ĐI TÌM “PHỐ ĐẠO TÂY NGUYÊN”

ĐI TÌM “PHỐ ĐẠO TÂY NGUYÊN”

 F.X Vũ Sinh Hiên

Kể từ sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất liền một dải, người Kinh từ khắp nơi lên Tây Nguyên Trung phần lập nghiệp, đặc biệt là khu vực gần Ban Mê Thuột- Đaklak. Hàng loạt xứ đạo từ miền Trung được thành lập gần Ban Mê Thuột khiến người người đã “thuổng” một câu kinh trong Thánh lễ Công Giáo mà truyền miệng nhau : “Trời đất đầy Vinh”. Đi từ Nam lên Bắc theo quốc lộ 14, rời Đaklak lên Gia Lai, đến Kontum là gặp con sông Đakbla từ Bắc chảy xuống rồi ngoằn ngoèo ôm trọn bình nguyên Kontum. Địa thế này đã được vị Giám mục Đàng Trong, Đức Cha Cuenot Thể nhìn rõ, mặc dù cả đời Giám mục Đàng Trong của ngài chỉ sống dưới hầm ở Bình Định nhưng tầm nhìn của ngài đã phóng lên Tây Nguyên. “Anh cứ xẻ rừng mà đi, khi gặp con sông lớn, anh dựng lều ở đó và rao giảng Tin Mừng”, lệnh của vị Giám mục cho thầy Sáu Do năm 1848. Vì vậy, khi qua cầu Đakbla là chúng tôi vào địa phận Kontum rồi đấy. Thành phố Kontum hôm nay được phát triển dọc theo quốc lộ 14 lên hướng Bắc thành đại lộ Phan Đình Phùng, trục chính của thành phố, các cửa hiệu cung cấp mọi thứ cho sinh hoạt đều ở đại lộ này.

Nhưng khi vừa qua cầu Đakbla, rẽ tay phải vào đường Nguyễn Huệ, bắt đầu phố đạo Tây Nguyên rồi đấy. Từ thế kỷ 19, các giáo dân : ông cả Ninh, ông cả Quới đã dẫn các thừa sai lên Tây Nguyên qua ngả Quảng Trị, Phú Yên nhưng không thành. Tây Nguyên và vùng đồng bằng Trung phần được coi như hai lãnh thổ, mặc dù trong một quốc gia. Người Kinh không thể vào các buôn làng Baham, Bơlu, Kolphar, Kol Kelang, Kol Kesam mà phải dừng lại ở những cửa khẩu để trao đổi hàng hóa với người dân tộc. Đức Giám mục cẩn thận căn dặn phải tránh gặp các già làng khó tính như ông Baham, ông Lập, ông Bliu và nhất là ông Khiem ở Kolpha được triều đình tin cẩn trao quyền quản trị Tây Nguyên và được người Tây Nguyên gọi là “Bok” (bố). Ông sẵn sàng chặn bắt những đoàn người Kinh xâm nhập vào Tây Nguyên và trao cho triều đình. Đó là số phận của nhiều đoàn thừa sai đi trước thầy Sáu Nguyễn Do.

Lạ lùng thay, tình cờ gặp Bok Khiem trên đường xâm nhập Tây Nguyên, Bok mềm nhũn và lịch sự, kết nghĩa anh em với thầy Sáu Do, nhận các thừa sai Combes (cha Bê) và Fontaine (cha Khâm) là bố. Được sự đỡ đần của “hung thần Tây Nguyên”, thầy Sáu Do lập nghiệp ngay gần con sông, chỗ có tên là Gò Mít, Trại Lý nay là Tân Hương nằm trên đường Nguyễn Huệ. Chung quanh Tân Hương, Giáo hội Chúa phát triển, tòa Giám mục, nhà thờ gỗ chính tòa, trường Cuénot, trường Lê Hữu Từ, nối liền những cơ sở này là đường Bok Do, Bok Khiem và hàng loạt xứ đạo. Giáo phận Kontum được thành lập năm 1933 theo sắc chỉ của Đức Thánh Cha Pio XI và tỉnh Kontum được thành lập năm 1913, khi mà đại lộ Phan Đình Phùng mới chỉ là một con đường mòn. Phố Đạo Tây Nguyên được hình thành mà công đầu là của những người giáo dân can trường, của những người Việt Nam bình dị. Phố Đạo Tây Nguyên đã như một dấu ấn đóng lên Tây Nguyên, dựng lều giữa anh em nhiều sắc tộc khác nhau, níu anh em lại trong cộng đồng Việt để cùng chia sẻ một giang sơn gấm vóc. Cái xương sống của Đông Á này với trăm ngàn đường thượng đạo len lỏi giữa núi rừng, có thể dẫn lên Hoa Nam, vào Gia Định và từng bị nhiều ánh mắt để ý, nhòm ngó, thèm thuồng.Từ thế kỷ 12, 13 vương quốc Chàm đã từng đặt chân lên đây, rải rác ở Ayunpa còn những ngọn tháp như chúng ta thường gặp ở miền Trung. Rồi thực dân Anh sau khi chiếm đóng Ấn Độ, Miến Điện đã thôn tính Thái Lan tràn sang Hạ Lào về tận Bản Đôn, cũng muốn chiếm cao nguyên này để lên Hoa Nam.Với thực dân Pháp thì ý đồ thôn tính Tây Nguyên càng lộ liễu hơn mà cố gắng cuối cùng đầy tuyệt vọng là việc thành lập Hoàng Triều Cương Thổ với dụ số 16 của Quốc trưởng Bảo Đại ký ngày 21/5/1951 “Ấn định một quy chế đặc biệt cho dân cư khác dòng giống Việt Nam, sinh sống tại các miền và tỉnh gọi là Hoàng Triều Cương Thổ miền Nam”. Chỉ 4 năm sau, ngày 11/3/1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm ban hành dụ số 21 “Sát nhập các vùng cao nguyên miền Bắc và miền Nam thuộc Hoàng Triều Cương Thổ vào lãnh thổ quốc gia Việt Nam và đặt hoàn toàn thuộc quyền quản trị của chính phủ quốc gia”. Mặc cho những tranh chấp của thế lực chính trị ở Tây Nguyên, đã có một cộng đồng Kinh Thượng chan hòa, chấp nhận nhau là anh em trong cùng một gia đình, không ai có thể ép uổng hoặc mê hoặc được để tách rời họ xa nhau. Công đầu này phải là của thầy Sáu Do, của quý ông cả Ninh, cả Quới, của những cư dân khố rách áo ôm từ Quảng Ngãi, Bình Định theo thầy Sáu lên đây, của những thừa sai Pháp Việt bất chấp gian khổ. Kính thưa quý vị, hậu sinh chúng con mang ơn quý vị nhiều lắm.

Và chúng con quyết tâm giữ vững Phố Đạo này như một chứng tích. Hôm nay có thể có những cơ sở, tên đường đã bị đổi thay, chiếm dụng nhưng lịch sử còn đó. Tiện đây chúng tôi muốn nhắc lại lập trường của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh về các cơ sở tôn giáo bị tịch thu từ sau năm 1975. Được chia làm 3 loại :

  1. Các cơ sở tôn giáo vốn trước đây được dùng trong việc thờ phượng và huấn luyện các chức sắc, chính quyền phải trả lại cho các tôn giáo.
  2. Các cơ sở vốn trước đây được dùng để phục vụ cộng đồng như trường học, nhà thương, chính quyền trưng dụng và phải phục vụ cho lợi ích của dân.
  3. Các cơ sở vốn trước đây các tôn giáo dùng để kinh tài giúp cho sinh hoạt của các tôn giáo, chính quyền cứ giữ lại nhưng phải dùng để phục vụ cho lợi ích của dân.

        Điều cốt lõi là những cơ sở của Phố Đạo chỉ nên được tôn tạo mà không cần phải dẹp bỏ để thay thế bằng những khối bê tông, cho dù là hoành tráng đến mấy đi nữa. Tôn tạo là điều đã được áp dụng cho nhà thờ gỗ ở Kontum.

        Rất mong giáo phận Kontum làm đẹp mãi cho Phố Đạo Tây Nguyên.

   F.X Vũ Sinh Hiên

From: Hồ Công Hưng

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay