“ÔNG TRỜI” Việt Nam

Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo

Đoạn V: “ÔNG TRỜI” Việt Nam

                                                                                                      dunglac.org

tác giả:  Cao Phương Kỷ, Lm

Linh Mục Cao Phương Kỷ, bút hiệu Ðường Thi Trương Kỷ, đã từng dạy môn Triết học và Thần học tại Việt Nam. Sau năm 1975, đã dạy môn Triết học Á Ðông , môn Tôn giáo Ðối chiếu (comparative Religions) và Văn Hóa Việt nam, tại St. Joseph’s  College, Mountain View, California. Linh Mục cũng đã phục vụ  các Cộng Ðồng tại Hawaii, và San José, nên hiểu biết những nhu cầu thiết yếu của dân Việt định cư ở Hoa Kỳ.

Gần đây, L.M đã xuất bản cuốn: “Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo”, để giúp các tín đồ tìm hiểu các giáo thuyết của nhau, hầu tránh sự hiểu lầm, xuyên tạc, chia rẽ ; LM cũng cho in cuốn sách về văn hóa Việt Nam, bằng Anh ngữ, để các bạn trẻ nhận biết và quí mến “danh lam thắng cảnh, của ngon vật lạ, cây cỏ, sông núi…” của Việt Nam. Tựa đề cuốn sách là:” The Bas-Reliefs of the Dynastic URNS of HUE” (Những Hình Chạm Nổi Trên CỬU ÐỈNH ở HUẾ).

 Chương 7 – Đoạn 5

Theo truyền thống cố hữu của dân tộc Việt nam thì niềm Tin vào Một Đấng “Bề Trên” đã được biểu lộ trong lễ nghi tế tự, ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, văn thơ..đặc biệt trong lời kêu cứu cầu xin chân thành đặt hết ước vọng của cuộc đời vào sự quan phòng của Một “Ông Trời”, tuy cao sang vô cùng, nhưng cũng rất gần gũi, thân thiết, luôn lắng nghe loài người cầu khẩn, than van:

       “Lạy Trời mưa xuống” …

           “Ông Trời có mắt!”

           “Trời ơi!”

 Đấng Cao Cả đó không phải là một nguyên lý hay một ý tưởng mông lung mơ hồ, huyền hoặc, trừu tượng, nhưng “giống như” (tương tự) như một con người có thể cảm thông những nỗi vui mầng, sầu khổ của đời sống. Đấng ấy không phải là vòm trời xanh, không phải là biển khơi, sông núi hùng vĩ..không phải là một vị thần thánh tầm thường, nhưng Siêu phàm, vượt trên muôn sự muôn loài và đáng tôn kính bằng danh xưng “ÔNG TRỜI”. Danh từ “ÔNG” biểu thị một ngôi vị, hữu ngã, một bản vị biệt lập, siêu việt hơn trời xanh, và làm CHỦ (CHÚA) của vũ trụ càn khôn

Từ khi còn sinh sống như một bộ lạc cho đến lúc thành lập được một qui chế quốc gia, trải qua bao thăng trầm của lịch sử khai quốc, dựng nước, người dân Việt luôn biểu lộ lòng khao khát TÂM LINH, hướng về Đấng Tối Cao mà họ gọi là “ÔNG TRỜI”. Do đó, cho đến ngày nay, mọi người Việt Nam, dầu sinh sống ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, dầu theo bất cứ tôn giáo nào, hay chịu ảnh hưởng của học thuyết ngoại lai nào, cũng đều công nhận một chân lý, một sự thực hiển nhiên này là: Đạo Thờ Trời, và Đạo Hiếu là niềm Tin cố hữu của mọi người Việt Nam. Một câu hỏi thường đặt ra, đặc biệt đối với người ngoại quốc muốn tìm hiểu  tình hình tôn giáo ở Việt Nam: “Người Việt nam theo Đạo nào”? Có thể trả lời mà không sợ sai lầm rằng: Hầu hết dân chúng Việt Nam đều tin có Ông Trời, và thờ kính Tổ Tiên.” Nguyên tắc và tỉ lệ này vẫn đúng, ngay khi áp dụng vào tình hình  “Phật giáo ở Việt nam”.  Theo truyền thống của Phật học từ Ấn Độ truyền bá qua Việt nam, trực tiếp hay qua ngả Trung Hoa, rất khó mà quả quyết được Đức Phật  có dạy các tín đồ phải tin vào Vị Chủ Tể vũ trụ hay không? Như lịch sử, kinh sách cho biết, về vấn đề này, Ngài thường giữ thái độ im lặng, không trả lời. Nhưng khi Phật giáo được truyền vào nước ta thì dân chúng Việt nam đã có sẵn câu trả lời rõ ràng về vấn đề có hay không có “ÔNG TRỜI”. Tuy mến chuộng Đạo Từ Bi của Phật Tổ, nhưng là người Việt nam, họ không thể chối bỏ niềm Tin cố hữu vào Ông Trời được, cũng như không thể không cúng giỗ Tổ Tiên, Ông Bà khi đã qua đời, vì tin rằng: “chết là thể phách, còn là tinh anh”; dầu chết về phần xác, nhưng hồn thiêng của Ông Bà vẫn còn ở với con cháu, “sự tử như sự sinh”. Họ không thể hoàn toàn chấp nhận lý thuyết Luân Hồi (samsara) Nhân-Quả (karma) theo triết lý Ấn Độ, vì Luật Nhân-Quả là một Luật “lạnh lùng, vô hồn”, nhưng dân Việt luôn tin tưởng vào một Ông Trời đầy lòng thương xót. Họ cũng không thể tin rằng: sau khi chết, hồn thiêng của Ông Bà lại phải “luân hồi”đầu thai làm nhiều kiếp khác nhau, có khi “làm thân trâu ngựa”. Ông Bà đã ra người thiên cổ thì cũng vẫn tồn hữu để phù hộ con cháu. Theo luật Nhân-Quả, công việc của mỗi cá nhân làm, sẽ tạo cho chính mình một cái nghiệp (karma), và chỉ có chính mình mới có thể đổi cái nghiệp của mình mà thôi, không thể nhờ ai giúp được, kể cả việc cầu xin Đức Phật cứu vớt cũng là vô ích. Nhưng dân chúng Việt nam đã sửa đổi lại quan niệm Nhân-Quả, bằng Đạo Hiếu, tức là tình liên đới bền vững giữa ông bà cha mẹ và con cháu, ở đời này, cũng như ở bên kia thế giới. Do đó, mới có câu: “Phúc Đức tại mẫu”, hay câu:” Đời cha ăn mặn, đời con khát nước! hay “Quít làm cam chịu”! Bởi thế, dầu có vẻ trái ngược với giáo thuyết của Phật giáo, trong thực tế đại đa số Phật tử Việt nam vẫn Thờ Trời, vẫn theo Đạo Ông Bà. Số người Việt nam hoàn toàn chỉ theo triết lý của Phật học mà thôi, không tin có “Trời”, “không tin hồn thiêng bất tử”, thì chỉ là thiểu số. Số người thường xuyên đi lễ Chùa,  thực hành Quy Y Tam Bảo, Ngũ giới, Bát Quan Trai Giới,  không phải đa số. Nhưng trong gia đình, đại đa số tín đồ vẫn  giữ Đạo Hiếu như cúng giỗ Ông Bà.   Cần phân tách tường tận như trên để tránh ngộ nhận, hiểu lầm. Vì nếu cho rằng: “người phật tử Việt nam” là”vô thần”, thì không đúng sự thật, vì họ cũng tin có “Ông Trời” như mọi người khác. Nhưng nếu cho rằng: “Đa số người Việt Nam theo Đạo Phật”, thì cũng nên nói cho rõ hơn: đó là “Phật giáo du nhập từ Ấn Độ”,  hay là Phật giáo đã được hội nhập với tín ngưỡng Đạo Thờ Trời, và đạo Hiếu ở Việt nam? Như đã phân tích ở trên, trên phương diện thực hành của “Phật giáo Việt Nam”thì “yếu tố” niềm tin vào Ông Trời và Đạo Hiếu đã rất mạnh và trổi vượt hơn lý thuyết về luân hồi, nghiệp báo của Phật học từ Ấn độ đem vào văn hóa Việt nam. Nói cách khác, Phật giáo Việt nam cũng tin ở “Ông Trời” và thờ cúng Ông Bà theo truyền thống dân Việt như  tín đồ của Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài Giáo. Bàn thờ “Thông Thiên”, hay “Thiên Nhãn”, biểu tượng của Niềm Tin vào “Đấng Linh Thiêng”. Theo Lão Giáo và theo Khổng giáo như các vị nho sĩ, giới cầm quyền, quan lại, vua chúa.., cũng tin tin tưởng ở Vị Thiên, ở Thiên Mệnh, ở Thượng Đế. Người theo Thiên Chúa Giáo hoàn toàn tin vào “Đức Chúa Trời” là Đấng Tạo Hóa. Do đó, đã rõ ràng, hầu hết dân chúng Việt Nam đều đặt niềm Tin vào Ông Trời: đó mới thật là Đạo chung cho cả dân tộc Việt nam. Chính niềm Tin chung này là mối giây liên kết của mọi phần tử trong cộng đồng dân tộc. Cần phải nhận định một cách sáng suốt như trên, với một mục đích duy nhất  cốt để các tôn giáo hiểu biết và tôn trọng giá trị của nhau, tạo nên sự yêu thương, tương thân tương ái, và đem lại an vui cho dân tộc. Nếu ai cũng hiểu biết sự thật về hiện trạng tôn giáo ở Việt Nam là: hầu hết đồng bào Việt nam, dầu theo tôn giáo nào, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, hay Thiên Chúa giáo, đều thờ Trời và giữ đạo Hiếu, vì đó là niềm tín ngưỡng căn bản và quan trọng nhất, thì không còn có vấn đề “quốc giáo” hay đặt ưu thế của một tôn giáo nào trên các tôn giáo khác, vì quyền lợi riêng, hoặc vì mưu đồ chính trị. Dân tộc Việt Nam lúc nào cũng cần sự đoàn kết của mọi giới đồng bào đồng hương cùng chia sẻ một niềm tin chung, “khoan dung, độ lượng”(tolerance) để tạo nên sức mạnh tinh thần hòa hợp xây dựng đất nước. Lịch sử thế giới, và Việt Nam cho thấy: các cuộc “thánh chiến” bao giờ cũng gây nên những cuộc tàn sát thảm khốc, ngay cả đối với những người ruột thịt cùng chung huyết thống, cùng một chủng tộc.

  Sau đây, ta có thể minh chứng “Đạo chung của dân tộc Việt nam” bằng những đề mục như:

1.  Ông Trời trong văn chương bình dân, tức Ca Dao, Tục Ngữ [197]

2.  Ông Trời trong văn chương bác học, trong thi phú

3.  Lễ Tế Nam Giao

4.  Các nhà truyền giáo nhận xét về niềm Tin chung của dân tộc Việt nam: đặc biệt Linh mục Đắc Lộ

 1.  ÔNG TRỜI TRONG CA DAO TỤC NGỮ

Theo các nhà nghiên cứu về tôn giáo, thì niềm Tin vào một Đấng Tạo Hóa là một niềm tin tự nhiên của con người có trí khôn, biết suy luận. Đứng trước vũ trụ bao la, bát ngát, đầy những huyền bí, mầu nhiệm, con người tự cảm thấy mình vô cùng bé nhỏ, hèn hạ, Hư Vô! Bởi vì mỗi người chúng ta có làm gì được đâu ? Đầu, mình, tứ chi, lục phủ ngũ tạng không phải chính chúng ta hay cha mẹ chúng ta tạo ra mà có! Nhìn lên trời xanh: các vì sao, các hành tinh…mà khoa thiên văn ngày nay khám phá ra những sự lạ lùng, ngoài trí tưởng tượng. Chung quanh ta: nào sông núi, biển khơi, nào cầm thú, thảo mộc…Tất cả đều ở ngoài ta, và ta không có một quyền lực gì trên chúng cả. Ta còn hay mất thì chúng vẫn tồn tại như thường. Một giây phút nào đó, ta muốn cho trái tim ta tiếp tục đập, nhưng nếu nó ngừng lại, thì ta cũng phải chịu vậy! Ngoài ra, trên trần gian này, con người phải chịu biết bao  đau khổ, tai uơng bất trắc. Có những đau khổ do tâm lý, do dục vọng lăng loàn của con người gây nghiệp báo cho mình, nhưng cũng có nhiều thiên tai như động đất, bão lụt, hạn hán..mà con người không gây ra nhưng cũng phải hứng chịu, vì nó nằm ở ngoài quyền năng của ta. Đứng trước những huyền bí của vũ trụ bao la đó, con người biết suy nghĩ đã đưa Tâm Linh hướng về một Đấng Tạo Hóa có quyền năng giải đáp mọi thắc mắc ưu tư của đời sống. Nguyên Lý Siêu Việt đó, là cội nguồn của vũ trụ và của con người, và đã được dân chúng Việt Nam tuyên xưng là: “ÔNG TRỜI”!

 a/ DANH XƯNG

Ngoài danh xưng phổ thông”Ông Trời”, dân chúng Việt Nam còn quen dùng nhiều danh xưng khác như: Tạo Hóa, hay Con Tạo để chỉ Ông Trời tạo dựng vũ tru; Hóa Công, Thợ Trời để sánh ví Ông Trời như một tay thợ tài giỏi vô cùng, một kỹ sư sáng tạo nên trời đất; và danh từ Hóa Nhi hay Trẻ Tạo. Ngoài ra, dân chúng cũng quen thuộc với các danh xưng như: Ngọc Hoàng, Hoàng Thiên, Thượng Đế, Thiên Chúa, Chúa Trời…

 b/ NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA ÔNG TRỜI

_ Qua cách xưng hô “Ông Trời”, ta nhận thấy: người bình dân nhìn lên vòm “trời” bao la, tô điểm bằng những vì sao, mặt trời, mặt trăng..do đó, “trời” là biểu tượng, hình ảnh của cái gì cao sang, tốt đẹp hơn hết mọi vật mọi loài trên mặt đất này. Đó chỉ là trời xanh, hay không trung xa tít mù mịt mà thôi! Vì là loài có trí khôn, tự nhiên con người đặt ra những câu hỏi như : Ai làm nên trời xanh lạ lùng như thế? Chắc hẳn, phải có một Vị làm Chủ đã tạo dựng nên nó. Do đó, con người hướng Tâm Linh lên một Quyền Lực Thiêng Liêng, làm Chủ Tể muôn loài. Vì thế, người bình dân đã xưng “Đấng ấy” là“ÔNG” nghĩa là một Đấng Hữu Ngã, Hữu Vị, Thượng Trí, Uy Quyền, đầy Tình Thương Xót, có thể lắng nghe những lời cầu kinh, và có thể ban ân giáng phước cho nhân loại:

 Lạy TRỜI mưa xuống

 Lấy nước tôi uống

 Lấy ruộng tôi cày

 Lấy bát cơm đầy

 Lấy khúc cá to

 -Lạy Trời! mưa thuận gió đều

  Cho đồng lúa tốt, cho chiều lòng em!

 _”Ông Trời” thật là Đấng Tạo hóa, là Vị Hóa Công tài tình tạo dựng muôn vật muôn loài. Ngài là Đấng Quan Phòng, điều khiển, bảo vệ và dưỡng nuôi cho nhân loại được tồn tại và vũ trụ vận chuyển điều hòa. Sự sống sự chết đều ở trong quyền phép của Trời; hôn nhân cũng do kế hoặch của Trời để cho nhân loại được tồn tại như câu:”có âm dương, có vợ chồng”; ngày /đêm, sáng /tối, loài cầm thú, thảo mộc có giống đực, giống cái, loài người có nam có nữ …tất cả đều do Ông Trời dựng nên:

 – Trời sinh, Trời dưỡng.

 -Trời sinh voi, Trời sinh cỏ.

 -Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.

 -Sinh hữu kỳ, tử vô hạn.

 -Bĩ cực, thái lai.

 -Trời sinh con mắt là gương,

   Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài.

 -Trông trăng mà thẹn với Trời,

   Soi gương mà thẹn với người trong gương.

 -Trên rừng có cây bông kiểng,

   Dưới biển có cá hóa long,

   Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,

   Anh đi Lục tỉnh giáp vòng,

   Tới đây Trời khiến cho lòng thương em!

 -Chữ nhân-duyên, thiên tải nhất thì,

  Giàu ăn, khó nhịn, chứ có lo gì mà lo!

 – “Ông Trời” rất công bằng, công minh chẳng thiên vị ai, thưởng kẻ lành phạt kẻ gian ác. Nhưng ý định và phán quyết của Trời rất cao siêu, loài người nhiều khi không hiểu thấu được. Người đời thường phán xét theo bề ngoài, nhưng Ông Trời “dò xét tâm can”. Vì thế, kẻ thiển cận, nông cạn, hay thiếu nghị lực, thiếu kiên nhẫn, đâm ra kêu trách, than vãn.

  – Trời có mắt.

 – Không có Trời ai ở với ai!

 – Trời quả báo, ăn cháo gẫy răng,

   Ăn cơm gẫy đũa, xỉa răng gẫy hàm.

 – Trời làm một trận lăng nhăng,

ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông.

 – Phí của Trời, mười đời chẳng có.

 – Biết sự Trời, mười đời chẳng khó.

 – Chê của nào, Trời trao của ấy.

 – Trời sao Trời ở chẳng cân,

    Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra!

 – Trời nào có phụ ai đâu?

    Hay làm thì giầu, có chí thì nên.

 -”Ông Trời”là Đấng thương xót vô cùng, vì Yêu Thương là bản tính của Ngài, nên Ngài đã dựng nên vũ trụ cho nhân loại hưởng dùng; Ngài hay tha thứ các lỗi lầm của con người yếu đuối. Đặc biệt, Ngài phù giúp những người thiện tâm, thiện chí và can đảm chiến đấu với những nghịch cảnh để xây dựng sự nghiệp, giúp nha, giúp nước:

 -Trời đánh còn tránh miếng ăn.

 -Làm trai quyết chí tu thân,

  Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo!

  Khi nên, Trời giúp công cho,

  Làm trai năm liệu, bảy lo mới hào.

  Trời sinh, Trời chẳng phụ nào,

  Phong vân gặp hội, anh hào ra tay.

  Trí khôn rắp để dạ này,

  Có công mài sắt, có ngày nên kim..

 2.  “ÔNG TRỜI” TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH

Niềm Tin Tự Nhiên vào Một Đấng Hóa Công, hay “Ông Trời” còn được ẩn tàng dưới hình thức câu truyện cổ tích, hay ngụ ngôn. Những câu truyện có vẻ ly kỳ, hoang đường.., nhưng thật ra chứa đựng những tư tưởng về lòng ái quốc, về nguồn gốc, triết lý nhân sinh, và tin ngưỡng của dân gian. Có những truyện cổ tích được truyền khẩu, từ xa xưa tới ngày nay, cốt để dạy một bài học về luân lý đạo đức, “ác giả ác báo” như truyện Tấm cám, hoặc về hôn nhân, tình nghĩa vợ chồng như truyện Trầu cau, v.v. Sau đây là truyện DƯA HẤU, xuất hiện từ đời Hùng Vương, đã nói lên lòng tín ngưỡng của dân tộc đối với Đấng Tạo Thành ra mỗi người, và luôn hộ phù nuôi dưỡng chúng ta, đúng như câu tục ngữ: “Trời sinh, Trời dưỡng”

 Vào đời vua Hùng Vương thứ 18, một cậu con trai 7 tuổi tên là Mai Yển, khôi ngô dĩnh ngộ, được nhà vua nhận làm con nuôi, và đổi tên là An Tiêm. Vì An Tiêm là một tài trai, có ý chí, cần cù làm việc, nên vua còn ban cho một tỳ thiếp để làm vợ, và sinh được một bé trai. Hai vợ chồng gây nên sự nghiệp lớn, được mọi người kính nể. Nhưng An Tiêm thường nói cho bạn bè biết:” Sự thành công của anh là nhờ Trời ban và công lao khó nhọc, tần tiện của vợ chồng anh, chứ anh chẳng cậy nhờ ai, không nhờ vả ơn vua ban lợi lộc”. Có kẻ nịnh thần tâu cho vua Hùng biết An Tiêm đã nói như thế, nên nhà vua nổi giận, bắt vợ chồng và đứa con trai đầy ra đảo Nga Sơn (Thanh Hóa), chỉ tiếp tế lương thực trong 4 tháng, rồi để mặc kệ cho chết đói!

 Nhưng dầu ở ngoài đảo hiu quạnh, An Tiêm vẫn an ủi vợ con, hãy can đảm lên và tin tưởng vào “Ông Trời”: “Trời sinh, Trời dưỡng”, “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”. Sống chết do Trời và cũng tại ta.

 Một hôm đi dạo trên đảo, An Tiêm thấy con bạch hạc nhả hột xuống đất, và một loại cây giây leo mọc lên, tàu lá xanh tươi, xum xuê lạ thường, lại có trái thơm ngon, lắm nước ngọt ngào và rất sai trái. An Tiêm bảo vợ con:” Không trồng mà được ăn, đó là Trời cho ta đấy”.

 Ít lâu sau, các thương gia người Tàu ghé qua đảo để đổi chác hàng hóa, thấy trái “tây qua” thơm ngon, rất nhiều nước ngọt để giải khát, nên vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon: “hẩu lớ!, hẩu lớ! (hảo = tốt lắm! tốt lắm!), nên về sau người ta gọi là trái DƯA “HẤU”. Tiếng đồn khắp nơi về trái dưa hấu thơm ngon ngọt đó, nên nhiều thương gia ghé lại mua, Vì thế, chẳng bao lâu, vợ chồng An Tiêm trở nên giầu có. Một hôm, nhà vua sai người đến đảo xem, vợ chồng và đứa con còn sống hay đã chết đói rồi, thì được bá cáo là An Tiêm làm ăn rất giầu có. Vua Hùng vương mới hiểu ra Ý Trời đã giúp An Tiêm, nên triệu về triều đình trả lại chức tước cho anh. Vua lại truyền cho trồng dưa hấu khắp nơi, và đổi hòn An Tiêm thành “An Tiêm Sa Châu”. Ngày nay, “Trời” cho ta thưởng thức trái dưa hấu thơm ngọt vào dịp Tết Đoan ngọ (tháng năm, ở miền Bắc) và vào dịp Tết Nguyên Đán ở miền Nam (đặc biệt dưa hấu cầu Đúc, bán tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ’ và dưa hấu ruột vàng, ở Chắc cà Nả, Sóc Trang) [198].

Qua câu truyện Quả Dưa Hấu, đã rõ ràng người xưa muốn dạy con cháu đời đời phải đội ơn Trời đã sinh ra và dưỡng nuôi ta. “Có Trời mà cũng có ta”. Mọi sự bởi Trời mà có: Trời ban cho ta hột giống, và mưa nắng..nhưng Trời cũng buộc ta phải làm việc như cầy cấy thì mới có của mà ăn: “tay làm, hàm nhai”

 3. “ÔNG TRỜI” TRONG VĂN CHƯƠNG BÁC HỌC

 Chữ “Văn chương Bác học” chỉ những bài thi phú, truyện..do giới sĩ phu sáng tác. Dĩ nhiên, các văn thi sĩ trí thức này cũng đã thấm nhuần truyền thống tín ngưỡng dân tộc, lại thêm kiến thức uyên bác về Khổng học, Lão học và Phật học, tức “Tam Giáo”, cũng gọi là “Tam Giáo đồng lưu”, hay “Tam Giáo đồng nguyên”. Về phương diện tín ngưỡng, qua các tác phẩm sáng tác, ngâm vịnh, ta có thể quả quyết: niềm Tin cổ truyền vào “Ông Trời” rất sâu xa và mãnh liệt, vì các sĩ phu đã hấp thụ được các quan niệm triết lý về Thiên Mệnh của Khổng giáo. Cũng như giới bình dân Việt nam, các văn thi sĩ không cho rằng vũ trụ nhân sinh được điều khiển bằng”Luật Nhân-Quả, Luân hồi”, nhưng do một Vị Chủ Tể càn khôn mà họ gọi là THIÊN, THIÊN MỆNH, THƯỢNG ĐẾ, hay NG ỌC HOÀNG…Ngoài ra, các vị hiền triết Việt nam cũng chủ trì Đạo Hiếu, vì là truyền thống của nòi giống Lạc Hồng, và cũng thích hợp với Tam Cương, Ngũ Thường.

 Thương khóc non sông với quốc dân,

Tài hèn không vớt được trầm luân.

Lòng này chưa hả thân đã chết,

Thẹn xuống Hoàng Tuyền gặp cố nhân

 (Bài thơ tuyệt mệnh của Sào Nam Phan Bội Châu (1867-1940)

Sau đây, sẽ trình bày một ít thơ văn tiêu biểu cho niềm Tin cổ truyền vào “Ông Trời”, cũng là Vị Hóa Công tạo thành vũ trụ.

 a/ Lý thường Kiệt (1036-1105)

  Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

 Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.

 Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

 Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

 Dịch nghĩa: Núi sông nước Nam thì vua nước Nam ở. Rõ ràng phận đã định ở trong cuốn sổ của Trời. Làm sao bọn giặc lại lấn cướp (đất của ta)? Chúng mày rồi xem sẽ bị thua bại hết.

 Bài thơ bất hủ này được danh tướng triều Lý (1009-1225) là Lý Thường Kiệt làm, để nêu lên chính nghĩa của dân tộc chống lại ngoại xâm quân nhà Tống (1075-1078). Nên lưu ý: Phật giáo rất thịnh hành trong triều đại nhà Lý. Vậy mà, qua bài thơ trên, ta biết được tướng công Lý Thường Kiệt chịu ảnh hưởng sâu đậm triết lý Thiên Mệnh của Khổng giáo, tức là niềm Tin cố hữu của dân tộc vào “Ông Trời”. Chính niềm Tin vào Ông Trời đã định đoạt số mệnh cho dân tộc Việt nam, đó mới là sức mạnh quật khởi để chiến thắng ngoại xâm là những kẻ “nghịch “lại Ý Trời”: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”

 b/ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)

 Trời sinh, Trời ắt đã dành phần

Tu hãy cho bền, dạ có nhân.

Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ,

Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần.

Bạo hung chỉn đã gươm mài đá,

Phúc Đức rành hay cỏ đượm xuân

Chớ có hại nhân mà ích kỉ,

Giấu người, khôn dấu được Linh-Thần

 (Có Phúc có Phần: Thi ca cổ điển, tập I, Bảo Vân, trang 34)

 Bài thi trên rút ra từ quyển Bạch vân thi tập, ta nhận thấy Trạng Trình là bậc hiền nhân quân tử. Ông thấu suốt lẽ huyền bí của vũ trụ và nhân sinh. Ông tin rằng “Trời” là một Đấng Tạo Hóa, là một Vị Linh-Thần cầm quyền sinh tử, và dạy con người phải Tu thân tích đức, phải giữ đạo Nhân, giàu lòng thương xót, không nên thù oán làm hại ai. Ông Trời là quan án, thấu suốt tâm can, thông biết mọi sự bí ẩn, sẽ xét xử công minh và ban phần Phúc Đức, miễn là con người phải phấn đấu, bền tâm thiện chí, không than thân trách phận khi gặp nguy khó. Đây là một áng thơ đượm tính chất triết lý tôn giáo về nhân sinh, về đạo lý làm người, về mối liên hệ giữa Trời và phận sự con người sống trên đời này, và phần phúc về đời sau.

 c/ Nguyễn Khuyến (1835-1909)

“ÔNG TRỜI”

 Cao cao muôn trượng ấy là Tao

 Dẫu pháo thăng thiên chẳng tới nào.

 Nhắn bảo dưới trần cho chúng biết:

 Tháng ba, tháng tám, Tớ mưa rào.

 Nguyễn Khuyến cũng gọi là”Cụ Tam Nguyên Yên Đổ”, tinh thông Hán văn, vì đã ba lần đậu giải nguyên, nhưng đặc biệt cũng rất lỗi lạc và sở trường về văn nôm. Ông sáng tác đủ mọi thể văn: ca, từ, thi, phú..Lời văn nhẹ nhàng, đơn giản, trôi chảy, nhưng ý tứ rất dồi dào, kín đáo, đượm tính chất khôi hài giễu cợt mà thâm thuý, rất gần với lối văn của ca dao tục ngữ. Đó cũng là phản ảnh tính tình đơn sơ chất phác, nhưng vui vẻ, hay nói “đùa giỡn” của người dân Việt. Ông hay làm thơ tự vịnh, tự trào (tự cười mình), hoặc chế nhạo bạn hữu một cách thân tình, hay châm biếm thói đời một cách nhẹ nhàng, độ lượng, khoan dung. Qua bài Vịnh “Ông Trời” ở trên, ta thấy lời văn có vẻ bình dân, vui cười, thân mật, nhưng ý tưởng thật sâu xa, nghiêm chỉnh: Ông Trời là Đấng cao siêu vô cùng, tuy không một ai có thể thấy, hay hiểu thấu được, nhưng “Đấng ấy” vẫn điều khiển mọi hiện tượng trong vũ trụ này!

 d/ Nguyễn Công Trứ (1778-1858)

 Chí Nam Nhi.

 Thông minh nhất nam tử,

Yếu vi thiên hạ kỳ.

Chót sinh ra thì phải chi chi,

Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.

Đố ky sá chi Con Tạo,

Nợ tang bồng quyết trả cho xong.

Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung,

Làm cho rõ tu mi nam tử.

Trong vũ trụ đã đành phận sự,

Phải có danh mà đối với núi sông.

Đi không, chẳng lẽ về không.

 Đây là bài hát nói, tiêu biểu nhất cho quan niệm sống của Nguyễn Công Trứ và của các vị nho sĩ Việt nam. Lấy ngay cuộc đời của ông ra làm bằng chứng, ta thấy ông là một người tài trai có chí hướng rất cao, theo truyền thống giáo dục của nho gia. Ông đã tự đặt cho mình một “gánh nợ”, một bổn phận phải chu toàn trong đời sống, vì đó là một ân huệ, như “lưng vốn” mà Trời đã ban cho, không được ăn chơi, tiêu xài, phung phí, vô ích, làm uổng công Trời đã tạo dựng nên. Đó là món nợ phải trả cho chính mình, cho gia đình và cho tổ quốc. Dầu gặp nhiều nghịch cảnh, nhiều chông gai khó khăn, cũng phải ra công chiến đấu, không lùi bước. Trong cuộc đời Nguyễn Công Trứ, ông đã trải qua bao nỗi gian nan: nghèo đói, lận đận về khoa cử; khi  xuất thân ra làm quan, từ chức đại thần, thượng thư giáng xuống làm lính thú…nhưng lúc nào ông cũng kiên trì theo đuổi lý tưởng, không giận thân, không trách Trời. Chỉ khi nào đã làm tròn phận sự mà Trời đã trao phú, lúc đó, ông mới được thảnh thơi, ngao du sơn thủy, vui hưởng cảnh an nhàn!

 Cũng như các vị nho sĩ Việt nam, Nguyễn Công Trứ tin vào Thiên Mệnh tạo dựng và điều hành vũ trụ vạn vật. Ông ít dùng danh xưng như Thiên, Đế, Thượng Đế, Hoàng Thiên, nhưng thường dùng các danh từ lấy trong ca dao tục ngữ như: Tạo Hóa, Con Tạo, Hóa Công, Thợ Trời, Ông Trời, Ông Xanh. Khi thấy cảnh đời biến đổi khôn lường, hoặc những nghịch cảnh trớ trêu, khó giải nghĩa như: đôi khi kẻ gian ác được khoẻ mạnh, giầu có, còn người hiền đức lại bệnt tật, nghèo túng…Dầu vậy, các văn thi sĩ không mượn thuyết Nhân-Quả để biện minh, chẳng hạn như: “kiếp trước” đã làm điều gian ác, nên mới “báo ứng”, phải chịu lận đận đau khổ, mặc dầu ở kiếp này vẫn ăn ngay ở lành! Nhưng qua văn thơ, ta thấy họ giữ một thái độ quân tử, điềm tĩnh, ung dung, an phận, “chờ thời thế đổi thay”, “con Tạo xoay vần”theo lẽ “Tuần Hoàn” như câu:” không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời”; do đó, các vị “quân tử” không giận hờn oán trách ai, nhưng  lại có thái độ tự tín, ung dung thư thái.

 Ta đọc thấy trong văn thơ, đôi khi họ dùng danh từ như: Hóa Nhi, Trẻ Tạo, do thành ngữ chữ nho “Tạo Hóa tiểu nhi” (Theo tích truyện đời nhà Đường, Đỗ Thẩm Ngôn đau nặng, có bạn là Tống Chi Vấn đến thăm. Thẩm Ngôn nói bỡn cợt với bạn rằng: ngao ngán thay trẻ tạo hóa làm ta khổ sở!). “Hóa Nhi đa hí lộng!” (Trẻ Tạo Hóa thích vui chơi lắm!). Sánh ví Tạo Hóa như trẻ nhỏ trẻ thơ, không phải về phương diện ý thức, tài năng, vì Đấng Tạo Hóa thì thông biết mọi sự, còn trẻ thơ thì không biết gì, nhưng họ muốn mượn hình ảnh về thái độ, tánh tình của trẻ thơ hay biến báo, thay đổi nhưng ngây thơ, vui đùa, vô tư, không ác ý, không muốn làm hại ai, để so sánh sự biến hóa bất ngờ, vô thường trong cuộc đời như trò chơi của trẻ con. Cuộc đời biến hóa thiên hình vạn trạng như:”bức tranh vân cẩu, vẽ người tang thương” hay “cuộc đời bể dâu” (tang điền biến vi thương hải, thương hải biến vi tang điền) .

 Mặc dầu không thể hiểu được lẽ huyền bí của vũ trụ, nhưng đứng trước những nghịch cảnh, những mâu thuẫn của cuộc đời, các nhà hiền nhân quân tử, không oán trách số phận, hay nghiệp báo, nhưng vẫn tin tưởng vào Ông Trời chí công, vô tư, và thương xót vô cùng. Do đó, một mặt, họ phú thác mạng sống cho Trời lo liệu, đồng thời họ giữ thái độ tự tại, lạc quan, đùa cợt giống “như trẻ nhỏ”, hoàn toàn tin tưởng vào cha mẹ, để tâm hồn được an vui, khuây khỏa, chờ thời, “Bĩ cực thái lai”. Thái độ “vui đùa”, coi cuộc đời là một “hí trường”, cũng là một nét đặc thù trong văn hóa, và tánh tình vui vẻ của nguời dân Việt .

 – Hóa Nhi thăm thẳm ngàn trùng” (Nhị độ Mai)’

– Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán,

   Chết đuối người trên cạn mà chơi” (Cung oán)

– Ngồi buồn mà trách Ông Xanh,

  Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười (N.C. Trứ)

– Tạo Hóa gây chi cuộc hí trường

   Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương

   Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

   Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (Bà Thanh Quan)

 e/ Nguyễn Du và Truyện Kiều (1765-1820)

 Mở đầu (câu thơ 1-6)

 Trăm năm trong cõi người ta,

  chữ “Tài” chữ “Mệnh” khéo là ghét nhau.

 Trải qua một cuộc bể dâu,

 những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

 Lạ gì bỉ sắc tư phong?

 Trời Xanh quen thói má hồng đánh ghen.

————————————————————————-

Đoạn kết (câu 3241-3252)

 Ngẫm hay muôn sự tại Trời

 Trời kia đã bắt làm người có thân.

 Bắt phong trần, phải phong trần,

 cho thanh cao, mới được phần thanh cao.

 Có đâu thiên vị người nào,

 chữ “Tài” chữ “Mệnh” dồi dào cả hai.

  Có tài mà cậy chi tài,

 chữ tài liền với chữ tai một vần.

 Đã mang lấy “Nghiệp” vào thân,

 cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa.

 Thiện căn ở tại lòng ta,

 chữ “Tâm” kia mới bằng ba chữ tài!

 Lời mở đầu và đoạn kết ở trên đã tóm lược được chủ đề của Truyện Kiều, giúp ta tìm hiểu tâm sự, và triết lý về nhân sinh của nhà đại văn hào Nguyễn Du. Theo cách giải thích thông thường, từ xưa tới nay, thì Nguyễn Du viết Truyện Kiều để gửi gấm tâm sự của mình vào nhân vật chính trong truyện là Thúy Kiều: Nàng đã yêu và thề hứa lấy Kim Trọng, nhưng đã lỗi lời thề khi “bán mình chuộc cha”. Nguyễn Du xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, dòng họ lâu đời đã chịu ơn “mưa móc” của nhà Lê, nên lấy sự trung thành với vua Lê làm trọng, vì”trung thần bất sự nhị quân”. Nhưng vì thời cuộc đổi thay mà ông phải miễn cưỡng ra giúp nhà Nguyễn, chẳng khác nào Thúy Kiều đã phụ tình với chàng Kim; do đó, một cách kín đáo, ông đã gửi tâm sự của đời mình vào nhân vật Thúy Kiều.

 Nếu nghiên cứu Truyện Kiều cẩn thận hơn, ta sẽ thấy, ngoài việc gửi gấm tâm sự riêng, Nguyễn Du còn muốn giải nghĩa một chủ đề triết lý rộng lớn hơn nữa, liên quan đến vận mệnh của mỗi cá nhân và đặc biệt của cả dân tộc Việt nam: đó là Triết lý” Tài- Mệnh tương đố”.Đây mới thực sự là chủ đề chính yếu của Truyện Kiều.

 Sở dĩ Truyện Kiều được mọi tầng lớp dân chúng yêu chuộng, từ vua quan đến giới bình dân, vì Nguyễn Du là một thiên tài đã cảm thông và đã “thi vị hóa” được nỗi niềm tâm trạng uẩn khúc, khắc khoải, lo âu về vận mạng của mỗi cá nhân và của cả dân tộc Việt nam. Theo dòng lịch sử, về mặt đối ngoại, dân tộc ta luôn phải đương đầu, chiến đấu triền miên với phương bắc để giành quyền tự chủ, và về phía nam, để mở mang bờ cõi. Không kể những thiên tai, bão lụt, hạn hán thường xẩy ra…, các triều đại vua chúa, sứ quân tranh giành ngôi báu, trong một xã hội phong kiến đầy bất công bạo lực, “cá lớn nuốt cá bé”. Chính bản thân Nguyễn Du cũng là nạn nhân của thời cuộc loạn lạc, tranh quyền, nhiễu nhương đời Nam-Bắc phân tranh, vua Lê, Chúa Trịnh, nhà Tây Sơn khởi nghĩa, rồi nhà Nguyễn thống nhất. Đọc bài “Chiêu hồn thập loại chúng sinh”, của Nguyễn Du, ta biết thêm: là một bậc thiên tài, văn nhân thi sĩ, Nguyễn Du đã cùng cảm thông với những nỗi đau khổ triền miên của mỗi cá nhân và của quê hương xứ sở, và cùng thắc mắc về ý nghĩa của cuộc nhân sinh: tại sao một người dân đất Việt hiền hòa, cần cù, nhẫn nại làm ăn sinh sống, mà lại phải gánh nhiều nỗi”truân chiên”khổ sở như thế? Thiết tưởng đây mới chính là chủ đề trọng yếu của Truyện Kiều mà thi hào Nguyễn Du đã muốn mượn triết thuyết của “Tam giáo đồng lưu” tức Khổng, Lão, Phật, nhất là niềm tin dân gian vào “Ông Trời”, và Đạo Hiếu của dân tộc Việt nam, để biện minh cho thuyết”Tài-Mệnh tương đố”, như sẽ trình bày sau đây.

 Một số người cho rằng: Nguyễn Du đã dùng thuyết Luân Hồi (samsara) và luật Nhân-Quả (karma), để cắt nghĩa tại sao Thúy Kiều đã không làm gì nên tội, lại còn hy sinh hạnh phúc cá nhân để làm tròn đạo Hiếu đối với cha, thế mà suốt mười lăm năm chịu biết bao tủi nhục, long đong khổ sở? Và họ mượn thuyết nhân -quả, để giải nghĩa rằng: vì “kiếp trước”Kiều đã làm điều gian ác, nên phải lãnh lấy “ác quả” ở kiếp này. Sau mười lăm năm lưu lạc, vì Kiều đã làm điều phước đức, nên được rút tên ra khỏi sổ “đoạn trường” (khỏi vòng luân hồi), để được đoàn tụ với người tình cũ là Kim Trọng. Giải thích như thế là chưa đầy đủ, vì trong suốt câu truyện, nhà nho Nguyễn Du đã giảng giải, và biện minh cho nhiều triết thuyết khác nữa, nhất là niềm tin tự nhiên của dân chúng Việt Nam vào “Ông Trời” và đạo Hiếu. Vả lại, Nguyễn Du đã không theo đúng “luật nhân-quả” (ngũ giới), khi “cho phép” Thúy Kiều mượn bàn tay uy quyền của Từ Hải để hành hạ, và trả thù những người đã làm hại mình, một điều chẳng những trái với đạo từ bi, hỉ xả, mà còn gây thêm nên nghiệp chướng cho mình nữa!. Ngoài ra, Nguyễn Du cũng đã lồng vào những màn” đồng bóng, gọi hồn” như Đạm tiên báo mộng, nói tiên tri… đó là những dị đoạn mê tín, “biến thể” của Lão giáo, thịnh hành trong giới bình dân.

 Bởi vậy, Triết lý trổi vượt nhất làm chủ đề cho toàn truyện, đó là niềm tín ngưỡng chung của dân chúng Việt Nam vào một Vị Hóa Công mà ta gọi là:”ÔNG TRỜI”. Trong tác phẩm, thi hào Nguyễn Du đã kêu đến danh “Ông Trời” hơn 33 lần! (tại Trời, nhờ Trời, thấu tới Trời, đạo Trời, cơ Trời, …). Triết lý quan trọng thứ hai và cũng là “duyên cớ” đã giải thoát Thúy Kiều khỏi vòng tục lụy, chính là vì nàng đã giữ trọn Đạo Hiếu, nên được Trời cứu vướt khỏi cảnh lưu lạc để đoàn tụ với người yêu và gia đình. Do đó, câu thơ nhiệm mầu như chiếc đũa thần đã biến cuộc đời “đoạn trường” thành hoan lạc, và kết thúc tấn tuồng ảo hóa, đó là: “ Hiếu-Tâm đã động đến Trời”.

 Gần đây, có một số người phê bình Nguyễn Du và Truyện Kiều theo thuyết” số mệnh” tiêu cực, nghĩa là Thúy Kiều đã cam phận, thụ động, không làm gì hết, mặc cho bánh xe cuộc đời lôi cuốn, chẳng hạn như, vì buông theo tình cảm bồng bột, thiếu đắn đo suy xét kĩ càng, Thúy Kiều đã liều mạng, nhẹ dạ nghe lời chàng Sở Khanh dụ dỗ mà chạy trốn khỏi lầu xanh, rồi bị Tú bà bắt lại:

 “Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

  Thử xem con Tạo xoay vần đến đâu! 

Nhưng nếu ta theo dõi mọi tình tiết diễn biến trong vai Thúy Kiều, ta sẽ nhận thấy nàng luôn cố gắng làm hết cách để giữ thế chủ động, để định đoạt đời sống của mình, vì nàng tin rằng: một người thành tâm thiện chí muốn xây dựng cuộc đời, dầu gặp cảnh ngộ éo le, thì Trời cũng sẽ trợ giúp cho thoát nạn:” Bĩ cực, thái lai”. Đây cũng là một triết lý mà các nho gia gọi là “luật Tuần Hoàn”, nghĩa là Hóa Công tạo dựng vũ trụ càn khôn, luôn thay đổi, xuân, hạ, thu, đông, ngày đêm, âm-dương điều hòa. Trong đời sống con người thì có lúc thịnh, lúc suy, lúc vui, lúc buồn. Do đó, điều quan hệ không phải là thành công hay thất bại, nhưng là quyết chí, bền tâm làm điều tốt, dầu gặp khó khăn, thì chung cuộc, Trời cũng sẽ phù trợ cho. Ta thấy Nguyễn Du đã dùng chính miệng hai nhà sư Tam Hợp và Giác Duyên để giải thích ý nghĩa biến cố Thúy Kiều được cứu vớt khỏi chết chìm trong sông Tiền Đường, và bắt đầu cuộc sống mới an vui như sau:

 “Sư rằng:”Phúc họa đạo Trời,

  Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.

  Có Trời mà cũng có ta,

 Tu là cõi phúc, tình là giây oan.”

 Sau đây ta sẽ tìm hiểu: 1/ thuyết “Tài -Mệnh tương đố” đã ứng nghiệm trong đời sống của thi hào Nguyễn Du và nhân vật Thúy Kiều như thế nào? 2/ Niềm tin ở Ông Trời và Đạo Hiếu đã giải gỡ những khúc mắc của đời người ra sao?

 1/Thuyết Tài-Mệnh tương đố đã ứng nghiệm trong đời sống Nguyễn Du và nhân vật Thúy Kiều

 Nhìn ngắm thiên nhiên và quan sát vũ trụ, thì thấymuôn vật muôn người đều khác biệt, không giống nhau, không bằng nhau: thật là “trăm hoa đua nở, muôn hồng nghìn tía”. Về nhân loại, vì “nhân linh ư vạn vật”, nên Trời ban cho thân hình đẹp đẽ, lại có trí khôn thông minh để học hỏi, suy luận, và tài năng sáng chế các dụng cụ .Hóa Công đã sáng tạo ra con người một cách tài tình: không ai giống ai (ngay cả người sinh đôi, sinh ba, sinh bốn..cũng vẫn thấy sự khác biệt). Do đó, chữ “TÀI”, theo nghĩa rộng, bao gồm hết mọi tài năng mà Trời phú bẩm cho mỗi người khi sinh ra trên mặt đất này như: ý chí tự do, trí tuệ, tình cảm, thân xác, sắc đẹp, sức khoẻ và các năng khiếu tự nhiên về mỹ thuật. Đấy chẳng qua là “vốn liếng” tùy ý Trời ban cho mỗi người, không đồng đều. Nhưng mỗi người phải phát triển tài năng thiên phú của mình, và tùy khả năng, hợp tác với Trời để tô điểm cho bộ mặt trái đất ngày càng xinh đẹp, và sinh nhiều lợi ích cho nhân loại hưởng dùng.

 Chữ “MỆNH”, hiểu theo truyền thống Nho giáo, tức Thiên Mệnh, Thiên Ý, tức là “Ý Trời” đã xếp đặt, điều khiển, an bài, quan phòng mọi sự xẩy ra trong vũ trụ; do đó, “Mệnh”đây chính là số phận, số mệnh hoặc hoàn cảnh, thời thế, cảnh ngộ, tai nạn .., bao gồm cả những hiên tượng thiên nhiên như bão lụt, động đất, hạn hán, hay già nua bệnh tật, chết… Vì những cảnh ngộ đó, có khi thuận lợi nhưng thường là những nghịch cảnh, xẩy đến ngoài khả năng ước đoán, định đoạt, lựa chọn, ngoài ý muốn của ta, nên một số người bi quan, yếm thế, thiếu ý chí, thiếu nghị lực để chiến đấu với những khó khăn ấy, nên đâm ra buồn nản thất vọng, buông xuôi, hoặc than thân trách phận và “trách Trời”, cho rằng: Ông Trời ghen ghét, đầy đọa con người! Họ đã hiểu sai thuyết “Tài-Mệnh tương đố”, cho rằng: con người tài hoa và số mệnh luôn ghen ghét, đố kị, nghịch nhau, tiêu diệt nhau

 “Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau”

“Hồng nhan/ bạc Mệnh”

 Trời Xanh quen thói má hồng đánh ghen”

 Trái lại, người có ý chí tự do mạnh mẽ, thành tâm thiện chí, thì lại coi những nghịch cảnh chẳng qua là những “cơ hội, những “thử thách” mà Ông Trời muốn dùng để tôi luyện ý chí và lòng dũng cảm của các vị anh hùng, của những tấm lòng trung kiên, cao thượng, vì lẽ nếu “trận đánh càng khốc liệt thì chiến thắng càng vinh quang”.Mặt khác, kinh nghiệm cho ta thấy: những bậc thiên tài, tạo nên sự nghiệp lớn lao cũng là những vị gặp nhiều gian lao thử thách hơn người phàm. Giả như có ai may rủi được”ngồi mát, ăn bát vàng”, thì người đời cũng khinh thường, vì người ấy chẳng có công trạng gì.

 Cũng có người giải thích bằng luật “ luật bù trừ”, hay “luật quân bình”, nghĩa là Ông Trời chí công vô tư, chẳng thiên vị ai, chẳng ghen ghét ai, nhưng hễ Trời ban cho ai nhiều “lưng vốn ”, tài năng, thì cũng đòi hỏi người đó phải khó nhọc, vất vả hơn để sinh nhiều lợi tức. Đó cũng là lẽ “công bằng”

 Trời cho Thúy Kiều vừa nhan sắc, lại thông minh, đa tài cầm ca, thi họa, thêm tình cảm dạt dào, tình tứ, bản tính tự nhiên của nàng là người có đức hiếu thảo đối với cha mẹ, nên khi gia đình gặp hoạn nạn nguy biến, thì lập tức, không do dự đắn đo, một mình nàng dám hy sinh hạnh phúc riêng tư để cứu vớt gia đình, nàng lại có tình chung thủy với người yêu, thương dân yêu nước, trọng lễ giáo… chỉ vì Trời đã phú bẩm cho Thúy Kiều nhiều tài năng và nhiều đức tính tốt, trổi vượt hơn người, nên cũng đòi hỏi nàng phải chiến đấu với nhiều nghịch cảnh hơn. Cô em là Thúy Vân, một mẫu người “trung bình” về mọi mặt, nên cuộc đời được phẳng lặng, êm ru như một mệnh phụ tầm thường, nên không có gì đáng làm gương cho ai cả. Thúy Kiều có hoàn toàn buông xuôi đầu hàng cho số mệnh, hay nghịch cảnh không? Theo các diễn biến, tình tiết trong truyện, ta thấy Thúy Kiều luôn cố gắng vươn lên khỏi cảnh bùn lầy nhơ nhớp, lầm than. Nàng đã quyết tâm chốn thoát chốn thanh lâu mấy lần, nhưng đã bị bọn Sở khanh lừa dối. Tuy là con người đa tình, nhưng nàng đã biết tự chủ, sáng suốt để khuyên người yêu Kim Trọng kiềm chế dục vọng, và tôn trọng lễ giáo. Cũng vì thương dân nước sống trong cảnh giết chóc mà nàng đã khuyên Từ Hải ra hàng, để rồi mắc họa vào thân. Những sự kiện đó chứng tỏ nàng không chịu đầu hàng cho số mệnh, nhưng với thành tâm thiện chí, nàng cố gắng làm chủ đời mình; ngay khi có hoàn cảnh có thể tái hợp lại với người yêu cũ, nhưng vì một lý tưởng cao hơn, nàng đã tự ý quyết định đổi tình yêu vợ chồng ra tình bạn hữu.

 Đời sống và sự nghiệp của thi hào Nguyễn Du đã phản ánh trong nhân vật Thúy Kiều. Thật thế, Nguyễn Du xuất thân là một nho sĩ, theo đạo “tam cương ngũ thường”, với tài “kinh bang tế thế “, đã ra làm quan, và sung làm chánh sứ sang cống bên Tàu. Ông rất uyên thâm về thuyết “Thiên Mệnh”của Khổng Tử, đặc biệt thuyết “tính thiện”của Mạnh Tử: “nhân chi sơ tính bản thiện”. Theo lịch sử Triết Học Trung Hoa, triết thuyết này đã được các nho sĩ như Vương Dương Minh (1472-1528) giải nghĩa thêm và lập ra phái Tâm Học. Như đã trình bày về phái Tâm Học, ở đoạn trên, chữ “TÂM”, hiểu nghĩa là “Lương Tri, Lương Tâm”, tức là “nơi” gặp gỡ giữa con người và Thượng Đế.  Chính tại“nơi”thâm cung, thâm Tâm, con người được Đấng Hóa Công cho khả năng biết phân biệt điều Tốt phải làm, và điều Xấu phải tránh. Do đó, Nguyễn Du đã đánh giá chữ “Tâm”, tức Thiện Chí của con người cao quí hơn, gấp ba lần chữ “tài”! Người có Thiện Tâm, quyết chí  thực hành điều tốt , điều phải, thì Trời sẽ giúp cho thắng vượt mọi gian nan thử thách.

 Gặp thời nhiễu nhương, loạn lạc, ông đành sống ẩn dật, để giữ  khí tiết của bậc trung thần, chờ thời cơ thuận tiện sẽ lại xuất chính. Nhưng ông không phải là người yếm thế, tiêu cực, hoàn toàn đầu hàng cho số phận, số kiếp, mà không làm gì cả! Trái lại, là một nho sĩ cương nghị, thành tâm thiện chí, ông đã từ giã cảnh nhàn du sơn thủy, để trở về giúp dân cứu nước, mặc dầu biết trước sẽ gặp bao khó khăn, bực bội với tân trào. Là một kẻ sĩ tài ba, Nguyễn Du luôn thi thố tài năng, bằng những hoạt động ngoại giao như đi sứ sang Trung Quốc, hay sáng tác thơ văn. Có người cho rằng: nhân vật Từ Hải mà ông đã mô tả trong truyện Kiều, nói lên ý chí hào hùng bất khuất của ông chống lại các bất công của thời phong kiến. Vì ông tin tưởng rằng: với thành tâm thiện chí, thì Trời sẽ giúp cho thành công:”Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân”

 Thân phận nàng Kiều, số phận Tố Như (Nguyễn Du) cũng tương tự như vận mệnh của cả dân tộc Việt Nam. Thật vậy, suốt dòng lịch sử từ khi lập quốc cho tới ngày nay và có thể trong tương lai, dân tộc Việt nam luôn phải đương đầu với mọi nghịch cảnh. Nhưng nhờ niềm tin mạnh mẽ vào “Ông Trời”, và vào đạo Hiếu đối với Ông Bà, nên người Việt Nam chúng ta, dầu gian nan khổ sở, vẫn vui vẻ chịu đựng phấn đấu để phát huy văn hóa và trường tồn!

 Trong tiểu sử của thi hào Nguyễn Du, không thấy nói đến có lúc nào ông đã “xuất gia tu hành”! Do đó, qua câu thơ:” Tu là cõi phúc, Tình là giây oan”, thì ta phải hiểu chữ “Tu” có nhiều nghĩa. Theo nghĩa hẹp, “tu” là bỏ gia đình để vô ở trong tu viện. Nhưng đối một nho sĩ “kinh bang tế thế” như Nguyễn Du, chữ “tu”, ở đây nên hiểu theo ý nghĩa của Nho giáo, tức  “Ngũ thường”: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; đây là một lý tưởng cao, một kế hoạch lớn. Điều quan trọng là phải theo một thứ tự ưu tiên. Trước hết phải “tu thân”, phải rèn luyện tính khí cho kiên cường, không để cho tình tư dục lấn áp.  Chữ “ Tình”ở đây không hiểu theo nghĩa hẹp là “ái tình”( tình ái giữa trai-gái, vợ-chồng), nhưng là gồm tất cả “thất tình” của con người là: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục (vui, giận, xót thương, sợ, yêu, ghét, ham muốn). Do đó,  ý nghĩa của câu thơ của Nguyễn Du là: muốn sống hạnh phúc, an vui, quân bình thì phải “Tu Thân”nghĩa là biết “sửa mình”, sống“tự chủ”, đức độ, ý chí, biết điều khiển và kiểm soát được “thất tình”, là những tình cảm bồng bột, lăng loàn. Một người sống hoàn toàn buông thả theo tình cảm đưa đẩy, thiếu lý trí sáng suốt để phân biệt Phải/trái, sẽ phạm nhiều điều sai lỗi, và gây ra  tội ác, đau khổ cho mình và cho người khác: “no mất ngon, giận mất khôn”. Bởi vậy, chắc hẳn cụ Nguyễn Du không khuyên người đời: muốn được hạnh phúc thì chỉ có cách là “đi tu”, trốn tránh cuộc đời, và khinh chê đời sống vợ-chồng! Nhưng trong mọi hành động, cư xử, nên đặt lý trí sáng suốt trên tình cảm bồng bột mù quáng.  

 2/ Niềm Tin vào Ông Trời và Đạo Hiếu đã giải gỡ những khúc mắc của đời sống

Niềm tin cổ truyền của dân tộc Việt Nam vào Đấng Thiêng Liêng Cao Cả và vào Đạo Hiếu là chìa khóa giải gỡ mọi tình tiết éo le, khúc mắc của cuộc đời thi hào Nguyễn Du, và của Truyện Kiều: “Hiếu-Tâm đã động đến TRỜI”. Nguyễn Du đã diễn tả Ông Trời bằng những phẩm tính như là Vị Hóa công tạo dựng vũ trụ, mọi việc xẩy ra trên đời do Trời an bài, định đoạt. Ông Trời là vị thẩm phán tối cao, rất công bằng, thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ. Ông Trời không ghen ghét ai, không thiên vị ai, nhưng Trời được hoàn toàn tự do ban phát ân huệ, tài năng cho mỗi người tùy Thiên Ý, Thiên Mệnh, một cách nhưng không, nghĩa là con người không có quyền đòi hỏi, hay phân bì. Nhưng nếu Trời ban cho ai nhiều tài năng, thì cũng đòi hỏi người đó nhiều trách nhiệm. Bởi vậy, khi Nguyễn Du viết:” chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau”, hay “ Tài-Mệnh tương đố”, thì nên hiểu là: Ông Trời “thách đố”những bậc tài hoa phải thi thố tài năng hơn người bình thường.

 Nói tóm lại, theo triết lý nhân sinh của nhà đại văn hào Nguyễn Du, thì số phận của một cá nhân, hay vận mệnh của một dân tộc sinh sống trên cõi đời này, không ai là không phải chiến đấu với mọi nghịch cảnh, để lập thân cho mình và giúp ích cho nhân quần xã hội. Đời người là một hí trường, đầy gian lao “thử thách” không ngừng. Do đó, phát sinh hai thái độ trái ngược nhau: một là thái độ bi quan tiêu cực, đầu hàng, buông xuôi theo “số mệnh”, “há miệng chờ ho”, không làm gì cả; hai là, thái độ “tự cao tự đại”, không cần ai cả, không tín ngưỡng, tự mình xây dựng cuộc đời, mặc dầu cảm thấy đời sống đầy chông gai, bi đát, vượt quá khả năng của con người. Qua Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã muốn chứng minh một đạo sống “trung hòa”, quân bình của dân chúng Việt Nam “Có Trời mà cũng có ta”. Triết lý nhân sinh này đã giúp cho dân tộc ta vừa quyết tâm chiến đấu với mọi gian nguy, khổ sở, vừa nhẫn nại, chịu đựng, bền tâm, tin tưởng vào một tương lai sáng lạng: Ca dao có câu:”Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Thiết tưởng đó mới thật sự là tâm sự mà thi hào Nguyễn Du đã muốn gửi một bài học vào trong Truyện Kiều cho hậu thế. Tâm sự đó Nguyễn Du ước mong đồng bào nhận biết và thông cảm , qua hai câu thơ:

 “Bất tri tam bách dư niên hậu

  Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

 (không biết hơn ba trăm năm sau này, thiên hạ còn ai khóc Tố Như (Nguyễn Du) không?)

 g/ Hàn Mặc Tử Nguyễn Trọng Trí (1913-1940)

Trong cuốn “Việt Nam Văn Học Sử Yếu”, khi viết đề mục “ Mấy nhà thi sĩ hiện đại”, Dương Quảng Hàm đã liệt kê hai nhà thơ nổi tiếng trong phái làm “thơ mới”, để phân biệt với thời các vị thi sĩ làm thơ theo”đường luật”. Hai nhà thi sĩ đó đều là những người theo Thiên Chúa giáo: thi sĩ Hàn Mặc Tử Nguyễn Trọng Trí, và Thế Lữ Nguyễn Thứ Lễ (1907-?). Cả hai đều đem lại cho thi giới Việt Nam một nguồn thi hứng mới lạ , thanh thoát, lên cõi huyền bí, trên cảnh tiên giới.  Nguồn cảm hứng của thi nhân không chỉ giới hạn vào cõi đời tục lụy này, nhưng còn bắt nguồn từ một niềm Tin của một Đạo Giáo cao siêu, vào Tình Thương vô bờ bến của Thượng Đế. Thi sĩ Thế Lữ chỉ biểu lộ tâm tư hùng mạnh, giầu tình yêu, giầu mộng tưởng lên cõi cực lạc, qua tập “Mấy vần thơ”, như bài thơ “Nhớ rừng”, hoặc “Tiếng sao Thiên thai”, v.v. Riêng thi sĩ Hàn Mặc Tử đã đưa vào thi giới Việt Nam những đề tài huyền bí, mầu nhiệm thấm nhuần một Đức Tin Siêu Việt, và một niềm Hy Vọng cứu thoát trong cơn đau khổ dằn vật, vì  bệnh phong. Cho đến lúc từ giã cuộc đời, tâm hồn thi nhân  vẫn được tràn ngập Tình Yêu của Chúa. Những đề tài trong thơ  Hàn Mặc Tử có thể xa lạ đối với những người ở ngoài đức Tin Thiên Chúa Giáo, như: mầu nhiệm về Bản Thể Siêu Việt của Đấng Thượng Đế là :”Một Chúa Ba Ngôi” : Ngôi Cha, Ngôi Con, tức là Chúa Cứu Thế giáng trần để cứu độ, và Chúa Thánh Thần. Thi sĩ Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1978) đã sáng tác một bài thơ bằng hán văn để tán tụng Mầu Nhiệm Cao Cả đó như sau:( Bài thơ này đã được Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu khen ngợi, tán thưởng và họa lại)

 “Duy nhất Thiên Chủ hữu Tam Vị

Thánh Phụ, Thánh Tử, Thánh Thần thị.

Tạo thành vạn vật, Tể càn khôn,

Toàn tri, toàn năng, toàn thiện mỹ”

 Dương Quảng Hàm đã bình luận về Thi sĩ Hàn Mặc Tử:” Ông ưa tả cảnh đêm tối, cảnh trăng sao, cảnh sương mù (Đà lạt trong mơ) là những cảnh hợp với tâm hồn thê lương, ảm đạm của ông…

 Cái ý nghĩ về sự chết chiếm cả tâm hồn ông, nhiều khi khiến ông như điên như dại, nhưng cũng khiến ông nâng thần trí lên chỗ cao xa, sáng láng (Xuân như ý), ước ao một cuộc đời lý tưởng tốt đẹp, và ca tụng, cầu nguyện Đức Chúa Trời (Say thơ).” Lời nhân định trên của nhà phê bình văn học thời tiền chiến thật xác đáng. Nhờ Đức Tin Thiên Chúa Giáo, thi sĩ đã đi sâu vào mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi”, là căn bản giáo lý của Thiên Chúa Giáo. Bản Tính Thiên Chúa được định nghĩa là Tình Yêu Thương Vô Biên. Dầu Ba Ngôi Vị phân biệt nhau, nhưng chỉ có Một Chúa mà thôi, vì Ba Ngôi Vị thương mến nhau vô cùng, không hề có một chút gì bất đồng, hoặc hơn kém, cho nên “dẫu Ba mà Một”. Với một tâm tư nặng tình cảm dân tộc, lại thấm nhuần giáo lý cao siêu về Tình Thương vô cùng của Chúa,  thi sĩ Hàn Mặc Tử đã cảm hứng, và sáng tác ra những vần thơ ca tụng “Chúa Trời”, với mầu sắc, âm thanh, hình ảnh rất lạ lùng, chưa hề thấy trong văn đàn Việt Nam từ cổ chí kim. Bởi vậy, dầu thi sĩ là người đau khổ nhất vì mắc bịnh phong, nhưng cũng là một tâm hồn tràn trề hy vọng, phú thác, bình an, nhờ niềm Tin vào Tình Thương vô cùng của ”Ba Ngôi Thiên Chúa”, đặc biệt “Ngôi Hai xuống thế làm người “để chia sẻ thân phận hẩm hiu của nhân loại tội lỗi, cần được cứu độ.

 “Sáng vô cùng và sáng láng cả mọi miền,

Không u ám như cõi lòng ma quỷ.

Vì có “Đấng” hằng sống hằng ngự trị,

Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp hư linh.”

  “Đêm Xuân cầu nguyện”:

 Ta chắp hai tay lại quỳ hoan hảo,

Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian.

Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân,

Nở một lượt giầu sang lên Thượng Đế……

 Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giêsu,

Ban Ơn xuống cho mùa xuân hôn phối,

Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi

Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng:

Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng….

  Bài “RA ĐỜI”, diện tả tâm tư ngày lễ Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế:

 “Ôi, cao sang khôn ví trọng ai bì!

Trên nước cả có vô vàn châu báu,

Trí rất ngớp bởi chưng xuân hồn hậu,

Đã ra đời, theo lệnh của “Ngôi Hai”.

Ôi thánh tai, thánh tai, và thánh tai!

Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc,

Rất trọng vọng rất thơm tho man mác,

Rất phương phi trên hết cả anh hoa…….

 Về mặt văn học, tuy theo tân học, nhưng Hàn Mặc Tử làm thơ Đường luật cũng rất hay, đã được nhà văn lão thành Sào Nam Phan Bội Châu tán thưởng. Trong các bài thơ, thi sĩ thường dùng những danh từ mượn ở các đạo giáo Việt Nam như: “trượng phu lời”, “quân tử ý”, “giầu muôn hậu Từ Bi”…, nhưng ông đã đem vào một nội dung ý tưởng mới rút ra từ Thánh Kinh, hay giáo lý của Thiên Chúa Giáo.

 Trong văn hóa, và văn chương thi phú Việt Nam, do ảnh hưởng của đạo Hiếu, địa vị của người Mẹ, biểu tượng của tình thương, của gia đình, luôn được các văn nhân thi sĩ ca tụng. Riêng đối với đồng bào Thiên Chúa Giáo, Đức Trinh Nữ Maria giữ một địa vị rất quan trọng trong đời sống đức tin, bởi vì Bà là Mẹ Chúa Cứu Thế, và cũng là Mẹ phù trợ các môn đệ theo Chúa. Hơn nữa, Mẹ Maria còn là biểu hiệu của lòng thương xót đối với đoàn con cái còn lưu lạc nơi trần thế, đầy đau khổ. Nhớ lại những năm khói lửa kinh hoàng, tại các xóm Đạo ở ngoại ô như Chí hòa, Trung Chánh, Xóm mới, Gò vấp… (nơi tập trung dân di cư công giáo), mỗi chiều tối, từ trong các gia đình văng vẳng lời cầu kinh Mân Côi, để xin Đức Mẹ phù hộ cho chồng con, cho gia đình được bình an. Theo truyền thống, hằng năm hành hương nơi linh địa “Đức Mẹ LaVang”;  trong tháng năm tổ chức rước kiệu và ca vãn dâng hoa. Sinh sống ở Hoa Kỳ, mỗi năm hàng chục ngàn đồng hương Việt Nam lũ lượt kéo nhau về dự Đại Hội Thánh Mẫu tại miền Carthage, Missouri.

 Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã diễn tả một cách thâm thúy, đầy tâm tình trìu mến, cậy trông vào sự che chở của người Mẹ hiền đối với đoàn con đau khổ. Lời thơ của thi nhân rất thành thật, tao nhã, linh hoạt và cảm động, nhất là khi nghe bài phổ nhạc hòa âm của Hải Linh: âm điệu, âm thanh rất nhẹ nhàng, bay bổng, lung linh, diễm lệ: “AVE MARIA”, Mẹ Sầu Bi! Đây là bản hòa âm tuyệt tác, xứng đáng góp phần vào kho tàng phụng vụ, và nghệ thuật của Giáo Hội hoàn vũ để ca tụng  Mẹ Chúa Cứu Thế và cũng là Mẹ các tín hữu:

 Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thanh vẹn,

Giầu nhân đức, giầu muôn hậu từ bi.

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy,

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.

Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ:

Dòng thao thao bất tuyệt của dòng thơ.

Bút tôi reo như châu ngọc đền vua,

Trí tôi hít bao nhiêu là khí vị…

Và trong miệng ngâm câu ca huyền bí,

Và trong tay nắm một nạm hào quang…

Đây rồi! đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh,

Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý,

Trượng phu lời và tông đồ triết lý,

Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ- đồng- trinh.

Là Nguồn Đau châu lụy Nữ-đồng-trinh.

 Thơ Hàn Mặc Tử đã đem vào thi giới Việt Nam một dòng thi tứ mới, rất lạ lùng. Đức Tin vào Một Thiên Chúa yêu thương vô cùng, vào Chúa Cứu Thế tự nguyện chịu khổ hình Thập Giá để đền tội thay cho nhân loại, cùng với Mẹ Sầu Bi…Tất cả nguồn đạo lý cao siêu, “ ân sủng”huyền bí, thật sự đã thấm nhập và cải hóa con người đau khổ nhất đời của thi nhân, thành một con chiên ngoan đạo, vừa nhận biết giá trị hoan lạc, vinh quang của đau khổ, vừa cảm mến những tâm hồn quảng đại hy sinh vì bác ái mà ông gọi là những “Thiên Thần”, chính là các Nữ Tu đang tận tụy săn sóc bịnh nhân. Bởi vậy, trong đau khổ ngút ngàn, ông không tuyệt vọng, nhưng ca tụng “những kỳ công huyền diệu của Đấng Tối Cao”.

 “Hỡi những Thiên Thần trên trời,

Những Thiên Thần của Thiên Chúa,

Những Thiên Thần Hòa Bình và Hoan Lạc!

Xin hãy ban xuống cho tôi một vòng hoa.

Tôi muốn tắm trong biển cả hào quang,

Trong tình thương cao cả,

Vì cõi trần gian nhiều phép lạ,

Khiến người người đều im lặng cung chiêm

Những kỳ công huyền diệu của Đấng Tối Cao.

 Hỡi những Thiên Thần trên trời

Những Thiên Thần của Thiên Chúa,

Những Thiên Thần Hòa Bình và Hoan lạc!

Hãy tung lên những cánh hoa Hồng,

Những bông hoa Sen với khúc nhạc du dương,

Những điệu nhạc tỏa hương thơm ngát.

Hãy đổ đầy nhân đức, chí can trường,

Niềm hạnh phúc vô biên

Vào tâm hồn các nữ tì của Thiên Chúa.”

 2. “ÔNG TRỜI” TRONG LỄ TẾ NAM GIAO

Dân chúng Việt nam thờ nhiều thần, cùng với tín đồ của các tôn giáo như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Thiên chúa giáo, đạo thờ Tổ Tiên…tất cả đều tin tưởng vào Một Đấng Linh Thiêng vượt trên hết các thần thánh, mà họ gọi là Ông Trời. Tục lệ “tế Nam Giao” đã biểu dương lòng tín ngưỡng đó, bằng những lễ nghi đầy ý nghĩa linh thiêng, và uy nghiêm kính cẩn. Mục đích của lễ tế Nam Giao là để tôn thờ  Vị Chủ Tể càn khôn, có quyền ban ân giáng phước và xua đuổi tà ma khỏi gây ác họa cho dân nước. Ông Trời làm Chủ vũ trụ bao la, nên không đặt bàn thờ để tế Ngài ở trong đền miếu nhỏ bé, nhưng ở ngoài lộ thiên, tượng trưng cho sự quyền năng vô biên bao trùm vạn vật. “Nam” có ý chỉ phía nam, theo địa lý cổ truyền, phía nam là hướng ánh sáng, và phía bắc là hướng tối tăm. “Giao”là tương giao, giao hòa gặp gỡ. Bởi đó, Nam Giao là nơi giao hòa gặp gỡ giữa Trời và dân con Trời, ở phía nam, hướng tốt lành của dân tộc Việt Nam, đầy ánh sáng, thảo mộc xanh tuơi, phong thuận gió hòa (ca dao:” Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam).

 Linh mục Đắc Lộ, vào năm 1628, đã được dịp chứng kiến cuộc lễ Tế Nam Giao do vua Lê Thần Tông đóng vai Thiên Tử để làm chủ tế, ngày Tết Nguyên Đán. Ngày 30 tháng chạp, Chúa Trịnh Tráng cùng với đoàn vệ binh đi xuống sông tắm rửa sạch sẽ, một cử chỉ có ý nghĩa “tống cựu nghinh tân”. Nửa đêm đến giờ giao thừa, thì nổ súng thần công, báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới bắt đầu. Sáng ngày mồng một Tết, chúa Trịnh cùng với các quan, bốn ngàn lính, ba ngàn ngựa, ba trăm voi tiến vào đền vua Lê Thần Tông, để rước vua ra làm chủ sự lễ Tế Nam Giao. Khi lễ tế đã hoàn tất, thì bắn ba phát súng thần công để báo hiệu cho dân chúng biết. Tiếp theo, chúa Trịnh và đoàn tùy tùng hộ tống nhà vua trở lại đền vua để chúc mừng năm mới.

 Linh mục Đắc Lộ đã giải thích ý nghĩa về mặt tôn giáo, tín ngưỡng của lễ Tế Nam Giao như sau: Trong ngày Tết Nguyên Đán là ngày trọng nhất trong năm, người Việt Nam đã tôn kính ba cấp bậc về “Phụ Tính” (fatherhood). Ở cấp bậc dưới, là tôn kính Tổ Tiên đã qua đời, và chúc tuổi cho ông bà cha mẹ còn sống; ở cấp hai, là chúc thọ nhà vua như vị thiên tử, thay Trời để cai trị dân nước, cũng được gọi là” dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân); ở cấp cao hơn hết, là Tế Trời trong lễ Tế Nam Giao: Trời là Vị “Thượng Phụ” đã tạo dựng nên nhân loại và vũ trụ càn khôn (coi: Catechismus, ngày thứ nhất).[199].

 Linh mục Léopold Cadière, một nhà truyền giáo, rất am tường về văn hóa và đạo giáo ở Việt Nam, đã mô tả và giải thích về lễ Tế Nam Giao như sau:

 Đền Nam Giao đời nhà Nguyễn được dựng về phía nam Kinh Đô Huế, trên một gò đất cao gồm bốn cấp bậc chồng lên nhau. Bậc cao nhất có hình tròn (hình bánh dày) tượng trưng cho Trời, đo được 42 mét đường kính. Hai cấp thấp hơn có hình vuông (hình bánh chưng), tượng trưng cho Đất (bốn cạnh chỉ bốn phương trời), một nền dài 85 mét, một nền dài 165 mét. Nền thấp nhất ngang bằng với nền đất trồng thông, có hình chữ nhật, dài 390 mét và rộng 265 mét.

 Chỉ một mình nhà vua được gọi là Thiên Tử (con Trời) đại diện cho thần dân làm chủ tế, như vị giáo chủ. Trước khi đến tế lễ, nhà vua phải được thanh tẩy tại Trai cung. Khi việc tế tự đã hoàn tất, nhà vua phải trở lại Trai cung để báo cáo về các lễ nghi đã được thực hiện đầy đủ, trang nghiêm kính cẩn.

 Tế Nam Giao là một biểu dương sâu xa nhất của dân tộc Việt nam đối với Đấng Tối Cao, đối với Vị Thiên Chủ. Dân chúng tham dự một cách sốt sáng nhiệt tình, lễ nghi diễn ra trang trọng đầy ý nghĩa tượng trưng.

 Linh mục Cadière viết lại cảm tưởng như sau: lễ Tế Nam Giao đã mặc một vẻ trang trọng uy nghi tương xứng với sự cao cả của “Đấng” mà dân chúng tôn thờ, tương xứng với sự tin tưởng tinh tuyền đối với Vị Chủ Tể, tương xứng với tâm tình sâu xa nẩy nở trong lòng người Việt Nam.Tin tưởng vào quyền lực vô biên của một Ông Trời, đó là một niềm tin cao quý và tinh tuyền nhất trong các tín ngưỡng Việt Nam. Cũng vậy, Tế Nam Giao chính là biểu lộ long trọng của niềm tin ấy, Tế Nam Giao là một lễ nghi cao cả nhất trong việc phụng tự của người Việt Nam”[200].

 3. CHA ĐẮC LỘ VÀ NIỀM TIN VÀO “ÔNG TRỜI “ CỦA DÂN VIỆT

Giá trị cao quí nhất của “bốn ngàn năm văn hiến” của dân tộc Việt Nam là gì?_ Thưa chính là niềm Tin ở Ông Trời và Đạo Hiếu, tức là chết không phải là hết, nhưng Hồn Thiêng của Ông Bà vẫn còn tồn tại với con cháu. Do đó, để “khai quật” kho tàng quí giá còn chôn giấu trong tâm tưởng dân chúng Việt Nam từ bao nhiêu đời, Cha Đắc Lộ đã xếp đặt những bài suy luận về niềm tin tự nhiên vào Ông Trời, và ước vọng trường sinh bất tử của con người “linh ư vạn vật”, là những bài học đầu tiên trong sách Giáo lý. Đây là phương pháp sư phạm để dạy Giáo lý, theo một trật tự “hợp lý”, nghĩa là khởi đầu từ Văn Hóa, Tự nhiên để vươn lên Mặc Khải, Siêu nhiên. Vì lòng ngưỡng mộ nền văn hóa tốt đẹp của dân Việt, và vì lòng nhiệt thành muốn chia sẻ Tin Mừng của Chúa Cứu Thế cho đồng bào, cha Đắc Lộ đã tận tụy nghiên cứu ngôn ngữ và tìm hiểu phong tục tập quán để có thể “dĩ văn tải Đạo”, dùng văn từ thích hợp để truyền bá những chân lý của Đức Tin Thiên Chúa Giáo.

 Danh xưng ĐỨC CHÚA TRỜI

Bên Trung quốc, cha Matteo Ricci xuất bản cuốn”Thiên Chủ Thực Nghĩa”. Sách này đã làm chấn động dư luận Trung quốc thời bấy giờ (và cho đến ngày nay). Vua Khang Hy nhà Thanh, các bậc nho gia, quan lại đều đã tìm đọc. Cha Đắc Lộ đã kể một câu truyện hi hữu như sau: Khi cha đang giảng giáo lý cho tân tòng thì có một vị sư đưa cho ngài coi một cuốn sách viết bằng chữ nho. Nhà sư cho biết: cách đây gần 30 năm, cụ thân sinh của nhà sư đã theo phái đoàn Việt nam đi triều cống vua Trung quốc và đã được tặng cuốn sách ấy đem về nước. Khi cụ thân sinh chết thì trối lại cho con cháu, nhưng trong nhà không ai hiểu được các lý lẽ viết trong cuốn sách ấy. Vừa rồi khi nghe cha Đắc Lộ giảng giáo lý thì thấy các lý lẽ mà cha vừa nói, giống như các tư tưởng có trong cuốn sách kia.[201].

 Có thể cha Đắc Lộ đã đọc sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa” của Cha Ricci, nhưng khi áp dụng vào hoàn cảnh đặc biệt của địa phương, Cha Đắc Lộ đã biến chế, thích nghi, để “hội nhập” vào văn hóa Việt Nam một cách rất tài tình. Trong vấn đề hội nhập văn hóa, ngài đã nghiên cứu tường tận tâm lý, tâm tình, trình độ văn hóa của mọi giới trong xã hội thời bấy giờ để trình bày giáo lý mới một cách thích hợp.

 Muốn giảng Tin Mừng cho đại chúng, công việc cấp bách phải làm là tìm những danh từ thích hợp có âm hưởng thuần tuý của Việt ngữ, lại có khả năng chuyên chở được nội dung ý nghĩa thần học của Thiên Chúa Giáo. Do đó, câu hỏi quan trọng là: trong ngôn ngữ Việt nam, danh xưng nào xứng đáng để “đặt tên” cho Đấng Tạo Thành vũ trũ càn khôn? Có vị thừa sai đề nghị dùng chữ “Chúa Dêu”. Chữ “Dêu”phiên âm bởi chữ Latinh “Deus”, có nghĩa là Chúa. Nhưng cha Đắc Lộ và cha Francesco Buzomi đã bác bỏ, vì chữ “dêu”không có nghĩa tốt đẹp trong các tiếng Việt thông dụng. Vả lại, sợ rằng người Việt Nam nghĩ tưởng đó là một vị thần mới từ đâu đem đến chăng? Cha Đắc Lộ  biết bên Trung Hoa, thời bấy giờ, đã dùng danh từ Thượng Đế của người Trung Hoa, và danh từ “Thiên Chủ” do cha Ricci ghép hai chữ “Thiên” và “Chủ”. Đối với cha Đắc Lộ, ngài không thích dùng hai từ ngữ này, vì là chữ Nho, không thông dụng, không thuần túy Việt ngữ. Ngài chỉ tạm dùng danh từ “Thiên Chúa” (Thiên Chủ) do cha Ricci sáng tác ra, trong khi đi tìm một chữ vừa có âm điệu Việt ngữ, vừa biểu lộ được niềm tin “sẵn có” của dân tộc Việt Nam: đó là tiếng mà mọi người thường kêu xin:”ÔNG TRỜI”. Danh xưng này dễ hiểu, và quen thuộc với mọi giới đồng bào. Dĩ nhiên, khi dân chúng kêu “Ông Trời”, “Trời ơi!”, thì không có ý chỉ trời xanh mênh mông, nhưng chính là một Vị, một Đấng, một Ông, cao sang làm CHỦ(CHÚA) cả vòm trời xanh. Cha cũng tránh không dùng các danh từ trừu tượng, vô-bản-vị như: Lý, Thái Cực, Đạo, Khí, Vô, Không. Theo Lịch sử Triết học Trung Hoa, những ý niệm kia đã bắt nguồn từ quan niệm “Vạn vật nhất thể”, hoặc của phái Lý-Học (Chu Hi:1130-1200) và Tâm-Học (Vương dương Minh:1472-1528). Để củng cố cho ý niệm “bản vị”, “ngôi vị”, “hữu ngã”, cha Đắc Lộ đã hợp tác với các Thày Giảng thông thái người Việt Nam,( các vị nho sĩ, cựu tu sĩ Phật Giáo) để sáng tác ra danh từ “ĐỨC CHÚA TRỜI”, đầy ý nghĩa tôn giáo và âm hưởng Việt Nam. Tại sao dùng chữ “Trời “? Vì lấy ý nghĩa và thành ngữ ở Kinh Thánh:”Chúa của trời đất (coi:sách Tông đồ Công Vụ 17:24 và Luca 10:21). Tại sao dùng chữ Chúa? Chữ Chúa bởi chữ nho “Chủ”, dùng để chỉ vị nguyên thủ quốc gia như Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn. Còn chữ “Đức”dùng để chỉ tước vị cao trọng. Lúc đầu, cha Đắc Lộ dùng chữ: “Đức Chúa Trời-Đất, theo ý nghĩa câu thành ngữ: “Trời che, Đất chở”. Về sau rút gọn lại thành:ĐỨC CHÚA TRỜI. Đây cũng là một quyết định khôn ngoan, hiểu biết tâm tình mộ đạo của người bình dân Việt nam, thờ kính  nhiều thần thánh như thần sông, núi, thiên lôi, hà bá….Cha Đắc Lộ muốn giúp họ chỉ thờ phượng, kính mến Một Chúa Siêu Việt là Đức Chúa Trời mà thôi. Còn toàn thể các loài thụ sinh như các vị thành lập các đạo giáo, các thánh nhân, các bậc hiền nhân quân tử, hồn thiêng của Ông Bà tổ tiên, … (kể cả chín phẩm thiên thần, và ma quỉ (tiếng Phạn là mara).. đều do Đức Chúa Trời tạo dựng nên, vì thế, ta không thể đặt các vị đó ngang hàng bằng Đức Chúa Trời được! Cha Đắc Lộ cũng đã đề cao niềm tin tuyệt đối của dân tộc Việt Nam vào “Ông Trời”, trong lễ Tế Nam Giao. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán,, một lễ tế đặc biệt của dân Việt do nhà vua, đại diện cho quốc gia làm chủ tế.

Theo giáo lý mặc khải của Thiên Chúa Giáo, các tín hữu phải tin: “Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi”. Đây là một mầu nhiệm cao sâu nhất trong đạo, vượt quá sự hiểu biết của trí khôn nhân loại. Nhờ Chúa mặc khải thì ta mới biết có chân lý tuyệt đối đó, nhưng vẫn không thể hiểu rõ yếu tính của mầu nhiệm đó:” Ba Ngôi Vị phân biệt nhau, lại hợp nhất hoàn toàn nên “Một Thiên Chúa” mà thôi!”

 Bên Trung Hoa, cha Matteo Ricci trong sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa”, và cha Michele Ruggieri trong sách “Thiên Chủ Chân Lục”, đã không đề cập, cũng không diễn giảng về Mầu Nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi”cho các độc giả người Trung Hoa, lấy lý do là họ khó hiểu, và công việc trình bày giảng dạy đòi hỏi nhiều công phu nghiên cứu.Ý kiến và lập trường của cha Đắc Lộ thì khác. Theo Ngài, Mầu Nhiệm”Một Chúa Ba Ngôi”, vừa là tâm điểm của Đạo Thiên Chúa, vừa là nòng cốt liên quan mật thiết đến ơn Cứu Độ. Trước khi chịu phép Rửa tội, người tân tòng cần phải được dạy dỗ về mầu nhiệm này, bởi vì ý nghĩa của nhiệm tích này là dâng hiến, thánh hiến người được rửa tội cho “Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi”, để họ được sạch mọi tội, trở thành con Chúa và được sống đời đời. Công thức đọc khi rửa tội là: “Tôi rửa bạn (ông bà, anh chị…) Nhân Danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Ego te baptizo in Nomine Patris et Filii et Spiritus Sancti).[202].

 Về cách dùng Việt ngữ để diễn tả những quan niệm mới về Thần học, cha Đắc Lộ đã mượn một số danh từ bằng chữ nho do cha Ricci đặt ra trước, chẳng hạn chữ “Tính” (natura, essentia) để chỉ “Bản Tính” của Đức Chúa Trời là phép tắc vô cùng, trọn tốt trọn lành vô cùng, ở khắp mọi nơi…Đặc biệt và tài tình hơn cả là việc cha Đắc Lộ dã dùng chữ nôm “NGÔI” dịch ra từ chữ nho “VỊ” để diễn tả ý niệm “bản vị, nhân vị” (Person) trong thần học Thiên Chúa Giáo. Chữ “Ngôi” rất phổ thông trong ngôn ngữ Việt Nam như: ngôi vua, ngôi báu, ngôi thứ trong làng…. Sách giáo lý dậy rằng: “Hỏi: có mấy Đức Chúa Trời? Thưa: có Một Đức Chúa Trời mà thôi. Hỏi: Đức Chúa Trời có mấy Ngôi? Thưa: Đức Chúa Trời có Ba Ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần.”.

 Theo thần học Thiên Chúa Giáo dạy: chỉ có Một Đức Chúa Trời mà thôi (không thể có ba Chúa Trời được). Chúa Con, tuy bình đẳng hoàn toàn bằng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhưng có “Ngôi Vị” phân biệt với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha, hoàn toàn bình đẳng với Chúa Thánh Thần và Chúa Con, nhưng có “Ngôi Vị” riêng biệt với hai “Ngôi” kia. Chúa Thánh Thần cũng hoàn toàn bằng hai “Ngôi” kia, nhưng có “Ngôi Vị” khác với Chúa Cha và Chúa Con. Bởi vậy, tuy” Ba Ngôi” phân biệt nhau, nhưng chỉ có” Một Đức Chúa Trời” mà thôi! Bản Tính của Đức Chúa Trời là Tình Thương Yêu vô cùng. Do đó, chính bởi Ba Ngôi Thương Mến nhau vô cùng, nghĩa là không khi nào có sự chia rẽ bất hòa, hoàn toàn bình đẳng, đồng thuận, đồng ý về mọi phương diện…, cho nên dẫu “Ba Ngôi”, nhưng “Một Chúa” mà thôi!

 Mầu nhiệm” Một Chúa Ba Ngôi” là mầu nhiệm cao cả nhất, vì vượt quá quá sự hiểu biết của lý trí và kinh nghiệm của nhân loại. Khi dạy giáo lý cho tân tòng, cha Đắc Lộ có cảm tưởng là: dân chúng Việt Nam không khó chấp nhận Mầu Nhiệm”Một Chúa Ba Ngôi” bằng tin Con Thiên Chúa là Đấng phép tắc vô cùng, tốt lành vô cùng, thế mà lại hạ mình xuống mặc lấy xác phàm, làm người yếu hèn như mọi người chúng ta. Chính Mầu Nhiệm”Ngôi Hai xuống thế làm người” mới thật sự lạ lùng, khó tưởng tượng được! Đây là một nhận xét rất tinh tế về tâm tình mộ đạo của người dân Việt, vì họ thường biểu lộ tình cảm sợ hãi, tôn kính đối với những hiện tượng, cảnh vật lạ lùng, kỳ dị hay “linh thiêng”, mà trí khôn nông cạn của loài người không thể hiểu, không thể cắt nghĩa được. Do đó, mặc dầu không thể hiểu được mầu nhiệm thuộc về bản tính cao siêu của Chúa, là mầu nhiệm”Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi”, nhưng các tân tòng sẵn sàng tin theo, vì lời Chúa và lời Hội Thánh truyền dạy. Mặt khác, cha Đắc Lộ đã thực hiện một kế hoặch mục vụ tân tiến là :áp dụng giáo lý vào phụng vụ, nghĩa là đem những tín điều đã học được trong giáo thuyết, áp dụng thực hành trong phụng vụ. Đây là một cách “sống đạo” rất linh động. Chẳng hạn, cha Đắc Lộ đã thánh hóa, dâng hiến ba ngày Tết Nguyên Đán để tôn kính mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi”

 ĐÀM ĐẠO

 ĐẤNG TẠO HÓA, HAY “ÔNG TRỜI” CÓ NGÔI VỊ KHÔNG?

 Trong Tứ Thư Ngũ Kinh và trong  tín ngưỡng dân gian, ta nhận thấy rõ ý niệm về một “Đấng” Tạo Hóa hay “Ông Trời” Siêu Việt, “KHÁC BIỆT”, nhưng cũng gần gũi với tạo vật. “Đấng “đó có một bản vị, ngôi vị khác với các nhân vị khác. Đấng đó cai quản muôn vật muôn loài, và đường lối, tức “Đạo” của Đấng Thượng Đế hay Thiên, gọi là Thiên Mệnh. Muốn được hạnh phúc, con người phải bắt nhân đạo thuận theo thiên đạo. Người bình dân Việt Nam hay Trung Quốc vẫn ôm ấp một niềm tin sâu xa vào Đấng Bề Trên: người Việt gọi là “Ông Trời”, và người Hoa gọi là “Thiên-Lão-Tổ”

Lễ Tế Nam Giao vào dịp đầu Xuân, hay việc dựng bàn thờ “Ông Thiên” ở trước nhà, chứng minh cho niềm tín ngưỡng ấy. Gần đây, những cuộc bách hại tôn giáo ở Trung quốc do phong trào “Cách mạng văn hóa”, cũng không thể dập tắt được truyền thống hữu thần trong Khổng-Mạnh.

 Quan niệm “Thiên trị” ngày xưa coi Trời là Đấng cầm quyền sinh tử và thưởng phạt, đã đặt ra “Hồng Phạm Cửu Trù” và “Nguyệt Lệnh” để vua chúa ( Thiên tử, con Trời) phải tuân theo trong việc thay Trời mà cai trị nước. Nếu vị quân vương làm trái Thiên Mệnh, thì sẽ gây ra tai họa cho toàn dân. Đó là quan niệm Trời và Người có tương quan đến nhau:”Thần- Nhân tương dữ”!

 Quan niệm “ Trời và người liên hệ với nhau”, trong sách Kinh Thánh Cựu Ước kể truyện vua Đavít phạm tội và Thiên Chúa đã phạt toàn dân phải chết vì dịch tễ (2 Sam 24:10-15)

 Khi Thiên Chúa Giáo được truyền sang Trung Hoa và Việt Nam, các vị thừa sai ngoại quốc đã gặp khó khăn trong việc chuyển ý, chuyển ngữ, phiên dịch, tạo những từ ngữ mới trong tiếng bản quốc để có thể diễn tả một cánh xứng hợp với nội dung thần học trong sách giáo lý của Hội thánh. Vì không đủ thời giờ, vì thiếu tài liệu nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ và  các tư tưởng triết lý siêu hình của Trung Hoa và Việt Nam, nên một số các vị giáo sĩ Tây phương đã ngần ngại hoặc lo sợ “rối đạo, lạc đạo”khi dùng các danh từ thuần tuý địa phương, “bản quốc”, để diễn tả các ý niệm trong sách Giáo lý của Thiên Chúa Giáo. Những do dự và ngộ nhận, hiểu lầm trong quá khứ đã gây bất mãn đối với các dân tộc đã có một nền văn hiến kỳ cựu, khả kính. Ngày nay, nhờ “khoa thần học về các tôn giáo” (theology of Religions) phát triển, nhờ sự nghiên cứu tường tận về các nền văn hóa, nên vấn đề “tranh luận về lễ nghi, phong tục”, hay việc phiên dịch các từ ngữ được dễ dàng hơn. Những danh xưng thông dụng nhất để chỉ Đấng Tạo Hóa, là những danh từ như: Thiên Chúa (Chủ), Thượng Đế, hay Đức Chúa Trời, được dùng trong các sách giáo lý và phụng vụ

 Những điểm dị biệt

Nếu so sánh quan niệm về Một Đấng tạo thành vũ trụ càn khôn, giữa Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, ta còn thấy một số điểm dị biệt :

 1/ Theo các sách cổ điển và niềm tín ngưỡng dân gian như Cadao, Tục ngữ…danh từ “Thượng Đế”, “Thiên”, hay “Ông Trời” ..thường mang một ý nghĩa cao siêu về một Đấng có bản vị, hữu ngã, “Khác” với mọi loài mọi vật trong trời đất. Chữ “Đế”, khởi thủy là Vị Thần thuộc dòng họ nhà Thương (chừng 1300 B.C). Có thể là một vị tổ tiên đã được thần thánh hóa, và ta nhận thấy “tính chất hữu ngã, nhân vị” của vị thần ấy “khác” với các vị thần khác. Do đó, chữ “Thượng Đế” được dùng để chỉ một vị Chủ Tể tối cao hơn hết mọi vị thần.

 Danh từ “Thiên” hay “Trời”, không có ý chỉ trời xanh mênh mông mịt mù, nhưng là ám chỉ một “ÔNG TRỜI”, Đấng Linh Thiêng ẩn náu làm chủ, tạo dựng nên không trung bao la huy hoàng kia. Có thể chữ “Thiên” xuất hiện vào thời nhà Chu (khoảng 1111-249 B.C). Tuy nhiên, nếu so sánh về nguyên tự, ta thấy chữ”Thượng Đế” biểu lộ đặc tính hữu ngã, bản vị, ngôi vị hơn chữ Thiên (Trời). Nhưng chữ “Thiên” đã biến hóa, hoặc là nghiêng về ý nghĩa “Nội Tại” (Immanence) hơn là “Siêu Việt (Transcendence), hoặc mang một ý nghĩa “huyền bí” (mystical) hay “phiếm thần” (pantheism), rồi trở thành một quyền uy về luân lý trong vũ trụ, một Vị Thượng Trí, một Ý Chí định đoạt số phận của nhân loại. Sau này, muốn nhấn mạnh đến tính chất Siêu Việt, Hữu Ngã của “Thiên”, nên thêm chữ “Chủ”, thành ra chữ “Thiên Chủ (Thiên Chúa)như đang thông dụng cho đến ngày nay. Nói tóm lại, hai danh xưng Thượng Đế và Thiên đã được dùng chung thay thế cho nhau, từ thời nhà Chu, để chỉ Đấng Tối Cao,Vị Chủ Tể vũ trụ càn khôn [203].

 2/ Quan niệm về “Thiên Mệnh”, “Thiên Tử” trong Nho Giáo cũng khác tín điều về “Ngôi Hai Thiên Chúa” là “Con Thiên Chúa” giáng trần để cứu độ nhân loại. Theo văn hóa cổ truyền, các thánh vương đời xưa được coi là “Thiên Tử” (con Trời) vì lãnh Mệnh Trời để cai trị dân. Vị quân vương là vị trung gian giữa Trời và dân (  ). Nhưng đây chỉ là dã sử, hay truyền tụng, chứ không phải một biến cố lịch sử, nghĩa là không có một vị thánh vương nào dám quả quyết đã được Trời sai đến hoặc được uỷ thác một sứ mệnh đặc biệt, trong một hoàn cảnh lịch sử rõ ràng để cứu nhân độ thế, kể cả vua Nghiêu, vua Thuấn, Đức Khổng Tử, Thày Mạnh Tử, hay Đức Phật Thích Ca.

 Theo lịch sử dân tộc Do thái, Thiên Chúa độc nhất “YAHWEH”đã có một Giao Ước với các lãnh tụ của dân như: Abraham, Moses, Davit…Đó là thời Cựu Ước. Đến thời gian đã ấn định, Thiên Chúa đã thiết lập một Giao Ước mới, gọi là Tân Ước. Theo giao ước mới này, Thiên Chúa đã sai chính “Thánh Tử”, tức Ngôi Hai Thiên Chúa “xuống thế làm Người”, “mặc lấy xác phàm” như mọi người chúng ta, trừ tội lỗi.. Ngài đã” Nhập Thể” trong một ngôi vị là Chúa Cứu Thế lịch sử. Vì thế, Ngài mới là Vị “Thiên Tử” chính thực đã giáng trần để cứu độ sinh linh.

 3/ Nho Giáo chú trọng đến “động thể” của Nguyên Lý Siêu Việt, nghĩa là suy xét về các hành động của Nguyên Lý ấy biểu lộ trong vũ trụ, thiên nhiên. Do đó, các triết gia ít suy luận về bản thể “Tĩnh”, “bất biến”, “hằng hữu”, và các “phẩm tính”của Đấng Tự Hữu. Vì xét theo động thể, nên các nhà hiền triết đã đặt ra nhiều danh xưng để gọi Nguyên Lý Siêu Việt, tùy từng khía cạnh biến hóa như: “Lý Thái Cực, Vô cực, Đạo, Tâm, Chân Như….Ngoài ra, các triết gia cũng không dùng luận lý để chứng minh sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa như các nhà triết học Hy lạp hay Thánh Tôma đã làm.

 4/Theo Thần Học và Triết Học, Đấng Tạo Hóa vừa có tính chất Siêu Việt (Transcendent) vừa có tính chất Nội Tại (Immanent). Theo tôn chỉ trên, ta thấy Đông phương nhấn mạnh vào đặc tính Nột Tại hơn là Siêu Việt. Do đó, sự khác biệt giữa Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo được nổi bật trong cách kiến trúc các thánh đường. Thiên Chúa Giáo chú trọng đến khía cạnh Siêu Việt của Thiên Chúa, nên xây tháp cao”chọc trời”. Còn Đông phương thì nhấn mạnh vào đặc tính Nội tại, tiềm ẩn của Vị Hóa Công trong vũ trụ, nên xây nền Tế Trời trên một khoảng đất trống rộng giữa thiên nhiên (đền Nam giao về phía nam kinh đô Huế), hoặc xây cất chùa, miếu..lẩn lút dưới vòm cây để hòa hợp với cảnh thiên nhiên như thể giữa thế giới thiêng liêng và nhân thế có sự giao hòa mật thiết với nhau. Cũng vì lẽ đó, triết lý Đông phương thiên về những quan niệm như: Vạn vật nhất thể, Thiên-Nhân hợp nhất, Thần-Nhân tương dữ, Tam tài (Thiên-Địa-Nhân)

 5/ Về phương diện tế tự, Đông phương không cấm cá nhân cầu nguyện, nhưng thiếu những lễ nghi phụng tự linh đình, trọng thể, sầm uất, và tập họp dân chúng đông đảo, hoặc  tổ chức thường xuyên những lễ kỷ niệm. Trong Do thái giáo, toàn dân dành ngày Sabbat để thờ phượng Yahweh. Thiên Chúa Giáo dâng ngày Chúa Nhật (ngày của Chúa) để tham dự Thánh Lễ và làm các việc đạo đức, từ thiện. Sự sùng kính, cúng giỗ của tín đồ các đạo giáo có tính cách cá nhân, ít khi tổ chức những cuộc rước sách, hay lễ nghi có đông đảo quần chúng tham dự. Việc cúng giỗ, lễ chùa là việc của cá nhân hay gia đình. Lễ Tế Nam Giao được tổ chức mỗi năm một lần, dưới sự chủ tế của vị quân vương, đại diện toàn dân, còn đại đa số dân chúng thì dựng bàn thờ”Kính Thiên” ở trước nhà.

 6/ Thiên Chúa Giáo hay KyTô Giáo bắt nguồn từ Kinh Thánh Cựu Ước của Do Thái Giáo. Khác với các dân tộc lân bang thờ nhiều thần, dân Do Thái chỉ thờ một Vị Thần độc nhất vô nhị. Vị Thần này vô hình vô tượng, vô cùng cao siêu trên mọi thần thánh khác. Theo Kinh Thánh, dân Do Thái miễn cưỡng gọi Vị Thần Tối Cao đó bằng danh xưng “Yahweh” và “Elohim”. Khi hiện ra với Maisen, Thiên Chúa độc nhất vô nhị đã mặc khải danh hiệu Ngài là Y H W H=YaHWeH, nghĩa là “ehjeh aser ehjeh” được phiên dịch là “Ta là Đấng Tự Hữu”, hay “Ta là Đấng Có” (Ego eimi hoon), hay “Ta có sao Ta có vậy”[204].

 Cũng nên giải thích thêm, các nhà ngữ học cho rằng tiếng Trung Hoa và Việt Nam không có động từ cùng loại với động từ “to be” (Anh ngữ), être (Pháp), sein (Đức), esse (Latinh)…”To be” không phải chỉ có nghĩa “Là” thế này, thế kia, nhưng đặc biệt trong triết học, siêu hình học, còn có nghĩa là “tự lập”, “tự tại”, “tự tồn tại” (self-subsistence). Khi triết gia Descartes viết:” Cogito, ergo sum” (I think, therefore I am), tạm dịch sang tiếng Việt là: “Tôi suy tưởng, nên Tôi hiện hữu”. Mỗi khi phải phiên dịch động từ “to be” theo nghĩa triết học thì mượn động từ “hữu” hay “có”.

 Do đó, “Yaheh” được hiểu là “Ta là Đấng Tự Hữu (Tự chủ, Tự Tồn tại), vì bản tính của Thiên Chúa là một bản thể tự lập tuyệt đối, là chính sự Hiện Hữu. Dịch như trên là chú trọng vào phần bản thể “Tịnh” của Thiên Chúa. Ngày nay, nhiều học giả về Kinh Thánh chú ý đến khía cạnh “Động Thể”, nghĩa là Thiên Chúa luôn can thiệp vào lịch sử cứu độ, biểu lộ thánh ý qua các lời tiên tri để giải phóng, phù giúp dân Chúa (coi Sách Xuất Hành 6:6..). Có thể nói danh từ “Yahweh” hàm ẩn ba ý nghĩa: Thiên Chúa can thiệp vào các biến cố lịch sử của nhân loại, nhưng Chúa vẫn là Đấng Siêu Việt, là Chúa Quan Phòng mọi sự, mọi loài, Ngài hiện hữu trong mọi biến cố của Lịch Sử Cứu Độ, Ngài là Chúa của vũ trụ càn khôn. Do đó, thay vì phiên dịch”Ta là Đấng Tự Hữu”, có thể dịch là:”

 “Ta sẽ có sao Ta sẽ có vậy” (I shall be what I shall be). Câu: “Ta là Đấng Tự Hữu” diễn tả sự “Tự lập” Tự thể, tức bản thể “Tịnh” (static ontological) của Chúa, câu :”Ta sẽ có sao Ta sẽ có vậy” diễn tả khía cạnh “Động “ của Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử.

 Ngoài danh xưng Yaweh, Kinh Thánh Cựu Ước còn dùng tiếng “Elohim” để chỉ Thiên Chúa độc nhất vô nhị. Theo nguyên tự, tiếng Elohim chỉ các thần (số nhiều). Nhưng được dùng trong Kinh Thánh Cựu Ước để chỉ một Thiên Chúa chính thực và duy nhất. Hai danh xưng này phối hợp trong câu: “Ngươi hãy nhìn nhận Thượng Đế (Yahweh) là Thiên Chúa (Elohim) ngươi, không có Chúa nào khác nữa.” (Dt 4,35). Ở đây ta thấy cả hai Thánh Danh đều chỉ một Thiên Chúa có Ngôi Vị Siêu Việt, khác với mọi loài, mọi vật.

 7. Trong Kinh Thánh Tân Ước, chữ hy-lạp “Theos” được dùng để chỉ Thiên Chúa. Theo nguyên tự tối cổ, chữ “Theos” ám chỉ tín ngưỡng đa thần của Hy lạp, trong đó vị thần tối cao là Zeus, cha của các thần khác. Nhờ sự suy luận triết học và siêu hình học của các triết gia Plato và Aristotle, ý niệm và nội dung của chữ “Theos” đã được thanh lọc và biến đổi để xưng hô Một Vị Thần độc nhất trên các thần khác.

 Các vị Thánh Ký ghi chép sách Kinh Thánh Tân Ước đã dùng danh xưng “Theos”để chỉ Thiên Chúa trong các tác phẩm. Tuy mượn danh từ trong triết lý Hy Lạp, nhưng các vị thánh ký chỉ chú trọng đến sự kiện lịch sử Chúa đã mặc khải cho Mai sen, và đặc biệt nơi nhân vật lịch sử mới xuất hiện là chính Đấng Cứu Thế. Đối với các tín hữu thời Tân Ước, Đấng Cứu Thế lịch sử chính là hiện thân của Thiên Chúa. Họ không lưu ý đến ý niệm siêu hình, trừu tượng về “Theos” của các triết gia Hy Lạp. Các thánh ký đều viết: “Vị Thiên Chúa mà Đấng Cứu Thế mặc khải cũng chính là Vị Thiên Chúa của dân Do thái và các tổ phụ, Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Jacob “ (coi Matt.15:31,22:32, Marc 12:26; Lk 1:68, 20:37;Acts 13: 17, 22:14; 2 Cor.6:16; Heb 11:16). Vị Thiên Chúa đó là “Cha” của Đấng Cứu Thế (coi Rom 15:6; 2 Cor 1:3, 11:31; Eph.1:3). Vị Thiên Chúa đó có phẩm tính siêu việt như một bản vị biệt lập, khác các loài thụ tạo. Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Chúa Tể thời gian và can thiệp vào dòng lịch sử của nhân loại. Ngài đối thoại với loài người, lắng nghe lời cầu khẩn và ban truyền các lề luật các giới răn. Bản thể của Thiên Chúa là Tình Thương vô biên đã được tỏ hiện trong thời Cựu Ước, đặc biệt được mặc khải nơi Nhân Vị của Đấng Cứu Thế trong thời Tân Ước.

 Nói tóm lại, trong truyền thống thần học và triết học, Thiên Chúa Giáo luôn đề cao sự Siêu Việt Tuyệt Đối của Ngôi Vị Thiên Chúa, khác với mọi loài thụ tạo. Quan niệm về sự sáng tạo từ “Hư Vô” (ex nihilo) chứng minh cho tính chất Siêu Việt Tuyệt Đối đó. Chỉ một mình Đấng Tạo Hóa là “Tự Hữu”, “Vô Thủy vô Chung. Ngài sáng tạo muôn vật từ “hư không”, nghĩa là vạn vật đã có một khởi thủy rồi sau mới có biến hóa. Đạo giáo Đông Phương cũng nhìn nhận sự Siêu Việt của Vị Chủ Tể càn khôn, nhưng không đề cập đến lý thuyết về sự “tạo dựng từ hư vô” (creatio ex nihilo); vì theo cách suy luận “nhất nguyên luận”, nên không thích “phân biệt” (distinction). Do đó, Đông Phương thường nhấn mạnh tính chất “Nội Tại” của Vị Chủ Tể nơi vạn sự vạn vật, còn Thiên Chúa Giáo và triết lý Tây Phương thì ưa thích luận lý “biện biệt” và đề cao bản tính Siêu Việt Tuyệt Đối của Vị Chủ Tể trên hết mọi sự mọi loài trong vũ trụ.

 Cao Phương Kỷ, Lm

 o0o

 Chú Thích và Tham Khảo

 Dưới đây là những chú thích rút ra từ một số sách căn bản, dễ đọc và dễ tìm để tham khảo và đọc thêm.

 [197]. Coi : Nguyễn Văn Ngọc:” Tục Ngữ Phong Dao”; Bảo Vân:” Tục Ngữ Ca Dao và Dân Ca”, Quê Hương

 [198]. Coi:” Lĩnh Nam Chích Quái”, Trần Thế Pháp; Lê Hữu Mục dịch, Khai Trí : trg, 60

 [199]. Coi: Peter Phan:”Mission and Catechesis”: trg, 215-223

 [200]. Coi: N.H.Lai:” La Tradition Religieuse Spirituelle Sociale au Viet Nam” , Beauchesne: trg, 116-119

 nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay