Nhân ngày 30/4 báo chí thỉnh thoảng có những bài ghi lại những cảm nhận của những người từ miền ngoài vào ‘tiếp quản’ Sài Gòn lúc đó (1975). Bài này (đăng ngày 30/4/2018) do Vietnamnet chạy cái tít hơi giật gân, nhưng nội dung thì rất đáng đọc vì viết về cảm nhận về nền giáo dục thời trước 1975 của một người trong cuộc.
Ts Nguyễn Kim Hồng là cựu hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM (trước đây là một phân khoa của Viện Đại học Sài Gòn thời VNCH). Ông kể rằng khi được phân công vào ‘tiếp quản’ nơi đây, ông đã bị sốc. Cú sốc đầu tiên là ông ‘không ngờ Sài Gòn lớn và đẹp đến như vậy.’
Vào phân khoa sư phạm, ông ngạc nhiên khi thấy cơ sở vật chất của phân khoa tốt hơn hẳn ngoài Hà Nội. Thời đó mà đã có các camera truyền hình ảnh trực tiếp. Về giảng viên, ông nhận xét rằng:
“Trong lĩnh vực khoa học xã hội, theo tôi những giảng viên trước 1975 ở miền Nam được đào tạo tốt hơn.”
Nhưng ông còn sốc hơn khi tiếp xúc với sinh viên miền Nam. Ông nói:
“Sinh viên Sài Gòn rất lễ phép. Đa phần sinh viên Sài Gòn thời điểm đó đều xưng con với tôi, mặc dù tôi chỉ hơn họ 3-4 tuổi thôi. Việc khoanh tay để chào khách, chào thầy, cô ở miền Bắc được coi là hiếm nhưng ở Sài Gòn lại như một điều tất nhiên. Tôi cảm giác nhà trường và các gia đình Nam Bộ chú ý nhiều hơn đến việc dạy lễ cho con em mình
[…]
Tôi cho rằng trước năm 1975, họ đã được dạy về những giá trị cá nhân của con người nên không bao giờ để chuyện này xen vào công việc, vào đời sống chính trị. Đó là những điểm văn hóa rất khác với người miền Bắc.”
Nhà văn Vương Trí Nhàn cũng có những nhận xét về nền văn học, giáo dục miền Nam và người Nam giống giống như vậy. Ông còn cho biết rằng nhiều người miền Bắc khi vào miền Nam đều nghĩ vậy nhưng chẳng ai viết ra. Nhưng Ts Nguyễn Kim Hồng và Nhà văn Vương Trí Nhàn thì viết ra, và họ đóng góp vào một cái nhìn công tâm hơn về nền giáo dục thời xưa. Nhà văn viết:
“Nhìn rộng ra thấy không chỉ kinh tế tốt hơn mà giáo dục miền Nam lúc đó cũng hơn; không chỉ đường xá tốt, mà tư cách cá nhân của con người trong đó nói chung cũng trưởng thành hơn con người miền Bắc, trình độ hiểu biết và tuân thủ luật pháp tốt, giữa người với người có mối quan hệ tử tế, thanh thiếu niên lúc đó ham học và biết học hơn.”
Ngày nay, một số bạn trẻ cứ thắc mắc hỏi tại sao những người có tuổi thường hay nhắc về nền giáo dục thời xưa, thì hai vị này đã giúp cho họ có câu trả lời. Hồi đó, triết lí giáo dục được tóm lược trong 3 chữ: nhân bản, dân tộc, và khai phóng.
- Nhân bản có nghĩa là lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Với triết lí nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.
- Dân tộc có nghĩa là đề cập đến việc tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.
- Khai phóng có nghĩa là cởi mở và cấp tiến, không phải đóng cửa và bảo thủ. Sẵn sàng tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.
Thời gian gần đây nhiều học giả than phiền rằng Việt Nam chưa có một triết lí giáo dục. Theo tôi, cứ lấy triết lí Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng làm nền tảng cho nền giáo dục là thực tế nhứt, chẳng cần phải đi tìm đâu xa xôi.
Ps. Xin giới thiệu bài Hành Khúc Học Sinh của nhạc sĩ Lê Thương. Thời đó, học sinh nào cũng thuộc bài này: