Chuyện tôn sư trọng đạo bên tây, bên ta.

Tinh Hoa TV

Chuyện tôn sư trọng đạo bên tây, bên ta.

-“Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”, người đàn ông quyền lực ấy cung kính thưa với thầy rồi quay sang khuyên đám học trò:

“Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay”.

Đó là chuyện bên Tây kể về ông Francois Sadi Carnot (1837-1894), nguyên Tổng thống Pháp đến thăm thầy cũ được in trong sách giáo khoa mà bao thế hệ học trò có lẽ đều biết.

Còn đây là chuyện bên ta, cũng chuyện thăm thầy. Nhưng chuyện quan đại thần Phan Thanh Giản (1796-1867) ghé thăm thầy cũ hầu như ít thấy ai nhắc tới.

Đọc bộ sách “Vĩnh Long nhân vật chí” in năm 1925 ( đồng tác giả Lê Văn Bền và Nguyễn Văn Dần ) thấy có 1 chương riêng viết về cụ Phan Thanh Giản truyền cho quân lính dẹp kiệu võng, bước xuống đi bộ đến nơi thầy cũ ở tại một túp chòi miệt Gò Vấp.

Phần kết luận, tác giả ví cụ Phan như một “biểu tượng của đạo học” xứ Nam Kỳ trong các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức.

Cũng nên nhớ là khi ấy cụ Phan đã lần lượt đảm nhận các chức vụ trọng yếu trong triều đình như Tổng Đốc, Kinh lược sứ, Lại bộ Thượng thư kiêm Cơ mật viện đại thần.

Tóm lược câu chuyện viết trong sách “Vĩnh Long nhân vật chí” như sau:

Năm Tự Đức thứ 15 (1862), cụ Phan Thanh Giản trong vai trò kinh lược sứ có chuyến đi thăm Vĩnh Long.

Khi đến Gia Định, cụ ghé Gò Vấp để viếng thăm thầy cũ là cụ Võ tiên sanh.

Lúc gần đến nơi ở của thầy Võ là một mái chòi tranh, cụ Phan truyền cho quân lính thu xếp hết võng lọng rồi đi bộ vào chòi, hai tay chắp bái lễ phép cúi đầu vấn an cụ Võ.

Thầy trò sau bao ngày xa cách, gặp nhau vui mừng khôn xiết.

Hàn huyên xong cụ bái tạ thầy đi xuống Vĩnh Long, không quên dâng lại cho thầy hai nén bạc để uống trà. Võ tôn sư cảm động, cũng đáp lại cho người học trò cũ nay thành danh một chục trái bắp.

Rời căn chòi đi bộ một đỗi khá xa, cụ Phan mới tiếp tục cuộc hành trình theo nhiệm vụ .

………

_Người Trà Vinh

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay