Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 10 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã có bài tĩnh tâm Mùa Chay thứ hai trước Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma.
Dưới đây là những ý chính:
Phớt lờ Chúa
Đức Hồng Y Cantalamessa bắt đầu bằng cách trích dẫn những lời của Thánh Phaolô rằng “họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo”
“Quả thật, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo.
Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.” (Rm 1:18-23)
Do đó, ngài khẳng định rằng “tội lỗi tột cùng” là “từ chối tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa.” Điều này có vẻ xa lạ đối với chúng ta, vì “Đối với chúng ta, việc không tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa dường như không phải là một tội chết người và khủng khiếp”.
Ngài giải thích rằng, để hiểu ý của Thánh Phaolô, “chúng ta cần hiểu rõ những gì ẩn giấu trong điều này: đó là sự từ chối nhìn nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa, không dành cho Người sự quan tâm xứng đáng với Người. Chúng ta có thể nói, nó bao gồm việc ‘phớt lờ’ Thiên Chúa, trong đó phớt lờ không có nghĩa là ‘không biết rằng Ngài tồn tại’ mà là ‘hành động như thể Ngài không tồn tại’.
Một mối quan hệ cá vị với Chúa Giêsu
Nhưng thông điệp này của Thánh Phaolô có liên quan đến chúng ta ngày nay như thế nào?
Khi nhấn mạnh đến “ơn cứu chuộc do Chúa Giêsu Kitô mang đến”, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta không chỉ canh tân luân lý, trở lại với Luật pháp Môise, như các tiên tri trong Cựu Ước thúc giục, nhưng phải quay trở lại mối quan hệ cá vị với Chúa Giêsu.
Đức Hồng Y Cantalamessa nói, đôi khi đây là một khái niệm mà người Công Giáo miễn cưỡng chấp nhận, vì họ thích nói về các mối quan hệ “giáo lý”, “bí tích” hoặc “Giáo Hội” với Chúa Kitô. Ngài lưu ý rằng trong suốt 5 thế kỷ qua, linh đạo Công Giáo và việc chăm sóc mục vụ đã xem bất kỳ cuộc nói chuyện nào về mối quan hệ cá vị với Thiên Chúa “với sự nghi ngờ”.
Ngài nhấn mạnh, cách tiếp cận này là hoàn toàn sai lầm. Thật vậy, vì không còn có thể coi là điều hiển nhiên, đức tin ngày nay phải được hiểu chủ yếu như một mối quan hệ cá vị, vì “nó không được hấp thụ như những đứa trẻ trong môi trường gia đình hoặc trường học, mà phải là kết quả của quyết định cá nhân..”
Mở đầu Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, chúng ta đọc thấy những lời này:
Tôi mời tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, vào chính thời điểm này, hãy làm mới cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là mở lòng ra để cho Người gặp gỡ họ; Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không ngừng nghỉ mỗi ngày. Không ai nên nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình (EG,3).
Giáo dân là những người loan báo Tin Mừng
Trong phần cuối cùng của bài giảng, Đức Hồng Y Cantalamessa chuyển sang xem xét câu hỏi làm thế nào để thắp lên “tia sáng tìm kiếm Chúa Giêsu” trong trái tim của những người khác.
Ngài nói rằng: “Trong phần lớn các trường hợp mà tôi đã biết trong đời mình, việc khám phá ra Đấng Kitô làm thay đổi cuộc sống đã xảy ra nhờ gặp gỡ một người đã trải qua ân sủng đó, bằng cách tham gia vào một cuộc (cầu nguyện) tụ họp, bằng cách nghe một lời chứng (về ân sủng Chúa). “
Ngài nói, điều này cho thấy một vai trò đặc biệt quan trọng đối với giáo dân, những người “được hòa nhập nhiều hơn vào kết cấu cuộc sống mà trong đó những hoàn cảnh đó thường xảy ra”.
Đức Hồng Y Cantalamessa kết luận, những giáo dân đã “khám phá ra ý nghĩa của việc biết một Chúa Giêsu hằng sống và mong muốn chia sẻ khám phá của họ với những người khác”, nên trở thành những tác nhân chính trong sứ mệnh truyền bá phúc âm của Giáo Hội.
Tôi kết thúc bằng những lời kết trong cuốn “Hành Trình Tâm Trí Đến Với Chúa” của Thánh Bonaventura vì chúng gợi ý nơi bắt đầu để nhận ra, hoặc làm mới lại, “cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô” của chúng ta và trở thành những người loan báo can đảm về cuộc gặp gỡ này:
“Sự khôn ngoan bí nhiệm nhất này không ai biết ngoại trừ người nhận được nó; không ai nhận được nó ngoại trừ những người mong muốn nó; không ai mong muốn điều đó ngoại trừ những người được đốt cháy bên trong bởi Thánh Linh Thiên Chúa được Chúa Kitô gửi đến trái đất.”
Toàn văn bài giảng của đức Hồng Y Cantala Mesa:
https://youtu.be/Kl6fp7GSutI?t=153
Phan Sinh Trần