TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Chúa nhật thứ bốn Mùa Chay là điểm giữa của hành trình Mùa Chay, Phụng vụ khích lệ chúng ta: nếu có trải qua những khổ chế hy sinh của Mùa Chay, là vì chúng ta đang hướng về nhà mình, về với Cha, Đấng nhân hậu hằng yêu thương và chờ đợi chúng ta trở về. Quả thực, hành trình Mùa Chay là hành trình trở về, dù phải trải qua hy sinh, nhưng luôn đong đầy niềm vui và hy vọng. Cũng vì lẽ đó mà luật Phụng vụ cho phép các linh mục có thể mặc lễ phục màu hồng trong Chúa nhật này, vì màu hồng biểu thị cho niềm vui và hy vọng. Lễ phục màu hồng như dấu hiệu của niềm vui đi kèm với lời hứa về lễ Phục sinh. Truyền thống cũng gọi Chúa nhật thứ bốn Mùa Chay là Chúa nhật “Laetare,” tiếng La-tinh có nghĩa là “vui mừng.”
Niềm vui trở về trước hết được diễn tả trong Bài đọc I trích sách Giô-suê. Dân Do Thái sau bốn mươi năm lang thang trong sa mạc, nay đã trở về Ca-na-an, mảnh đất mà Thiên Chúa đã hứa cho các Tổ phụ. Gọi là “trở về” vì đây chính là nơi ông Áp-ra-ham và vợ mình là bà Sa-ra đã sống và an nghỉ. Trở về với Ca-na-an, người Do Thái về đất tổ của mình. Chính Thiên Chúa ban cho họ đất này. Họ không còn ăn những sản phẩm nhàm chán trong cuộc lữ hành, nhưng bắt đầu làm nhà định cư và được hưởng những thổ sản của địa phương. Niềm vui của Dân Chúa thật tràn trề khi họ trở về đất hứa.
Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca là một trong những tuyệt tác văn chương của Kinh Thánh. Dụ ngôn ấy vừa nói về lòng nhân hậu bao dung của người cha, vừa nêu bật niềm vui hân hoan của người con đã có thời đi hoang. Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” mang ý nghĩa đặc biệt trong Năm Thánh Hy Vọng 2025 này. Từng chi tiết của câu chuyện có thể tìm thấy trong hoàn cảnh cuộc đời của mỗi cá nhân chúng ta. Nói cách khác, mỗi người chúng ta có thể nhận thấy chính mình trong câu chuyện này.
Có thể chúng ta là người con thứ đã có thời lầm lỗi, nay cảm nhận được hậu quả của tội lỗi cũng như sự sa vắng tình thương, nên trỗi dậy để quyết tâm trở về với cha mình. Câu nói của người con thứ: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha, và thưa với người rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha….” Phạm tội trước hết là đắc tội với Trời, với Thiên Chúa. Vì Ngài là Đấng dựng nên chúng ta, đồng thời dạy chúng ta sống tốt lành. Phạm tội cũng là đắc tội với những người thân và anh chị em đồng loại, vì tội như một thứ bệnh truyền nhiễm, gây ảnh hưởng tiêu cực nơi môi trường sống và tác hại đến những người xung quanh. Câu tự nhủ của người con thứ nói lên tình liên đới của con người do những hành động tốt hoặc xấu của một thành viên trong gia đình và xã hội.
Có thể chúng ta là người con cả. Quanh năm ngày tháng anh vẫn ở với cha mình. Anh được coi là người hiếu thảo, tận tâm chăm lo giúp đỡ cha trong lúc tuổi già. Nhưng nếu anh hiếu thảo với cha, thì lại ghen tương và cố chấp đối với đứa em ruột thịt của mình. Khi người em trở về, ai cũng vui mừng phấn khởi thì anh lại buồn. Có thể anh buồn vì người em đã làm cho gia đình khốn khổ, đó là cái buồn do sự cố chấp. Cũng có thể anh buồn vì người em trở về sẽ đòi chia gia tài, đó là nỗi buồn do tham lam. Dù vì lý do nào, người cha cũng không chấp nhận. Ông luôn yêu thương cả hai đứa, đứa vẫn chăm sóc ông bấy lâu nay cũng như đứa bỏ nhà ra đi rồi đến lúc phá sản, vì đơn giản ông là NGƯỜI CHA.
Nhân vật chính của dụ ngôn là NGƯỜI CHA. Ông là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Giê-su kể dụ ngôn này sau khi những người Pha-ri-siêu và kinh sư xầm xì bàn tán vì thấy những người thu thuế và tội lỗi đến với Chúa và được Người đón tiếp. Đối lại, Chúa Giê-su giảng một chuỗi ba dụ ngôn, gồm dụ ngôn con chiên bị mất; dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất; và dụ ngôn người cha nhân hậu. Thiên Chúa là Cha của những người Pha-ri-siêu, của những người kinh sư và cũng là Cha của những người thu thuế và người tội lỗi. Người không nỡ bỏ một ai, như lời ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Ta sẽ không nhớ lại mọi tội ác nó (kẻ gian ác) đã phạm: nó sẽ sống nhờ việc công chính mà nó đã thực hành! Chúa là Thiên Chúa phán: Có phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?” (Ed 18,22-23).
Khi cảm nhận được lòng nhân hậu bao dung của Thiên Chúa, chúng ta hãy trỗi dậy và vững tâm trở về, dù tội lỗi đến đâu. Thánh Phao-lô khuyên chúng ta: “Ai ở trong Đức Ki-tô, đều là tụ tạo mới!” Nếu chúng ta tự tin và can đảm trở về với Chúa, là vì chúng ta vừa xác tín vào lòng nhân hậu của Ngài, vừa cậy nhờ vào Đức Giê-su, vì “trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Ngài” (Bài đọc II).
Thiên Chúa là Cha, đang giang rộng cánh tay đón chờ các con cái trở về. Xin cho chúng ta được hưởng niềm vui của sự trở về, để nhờ đó chúng ta được vững tin và phó thác, tiếp tục bước đi trong hành trình hy vọng.
TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
From: Langthangchieutim