Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. (Gc 1:21bc)-Cha Vương

Nào ta hãy chúc tụng và tạ ơn Chúa vì tình yêu bao la của Ngài đã dành cho chúng ta.

Cha Vương

Thứ 3, T3MV: 17/12/2024

TIN MỪNG: Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:… từ ông Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.  (Mt 1:1,17)

THE GENEALOGY OF JESUS — Lincoln Park UBF

SUY NIỆM: “Nước có Sử, nhà có Phả.”, “Chim có tổ, người có tông.” Là hai câu bạn thường thấy trong những quyển sách nói về gia phả của gia đình. Vào những ngày cuối của Mùa Vọng bạn được nghe đến gia phả của Đức Giê-su Ki-tô. Con người ta sinh ra ai cũng có nguồn cội. Chúa được sinh ra và cũng có cội nguồn vậy. Trong Tân Ước, Đức Giê-su được coi là một Đavít mới.

Vậy Đavít mới có liên hệ gì đến Đavít cũ. Phúc Âm thánh Matthêu tuy trình bày một cách đơn giả nhưng cũng giúp bạn hiểu được mối liên quan của Đấng Cứu Độ và sự cần thiết của ơn cứu độ đối với con người.

Mátthêu muốn bạn lưu ý đến con số 14 trong cách trình bày gia phả của Đức Giêsu: “Từ Abraham đến Đavít có 14 đời; từ Đavít đến thời lưu đày Babylon có 14 đời; từ thời lưu đày Babylon đến Đức Giêsu có 14 đời” (1:17). Tại sao lại là con số 14? Cách giải thích đơn giản và dễ hiểu nhất là bạn hãy đặt mình vào não trạng người Do Thái thời bấy giờ – bởi họ là những độc giả trực tiếp tác phẩm của Matthêu.

Theo quan niệm của họ, con số 14 là con số ám chỉ Đavít. Thật vậy theo mẫu tự tiếng Hipri thì Đavít gồm ba chữ: Đ W Đ (Đawiđ). Đ tương đương với số 4, W số 6 và Đ số 4. Cộng chung lại, ta có số 14. Như thế, có thể nói, khi trình bày gia phả Đức Giêsu trong tương quan với con số 14, ngay từ đầu, Matthêu đã muốn so sánh và gắn liền Đức Giêsu với Đavít.

Đức Giêsu là Đavít mới xuất hiện trong lịch sử dân Người. Đối với người Do Thái, Đavít là nhân vật nổi bật trong lịch sử của họ, không những trên bình diện chính trị xã hội, mà còn trên bình diện tôn giáo nữa. Đó là một khuôn mặt rất tiêu biểu của Israel trong Cựu Ước. Vậy, khi trình bày Đức Giêsu là Đavít mới, Matthêu cũng nhắm trình bày Người là khuôn mặt tiêu biểu, là trung tâm của Dân Chúa trong Tân Ước. Ý tưởng này, được Matthêu nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm của ngài. Thí dụ: Mt 9:27 có viết: “Đang khi Đức Giê-su ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!”; và Mt 21:9: “Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.”

MCF Life Church: The Joy of Salvation

(Nguồn: WHĐ)

Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui cứu độ.

Ơn cứu độ trước hết và trên hết là công trình của Thiên Chúa, Đấng tự đi vào trong lịch sử nhân loại, thông qua mạc khải trong cựu ước và cuối cùng với lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa ơn cứu độ ấy được mạc khải trọn vẹn nơi chính Đức Giêsu Kitô.

Ơn cứu độ là một ân ban như không của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài không đòi hỏi nơi con người một điều kiện nào hết mà Ngài chỉ cần con người đáp lại lời mời gọi của Ngài mà thôi. Trong sự cứu độ này Thiên Chúa đã đích thân đến cắm lều cư ngụ giữa con người, Ngài tìm kiếm, hiện diện và trao ban chính Ngài cho bạn. Bạn có sẵn sàng chưa?

LẮNG NGHE: Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. (Gc 1:21bc)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin hãy đến và ở lại với con luôn mãi.

THỰC HÀNH: Dọn đường cho ngay thẳng để đón Chúa Cứu Độ nhé.

From: Do Dzung

*****************************

Niềm Vui Ơn Cứu Độ – Vũ Phong Vũ

Được xem 4 lần, bởi 4 Bạn Đọc trong ngày hôm nay