Công lý đã thua và không thể phục hồi lại được

Báo Tiếng Dân

Lê Nguyễn Duy Hậu

5-4-2023

Trong khi cả thế giới chú ý đến vụ việc Trump xuất hiện tại phiên tòa ở New York để nghe cáo trạng chống lại mình, thì tại Việt Nam, bản cáo trạng liên quan đến vụ án chuyến bay giải cứu có lẽ là đáng quan tâm hơn rất nhiều. Năm mươi bốn bị cáo đại diện cho một vòng tròn khép kín “làm ăn” trong suốt hai năm chống dịch, từ người phê duyệt chuyến bay, tổ chức chuyến bay, giám sát chuyến bay, đến cả người sau này nhận trách nhiệm điều tra, xử lý sai phạm liên quan đến chuyến bay – tất cả đều cảm thấy, theo cáo trạng, bản thân có quyền làm giàu từ chức phận của mình.

Tần suất các bị cáo liên hệ, gặp gỡ nhau cũng làm mọi người đáng kinh ngạc và nếu có ai đó vẽ một bản đồ những địa điểm và số lần các bị cáo gặp nhau trong mùa dịch để giao dịch, thì kết quả chắc cũng không kém phần sửng sốt như cách mà chúng ta từng contact tracing và lên án những F0 có lịch trình di chuyển nhiều ngày xưa. Điểm khác nhau đó là các F0 là người vô tội, nhưng thời điểm đó có lẽ họ cũng bị chính những bị cáo ngày hôm nay lên án. May mắn là pháp luật cuối cùng cũng được đem ra để phân xử tội trạng của những bị cáo này, và hy vọng đó là một phiên tòa công tâm.

Nhưng trong chính cái “may mắn” đó, mình vẫn có một chút gợn trong lòng khi đọc những comment của người dân trên các bản tin về vụ án. Ngoài những tiếng hô vang ủng hộ Đảng và chính phủ làm quyết liệt, mình để ý đến những người đã từng bất đắc dĩ tham gia vào guồng quay đó. Có người chia sẻ họ mất trắng công sức làm việc mấy năm trời ở xứ người chỉ để mua một vé máy bay combo trị giá vài ngàn đô-la để về nước. Có người bồi hồi nhớ lại người thân mình đã mất mà họ không về kịp để nhìn lần cuối. Đó là những nạn nhân thật sự. Họ có câu chuyện, và mất mát của họ là thực tế. Nhưng chắc là họ sẽ không có một tư cách nào trong phiên tòa sẽ diễn ra. Điều trớ trêu rằng tội phạm nhận hối lộ đang được truy tố có khách thể được bảo vệ không phải là những nạn nhân là con người, mà là những thứ trừu tượng hơn: uy tín của nhà nước với nhân dân, hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước v.v…

Trong một vụ án hối lộ, “người bị hại” nếu có chính là Nhà nước, chứ không phải hành khách trên các chuyến bay. Nói cách khác, vụ án sắp tới diễn ra sẽ là một vụ án mà những nạn nhân thực sự của nó không xuất hiện. Một vụ án với những người bị hại vô danh. Hành vi của các bị cáo nếu đúng với những gì cáo trạng kết tội thì là hành vi tham nhũng, theo luật định. Nhưng với những người dân bình thường, những nạn nhân thực sự của vụ án, thì hành vi đó đơn giản chỉ một từ: Cướp. Và đó là một vụ cướp tinh vi, được thực hiện bởi những người lẽ ra phải bảo vệ họ. Tham nhũng suy cho cùng chỉ là một uyển ngữ cho hành vi Cướp mà thôi.

Trong lịch sử, sau mỗi một cuộc bể dâu, người ta thường sử dụng các phiên tòa tư pháp để khép lại thời kỳ biến động. Trong những phiên tòa như vậy, diễn ngôn chính thức về thời kỳ biến động sẽ được xây dựng nên. Vì các hành vi của bị cáo mà khiến bao nhiêu người lầm than. Vì những gì các bị cáo làm mà việc chống dịch thêm phần thất bại. Nhưng quả thật không ai dám chắc rằng nếu vụ án không xảy ra, thì lịch sử có khác đi không. Không ai quan tâm, vì mục đích của phiên tòa là để khép lại, không phải để mở ra thêm các câu hỏi.

Vụ án này có lẽ cũng là một phiên tòa như vậy. Những tội vạ của hai năm chống dịch Covid đang một phần được đổ lên đầu của 54 bị cáo, và sẽ đổ lên đầu một số bị cáo khác trong vụ Việt Á. Nhưng cho dù làm cách nào, rất khó để những phiên tòa sắp diễn ra tránh khỏi vết xe đổ của những phiên tòa kể trên. Những câu hỏi sẽ vẫn còn, và khó có lời giải đáp. Liệu đây có phải là cách tốt nhất để khép lại cuộc bể dâu? Ai là nạn nhân, ai là thủ phạm trong những vụ án này? Và nạn nhân có được điều gì từ bản án? Ai trả công bằng cho những “thủ phạm” bất đắc dĩ khác trong mùa dịch?

Công lý đã thua và không thể phục hồi lại được.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay