Một xã hội sặc mùi kim tiền

Một xã hội sặc mùi kim tiền

Song Chi.

RFA

Câu chuyện thứ nhất là về việc thương xá Tax, một trung tâm thương mại sầm uất và lâu đời nhất của VN, được người Pháp xây dựng vào năm 1880 đến nay đã 134 năm tuổi, sắp bị phá bỏ đế xây dựng Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn cao 40 tầng.

Thông tin này khiến nhiều người Việt trong và ngoài nước gắn bó với Sài Gòn, cảm thấy nuối tiếc. Bởi thương xá Tax không chỉ là nơi để mua sắm, từ lâu, nó đã trở thành một hình ảnh thân thuộc của Sài Gòn, cùng với những công trình kiến trúc xưa khác ở khu vực trung tâm như chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Nhà hát Thành phố (trước kia là Hạ nghị Viện của chế độ Việt Nam Cộng hòa), Trụ sở Ủy Ban Nhân dân TP.HCM (trước kia là Tòa Đô Chính)…

Trong những năm qua, những người yêu Sài Gòn đã phải chứng kiến một phần linh hồn của Sài Gòn xưa dần dần mât đi như vậy.

Theo bài báo “Sài Gòn xưa cần được bảo tồn và phát triển” trên tờ Kinh tế Sài Gòn:

“Tại hội thảo “Bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vững” do Viện Nguyên cứu phát triển TPHCM tổ chức, TS. Fanny Quertamp Nguyễn, Giám đốc Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị (PADDI – một dự án hợp tác cấp địa phương giữa Vùng Rhône – Alpes và TPHCM) cho biết, từ năm 1993-2013, trong khu trung tâm TPHCM có đến 207 công trình xây dựng có giá trị di sản bị phá bỏ hoặc biến dạng”.

Một trong những người lên tiếng trước việc thương xá Tax bị đập bỏ, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng viết trong bài “Một Sài Gòn đang trở nên xa lạ” (báo Pháp luật TP.HCM):

“…Còn các công trình kiến trúc công cộng tiêu biểu, như là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Tây và nét trang trí châu Á của tòa nhà Bưu điện thành phố, phong cách kiến trúc Roman cải biên pha trộn với nét phong cách kiến trúc Gotich của Nhà thờ Đức Bà, cùng các công trình kiến trúc đặc sắc khác như Trụ sở UBND thành phố, Nhà hát thành phố, Khách sạn Continental,… đã và đang bị “đè bẹp” bởi vô số cao ốc như khối nhà Diamond Plaza, ba tòa tháp Kumho…

…Theo thống kê, hiện có khoảng 180 cao ốc đã và đang mọc lên ở khu trung tâm Sài Gòn. Hàng loạt dự án cũng đang tiếp tục triển khai như dự án SJC Tower (diện tích 4.000 m2, cao 58 tầng, chiếm bốn mặt đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực). Dự án Sài Gòn Center giai đoạn 2 cũng vừa được chủ đầu tư làm lễ khởi công. Không lâu nữa, gần ngôi chợ Bến Thành đậm chất Sài Gòn xưa sẽ mọc lên cao ốc 45 tầng với 200 căn hộ cùng khu chức năng văn phòng, thương mại.

Chưa hết, góc đường Lê Lợi – Huỳnh Thúc Kháng cũng đang được rào lại để xây một khách sạn to đùng. Rồi BV Sài Gòn cũng được hoán chuyển thành khách sạn năm sao 400 phòng cùng với một khu văn phòng rộng 30.000 m2…

…Đôi khi tôi tự hỏi khu đô thị Thủ Thiêm cứ ì ạch thực hiện đã hơn 10 năm nay nhưng sao ở đó người ta không sớm xây dựng cao ốc, quảng trường, khu phức hợp? Tại sao không dời trung tâm hành chính về đó để tạo động lực thúc đẩy phố đông Sài Gòn, nhất là khi cầu, hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây, đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, sân bay Long Thành đang dần được hình thành? Một phố đông hiện đại, ngăn nắp và một phố tây cổ kính, hoài niệm sẽ cùng phát triển và là một sự bổ sung hoàn hảo cho nhau. Vậy mà…”

Những cá nhân, ban ngành chịu trách nhiệm quản lý, lãnh đạo thành phố này luôn luôn có cách biện minh cho việc phá bỏ những công trình kiến trúc cổ rằng do nhu cầu phát triển, Sài Gòn cần phải hiện đại hóa, người dân phải biết chấp nhận hy sinh v.v….Nhưng câu hỏi đặt ra là trước khi đặt bút ký đồng ý phá bỏ cái cũ, xây cái mới, người ta đã thật tính toán hết mọi phương án khác chưa.

Vâng, tại sao không xây dựng những công trình mới tại Thủ Thiêm hay tại quận 7 nơi có khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, tại sao cứ phải dồn cục vào khu quận 1, quận 3, phá những công trình cũ đi?

Hãy nhìn sang các thành phố xinh đẹp lâu đời của quốc gia khác, từ Paris, Rome, Athens, London, Warsaw… chính phủ các nước này luôn trân trọng và đặt yếu tố bảo vệ những công trình kiến trúc, những di sản văn hóa cổ xưa lên trên hết, và nếu có xây mới thì cũng phải hài hòa với cái cũ.

Câu chuyện thứ hai là dự án sách giáo khoa điện tử cho học sinh lớp 1-3 tại TP.HCM đang bị người dân phản ứng dữ dội.

Trước hết vì chuyện tốn kém-một cái máy tính bảng phụ huynh phải bỏ ra từ 3-5 triệu đồng để mua cho con em. Nhưng trên thực tế, theo các bài báo “Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ” (VTC News) và “Lộ máy tính bảng giáo dục AIC giá bèo” (Tuổi Trẻ), thật ra giá tiền của một máy tính bảng chỉ khoảng 900,000 đồng và nếu mua với số lượng lớn như vậy thì chỉ còn 500,000-700,000. Tuổi thọ của cái máy tối đa là 1 năm, chưa kể tiền thay pin, các em tuổi còn nhỏ, hiếu động, xài mau hư mau bể, nào tiền sửa chữa lúc máy bị hư, tiền mua máy mới… Với gia đình nghèo, đây lại thêm một khoản tiền không nhỏ phải lo.

Nếu lấy lý do để cho các em nhỏ khỏi phải mang vác bao nhiêu sách nặng hàng ngày, sao Bộ Giáo dục không nghiên cứu giảm tải chương trình, hoặc cùng lắm, xây thêm những cái tủ, kệ với từng ngăn dành cho từng học sinh để các em có thể để sách tại trường, tại lớp, khóa lại, chỉ cuốn nào cần phải học cho ngày mai mới mang về nhà?

Điều quan trọng hơn, việc cho trẻ nhỏ xử dụng máy vi tính quá nhiều giờ trong ngày có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, mắt bị cận thị, rồi ai bảo đảm các em không dùng máy để chơi game? Và còn vô số cái hại khác mà những nhà chuyên môn cũng đã chỉ ra trong những ngày qua.

Ngay cả những quốc gia giàu có, phát triển trên thế giới cũng vẫn sử dụng sách giáo khoa cho trẻ em và không hề khuyến khích dùng sách giáo khoa điện tử, nếu thật sự ích lợi hơn sao họ không làm?

Và cuối cùng là thông tin gần 10,000 lao động Trung Quốc sắp đến Vũng Áng, Hà Tĩnh để đáp ứng nhu cầu công việc của công ty gang thép Formosa.

Việc lao động Trung Quốc tràn ngập ở VN không còn là chuyện mới mẻ gì từ lâu nay. Ai cũng biết, Trung Quốc thắng thầu rất nhiều công trình ở VN, và cứ mỗi công trình được thi công thì nhà thầu Trung Quốc lại đưa người Trung Quốc sang, trong số đó không chỉ những người có chuyên môn, các kỹ sư mà cả lao động phổ thông cũng rất nhiều.

Một nghịch lý là kỹ sư, thạc sĩ, cử nhân VN bị thất nghiệp đầy rẫy. Theo báo Thanh Niên thì “162.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là con số được Bộ LĐ-TB-XH, Tổng cục Thống kê và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đưa ra trong bản tin thị trường lao động số 2.2014 vào sáng 1.7.” (“Để không còn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp”). Và từ nhiều năm qua, người VN phải bôn ba đi lao động xuất khẩu, làm thuê khắp thế giới!

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều tin tức, câu chuyện trái tai gai mắt xảy ra ở VN trong những ngày gần đây. Thoạt nhìn tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau, thuộc những những đề tài, lĩnh vực khác xa nhau. Nhưng chúng lại vẫn có những điểm chung.

Thứ nhất, hầu hết các quyết định từ phía các cơ quan, bộ máy nhà nước VN hiện nay đều xuất phát từ một chữ Tiền. Vì tiền, vì cái lợi trước mắt, người ta sẵn sàng xóa sổ một công trình kiến trúc xưa, sẵn sàng đưa ra một dự án phi nhân tính đối với trẻ con-thế hệ tương lai của đất nước, sẵn sàng chấp nhận cho người nước ngoài vào giành công ăn việc làm của hàng ngàn, hàng vạn lao động Việt.

Mỗi một chữ ký, một cái gật đầu thông qua như vậy là Tiền với rất nhiều con số 0 phía sau!

Thứ hai, hầu hết các quyết định đều không hề vì dân vì nước. Mà đâu phải chỉ những chuyện “lặt vặt, cỏn con” như vài cái công trình kiến trúc cổ hay sách giáo khoa điện tử cho trẻ em? Cả những quyết định to đùng gây thua thiệt, rủi ro và nguy hiểm cho đất nước, dân tộc về kinh tế, môi trường, sinh thái, an ninh quốc phòng như cho phép khai thác bauxite ở Tây Nguyên, hay cho thuê hàng trăm ngàn hecta rừng đầu nguồn tại các tỉnh biên giới phía Bắc, lớn hơn nữa là những thỏa thuận ký kết song phương, bí mật giữa hai đảng, hai nhà nước cộng sản Việt-Trung v.v… họ còn làm được kia mà.

Và cuối cùng, trong một quốc gia khi người dân không hề được hỏi ý kiến trước mọi quyết định dù nhỏ dù lớn của nhà nước, khi không có các đảng phái đối lập, những tổ chức dân sự, tòa án, báo chí độc lập để lên tiếng ngăn chặn mọi chủ trương, chính sách sai trái từ địa phương đến trung ương, cũng là để kìm hãm, chia sẻ bớt quyền lực của nhà nước đó thì những việc làm sặc mùi tiền, mùi “lợi ích nhóm”, gây thiệt hại nặng nề cho dân cho nước, đã, đang và sẽ tiếp tục ngang nhiên diễn ra. Để rồi người dân chỉ có thể nuối tiếc, than thở, hoặc phẫn nộ đứng nhìn mà thôi.

Bởi, đất nước này không phải của 90 triệu con dân Việt, đất nước này chỉ là của riêng của đảng và nhà nước cộng sản!

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay