August 20, 2024
Trúc Phương/Người Việt
Hàng chục ngàn đảng viên Dân Chủ đang đổ về Chicago dự Đại Hội Toàn Quốc Đảng Dân Chủ (DNC) (từ ngày 19 đến 22 Tháng Tám), trong không khí tràn ngập cảm xúc và hưng phấn tột độ. Sự kiện này khép lại sự nghiệp chính trị của một thế hệ chính trị gia lão làng mà đại diện là Tổng Thống Joe Biden, mở ra chương mới cho thế hệ kế tiếp với nhân vật trung tâm là Phó Tổng Thống Kamala Harris.
Tổng Thống Joe Biden (phải) nắm tay bà Kamala Harris, phó tổng thống và là ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, tại Đại Hội Toàn Quốc Đảng Dân Chủ (DNC) ở Chicago, Illinois, hôm 19 Tháng Tám. (Hình: Robyn Beck/AFP via Getty Images)
“Đây là một bước ngoặt đáng chú ý,” nhận xét của ông Howard Dean, cựu chủ tịch Ủy Ban Dân Chủ Quốc Gia và cựu thống đốc Vermont. “Đảng Dân Chủ đang hồi sinh.”
Một sự kiện lịch sử của Dân Chủ trong ít nhất một thập niên
Trong vòng chưa đầy một tháng, chính xác là 29 ngày, kể từ quyết định quan trọng từ bỏ nỗ lực tái tranh cử của ông Joe Biden, bà Kamala Harris đã đoàn kết gần như toàn bộ đảng Dân Chủ và khôi phục lại sự thu hút của đảng đối với các cử tri trẻ và cộng đồng người da màu. Cuộc đua tổng thống vẫn diễn ra cực kỳ căng thẳng nhưng tình thế không còn bi quan đối với Dân Chủ. Khảo sát tại một số bang chiến địa cho thấy Dân Chủ thậm chí nhỉnh hơn Cộng Hòa.
Sự ủng hộ bà Harris ngày càng sôi động, gây bất ngờ cho tất cả, đặc biệt dẫn đến sự ngạc nhiên khó chịu của đảng đối thủ. Hoạt động gây quỹ của Dân Chủ đang diễn ra với tốc độ kỷ lục. Tiền chảy vào túi tranh cử Dân Chủ nhiều như nước. Giới nghệ sĩ, thiết kế thời trang, những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng mạng xã hội, kỹ thuật gia thung lũng Silicon… đều lên tiếng ủng hộ bà Kamala Harris.
Ông Ben Wikler, chủ tịch Đảng Dân Chủ Wisconsin, kể: “Người ta có thể thấy đám đông kinh khủng chen chúc trong các cuộc mít tinh bày tỏ ủng hộ Kamala Harris nhưng điều bạn không thấy là có đến hàng ngàn người ghi danh làm tình nguyện viên, sẵn sàng đi gõ cửa từng nhà nhằm giới thiệu thêm về Phó Tổng Thống Harris và Thống Đốc [Tim] Walz của Minnesota.”
Bà Harris đã chính thức được đề cử đại diện đảng Dân Chủ, trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến được tổ chức đầu Tháng Tám. Việc bà chọn ông Walz làm liên danh tranh cử, đã nhận được sự hoan nghênh ủng hộ từ cả hai phe trong nội bộ Dân Chủ – một sự kiện hiếm hoi đến mức nữ dân biểu cấp tiến Alexandria Ocasio-Cortez nói đùa rằng đảng Dân Chủ đang thể hiện “mức độ dàn trận đáng lo ngại.”
Sự nhiệt tình hào hứng với làn gió mới mà Harris-Walz mang lại trong số những người theo đảng Dân Chủ đã tăng vọt từ 46% vào Tháng Hai, khi ông Biden loan bố tái tranh cử, lên 85% vào Tháng Tám, theo cuộc khảo sát của Đại Học Monmouth. Ngay cả trong thành phần cử tri độc lập, sự háo hức quan tâm dành cho Dân Chủ cũng lan rộng, từ 34% lên 53% trong cùng kỳ.
Tại United Center, sân nhà của đội Chicago Bulls (thuộc NBA), người ta nghe các bài phát biểu từ các chính trị gia lão làng lẫn những nhà lãnh đạo đang lên của Dân Chủ. Tổng Thống Joe Biden có bài phát biểu “truyền đuốc” vào Thứ Hai, 19 Tháng Tám. Theo truyền thống, Thống Đốc Tim Walz nhận đề cử phó tổng thống vào tối Thứ Tư, 21 Tháng Tám; và Phó Tổng thống Kamala Harris có bài phát biểu nhận đề cử tổng thống vào Thứ Năm, 22 Tháng Tám.
Ba khoảnh khắc tạo nên “hiện tượng” Kamala Harris
Ông Simon Rosenberg, chiến lược gia của đảng Dân Chủ, điểm lại những gì diễn ra trong gần một tháng qua (từ khi ông Joe Biden tuyên bố rút lui, vào ngày 21 Tháng Bảy).
Theo ông Simon Rosenberg, cuộc đua tổng thống được định hình lại từ ba khoảnh khắc quan trọng. Đầu tiên là việc cựu Tổng Thống Donald Trump chọn Thượng Nghị Sĩ JD Vance (Cộng Hòa-Ohio) làm liên danh. Giới quan sát tin rằng sự chọn lựa này là sai lầm chết người của ông Trump nói riêng và phe Cộng Hòa nói chung. Khoảnh khắc tiếp theo là ông Biden tuyên bố rút lui và chỉ định bà Harris thay thế ông. Khoảnh khắc thứ ba là sự bật dậy dữ dội của bà Kamala Harris.
Bà bước ra đường đua với tinh thần khát khao dữ dội. Bà nhấn mạnh rằng bà tham gia cuộc đua không phải để “đập Trump” mà để mang lại một tương lai khác cho nước Mỹ. Bà nói rằng nước Mỹ cần nhìn về phía trước… Chưa bao giờ, ít nhất trong 10 năm nay, đảng Dân Chủ chứng kiến một không khí phấn chấn như vậy. Trong lần đầu tiên xuất hiện cùng nhau với tư cách ứng cử viên của Dân Chủ, ông Tim Walz đã cám ơn bà Kamala Harris vì bà đã “mang lại niềm vui” (“bringing back the joy”).
Bà Harris không là ứng cử viên tổng thống đầu tiên đưa ra thông điệp tươi sáng. Cố Tổng Thống Ronald Reagan từng đề cập “bình minh lại về trên nước Mỹ” (“It’s Morning Again in America”); và cựu Tổng Thống Barack Obama thì đưa ra “Hy vọng” và “Thay đổi.”
Tuy nhiên, ông Simon Rosenberg nhấn mạnh rằng việc tranh cử bằng thông điệp tươi sáng trong bối cảnh nước Mỹ hiện tại là vô cùng quan trọng. Nó đưa đến tầm nhìn lạc quan, hướng tới tương lai, trở thành chìa khóa có thể giúp đánh bại một kẻ mà đảng Dân Chủ coi là mối đe dọa vô cùng nguy hiểm đối với nền dân chủ quốc gia; đặc biệt trong không khí các đảng phái chính trị cực hữu đang ngoi lên giành quyền lực ở nhiều nơi trong thế giới Tây phương.
Phản ứng tích cực trong bốn tuần qua là dấu hiệu cho thấy bà Kamala Harris đã đi đúng hướng, khi khai thác được mong muốn sâu sắc thoát khỏi sự u ám và ảm đạm bao trùm nền chính trị và xã hội Mỹ suốt một thập niên – nhận xét của bà Jennifer Mercieca, giáo sư truyền thông thuộc Đại Học Texas A&M và là tác giả cuốn “Demagogue for President: The Rhetorical Genius of Donald Trump.” “Tất cả thông tin bi quan, gieo rắc nỗi sợ hãi, tất cả những căng thẳng và chấn thương mà chúng ta trải qua trong tám năm qua thực sự đã làm mọi người kiệt sức,” bà Jennifer Mercieca (dẫn lại từ The Guardian ngày 18 Tháng Tám).
Phe Cộng Hòa rúng động
Sự trỗi dậy của Dân Chủ đang tạo ra dư chấn lan rộng sang Cộng Hòa. Từng tự tin “thắng chắc” khi đối thủ của họ là ông già hết hơi ông Joe Biden, giờ đây, họ nháo nhào tìm cách đối phó Kamala Harris. Mới đây, Dân Biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), chủ tịch Hạ Viện, đã phát đi thông điệp cảnh báo trong một cuộc gọi riêng với một số đảng viên Cộng Hòa, rằng “những con số khảo sát mới cho thấy tình hình rất đáng lo ngại” (dẫn lại từ POLITICO ngày 18 Tháng Tám).
Trong cuộc gọi, Dân Biểu Richard Hudson (Cộng Hòa-North Carolina), chủ tịch Ủy Ban Quốc Hội Cộng Hòa Quốc Gia, nói rằng những thay đổi đáng kể trong các cuộc thăm dò với sự thắng thế của Dân Chủ cho thấy rõ rằng, cánh Dân Chủ “đã thực sự lên đến đỉnh của họ vào đúng thời điểm.” Ông Hudson cũng nhắc rằng khoảng cách tài chính giữa Cộng Hòa với Dân Chủ đang trở thành điều đáng lo ngại.
Những diễn biến tranh cử trên đường đua tổng thống 2024, từ khi xuất hiện làn gió mới Kamala Harris, cho thấy thêm rằng ông Trump không chỉ quá già (điều mà ông luôn xỉa xói ông Biden) mà còn quá cũ. Ông Trump không đại diện cho điều gì mới. So với chiến dịch tranh cử 2016, Trump 2024 vẫn y hệt. Trong cuộc tranh luận với ông Joe Biden (ngày 27 Tháng Sáu, 2024), người ta thấy ông Trump, 78 tuổi, vẫn tràn đầy năng lượng. Ông vẫn giữ được vẻ sung sức một cách đáng ngạc nhiên. Trong các cuộc vận động tranh cử và trong những cuộc phỏng vấn, ông vẫn “cãi lộn” tốt, vẫn chửi mắng giỏi, vẫn càu nhàu đều trên Truth Social; và vẫn “sáng tạo” trong việc đặt những tên tục nhất và xấu nhất cho các đối thủ.
Tuy nhiên, tất cả cho thấy ông Donald Trump vẫn là phiên bản của chính mình. Mùa bầu cử 2016, ông mang lại luồng gió mới. Ông đại diện cho một kiểu người khác thường, phá vỡ mọi thể chế khuôn định. Ông đập nát mọi tư duy truyền thống. Ông đi một con đường chưa có ai đi hoặc chưa ai dám đi. Lần này, sau tám năm, người ta đã quá quen với ông Trump. Bài vở của ông đều được nhiều người thuộc lòng. Chẳng ai còn thấy gì mới lạ ở ông Trump nữa.
Với tất cả cử tri Mỹ, Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, từng bày tỏ chán ngán cuộc đấu chán ngắt giữa hai ông già Biden-Trump và họ thèm khát một sự thay đổi; thì giờ đây, họ đã nhìn thấy sự thay đổi đó đang đến, không phải từ ông Trump. [qd]