Chữ Nôm trong hành trình di sản văn hóa dân tộc

Chữ Nôm trong hành trình di sản văn hóa dân tộc

Truyện Kiều một tác phẩm viết bằng chữ Nôm của Nguyễn Du (bản in năm 1926 tại Pháp). Nguồn: sưu tầm

  1. Chữ Hán:

Muốn biết chữ Nôm hình thành ra sao thì việc đầu tiên là phải biết nguồn gốc của chữ Hán.

Theo Lý Lạc Nghị trong cuốn sách “Tìm về cội nguồn của chữ Hán”: “Chữ Hán hay Hán tự (漢字) là loại văn tự ngữ tố xuất phát từ tiếng Trung Quốc. Chữ Hán sau đó du nhập vào các nước lân cận trong vùng bao gồm Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam, tạo thành vùng được gọi là vùng văn hóa chữ Hán hay vùng văn hóa Đông Á. Tại các quốc gia này, chữ Hán được vay mượn để tạo nên chữ viết cho ngôn ngữ của dân bản địa ở từng nước. (1)

Trong các thư tịch, tiếng Hán được viết trước thời nhà Tần còn lưu truyền được đến ngày nay. Dựa trên các hiện vật khai quật được, chữ viết trên các mảnh xương thú vật được gọi là chữ giáp cốt, các nhà khảo cổ phỏng đoán rằng chữ viết (Hán) ở Trung Hoa ra đời muộn nhất là vào thời kỳ nhà Thương, khoảng 1800 năm trước Công nguyên.

Sự phát triển chữ Hán trải qua các thời kỳ như: Giáp cốt văn → Kim văn → Triện thư → Lệ thư → Thảo thư → Khải thư → Hành thư”.

Cũng theo Lý Lạc Nghị, ngày nay ở Trung Quốc đại lục, bộ chữ giản thể (简体字) đã thay thế cho bộ chữ phồn thể (繁體字). Công cuộc cải cách chữ viết được thực hiện sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập (1949). Tháng 10 năm 1954 tại đại lục thành lập ủy ban cải cách chữ viết (中国文字改革委员会), cuộc cải cách nhằm đơn giản hóa chữ Hán để quần chúng nhân dân dễ dàng học biết chữ, xóa mù chữ, thống nhất nhân tự trên các khu vực vốn dĩ có nhiều khác biệt do điều kiện địa lí và lịch sử, đồng thời thúc đẩy việc dạy và học tiếng Hán đối với người nước ngoài. Các khu vực ngoài đại lục như Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao, và cộng đồng người Hoa ở hải ngoại hay các khu vực có sử dụng tiếng Hán như Singapore tiếp tục sử dụng chữ phồn thể, tuy nhiên cũng có những cải biến nhất định. (2)

Từ đầu công nguyên đến thế kỷ X, Việt Nam chịu sự đô hộ của phong kiến Trung Hoa, chữ Hán và tiếng Hán được giới quan lại cai trị áp đặt sử dụng. Theo cụ Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố (1889-1947) trong cuốn “Đại Nam Dật Sử – Sử ta so với sử Tàu”: “Nước Việt bắt đầu có Hán học khi viên Thái thú Sĩ Nhiếp (137 – 226) dạy dân Việt thi thư. Trong khoảng thời gian hơn một ngàn năm, hầu hết các bài văn khắc trên tấm bia đều bằng chữ Hán”. (3)

Sang thời kỳ tự chủ sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, chữ Hán vẫn giữ địa vị là văn tự chính thức nhưng cách đọc đã phát triển theo hướng riêng, khác với sự phát triển tiếng Hán ở Trung Quốc, cách phát âm chữ Hán bị chi phối bởi cách phát âm của người Việt, từ đó tạo ra và củng cố dần âm Hán-Việt.

Do nhu cầu phát triển, người Việt đã sử dụng chữ Hán để tạo ra chữ viết riêng, tức chữ Nôm. Trong khi đó cổ văn Hán vẫn được coi là mẫu mực để noi theo.

  1. Chữ Nôm:

Học giả Đào Duy Anh viết trong sách “Chữ Nôm – Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến”: “Chữ Nôm bắt đầu hình thành và phát triển từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20. Tại giai đoạn này, chữ Nôm là công cụ thuần túy Việt Nam duy nhất ghi chép lịch sử, văn hóa dân tộc. Người Việt sáng tạo ra chữ Nôm và dùng để biểu đạt từ thuần Việt, kết hợp với chữ Hán dùng để biểu đạt từ Hán Việt và tạo nên một bộ chữ viết phổ thông cho tiếng Việt lúc đó. Sơ khởi, chữ Nôm thường dùng ghi chép tên người, địa danh, sau đó được phổ cập, tiến vào sinh hoạt văn hóa của quốc gia. Vào thời nhà Hồ ở thế kỷ 14 và nhà Tây Sơn ở thế kỷ 18, xuất hiện khuynh hướng dùng chữ Nôm trong văn thư hành chính. Đối với văn học Việt Nam, chữ Nôm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi là công cụ xây dựng nền văn học cổ truyền kéo dài nhiều thế kỷ”. (4)

Sau khi Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của Trung Quốc vào năm 939, chữ Nôm lần đầu tiên trở thành Quốc ngữ để diễn đạt tiếng Việt qua mẫu tự biểu ý. Gần một ngàn năm sau đó – từ thế kỷ 10 cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 – một phần lớn các tài liệu văn học, triết học, sử học, luật pháp, y khoa, tôn giáo và hành chính được viết bằng chữ Nôm. Dưới triều đại nhà Tây Sơn, toàn bộ các văn kiện hành chính được viết bằng chữ Nôm trong 24 năm, từ 1788 đến 1802.

Những văn bản như sổ sách, công văn, giấy tờ, thư từ, khế ước, địa bạ v.v. chỉ đôi khi có xen chữ Nôm khi không thể tìm được một chữ Hán mang nghĩa tương đương chỉ các danh từ riêng (như tên đất, tên làng, tên người), nhưng tổng thể vẫn là văn bản Hán-Việt bởi quan niệm sai lầm của giới sĩ đại phu các triều đại: “nôm na là cha mách qué”. Nói cách khác, chữ Nôm là công cụ thuần Việt ghi lại lịch sử văn hoá của dân tộc trong khoảng 10 thế kỷ, mặc dù đó là công cụ còn chưa chứng tỏ được tính hữu hiệu và phổ dụng của nó so với chữ Hán.

Phạm Huy Hổ trong bài “Việt Nam ta biết chữ Hán từ đời nào” cho rằng chữ Nôm có từ thời Hùng Vương. Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn San cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp cuối đời Đông Hán thế kỷ thứ 2. Nguyễn Văn Tố dựa vào hai chữ “bố cái” trong cụm từ “Bố Cái đại vương” do nhân dân Việt Nam suy tôn Phùng Hưng mà cho rằng chữ Nôm có từ thời Phùng Hưng thế kỷ 8. Có ý kiến khác lại dựa vào chữ “cồ” trong quốc danh “Đại Cồ Việt” để đoán định chữ Nôm có từ thời Đinh Tiên Hoàng. Trong một số nghiên cứu những năm 90 của thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu căn cứ vào đặc điểm cấu trúc nội tại của chữ Nôm, dựa vào cứ liệu ngữ âm lịch sử tiếng Hán và tiếng Việt, so sánh đối chiếu hệ thống âm tiếng Hán và tiếng Hán-Việt đã đi tới khẳng định âm Hán-Việt (âm của người Việt đọc chữ Hán) ngày nay bắt nguồn từ thời Đường, Tống thế kỷ 8-9. Nếu âm Hán-Việt có từ thời Đường, Tống thì chữ Nôm không thể ra đời trước khi hình thành cách đọc Hán-Việt (nếu xét chữ Nôm với tư cách hệ thống văn tự) mà chỉ có thể ra đời sau thế kỷ thứ 10 khi Việt Nam thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc với chiến thắng của Ngô Quyền vào năm 938.

Theo sách “Long cương văn tập” của Cao Xuân Dục, phải đến cuối thế kỷ XIX chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương mới đưa ra những quy định pháp lý bảo hộ chữ Latinh cho tiếng Việt thay thế chữ Hán và chữ Nôm, kể từ đó chữ Latinh cho tiếng Việt bắt đầu được gọi là chữ Quốc ngữ. Sang thế kỷ XX, người Pháp cho mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ ra Bắc Kỳ. Sau khi chữ quốc ngữ được phổ biến vào đầu thế kỷ 20, chữ Nôm dần dần mai một. Để tạo điều kiện cho chữ Quốc Ngữ phát triển, chính quyền thực dân Pháp khi đó đã có chính sách cấm dùng chữ Nôm trong bộ máy hành chính Nam Triều. (5)

Ngày nay, trên thế giới có rất ít người đọc được chữ Nôm. Bởi vậy, khối tài liệu Hán-Nôm của khoảng 10 thế kỷ đang bảo quản trong các cơ quan lưu trữ, các thư viện bao gồm tài liệu hành chính, tài liệu lịch sử, sách báo… chưa được khai thác hết.

Khoa Hán-Nôm của các trường đại học khoa học xã hội ngày nay vẫn đang đào tạo các cử nhân Hán-Nôm để thực hiện nhiệm vụ làm cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai dân tộc để hạn chế sự đứt gãy lịch sử này.

Tài liệu tham khảo

(1), (2). Lý Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn của chữ Hán. nxb Thế giới, HN, 1997.

(3). Nguyễn Văn Tố, Đại Nam Dật Sử – Sử ta so với sử Tàu, nxb. KHXH, HN, 2019.

(4). Đào Duy Anh, Chữ Nôm – Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, nxb HN, 1975.

(5). Cao Xuân Dục, Long cương văn tập. nxb Lao Động, HN, 2012.

Nguyễn Xuân Vượng (Tổng hợp & Giới thiệu)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay