Họp ASEAN căng thẳng vì tranh chấp Biển Ðông
August 08, 2014
NAY PYI TAW (NV) – Cuộc họp cấp ngoại trưởng của ASEAN và các đối tác khu vực sẽ căng thẳng vì tranh chấp Biển Ðông, hậu quả của tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.
Tại thủ đô Nay Pyi Taw của Miến Ðiện, mười nước ASEAN họp riêng trong ngày 8 tháng 8, 2014, rồi sau đó họp chung với các đối tác gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Nam Hàn, Nga, Hoa Kỳ và Liên Âu trong Diễn Ðàn khu vực Ðông Nam Á ( ASEAN Regional Forum) gọi tắt là ARF diễn ra hàng năm.
![]() Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh (phải) của Việt Nam tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Miến Ðiện hôm 8 tháng 8, 2014. (Hình: Getty Images) |
Dự trù trong các cuộc họp này, Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ sẽ hô hào giảm đối đầu hay gây căng thẳng ở các khu vực tranh chấp trên Biển Ðông. Ðể đạt được mục đích, cần phải dừng ngay các hoạt động xây dựng từ xây cơ sở dinh thự, bến tàu, hay quy mô hơn, hút cát làm đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang làm.
Một bên là những nước tranh chấp như Việt Nam, Philippines, Malaysia với sự ủng hộ của các đối tác, đặc biệt là Hoa Kỳ, một bên là Trung Quốc với sự theo đuôi của Cambodia và một hai nước khác sợ mất lợi lộc kinh tế từ Bắc Kinh. Ðề tài được chú trọng đặc biệt ở kỳ họp này là thúc đẩy giảm căng thảng Biển Ðông, vì thế, sẽ trở thành đề tài nóng giữa những quan điểm đối chọi, theo giới phân tích thời sự quốc tế.
Những hành động ngang ngược gần đây của Bắc Kinh như mang giàn khoan khổng lồ tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Hoàng Sa, hút cát xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa, và mới một ngày trước, báo chí Bắc Kinh loan tin nước này sắp xây dựng hải đăng tại 5 đảo và bãi đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa.
“Hoa Kỳ đang vận động các nước tham dự ARF tuân thủ luật lệ quốc tế để giữ cho tình hình ở Biển Ðông được yên bình.” Ông Carl Thayer, chuyên viên về Việt Nam và Á Châu của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc đưa nhận xét với thông tấn AFP. “Họ ủng hộ việc dừng lại các hoạt động khiêu khích.”
Tuy nhiên, theo ông Bắc Kinh nhiều phần sẽ giữ lập trường cứng rắn, chống lại sự can dự của Hoa Kỳ.
Phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel nói với báo chí ở Hoa Thịnh Ðốn hôm Thứ Năm trước khi Ngoại Trưởng John Kerry tới thủ đô Miến Ðiện rằng trong khi chính sách đối với khu vực Ðông Á của Hoa Kỳ là “không đối địch hay kềm chế Trung Quốc,” các cuộc thảo luận sẽ thẳng thắn nhằm giảm căng thẳng.
Giới phân tích thời sự tin rằng Trung Quốc sẽ bác bỏ các lời kêu gọi dừng các hoạt động xây dựng trên Biển Ðông và cũng chống chế rằng các hoạt động đó không phải là khiêu khích. Bắc Kinh vẫn lập luận là họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với gần hết khu vực Biển Ðông dù họ chỉ năm ở hướng bắc, bao gồm tất cả các bãi đá ngầm, nhóm đảo nhỏ gần với các nước khác hơn.
Mối quan hệ gihữa hai nước cộng sản láng giềng Việt Nam và Trung Quốc chùng xuống hẳn sau nhiều năm khăng khít vì Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ HD981 tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam mò tìm dầu khí, phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Hành động ngang ngược của Bắc Kinh đã tạo ra cuộc đối đầu ngày đêm từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 vừa qua giữa hai nước.
Rất nhiều chuyên gia quốc tế cũng như không ít người ở Việt Nam tin rằng việc Bắc Kinh rút giàn khoan HD981 không phải là mọi chuyện trở lại bình thường mà chỉ là rút lui chiến thuật của Trung Quốc trước phản ứng bất lợi của dự luận quốc tế và phản ứng của Việt Nam.
Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế và chế độ Hà Nội cũng đã bắn tiếng chuẩn bị tài liệu để kiện nhưng đến nay, người ta vẫn không thấy gì xảy ra từ phía Việt Nam.
Cuối tháng trước, hơn 60 đảng viên đảng CSVN, phần lớn đều là những người có nhiều tuổi đảng và từng nắm nhiều chức vụ quan trọng ký tên chung trong một bức thư kêu gọi nhà nước kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhưng không thấy nhà cầm quyền ra một tín hiệu gì. (TN)