January 23, 2024
Ngay thời điểm hiện tại, giới ngoại giao thế giới lẫn không ít nguyên thủ quốc gia đã chuẩn bị cho sự trở lại của Donald Trump. Với tất cả những đang diễn ra trên sân khấu chính trị Mỹ và trên đường đua tổng thống, việc Trump tái xuất hiện không phải là dự báo xa vời. Nó là một thực tế rất gần…
Trong thập niên trước cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 2008, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Alan Greenspan đã trở thành một nhân vật hô phong hoán vũ. (Cố) Thượng nghị sĩ John McCain, đảng viên Đảng Cộng hòa của tiểu bang Arizona, từng nhận định về sức mạnh kinh khủng của Alan Greenspan: “Ông ấy sống hay chết không thành vấn đề. Nếu ông ta chết, chỉ cần đỡ ông ta dậy và đeo kính đen cho ông ta.”
Trong hai thập niên Greenspan ngồi ghế chủ tịch, từ 1987 đến 2006, Fed đã đóng vai trò trung tâm trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế dữ dội ở Mỹ. Một trong những lý do tạo nên sự nổi tiếng của Greenspan là cái mà thị trường tài chính gọi là “quyền ấn định của Fed” (Fed put).
Trong “kỷ nguyên” Greenspan, giới đầu tư tin rằng các sản phẩm mới mà giới chuyên gia tài chính tạo ra dù ẩn chứa nhiều rủi ro như thế nào, thì nếu điều gì tồi tệ xảy ra, hệ thống tài chính Hoa Kỳ vẫn có thể tin tưởng vào khả năng giải cứu tài tình của Fed-Greenspan.
“Fed put” đã chứng tỏ được mức độ hiệu quả thực tế: Khi loạt chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp của Wall Street dẫn đến sự sụp đổ của Lehman Brothers, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Bộ Tài chính và Fed đã vào cuộc ngay tức thì để chặn đứng nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc Đại suy thoái lần thứ hai.
“Fed put” đáng được nhắc lại khi xem xét tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu nhận ra thực tế, một năm nữa, cựu Tổng thống Donald Trump có thể trở lại Tòa Bạch Ốc. Theo đó, một số chính phủ ngoại quốc đang tính đến mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ, trong cái gọi là “Trump put” – kiểu ấn định của Trump, hoặc nôm na là luật chơi của Trump.
Người ta đang duyệt xét lại nhiều thứ, từ quan hệ ngoại giao với Mỹ đến những giao dịch kinh tế. Một số nước thậm chí đang trì hoãn một số đàm phán với Mỹ với mong muốn họ có thể “deal” với Trump; trong khi một số đang thúc đẩy ký kết những “giao kèo” của họ với Joe Biden với ý nghĩ họ sợ Trump phá hỏng nếu Washington chứng kiến sự trở lại của Trump trong Phòng Bầu Dục.
Những tính toán của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến chống Ukraine là ví dụ cụ thể nhất. Dù không ai biết Trump làm gì để có thể chấm dứt cuộc chiến Ukraine “trong một ngày” nhưng có điều gần như chắc chắn rằng, nước Mỹ của Trump sẽ hạn chế hoặc thậm chí ngưng chi tiền cho Ukraine.
Trump khẳng định: “Tôi sẽ nói với [Tổng thống Ukraine Volodymyr] Zelensky, không [viện trợ] nữa. Ông phải thực hiện một thỏa thuận” (“I would tell [Ukrainian President Volodymyr] Zelensky, no more [aid]. You got to make a deal”).
“Make a deal” là “deal” gì và làm thế nào để “make” thì chẳng ai biết.
Phần mình, các đồng minh Ukraine ở Âu Châu đang tính đến một thế giới hỗn loạn khi Trump tái xuất hiện. Quan hệ giữa họ với Washington không chỉ thay đổi mà khối NATO cũng đứng trước nguy cơ tan vỡ. EU đang nhớ đến nhận xét của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel sau một cuộc gặp với Trump: “Chúng ta phải tự chiến đấu vì tương lai của mình.”
Thật ra Trump không phải là người Mỹ duy nhất đặt ra câu hỏi tại sao một cộng đồng Âu Châu có dân số gấp ba lần Nga và GDP hơn chín lần lại phải phụ thuộc vào Washington để bảo vệ họ.
Trong một cuộc phỏng vấn với tổng biên tập tờ The Atlantic Jeffrey Goldberg vào năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã chỉ trích người Âu Châu (lẫn nhiều nước khác) là “free riders”. Hiểu theo định nghĩa phổ biến thì “free riders” nôm na là những kẻ “dựa dẫm kẻ khác và xài tiền chùa” (“people, entities, or provisions that benefit from the actions of another entity without contributing”).
Nhưng Trump đã đi xa hơn. Ông không chỉ muốn EU ngưng xài tiền chùa. Ông không muốn chơi với EU. Theo John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, Trump từng huỵch toẹt: “Tôi cóc quan tâm đến NATO” (“I don’t give a shit about NATO”), trong một cuộc họp năm 2019 trong đó Trump thật sự nghiêm túc bàn về việc rút Mỹ hoàn toàn khỏi NATO.
Sau hai năm cố thuyết phục Trump về tầm quan trọng của các quốc gia đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chua chát kết luận rằng sự khác biệt của ông với tổng thống sâu sắc đến mức ông không thể làm việc với Trump và cuối cùng phải từ chức.
Thời điểm hiện tại, trang web tranh cử của Trump tiếp tục nhấn mạnh việc “đánh giá lại một cách căn bản về mục đích và sứ mệnh của NATO”. Một số nguyên thủ Âu Châu bây giờ thậm chí trì hoãn kế hoạch gửi xe tăng và đạn pháo tới Ukraine vì cho rằng họ có thể cần đến để tự bảo vệ một khi nước Mỹ của Trump không “phụ” chi tiền giúp Âu Châu phòng thủ trước Nga.
Khả năng trở lại Tòa Bạch Ốc của Trump cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến loạt kế hoạch chống biến đổi khí hậu, thể hiện rõ ở Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP28 vừa kết thúc ở Dubai (tổ chức từ ngày 30 Tháng Mười Một đến 13 Tháng Mười Hai 2023).
Trong khi Joe Biden làm hết sức có thể để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì giới sản xuất dầu hỏa, khí đốt và than đá đang háo hức trước viễn cảnh Trump – người luôn ủng hộ nhiên liệu hóa thạch – quay lại.
Ấn Độ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba, đang ăn mừng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhờ chương trình năng lượng quốc gia với trọng tâm là công nghiệp than. Trung Quốc – từng tự hào là nhà sản xuất số một thế giới về năng lượng tái tạo “xanh”, với việc lắp số pin mặt trời chỉ trong năm 2023 nhiều hơn số pin mà Mỹ lắp trong năm thập niên qua – hiện cũng xây dựng số nhà máy than mới nhiều gấp sáu lần so với phần còn lại của thế giới.
Nhiệm kỳ thứ hai của Trump gần như chắc chắn chứng kiến một “trật tự thương mại thế giới mới”. Chính xác hơn là sự rối loạn. Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức năm 2017, Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Những tuần tiếp theo chứng kiến sự kết thúc của các cuộc thảo luận bàn về việc tạo ra một hiệp định tương tự ở Âu Châu cũng như các hiệp định thương mại tự do khác. Sử dụng thẩm quyền đơn phương mà Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 trao cho cơ quan hành pháp, Trump đã áp đặt mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá $300 tỷ của Trung Quốc.
Trong chiến dịch tranh cử hiện tại, Trump tự gọi ông là “Tariff Man”. Trump hứa áp đặt mức thuế phổ quát 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả quốc gia; ăn miếng trả miếng với các quốc gia đánh thuế cao đối với hàng hóa Mỹ; áp dụng chính sách trả đũa đích đáng, “máu trả bằng máu, thuế đáp lại thuế” (“an eye for an eye, a tariff for a tariff”).
Trump nói, hiệp ước hợp tác với các nước Châu Á-Thái Bình Dương do chính quyền Biden đàm phán, trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương hướng tới thịnh vượng (Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity) sẽ “được khai tử ngay ngày đầu tiên” (“dead on day one”).
Với Trung Quốc, một trong những động thái đầu tiên của Trump là hủy bỏ quy chế “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” mà Trung Quốc được cấp vào năm 2000 trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Mục tiêu của Trump là “loại bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong tất cả lĩnh vực quan trọng”, trong đó có điện tử, thép và dược phẩm.
Trong lịch sử, có những thời điểm sự khác biệt giữa Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa về chính sách đối ngoại quan trọng nói chung là gần như không đáng kể. Tuy nhiên, trong thập niên này, từ khi xuất hiện Donald Trump, nước Mỹ đã khác. Dân Chủ và Cộng Hòa là kẻ thù không đội trời chung. Cả hai đánh nhau một mất một còn.
Điều tai hại là sự hỗn loạn chính trị của Mỹ khiến thế giới ngày càng không tin vào Mỹ. Uy tín chính trị Mỹ ngày càng tuột dốc không phanh. Bầu cử 2024 đang vào giai đoạn nóng. Cả thế giới đang theo dõi nước Mỹ, với sự chán ngán, hoài nghi và thất vọng.