Niềm Rực Rỡ, Niềm Đau, Lòng Tin Kính

Niềm Rực Rỡ, Niềm Đau, Lòng Tin Kính

Tác giả: Cecilia Phạm thị Mỹ Phụng

Khi xếp hàng ra xe bus tại phi trường Prague, tôi đã có cơ hội lượt mắt nhìn quanh để quan sát người dân của thành phố đã từng có thời vàng son trong nền văn minh trung cổ và phục hưng.  Chưa tìm thấy gì khác biệt nơi dòng người qua lại, tôi quay lại với tiếng nói của Cha Thụ về phân chia nhóm, dựa trên những chiếc thẻ treo vào hành lý mà Cha đã làm cho từng người.  Đoàn hành hương chúng tôi là 88 giáo dân, 1 nữ tu và 1 linh mục trưởng đoàn, được chia ra 2 nhóm để đi vào 2 chiếc xe bus lớn.  Khi phái đoàn đã đứng ra làm 2 nhóm rõ rệt, tôi mới thấy có 4 người hướng dẫn viên du lịch nói chuyện cách trân trọng với Cha Thụ.  Thật ấm áp khi nhìn thấy những người Kytô hữu ở xứ lạ có cung cách kính trọng linh mục Việt Nam.  Mọi người trong đoàn đều có vẻ mệt vì đã có hơn 10 giờ trên 2 chuyến bay.  Tuy vậy, lá thư trong sách chương trình mà Cha Thụ đã soạn, và phát ra cho từng người đọc, sau khi đã ký gửi hành lý ở Houston, làm ai cũng có dòng tư tưởng riêng.  Tôi suy nghĩ đến chương trình của Cha Thụ và đã tự hỏi tại sao lại bắt đầu ở Prague, thủ đô nước Tiệp Khắc?  Rồi mới đến nơi sinh trưởng của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, thánh Faustina, đến Budapest, thủ đô của xứ Hung Gia Lợi.  Ba quốc gia này có bề dày lịch sử như nhau hay sao?  Đến Roma để được dự buổi yết kiến Đức Thánh Cha Phanxico vào ngày lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, là niềm vinh hạnh và hân hoan của mọi người trong đoàn, nên chắc chắn ai cũng không thắc mắc gì.  Thêm nữa, được đặt chân đến kinh thành tràn đầy di tích của các thánh cách đây trên ngàn năm, cho đến các thánh của thế kỷ 20, là mơ ước của mọi người trong phái đoàn.

Đi bộ trên 2 chiếc cầu cũ xưa, mang màu đen của bụi bám, có mang tên chiếc cầu Charles và chiếc cầu Prague dẫn du khách vào phố xưa và phố tân thời, tôi bất chợt cảm thấy mình như được bay cao lên giữa 2 màu thời gian.  Được biết Kytô giáo đã vào nước Tiệp Khắc này từ năm 900.  Quốc gia Ba Lan và Hung Gia Lợi cũng có bề dày thời gian của lịch sử Kytô giáo như vậy.  Như thế đã có biết bao câu chuyện đã xảy ra trong không gian này, dưới dòng sông Vlata, và trên hai chiếc cầu vẫn còn nguyên vẹn các pho tượng cao hơn 2 thước của những nhân vật lịch sử, kể cả các đường nét tỉ mỉ trên những gương mặt uy nghiêm và suy tư.  Phái đoàn chúng tôi say sưa nghe Cha Thụ thông dịch về câu chuyện của 1 vị linh mục vì đã giữ kín tội của 1 nữ hoàng đã xưng, nên đã bị vua giết chết.  Sau đó ít lâu, dân trong thành phố rất kính phục nên đã cải táng vị linh mục đó để đem vể nhà thờ St. Vitus và đã thấy cái lưỡi của vị linh mục này vẫn còn nguyên trong thân xác đang tan rã.  Tôi nhận thức được rằng luật của Giáo Hội trong tòa giải tội, thật đã được Thiên Chúa toàn năng bảo vệ.

Các lâu đài nguy nga với lối kiến trúc của thời trung cổ và phục hưng cách thời nay hơn 600 năm vẫn còn sắc sảo tuyệt đẹp.  Chắc chắn, những thế hệ sau của các vị vua lỗi lạc trong xứ này, đã có nhiều người hiểu tường tận về nghệ thuật Gothic và Byzantine theo như cô hướng dẫn viên người Czech đã kể.  Họ đã giữ gìn thật đáng khen di sản phong phú của tổ tiên họ.  Tôi đã ngắm nhìn và tưởng tượng đươc thời huy hoàng của các vị vua và hoàng hậu Tiệp Khắc, đã từng cai trị 3 lãnh thổ, qua các tranh vẻ trên gỗ thật sống động.   Tiệp Khắc, Ba Lan, và Hung Gia Lợi đã có nhiều trăm năm bình yên sống bên nhau dưới quyền cai trị của những vị vua anh minh hay độc tài.

Sau khi đi viếng toà lâu đài Prague lớn nhất Châu Âu từ thế kỷ thứ 9, phái đoàn hành hương đi đến nhà thờ Đức Mẹ Khải Hoàn có tượng Chúa Giêsu Hài Đồng thật xinh tươi, làm mọi người trong đoàn đều chiêm ngưỡng tận tình.  Cho dù mang nghệ thuật của nhiều màu sắc kết cấu trong trang phục, khác với nghệ thuật nhẹ nhàng ở Châu Âu, tiếng tăm của Đức Mẹ và Chúa Giêsu trong thánh đường này, cũng đã thu hút Đức Thánh Cha Danh Dự Biển Đức XVI đến viếng, sau vài năm nhậm chức Giáo Hoàng.  Tôi dường như đã nhận ra được ý của Cha Thụ khi đưa phái đoàn đặt chân đến đây trước, vì để cho chúng tôi cảm giác được lịch sử rực rỡ của vùng trung âu.   Nền văn minh lâu dài ở nơi đây, cách nào đó đã ảnh hưởng đến khí chất của thánh Gioan Phaolo II.

Đến thành phố Wadowice của xứ Ba Lan bằng xe bus, đoàn 90 người hành hương này ai cũng có suy tư riêng vì đoạn đường trường 7 giờ lái xe.  Lidia và Isabella là 2 hướng dẫn viên du lịch người Ba Lan thật là đáng mến.  Hai cô gái này đã toát lên 1 sức sống vừa năng động, vừa đạo đức, vừa trí thức, và vừa dí dỏm làm ai cũng đầy hiếu kỳ trong những buổi ăn trưa và tối mà các cô đã dẫn đến.  Thật là sang trọng và đầy nét đặc biệt của dân tộc Ba Lan.  Trong khi trong đoàn hành hương gần một nửa là trên 55 tuổi, sự mệt mỏi tỏ lộ ra nhanh nhưng cũng mau chóng đượm được nét sinh động như những hướng dẫn viên du lịch này.

Đến viếng nơi sinh trưởng của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II là nơi làm trái tim tôi đập mạnh theo từng lời kể của 1 nữ tu làm việc trong giáo họ Wadowice.  Cô tu sĩ này cũng trông coi luôn ngôi nhà mà thân phụ và thân mẫu của thánh Giáo Hoàng đã thuê cách đây hơn 80 năm, bây giờ là viện bảo tàng.  Người Ba Lan xem đây là Đất Thánh Giêrusalem của họ.  Cha Thụ đã thông dịch câu này trong âm sắc của lòng ngưỡng mộ.  Tôi như đang ngồi trong căn nhà của thánh Gioan Phaolo II, chứng kiến buổi cơm gia đình đầm ấm, giờ đọc kinh chung trang nghiêm, giờ cầu nguyện riêng của thân phụ thánh Gioan Phaolo II, và nếp sống ngăn nắp giản dị.   Gia đình này đã luôn bên nhau trong sinh hoạt thường nhật, nên khi chị, Mẹ, và anh, của thánh Giáo Hoàng qua đời, ngài đã thật là buồn, và thường tìm đến Đức Mẹ để đọc kinh Mân Côi với lòng sốt mến khi còn ở tuổi thiếu niên.  Thật khó có đủ lời để diễn tả cảm xúc của chúng tôi, vì ai cũng rất là yên lặng đi bên nhau để lắng nghe Cha Thụ thông dịch rất rõ ràng bên tai.

Đến quảng trường của Lâu Đài Hoàng Gia ở Krakow có từ thế kỷ 16, tôi nghe được mùi vị thanh thản nên thơ trong gió, đến từng hàng cây, tường lá được trồng rất nghệ thuật, và trên những chiếc ghế đá dưới trời mưa phùn.  Chắc thánh Gioan Phaolo II cũng đã từng đến đây đọc sách vì rất gần với trường đại học cổ kính, có từ thế kỷ 14, mà ngài đã theo học.   Hang Mỏ Muối cũng làm phái đoàn chúng tôi hiếu kỳ lắm, vì đã có in dấu chân của thánh Giáo Hoàng vào đệ nhị thế chiến.  Hơn 300 nấc thang đã xây vào năm 1978,  cho du khách đi xuống và đi vào Mỏ Muối lớn nhất Châu Âu, có từ năm 700.  Những người lớn tuổi trong đoàn đã được xử dụng thang máy, cấu trúc rất lạ, để đi xuống.  Phái đoàn của chúng tôi đã được chụp chung 1 tấm hình kỷ niệm trong ngôi nhà nguyện của Mỏ Muối.  Tấm lòng kính mến thánh Giáo Hoàng khi còn sinh tiền của những người thợ trong Mỏ Muối đã được biểu lộ xuất thần, qua những hình khắc trên vách Muối về những câu chuyện trong Kinh Thánh.  Những tác phẩm Muối điêu khắc này thật sắc sảo dù đã hơn 40 năm.  Tôi không có đủ ngôn ngữ để tả hết lời ca khen tài năng không chuyên của 3 ngườI thợ này.

Đi viếng trại tập trung Auschwitz 1, thật là niềm đau không thể nào quên! Tội ác của Đức Quốc xã làm cho người Ba Lan thời nay cũng còn giữ khoảng cách với họ.  Dù đã gia nhập khối Liên Âu, nhưng Ba Lan vẫn không xử dụng tiền Euro chung với khối này, vì có người Đức.  Đoàn hành hương chúng tôi xếp hàng đi vào tận ngỏ ngách của lò sát nhân như là 75 năm trước hàng trăm ngàn người Do Thái và Ba Lan đã xếp hàng đi vào.  Thật nhiều hành trang chồng chất lên nhau đã được gom lại trong vài phòng kiến lớn.  Tên tuổi của họ vẫn còn rõ ràng để đọc, kể cả các đồ vật của trẻ sơ sinh.  Họ là những người Chúa đã cho sự sống, họ sinh hoạt và làm việc bình thường, và đã bị bức tử cách khoa học và man rợ bởi Đức quốc xã.   Tôi nghe lời thông dịch của Cha Thụ về cuộc đời bị bức bách của họ mà không ngăn được nước mắt tuôn trào.  Sau khi ra khỏi trại tập trung Auschwitz đoàn người trong xe bus số 2 đã lần chuỗi Kính Lòng Thương Xót Chúa cho các linh hồn trong đó đã ra đi 75 năm trước, hầu để trấn an tâm hồn của chúng tôi đang tức tưởi dùm cho họ.  Chúng tôi cũng đã cầu nguyện cho cả những kẻ thi hành bản án ghê rợn đó.

Từ sau chuyến hành hương Đất Thánh, tôi rất chú ý đến phép lành trong mỗi cuối thánh lễ, vì đời sống Kytô hữu của tôi lấy giờ khắc ấy làm hành trang và bước đi về phía trước.  Buổi Tiệc Thánh kết thúc, tôi trở về đời thường nhật, từng chút một, tôi xin Thiên Chúa Ba Ngôi cho tôi biết suy xét từng bước đã làm tôi vấp ngã.  Đặc biệt trong thánh lễ tại tu viện Jasna Gora, của các Cha Dòng Thánh Phaolo, có ảnh Đức Mẹ Đen mang vết gươm cắt trên mặt khiến ai trong phái đoàn đều rất cảm xúc.  Được nghe kể rằng Đức Mẹ đã gìn giữ nước Ba Lan này trong phong ba bão táp từ thế kỷ 14.  Nhất là thánh Gioan Phaolo II đã yêu mến cách đặc biệt Đức Mẹ Đen.  Phép lành cho chúng tôi sau thánh lễ trong ngôi nhà nguyện này thật cần thiết, vì chúng tôi không kèm chế được tư tưởng hạ bệ người Đức.  Chúng tôi thật đã mang cảm giác đau lòng xót xa sau vài giờ nghe kể về Auschwitz 2 [Birkanau] nơi đã bỏ đói các phụ nữ và trẻ em vào những năm 1942-1944.

Tôi trân trọng và ghi khắc thánh lễ Chúa Nhật 26 thường niên trong ngôi thánh đường Lòng Chúa Thương Xót ở Ba Lan.   Vì các bài sách thánh thật thích hợp với tâm tình hành hương của chúng tôi, và vì không gian bàn thờ thật thánh thiện, đơn sơ, sốt sắng và trang nghiêm.  Cha Thụ đã tráng chén xong mà Cha vẫn còn ở trong phút ngây ngất của Mình Máu Thánh Chúa đang ngự trong lòng.  Tâm tình này đã theo tôi đến Roma và còn lưu lại đến phút này khi viết đến đây.  Quang cảnh yết kiến Đức Thánh Cha Phanxico và bài giảng ngắn của ngài về thơ của Thánh Phaolo gởi tín hữu Corinto, làm tôi suy tư nhiều về ơn gọi khác nhau của nhiều người mà tôi đã quen biết.  Theo thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tôi được thêm can đảm sống bổn phận thường nhật của mình trong lòng Giáo Hội. Thêm nữa, Phép lành Toà Thánh mà Cha Thụ đã xin cho từng người trong đoàn, thật là món quà bất ngờ vô giá!  Chúng tôi đã không biết nói thế nào đối với tấm lòng chu đáo và rộng rãi của Cha.

Tất cả 90 người đã về nhà bình yên, sau khi đi qua 5 quốc gia, Tiệp Khắc, Ba Lan, Slovakia, Hung Gia Lợi và Roma.  Tôi thầm thán phục khí chất bình tĩnh của Cha Thụ.  Chúng tôi có 89 tư tưởng đôi khi đồng phát biểu, Cha vẫn có cách làm cho trật tự.  Chúng tôi có 89 đôi chân thỉnh thoảng bước đi xa đoàn,  Cha vẫn có cách thấy và gọi chúng tôi về nhanh.  Chúng tôi có 89 tâm tình diễn tả khác nhau, Cha vẫn có cách làm chúng tôi cùng nhìn một hướng.  Chúng tối có 89 vấn đề, Cha vẫn có cách nghe và tìm cách giúp đỡ.  Chúng tôi có 3 trục trặc ngoài ý muốn ở phi trường.  Cha cũng nhẹ nhàng giải quyết làm tôi thấy chuyện nào cũng bị nhỏ lại, khi đến tay của Cha.  Tạ ơn Chúa đã ban cho Cha 1 nhóm người giúp đỡ rất đắc lực.  Đi theo nhóm nhỏ mà Cha đã phân chia là thượng sách để khỏi bị lạc, nhất là khi đi bộ trên thành phố người, cũng như khi di chuyễn qua nhiều chuyến bay, và xe bus.

Sau 10 ngày sống hành hương vùng Trung Âu, chúng tôi đã ăn và uống theo những người dân địa phương, chắc chắn không thoải mái như tại nhà mình.  Nhưng thật là thú vị!  Tôi đã gần như hoàn toàn bị cuốn theo chuyện kể của họ, nếm thữ thực phẩm theo nền văn hoá rực rỡ lâu đời của họ.  Đáng giá nhất là tôi đã đi viếng những nơi mà thánh nữ Faustina, thánh Maximilian Kolbe, thánh Gioan XXIII, và thánh Gioan Phaolo II đã từng cư ngụ và nên thánh.  Niềm đau của các vị thánh này chúng tôi cũng đã được nghe Cha Thụ thông dịch, khi đi viếng những vùng đất đã từng in những dấu chân thánh thiện.  Lòng Tin Kính vào Giáo Hội tại thế càng thêm củng cố, vì Hội Thánh này luôn dựa vào Chúa Giêsu Thánh Thể và Chúa Thánh Thần, “Vị khách kín đáo” của từng Kytô hữu.

Cecilia Phạm thị Mỹ Phụng

Giáo xứ St. Francis de Sales, Houston, Texas

Ngày 7 tháng 10 năm 2014

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay