NGƯỜI THÂN CẬN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy!”.

“Chúa Kitô không đi ngang qua cuộc khổ đau của con người – Ngài bước vào đó. Như người Samaritanô, Ngài không hỏi quá khứ, không tính toán hậu quả – chỉ biết cúi xuống và mang lấy!” – Adrienne von Speyr.

Kính thưa Anh Chị em,

Theo Đức Phanxicô, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là cuốn Phúc Âm rút gọn; qua đó, hai giới răn trọng nhất được Chúa Giêsu nêu bật – đặc biệt, giới răn thứ hai, Ngài trả lời câu hỏi của một người thông luật, “Ai là người thân cận của tôi?”. Thật bất ngờ, chính Ngài, ‘người thân cận!’. 

Người bị nạn là hình ảnh của Ađam, biểu tượng cho một nhân loại sa ngã; các Thầy Tư tế và Lêvi, biểu tượng của Lề Luật vốn không thể cứu chuộc. Nhưng người Samaritanô – Đấng mà thế gian coi thường – chính là Chúa Kitô; Ngài băng bó vết thương người bị nạn bằng dầu và rượu – biểu tượng của lòng thương xót và hy sinh! Do đó, chính Chúa Kitô đã hành động như một ‘người thân cận’ với nhân loại, với mỗi người chúng ta; chúng ta yêu mến Ngài “hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn” là điều phải lẽ.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, Chúa Giêsu còn nói, “Hãy đi và làm như vậy!”. Đây là một sứ mệnh dành cho nhân loại sa ngã, trong đó, có chúng ta – nay đã được chữa lành khỏi tội lỗi – là ra đi đến với người khác để hành động như Ngài, nghĩa là mang ân sủng chữa lành đã lãnh nhận và quảng đại trao tặng nó cho người khác. “Chúng ta không thể là ‘người thân cận’ thật sự nếu chưa một lần là kẻ bị bỏ rơi mà Chúa Giêsu đã cúi xuống. Tình yêu thương thật sự bắt đầu từ lòng biết ơn – và đến lượt mình – biến lòng biết ơn này thành hành động cúi xuống như Ngài!” – Henri Nouwen.

Mặc dù tình yêu thường đi kèm với những cảm xúc và một số tình cảm nhất định, nhưng tình yêu còn nhiều hơn thế. Nó là một hành động! Nếu người Samaritanô chỉ nhìn nạn nhân, cảm thấy thương hại, động lòng trắc ẩn nhưng rồi bỏ đi, ông đã không thể hiện tình yêu. Tình yêu là một hành động vốn rất đòi hỏi. Nếu muốn thực hiện điều răn đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta không thể chờ đợi cho đến khi cảm thấy muốn yêu thương rồi mới hành động. Thay vào đó, phải hành động ngay bây giờ và không do dự. “Tình yêu không sống trong ý định, nhưng trong quyết định. Nó buộc ta hành động ngay khi bất tiện nhất – như người Samaritanô giữa đường vắng!” – Romano Guardini.

Anh Chị em,

“Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy!”. Hôm nay, hãy suy ngẫm về bản chất thực sự của tình yêu ở dạng cao cả nhất – chọn làm điều tốt nhất cho người khác – giúp họ thoát khỏi tội lỗi và bạn trở thành ‘người thân cận’ – công cụ quan phòng của Chúa – trong cuộc sống của tất cả những ai cần trợ giúp. Đó là sự tham gia vào tình yêu Thiên Chúa đã thể hiện với chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô; nói cách khác, chúng ta được kêu gọi cống hiến bản thân cho cùng một hình thức tình yêu vị tha hy sinh này; và như thế, được chia sẻ vinh quang trong cuộc sống vĩnh cửu với Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con đến với người khác như một người đạo đức, nhưng như một người đi đường – sẵn sàng dừng lại trước một linh hồn thương tích!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

*************************************

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN, NĂM C

Ai là người thân cận của tôi ?

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.         Lc 10,25-37

25 Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 26 Người đáp : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?” 27 Ông ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29 Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” 30 Đức Giê-su đáp : “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” 37 Người thông luật trả lời :“Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay