An Phong – Ngọn Gió Lành

An Phong – Ngọn Gió Lành

Chuacuuthe.com

image001

VRNs (02.08.2014) – Khi đặt thanh gươm hiệp sĩ của mình dưới bàn thờ “Đức Bà chuộc kẻ làm tôi”, Thánh An Phong đã quyết định con đường dấn thân của mình theo một khúc quanh mới, thuộc về Chúa hoàn toàn để thuộc về người nghèo, người bị bỏ rơi hơn cả.

Từ giã pháp đình, An Phong cũng từ giã giấc mơ đấu tranh giành lấy công bằng cho người nghèo bằng con đường luật pháp. Bỏ thanh gươm, An Phong từ chối can thiệp vào xã hội bằng quyền lực. Nhận lấy chiếc áo Giáo Sĩ, An Phong chọn con đường Tin Mừng.

Chẳng phải khi trở thành Linh Mục hoặc khi thiết lập DCCT vào năm 1732 thì An Phong mới có cảm thức về người nghèo, về sự áp bức và về sự công bằng, nhưng ngay khi còn đang đeo đuổi con đường luật học, An Phong đã đưa ra những quyết tâm thuộc về người nghèo, thuộc về công lý và công bằng. Quyết tâm không cãi trắng ra đen, chọn lựa người nghèo mà bênh vực, đó là những quyết tâm của luật sư An Phong nơi pháp đình của vương quốc Napoli.

“Hỡi thế gian, ta đã biết mi”, trên đường rời bỏ pháp đình, An Phong kinh nghiệm được sự giới hạn của con người. Luật pháp có công minh cách mấy cũng không đủ sức thắng sự dữ. Cái mỉa mai là luật pháp được biên soạn và ban hành bởi những kẻ cầm quyền thì làm sao lại có thể đứng về phía người nghèo, người bị áp bức được ? An Phong chọn Tin Mừng là “bộ luật” được biên soạn và ban hành bởi người nghèo cùng cực. An Phong nhận ra Thiên Chúa hóa thân nơi người nghèo, nên “bộ luật” này là bộ luật của người nghèo, người đau khổ, người hèn mọn. “Điều gì các ngươi làm cho người bé mọn nhất đó là làm cho chính Ta” ( Mt 25 ).

Chọn người nghèo, người bị bỏ rơi hơn cả, An Phong dấn thân thuộc trọn vẹn về người nghèo, đồng thân đồng phận với người nghèo, hòa mình sống kiếp nghèo. Bỏ giới thượng lưu, An Phong bỏ phong cách quý tộc, chọn lấy nếp sống giản dị, lối cư xử đơn sơ, mộc mạc. Cấm anh em mình ăn nói hoa mỹ, cấm anh em mình đem kiến thức lòe bịp thiên hạ, An Phong chia sẻ với anh em cách ăn nói bình dị, chữ nghĩa bình dị, “hãy nói sao cho người bình dân hiểu”. ( Ảnh chụp Đền kính Thánh An Phong tại đường Merulana ở Roma, ngay bên cạnh là Nhà Dòng Mẹ ).

image003

Bỏ pháp đình, An Phong không hề bỏ kiến thức luật học, nhưng chọn Tin Mừng, An Phong phả hồn Tin Mừng vào luật học, viết ra bộ Thần Học Luân Lý. An Phong sử dụng kiến thúc luật học của mình để đứng về phía người nghèo, người bị áp bức. Thời ấy, luật đạo luật đời gần như một, lắm mối liên kết chằng chịt đạo đời rối ren mật thiết. Không chấp nhận quan niệm mục vụ khắt khe cầm buộc, An Phong lên tiếng nói cho người nghèo, người bị bỏ rơi, những hối nhân đáng thương hại, tiếng nói mạnh mẽ không chỉ ngoài xã hội nhưng còn ngay giữa lòng Nhà Thờ. An Phong trả lại trách nhiệm cho lương tâm, cho tình thương, cho sự tha thứ.

An Phong trăn trở và kiên trì cho đến trọn đời, kinh nghiệm nỗi cô đơn trên con đường phục vụ người nghèo, người bị bỏ rơi, An Phong đã cam kết đi đến cùng cho dù chỉ còn một mình. Nỗi cô đơn ấy đã đeo bám An Phong cho đến hết cuộc đời, và An Phong cũng trung tín với lời cam kết cho đến hết hơi thở cuối cùng.

Có rất nhiều luồng gió thổi đến làm rung chuyển thời cuộc, biến hóa nhân sinh, thay cũ đổi mới. An Phong vẫn làm gió, nhưng khi chọn Tin Mừng, ngọn gió của An Phong là gió lành, ngọn gió lành không phá hủy, không tiêu diệt, không tàn phá, nhưng xây dựng, làm mát lòng người, làm phát sinh sự sống và làm cho sự sống thêm dồi dào.

Con cái An Phong có là ngọn gió lành không ?

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

Lễ Thánh An Phong 2014

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay