bạc Liêu béo bở không thua Sóc Trăng. Helen, vợ của Ninh, là người vận động chức đó cho chồng. Đầu năm 1970, Hoàng Đức Ninh chính thức về Bạc Liêu thay thế Lâm Chánh Ngôn.

Lúc Trung tá Ninh làm Quận trưởng Thạnh Trị (Phú Lộc) có nhiều chuyện kể cười ra nước mắt.

Chuyện thứ nhất là chuyện “Đại đội heo”

“Đại đội heo” là một đại đội địa phương quân dưới quyền trực tiếp chỉ huy của Trung tá Ninh, quận trưởng. Biệt tài của đại đội này trước khi đi hành quân, tên nào tên nấy cũng được uống rượu cho say. Vào các vùng xôi đậu tha hồ vét của, tha hồ bắt heo: heo lớn, heo bé, đực cái đều bắt tuốt. Mỗi lần đại đội hành quân đi về, chiến lợi phẩm là 50-70 con heo của dân.

Thành tích lẫy lừng của Đại đội heo là hể gặp người tình nghi Việt cộng là “sát”. Chưa hết, vẻ vang hơn, đại đội này được tha hồ hãm hiếp đàn bà con gái. Nhỏ cũng hiếp, già lão cũng hiếp, không tha. Đại đội heo là đại đội hung thần ác qủy đối với dân các vùng trong ở Thạnh Trị Sóc Trăng. Một ông Hội Đồng tỉnh ở Bạc Liêu tên Đỗ Khắc Tường, máu còn trẻ và nóng, chơi “gan” lên tiếng tố cáo đại đội heo trên nhật báo Tin Sáng thời đó (chính tôi cho đăng các tin tức này).

Tên Đại đội trưởng Đại đội heo, đọc tin đó trên báo, đang nằm dưỡng bệnh tại bệnh viện Trương Bá Hân – Sóc Trăng, lập tức bỏ bệnh viện về, tính kế hoạch “sát” Đỗ Khắc Tường. Một người bà con ở Phú Lộc biết tin vội vã cấp báo cho Nghị viên Hội đồng tỉnh Đỗ Khắc Tường, ông này lúc đó sợ quá, bỏ lên Sài Gòn “trốn “ gần 2 tháng. (Khi hăng tiết, tố cáo tùm lum trên báo. Lúc hay tin đại đội trưởng Đại đội heo sắp “hỏi thăm sức khoẻ” . Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng).

Trời cao có mắt, khoảng 2 tháng sau, tên đại úy Đại đội trưởng Đại đội heo trong một cuộc hành quân càn quét, đạp nhằm mìn cụt cả hai giò. Người bà con ở Phú Lộc lại thông báo tin vui, Đỗ Khắc Tường trở về Bạc Liêu. Bà má và vợ của ông mừng quá cúng heo quay tạ lễ trời phật đã cứu chồng thoát nạn.

Chuyện một xe gạo và chuyện hãy đạp cửa phòng tôi

Hoàng Đức Ninh ăn hối lộ rất công khai, dạn dĩ. Ông ta thường nói thẳng điều mình muốn.

Một lần đi thực tế tra xét tình hình các nhà máy xay lúa trong quận Thạnh Trị, cứ vào mỗi nhà máy, kêu chủ lại, ông ta nói thẳng: “Quân đội đổ mồ hôi và lấy tính mạng bảo vệ cho các ông bà chủ được an toàn làm ăn, khỏi bị Việt cộng phá phách thu thuế. Đổi lại mấy người nên làm nghĩa vụ đóng góp cho chi khu. Hai tháng một lần, mỗi nhà máy đóng góp cho chi khu một xe gạo 7 tấn”.

Thạnh Trị có hàng chục nhà máy xay lúa dọc theo Quốc lộ 4 và kể cả ở xã Ông Kho. Cứ 2 tháng, Hoàng Đức Ninh thu được từ các nhà máy xay lúa hàng chục xe gạo. Mỗi xe trị giá 6-7 lạng vàng, tính ra Quận trưởng Ninh mỗi tháng kiếm được trung bình cở 50 lạng vàng từ ngành chà gạo. Có một ông chủ nhà máy, không biết vô tình hay cố ý dở hơi “chơi xỏ” Hoàng Đức Ninh bằng cách chở thẳng một xe gạo 7 tấn đến ngay chi khu Thạnh Trị báo là giao nộp cho Quận trưởng. Ninh nổi giận đùng đùng, gọi tay chủ nhà máy khù khờ vào văn phòng quát: “Mày chơi khăm tao hả?! Tao nói một xe gạo, tức là bọn mày phải đem gạo đi bán mang tiền hoặc vàng đem nộp cho tao. Mày mau đem gạo về đem vàng trở lại. Bằng không tao đóng cửa nhà máy mày lập tức.

Đó là chuyện thật 100%. Giống như chuyện bạc chẵn bạc lẻ. Một Hoa thương hàng tháng phải nộp cho Ninh 1 triệu đồng (do ăn chia quota). Có lần anh chủ tiệm xi măng mang 1 triệu đồng gồm giấy lẻ một đồng, năm đồng, vào văn phòng Tỉnh trưởng nộp. Ninh chửi thề: “Đ..M mày đem tiền lẻ chỗ đâu tao cất. Mau mau đi đổi lại cho tao”. Ông Hoa kiều nộp tiền cho Ninh đến nay vẫn còn sống ở chợ Bạc Liêu, đã hơn 60 tuổi.

Dân buôn bán ở Bạc Liêu còn kể cho nhau nghe giai thoại: “Muốn vào phòng tôi xin cứ đạp cửa” ngụ ý:  Thương buôn nào cần làm việc với Tỉnh trưởng, phải mang theo quà cáp. Thông thường quà là các khánh bằng vàng y, mỗi cái 1-2 lạng vàng. Ai đi tay không vào, Ninh không tiếp, cho đứng ngoài chờ. Những thương gia có máu mặt biết Ninh rất thích vàng Kim Thành, có việc gì cần xin, cứ mang 2-3 thẻ vàng vào, mọi việc xong xuôi. Vào phòng của Ninh không cần lấy tay gõ cửa, chỉ cần lấy chân đạp. Cửa phòng bị đạp, chứng tỏ khách có mang qùa biếu trên tay. Ninh vui vẻ tiếp đón. Người nào dùng tay gõ cửa, Ninh không tiếp. Giai thoại “gõ cửa, đạp cửa” tưởng như chuyện tiếu lâm. Tính cách của Ninh rất ngang tàng, y chẳng sợ ai, kể cả Đặng Văn Quang ở Vùng 4, vì anh của y là Thiệu đang ngồi ở trên ghế vàng Dinh Độc lập.

Hoàng Đức Ninh giỏi đánh hơi thời cuộc. Làm Tỉnh trưởng Bạc Liêu đến năm 1973, Ninh xin Thiệu cho về làm Tư lịnh Đặc khu 44 gồm 3 tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh. Thiệu lúc ấy thăng chức cho cậu em lên hàm Chuẩn tướng (người ta đồn vợ của Ninh là Helen, lai đầm khá đẹp từng là bồ nhí của Nguyễn Văn Thiệu). Ở Đặc khu 44 thành tích của Hoàng Đức Ninh là cho các tay em bán nhiều xe súng đạn cho dân buôn lậu biên giới, để họ tiếp tế cho Việt cộng. Ninh cũng vơ vét tiền đút lót của các tay trùm buôn lậu biên giới Việt Nam – Campuchia. Thời kỳ này Ninh thường sử dụng máy bay trực thăng của Đặc khu 44 lên Sài Gòn ăn chơi. Mối tình lâm ly của Chuẩn tướng Ninh với cô đào hát cải lương nổi tiếng, cả Sài Gòn ai cũng biết. Vì mê tiền và quyền lực của Ninh mà cô đào dễ thương phải phụ rẫy hậu vệ Tam Lang của Đội tuyển Sài Gòn. Chuẩn tướng Ninh có nhiều tiền đã đạt được tất cả những gì anh ta muốn. Đầu năm 1974, đánh hơi trước được thời cuộc, Ninh xin Thiệu đi làm Tuỳ viên Quân sự tại Bonn (Tây Đức).

Hoàng Đức Ninh, anh của Hoàng Đức Nhã, có nhiều nợ máu, nợ tiền với nhân dân Vùng 4. Thời anh ta làm Tỉnh trưởng Bạc Liêu, dựa vào thế lực của Ninh, nhiều sĩ quan cấp dưới phạm nhiều tội ác tày trời với nhân dân vùng xôi đậu. Điển hình Thiếu tá địa phương quân Nguyễn Văn Sỹ, gốc là trung uý Phòng Nhì Tiểu khu Bạc Liêu, khi vào Phước Long làm quận trưởng Sỹ đã sát hại nhiều thường dân vô tội. Vào ruồng bố ở xã Vĩnh Hưng, một xã xôi đậu hạng nặng, Sỹ cho bắt đàn bà con gái ở truồng như nhộng đi ngoài đường biểu diễn. Sỹ còn bắt các ông sư lấy gióng gánh khiêng các phụ nữ trần truồng đi khắp xã, như khiêng heo. Cùng một thành tích và cùng một đòn ngón như Nguyễn Văn Sỹ cũng vào thời đó, dưới quyền Hoàng Đức Ninh, còn có Thiếu tá Mã Thành Nghĩa, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Địa phương quân 414. Thành tích của Nghĩa mỗi lần trước khi hành quân, cho lính được nhậu say bí tỉ, vào xã Vĩnh Hưng, xã Phước Long, tha hồ hãm hiếp đàn bà con gái.

Ngày 30 tháng 4-1975, biết thế nào cũng phải đền tội, Thiếu tá Mã Thành Nghĩa đã tự sát bằng súng Rulô. Còn Nguyễn Văn Sỹ có quá nhiều nợ máu, UBND Cách Mạng quận Phước Long đã lập Toà án, đem Sỹ xử bắn. Kết thúc cuộc đời gian ác của hai thanh niên hễ uống rượu vào là muốn thấy máu của đồng bào.

Đại đội trưởng Đại đội heo, Thiếu tá Sỹ quận trưởng Phước Long, Thiếu tá Nghĩa tiểu đoàn trưởng 411, là những đàn em điển hình sự tàn ác của Hoàng Đức Ninh. Chúng đã dám tàn ác, do có Ninh che chở. Lịch sử của dân Bạc Liêu có thể quên nhiều thứ, nhưng dân Phước Long, Thạnh Trị không thể nào quên chuyện của Ninh và đàn em tàn ác vào một thời kỳ hỗn mang, coi mạng người rẻ hơn mạng cầm thú, nhân danh chiến tranh.

Giai thoại về Hoàng Đức Ninh giống như một cuốn tiểu thuyết ly kỳ, rùng rợn. Chỉ nhắc lại một vài sự vụ để nói rằng lịch sử có thể tha thứ nhiều điều, lòng thù hận có thể nguôi đi theo thời gian, nhưng những con cháu sinh ra sau 1975 cần được biết về những nỗi thống khổ mà cha ông chú bác của họ đã phải trải qua trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập. Chiến tuyến có thể xóa mờ nhưng tội ác ngàn đời vẫn phải ghi chép là tội ác. Tội ác không phải tràn lan. Tội ác giống như dòng nước bẩn đổ xuống thung lũng ma quái. Ánh sáng văn minh phải có thời gian mới soi rọi, xua tan những hắc khí của một thời ma quỷ lộng hành.

Nghe nói Tướng Nguyễn Cao Kỳ đang vận động xin sớm trở về Việt Nam, kể cả gặp Ngô Công Đức tại Hoa kỳ, nhờ ông Đức vận động. Thực tế, Nguyễn Cao Kỳ đã được chính phủ ở Hà Nội cho phép về Việt Nam trong dịp tết năm 2004. Người ta không thể quên Tướng Kỳ năm 1965 đã đích thân lái máy bay dội bom miền Bắc cùng chuyến với Phạm Phú Quốc. Phạm Phú Quốc tử nạn vì máy bay bị bắn rơi. Còn Tướng Kỳ an toàn trở về. Ông ta chỉ làm màn trình diễn một lần. Khoảng cuối tháng 4-1975, trước cảnh di tản ồ ạt của dân, kể cả sĩ quan, tướng lãnh VNCH, Nguyễn Cao Kỳ đã từng tuyên bố một câu với đài BBC: “Tôi còn cái quần đùi cũng ở lại Việt Nam đánh nhau với cộng sản”. Kỳ cũng đã từng xin gặp Đại tướng Dương Văn Minh đề xuất hợp tác với Tướng Minh một giải pháp quân sự. Cũng đừng quên rằng dưới thời Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ Tướng, đã có một Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Cảnh sát Quốc gia, ngông nghênh gấp mấy lần Chuẩn tướng Hoàng Đức Ninh. Người ta không thể nào quên tấm ảnh trên báo Newsweek. Nguyễn Ngọc Loan kề súng lục ngay vào màng tang một người tù Việt cộng và bóp cò. Đó là một tấm ảnh thuộc vào loại hy hữu của thế kỷ thứ 20, làm cả thế giới chấn động. Nguyễn Ngọc Loan không thể là một Loan ngông nghênh (điên điên, luôn luôn mặc áo nhà binh cụt tay, bỏ ra ngoài, chân đi dép cao su Thái) nếu không có Nguyễn Cao Kỳ. Hoàng Đức Ninh không thể là Ninh tàn ác, vô đạo nếu không có ông anh Nguyễn Văn Thiệu.

Nguyễn Ngọc Loan đã chết tại Mỹ khoảng cuối năm 2001, trước đó ông ta là chủ một nhà hàng ăn ở bang Virginia. Ông ta bị các chủ nhà hàng ăn khác trong tiểu Bang Virginia phản đối không cho tham gia vào nghịêp đoàn các chủ nhà hàng ăn uống vì tội “sát nhân”. Nguyễn Ngọc Loan đã vận động ký giả chụp bức ảnh “giết người” của ông ta, để ký giả này lên tiếng, “tôi chỉ chụp ảnh ông ta vì lý do nghề nghiệp, tôi không kết tội ông ta giết người, vì lúc đó là thời chiến tranh, bắn chết một người cộng sản, ông ta chỉ làm nhiệm vụ của một người lính. Cũng như tôi, tôi chụp ảnh ông ta, là tôi làm nhiệm vụ của một nhà báo. Tôi không có ý kiến khắt khe buộc tội ông ta”. Mặc dù được lời bào chữa của tác giả chụp bức ảnh, Nguyễn Ngọc Loan cũng không thuyết phục được giới chủ nhà hàng ăn bên Mỹ. (Tưởng cũng nên nhắc lại trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, Nguyễn Ngọc Loan lúc chỉ huy trận đánh trong Chợ Lớn, đã từng bị quân giải phóng bắn què giò).

Nay mai Hoàng Đức Ninh, Hoàng Đức Nhã có thể lại nhờ người vận động xin được về nước, giống như Nguyễn Cao Kỳ đã từng làm (ông ta đã được về ). Lịch sử có còn là lịch sử hay không?

Đức Chúa có thể tha thứ mọi điều, kể cả đối với Luxiphe.

Nhưng một số dân Bạc Liêu, Cà Mau khó quên và khó tha thứ những vết bẩn đầy máu của thời kỳ Hoàng Đức Ninh.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay