Khi cái sai trở thành điều bình thường trong xã hội-Đặng Đình Mạnh

Ba’o Nguoi -Viet

July 17, 2025

*Chuyện Vỉa Hè
*Đặng Đình Mạnh

Trong một xã hội lành mạnh, đạo đức và pháp luật là hai trụ cột duy trì kỷ cương và phẩm giá con người. Thế nhưng tại Việt Nam, quá trình tha hóa về chính trị đã không chỉ làm mục ruỗng hệ thống công quyền, mà còn kéo theo sự đảo lộn chuẩn mực đạo đức xã hội.

Những gì từng bị coi là hành vi sai trái, vi phạm luật pháp hoặc không đáng được khen ngợi, nay lại trở thành “điều bình thường”, thậm chí được tán dương, ca ngợi. Đó không chỉ là sự xuống cấp của hệ giá trị đạo đức, mà còn là minh chứng rõ ràng cho một xã hội đang đánh mất khả năng định nghĩa, phân định đúng sai.

Vụ án tài phiệt Trịnh Văn Quyết thổi phồng trị giá chứng khoán rồi rút tiền, có sự toa rập của nhiều quan chức nhà nước, xử phúc thẩm ở Hà Nội ngày 26 Tháng Sáu 2025. Quyết nộp thêm tiền “khắc phục hậu quả” nên án giảm từ 21 năm tù xuống còn có 7 năm. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Cho thấy, sự tha hóa về chính trị đang kéo theo sự tha hóa về chuẩn mực đạo đức xã hội, đến mức độ, chúng tạo ra những chuẩn mực mới mà người trong cuộc không còn nhận ra bản thân những chuẩn mực mới đang là sự vi phạm chuẩn mực đạo đức.

Khi cái sai được bình thường hóa

Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của sự đảo chiều chuẩn mực là cách xã hội tiếp nhận các hành vi tham nhũng, vi phạm đạo đức của quan chức, như: Chúng ta không hiếm gặp những lời nhận xét kiểu như: “Ông ấy ăn “dữ” lắm, nhưng làm được việc”, hoặc ,“Quan này tham, nhưng làm cho dân đỡ khổ thì cũng được”.

Tư duy này phản ánh sự thất vọng và bất lực của người dân trước một hệ thống chính trị không có khả năng tự thanh lọc. Nó cho phép kẻ cầm quyền thoát khỏi trách nhiệm đạo đức cơ bản: Là không được ăn cắp tài sản công, cũng như không được tham nhũng.

Khi một xã hội chấp nhận tình trạng quan chức “có làm được việc, thì tham ô, tham nhũng cũng được”, vô hình trung, người dân không chỉ đang tự xóa bỏ ranh giới đạo đức, thứ đáng ra phải là kim chỉ nam cho mọi hành xử của quan chức, mà còn nguy hiểm hơn khi đang thừa nhận một thứ chuẩn mực mới về đánh giá đạo đức quan chức.

Khi những điều bình thường được tán dương

Chuẩn mực đạo đức xã hội đang bị biến tướng đáng kể, là việc tán dương những hành vi vốn dĩ là trách nhiệm cơ bản hoặc chuẩn đạo đức tối thiểu của người dân có giáo dục, sống trong một xã hội văn minh, như: Trên truyền thông chính thống, người dân “nhặt được của rơi trả lại người mất” được đưa lên như một tấm gương, được khen thưởng, tặng giấy khen, thậm chí vinh danh như một “người hùng”.

Không chỉ trong các xã hội văn minh như Singapore, Nhật Bản, hay Đức… mà ngay cả xã hội miền Nam trước năm 1975 cũng vậy, hành vi trả lại của rơi là chuyện đương nhiên – đến mức không ai nghĩ đến chuyện khen thưởng.

Cũng vậy, công an phá được một vụ án, điều vốn là chức năng, nhiệm vụ cơ bản của họ cũng được tổ chức tuyên dương, phát bằng khen từ cấp xã đến cấp tỉnh. Sự tuyên dương vô lối này không chỉ phản ánh một sự lạm dụng hình thức mà còn bóp méo kỳ vọng của xã hội: Thay vì đặt ra yêu cầu cao hơn về hiệu quả và liêm chính, xã hội lại chỉ đang hài lòng với những việc làm đúng bổn phận chức nghiệp.

Hãy nhìn sang các quốc gia lân bang như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan… nơi cảnh sát không cần được khen thưởng rầm rộ vì phá án, nhưng họ luôn luôn chịu trách nhiệm đến cùng nếu có sai sót.

Khi “đừng làm gì cả” cũng được xem là… có công

Một trong những biểu hiện chua chát nhất của sự mất chuẩn là câu nói nửa đùa, nửa thật trong dân gian: “Lãnh đạo không cần làm gì cả, chỉ ngồi yên lãnh lương đã là phúc đức vô lượng cho dân”. Đây không chỉ là một lời than thở mà còn là biểu hiện của sự bất an: Người dân thà chấp nhận quan chức “ngồi yên lãnh lương” còn hơn để họ đề ra chính sách khiến dân khốn khổ hơn.

Thực tế cho thấy, không ít chính sách do các cấp lãnh đạo ban hành đã gây ra hậu quả nặng nề. Ví dụ như chính sách “giải cứu nông sản” tồn tại triền miên vì quy hoạch sai lầm, hay quy định “giấy đi đường” trong thời kỳ giãn cách COVID-19 khiến hàng triệu người dân lâm vào cảnh khốn đốn. Khi người dân phải cầu mong quan chức “đừng nghĩ gì, đừng làm gì” thì đó chính là lời tố cáo mạnh mẽ nhất về chất lượng đội ngũ lãnh đạo hiện nay trong hệ thống chính trị.

Trong khi đó, ở các quốc gia có nền dân chủ vững mạnh trên thế giới, công chúng luôn kỳ vọng lãnh đạo phải chủ động đưa ra chính sách hiệu quả, và nếu thất bại, sai lầm… họ phải từ chức hoặc bị luận tội. Chuẩn mực đạo đức của lãnh đạo không chỉ là tránh làm sai, mà còn là chủ động làm đúng, làm tốt.

Khi quan chức “ngồi xổm” trên luật pháp

Câu nói để đời của ông Nguyễn Hòa Bình, khi đương chức Chánh án Tòa án Tối cao: “bị kỷ luật hết thì lấy đâu ra người làm việc” đã không chỉ thể hiện sự bao che mà còn đặt ra một nghịch lý trong thực thi công lý: Vì lo thiếu người làm việc mà không xử lý cho kẻ sai! Chính vì sự nương nhẹ này mà ngày càng nhiều quan chức vi phạm pháp luật, rồi chỉ bị “kiểm điểm sâu sắc”, “rút kinh nghiệm nghiêm túc” hoặc cao lắm là “cảnh cáo”, “cách chức” – thay vì phải vị bị truy tố hình sự.

Trong một xã hội pháp trị đúng nghĩa, như ở Đài Loan hay Hàn Quốc, những trường hợp sai phạm như vậy không thể dễ dàng thoát tội. Công chúng vẫn chưa quên ví dụ điển hình là cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, người từng bị tuyên án 24 năm tù vì tham nhũng và lạm quyền. Tại Singapore, chỉ cần sử dụng sai tài sản công – dù chỉ là vài đô-la – quan chức cũng có thể bị buộc từ chức hoặc ngồi tù. Đó mới là chuẩn mực của một nền công quyền liêm chính.

Khi “quan” và “dân” không còn bình đẳng trước pháp luật

Điều trớ trêu cuối cùng nằm ở sự phân biệt “quan” và “dân”, như sau: “Cán bộ sai thì chịu trách nhiệm trước dân, còn dân sai thì chịu trách nhiệm trước pháp luật” (Phát biểu của ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ”. Tư duy này là một hình thức ngụy biện có hệ thống, nhằm né tránh truy cứu trách nhiệm về phương diện pháp luật đối với cán bộ. Thay vì thượng tôn pháp luật, hệ thống chính trị lại tạo ra hai hệ tiêu chuẩn: Một nghiêm khắc đối với dân và một xuê xoa, nương nhẹ đối với quan.

Bà đại úy Hải quân CSVN Nguyễn Thị Yến nhận bằng khen thưởng ở Nha Trang ngày 24 Tháng Bảy 2025 vì đã trả lại ví tiền có số tiền gần 80 triệu đồng nhặt được của du khách ngoại quốc. (Hình: Tuổi Trẻ)

Điều này hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc căn bản mà Hiến pháp Việt Nam và nhiều quốc gia văn minh khác trên thế giới từng công nhận: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Vì lẽ, chính sự bình đẳng ấy mới là nền tảng của một nền cộng hòa và tạo dựng nên niềm tin xã hội. Không thể có đạo đức xã hội nếu luật pháp bị chính những người nắm quyền chà đạp.

Tóm lại, sự biến tướng về các chuẩn mực đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay không chỉ là hậu quả của tha hóa quyền lực chính trị, mà còn là hệ quả của một xã hội đang đánh mất khả năng định nghĩa, phân biệt điều gì là đúng, điều gì là sai. Khi điều xấu được chấp nhận trở thành bình thường, điều bình thường lại được xem như là phi thường, được tán dương, thì xã hội đó đang bước vào trạng thái “hỗn loạn đạo đức”.

Muốn phục hồi lại các chuẩn mực đạo đức xã hội, trước hết cần tái lập lại hệ chuẩn mực, như: Quan chức phải trong sạch, người dân tử tế là bình thường chứ không phải thành tích, công an làm đúng chức trách không phải là người hùng. Và trên hết, luật pháp phải được thực thi công minh, bình đẳng.

Tất cả những điều đó đều đặt để vai trò rất lớn của chế độ trong việc phục hồi lại các chuẩn mực đạo đức xã hội. Thế nhưng, trong hoàn cảnh hiện nay, với sự cai trị độc tài của chế độ Cộng Sản Việt Nam thì hoàn toàn bất khả thi, Vì chính họ, với sự tha hóa quyền lực chính trị đã là tác nhân dẫn đến sự suy đồi, biến tướng các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Hoa Thịnh Đốn, ngày 16 Tháng Bảy 2025
Đặng Đình Mạnh


 

Được xem 5 lần, bởi 5 Bạn Đọc trong ngày hôm nay