Vụ khám nhà ông Trump: Phải tôn trọng pháp luật!
August 12, 2022
Hiếu Chân/Người Việt
Vụ khám dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng Thống Donald Trump hôm 8 Tháng Tám chiếm trang nhất của báo chí trong tuần qua không chỉ vì tính chất mới mẻ của nó mà còn vì thái độ thù địch của các chính trị gia cánh hữu, đặc biệt là những người Cộng Hòa trung thành với ông Trump về sự việc này. Tinh thần thượng tôn pháp luật của người Mỹ dường như đang bị thách thức lớn.
Ông Merrick Garland, bộ trưởng Tư Pháp, tại cuộc họp báo hôm Thứ Năm, 11 Tháng Tám: “Không ai được đứng trên luật pháp, cho dù người đó là ai.” (Hình minh họa: Drew Angerer/Getty Images)
Chuyện bắt đầu từ khi ông Trump thôi làm tổng thống và rời thủ đô trưa ngày 20 Tháng Giêng, 2021, mang về tư dinh ở Florida nhiều tài liệu của chính phủ. Sau một năm thương thảo, tới Tháng Giêng năm nay, ông Trump trả lại cho Nha Lưu Trữ và Hồ Sơ Quốc Gia (National Archive and Records Administration, gọi tắt là NARA) 15 thùng tài liệu lấy đi từ Tòa Bạch Ốc. Trong số này, NARA phát hiện vài tài liệu mật, và họ nghi ngờ ông Trump còn tiếp tục giữ các tài liệu mật khác, cất ở dinh thự riêng của ông. NARA yêu cầu Bộ Tư Pháp điều tra hình sự hành vi vi phạm Đạo Luật Hồ Sơ Tổng Thống (Presidential Records Act of 1978 – PRA).
PRA quy định các hồ sơ của Tòa Bạch Ốc là tài sản của chính phủ liên bang, không phải của riêng của các tổng thống tạo ra chúng và các tổng thống cùng phụ tá của họ phải tuân thủ khi xử lý thông tin bí mật.
Theo nguồn tin từ Bộ Tư Pháp, cuối Tháng Tư vừa qua, một đại bồi thẩm đoàn liên bang đã âm thầm xem xét liệu Tổng Thống Trump có sở hữu bất hợp pháp thông tin an ninh quốc gia hay không và đi đến kết luận rằng đã có hành vi vi phạm pháp luật.
Cách đây vài tháng, Bộ Tư Pháp cử người đến Mar-a-Lago vận động ông Trump tiếp tục trả hồ sơ và cũng gửi trát đòi hồ sơ đến nhà ông. Lo sợ những tài liệu liên quan mật thiết tới an ninh quốc gia có thể rơi vào tay các địch thủ nước ngoài, công tố viên của vụ án đến gặp ông Bruce Reinhart, chánh án tạm liên bang (Magistrate Judge) ở Florida để yêu cầu phê duyệt lệnh khám nhà riêng của ông Trump theo đúng quy định pháp luật.
Cuộc khám xét được FBI thực hiện lặng lẽ từ sáng đến tối ngày 8 Tháng Tám tại dinh thự Mar-a-Lago. Ông Trump không có mặt ở nhà nhưng các luật sư đại diện ông có mặt và ký vào biên bản liệt kê những tài liệu, hiện vật được thu giữ.
Theo danh sách liệt kê mà Bộ Tư Pháp công bố chiều ngày 12 Tháng Tám, sau khi được sự chấp thuận của tòa án và phía ông Trump không phản đối, cơ quan FBI thu được 20 hộp hiện vật, có 33 hồ sơ trong đó có 11 hồ sơ được phân loại hồ sơ mật và tối mật, chỉ được xem ở cơ quan chính phủ được bảo vệ cẩn mật. Bộ Tư Pháp sẽ nghiên cứu các hồ sơ này để quyết định có truy tố cựu tổng thống hay không.
Các cơ quan truyền thông lớn dẫn nhận định của các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc thủ đắc bất hợp pháp những tài liệu hệ trọng với an ninh quốc gia như vậy có dấu hiệu vi phạm ba đạo luật của Hoa Kỳ, từ luật Hồ Sơ Tổng thống, Luật Chống Gián Điệp (Espionage Act), và luật về bảo vệ tài sản của chính phủ liên bang.
***
Truy tố hay không chưa rõ, nhưng vụ xét nhà trở nên ầm ĩ vì nhiều lý do. Một là, xét nhà một cựu tổng thống là chuyện chưa có tiền lệ ở Mỹ, dù là chuyện bình thường ở nhiều nước dân chủ khác. Hai là, người bị khám xét chẳng những có thói coi thường pháp luật mà còn có một số lượng ủng hộ viên rất đông đảo và ông Trump dựa vào lòng tin mù quáng của họ để tấn công các cơ quan chính phủ nào dám đụng đến ông.
Ngay trong lúc vụ khám xét diễn ra, ông Trump lên mạng xã hội tuyên bố mình là nạn nhân của một mưu đồ chính trị của đảng Dân Chủ và chính quyền Joe Biden nhằm ngăn ông ứng cử tổng thống năm 2024.
Chưa cần biết mục đích vụ khám xét là gì, kết quả ra sao, các tài liệu mà ông Trump thủ đắc một cách bất hợp pháp có hệ trọng với an ninh quốc gia hay không, nhiều chính trị gia Cộng Hòa đã nhanh nhẩu đứng về phía ông cựu tổng thống, lên án gay gắt hành vi của cơ quan công lực.
Những người ủng hộ ông Trump kéo đến Mar-a-Lago tuần hành trong đêm. Trên mạng xã hội, các tổ chức cực hữu liên tục đăng bài kêu gọi trang bị vũ khí và hành động bạo lực để chống lại “chế độ độc tài Biden,” cổ vũ “Nội Chiến,” và đòi “ám sát Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland!”
Các dân biểu Cộng Hòa họp báo và lên mạng xã hội lên án Bộ Tư Pháp hành động vượt quá thẩm quyền, so sánh FBI với Gestapo (mật vụ Phát Xít Đức), có mưu đồ chính trị trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Họ còn tung ra những thuyết âm mưu vô căn cứ như FBI lợi dụng vụ khám xét để “cấy” (planted) bằng chứng phạm tội vào nhà ông Trump. Các Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) và Thống Đốc Ron DeSantis (Cộng Hòa) của Florida ủng hộ việc giải tán cả FBI và Bộ Tư Pháp…
Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), trưởng khối thiểu số Hạ Viện, còn đe dọa sẽ “trả thù” Bộ Tư Pháp và cá nhân Bộ Trưởng Merrick Garland ngay lập tức nếu Cộng Hòa giành lại được đa số ghế Hạ Viện trong cuộc bầu cử sắp tới.
Sự việc không chỉ dừng lại ở những lời hô hào hiếu chiến mà thực tế đã biến thành hành động bạo lực. Một kẻ cực đoan mặc áo giáp mang vũ khí xông vào trụ sở FBI ở Cincinnati, Ohio, với ý đồ gây rối bị bắn chết sau cuộc đấu súng với cảnh sát.
Giám Đốc FBI Christopher Wray cảnh báo nhân viên trong toàn lực lượng phải đề cao cảnh giác, coi chừng bị tấn công. Ngay đến Chánh Án Bruce Reinhart – người phê chuẩn lệnh xét nhà ông Trump – cũng lo ngại vì gia đình ông và ngôi giáo đường Do Thái Giáo mà ông là thành viên quản trị liên tục bị đe dọa trong vài ngày qua, buộc giáo đường phải hủy các Thánh Lễ ngoài trời…
***
Quan sát những diễn biến như vậy, người Mỹ bình thường không thể không lo ngại. Hoa Kỳ là quốc gia có thể chế tam quyền phân lập, các nhánh Hành Pháp, Tư Pháp, và Lập Pháp kiểm soát lẫn nhau, không ai được đứng trên luật pháp. Đây là điểm cốt lõi phân biệt thể chế dân chủ tự do của Hoa Kỳ với các thể chế độc đảng toàn trị của Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba và các nước chuyên chế khác.
Ở Mỹ, cơ quan thực thi pháp luật như FBI và Bộ Tư Pháp có sự độc lập rất lớn, không phụ thuộc vào đảng phái và không ai can thiệp được hoạt động của họ. Tòa Bạch Ốc của ông Biden thậm chí không hề được báo trước vụ khám xét dinh thự ông Trump mà cũng chỉ biết qua báo chí. Có thể trong những trường hợp nào đó, FBI hành xử vượt quá quyền hạn của họ và bị nhánh Lập Pháp thổi còi, nhưng trong vụ xét nhà ông Trump, họ đã làm đúng chức trách và trình tự pháp luật, ít ra là chưa có bằng chứng cho thấy FBI lạm quyền hoặc hành động với động cơ chính trị.
Người dân tuân thủ pháp luật vì tin vào tính công minh, chí công vô tư của các cơ quan công lực. Khi phát hiện hiện tượng vi phạm pháp luật, lợi ích công cộng bị xâm phạm thì cơ quan công lực thực hiện điều tra, theo dõi. Họ không chịu sự “chỉ đạo” của một đảng hay một cá nhân nào, không phải là “công cụ” để các thế lực chính trị sai khiến. Ngày nào người dân không còn tin vào tính công minh của pháp luật, của các tổ chức thực thi pháp luật, thì ngày đó nền dân chủ có nguy cơ sụp đổ.
Ông Donald Trump không còn là tổng thống và do đó không còn quyền miễn trừ của nguyên thủ quốc gia. Nếu ông có hành vi phạm pháp, ông phải bị điều tra xét xử như bao thường dân khác. Thế thì tại sao các chính trị gia cánh hữu lồng lộn lên chỉ vì ông bị khám nhà? Để thể hiện lòng trung thành với một “cựu vương?” Để nhận được phiếu bầu của những người ủng hộ ông cựu tổng thống?
Các tổ chức công quyền của Mỹ đang bị tấn công từ phía cánh hữu – và đó là một dấu hiệu dẫn tới tình trạng bất ổn rất đáng lo. [đ.d.]