Tạ ơn Chúa một ngày mới! Mới ngủ dậy mà mình đã nghe thấy tiếng mèo kêu ngoài cửa muốn đòi vào nhà rồi. Cọp vẫn còn trong nhà mà chú mèo ơi, rán đợi thêm 48 tiếng đồng hồ nữa nhé. Chúc mọi người một ngày an lành trong tâm tình chuẩn bị đón Xuân. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Fabianô, Giáo hoàng tử đạo (250). Xin thánh nhân cầu bầu cho chúng con.
Cha Vương
Thứ 6: 20/01/2023
Thánh Fabianô là Giáo hoàng tử đạo năm 250. Đó là thời bắt đạo của vua Desius. Các văn gia tiên khởi đã viết rằng ngài là một con người vĩ đại lạ thường, nổi tiếng thánh thiện. Trong một lá thư ngắn được viết sau cái chết của Đức Fabianô, thánh Cyprianô đã giải thích cách thức Đức Fabianô được chọn làm Giáo hoàng: nhóm người họp lại chọn vị Giáo hoàng kế tiếp đã nhận được một dấu lạ là phải chọn Fabianô làm Giáo hoàng.
Theo sử gia Eusebius của Giáo Hội, bỗng dưng có một con chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, nhưng không đậu trên “bất cứ ai nổi tiếng”. Theo Eusebius, bồ câu “đậu trên đầu Fabian giống hệt như Chúa Thánh Thần ngự trên Ðấng Cứu Thế dưới hình chim bồ câu.” Ðiều đó phải có một ý nghĩa gì liên quan đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, và mọi người đồng thanh tuyên bố Fabian “xứng đáng” là giáo hoàng và tuyển chọn ngài lên ngôi Giáo Hoàng thứ 20 kế vị Thánh Phêrô ngày 10 tháng 01 năm 236. Ðối với chúng ta, bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, và chim bồ câu ấy là điềm báo trước. Ngài là người giáo dân đầu tiên được làm Giám mục, Giáo hoàng.
Bắt đầu từ gần ngày Fabian được tuyển chọn, việc bách hại và đau khổ của Giáo Hội cũng chấm dứt. Hoàng đế Philip, thân thiện với Kitô Hữu và không những ông ngừng bách hại mà còn chấp nhận các nghi lễ của Kitô Giáo.
Trong thời gian hòa bình, Ðức Fabian đã có thể xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma, ngài đặc biệt lưu tâm đến giới nghèo. Ngài chỉ định bảy phó tế phụ tá, trao bảy khu vực trong đế quốc La Mã cho các vị trông coi và đồng thời ra chỉ thị cho các vị phải chăm sóc đặc biệt cho những người nghèo khó trong khu vực trách nhiệm của mình. Ngài cho thu thập các chứng thư tử đạo trong những năm gần đấy. Ngài cho canh tân nghi thứ phụng vụ ngày thứ năm Tuần Thánh. Trong thời ngài, cuộc xuất hành ra khỏi Roma để trốn tránh sự bách hại của Decius đã làm nảy sinh đời sống tu hành của các ẩn sĩ.
Nhưng như ở bất cứ thời gian nào, những người có quyền thường không vui khi thấy các kẻ lạ mặt gia tăng và phát đạt. Có nhiều lần người ngoại giáo đã tấn công Kitô Hữu, và khi hoàng đế Philip từ trần thì thời gian bình an cũng chấm dứt. Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô Hữu phải khước từ Ðức Kitô bằng cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức ngoại giáo khác.
Sau một vài năm bình an, Giáo Hội vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người đã không đủ can đảm để tử đạo. Nhưng Ðức Fabian, một biểu tượng hoà bình nổi bật, đã đứng lên để can đảm làm gương cho mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu tử đạo ngày 20 tháng 01 năm 250 và được chôn cất trong nghĩa trang Calixtus, là nơi chính ngài giúp tân trang.
Trong Nghĩa Trang Calixtus, ngày nay vẫn còn có một bia đá dùng để đậy mồ Thánh Fabian, bị vỡ làm bốn mảnh, có mang dòng chữ Hy Lạp, “Fabian, giám mục, tử đạo.” Những di tích của Đức Fabianô hiện đang được lưu giữ trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Sêbastianô. (Nguồn: ns Người Tín Hữu online, Cố Lm Hồng Phúc, CSsR)
From: Đỗ Dzũng