TẬP LẮNG NGHE – Fr. Quảng Trần, C.Ss.R. 

 TẬP LẮNG NGHE

Số 216: Thức Ăn Nhanh Cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R. thứ hai, ngày 08 tháng 08 năm 2022, lễ thánh Đa minh.

 ***

Nói xong, Chúa Giêsu hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe”
(Luca 8: 8)

Ông Trời tạo dựng nên con người với hai cái tai và một cái miệng. Cấu tạo tự nhiên dường như muốn con người nghe nhiều hơn là nói. Nhưng, hình như con người thích làm ngược lại: nói nhiều hơn là nghe thì phải?

Nghe không đơn thuần chỉ dừng lại ở khả năng lắng nghe những âm thanh, những giọng nói, nếu lắng nghe chỉ dừng lại ở mức độ nghe những âm thanh thì trong Tin Mừng nhiều lần Chúa Giêsu nói xong, Người bảo “ai có tai nghe thì nghe.” Sinh ra trong cõi đời này, ai mà chẳng có đôi tai vật lý, hoạ hiếm lắm mới có người không có tai, hoặc bị điếc không nghe được những âm thanh vật lý. Thế nên, hiển nhiên, Chúa Giêsu không bảo ta chỉ nghe những âm thanh vật lý, mà cần lắng nghe những sứ điệp ẩn chứa bên dưới những điều Người giảng dạy, những điều người giáo huấn để thực hành hầu được ơn cứu độ.

Lắng nghe là cả một nghệ thuật, cần tập luyện. Con người chỉ cần hai năm để tập nói, nhưng cần cả đời để lắng nghe. Lắng nghe bằng khối óc. Lắng nghe bằng con tim. Sự lắng nghe sâu sắc nhất không phải hiểu những điều người khác nói, mà là hiểu những nỗi niềm họ không thể tỏ bày. Trong quá trình lắng nghe, Stephen Covey đã đưa ra nhận xét rất đúng rằng: “đa số mọi người lắng nghe không phải để hiểu, họ lắng nghe để trả lời.”

Lắng nghe dẫn đến thấu hiểu. Thấu hiểu dẫn đến cảm thông, đi vào tương quan với người đang nói mới là mục đích của lắng nghe. Kỹ năng lắng nghe quyết định 90% thành công trong các cuộc giao tiếp, đi kèm với những kỹ năng nói. Lắng nghe dẫn đến thấu hiểu để cảm thông, giải quyết những xung đột đưa đến thành công trong cuộc sống.
     

Chuyện đã xảy raNăm 2008, nhạc sĩ Dave Carroll, một lần kia đi hãng hàng không United Airlines, và trong lúc chuyến hành trình từ Canada qua Mỹ, cây đàn guitar, hành lý ký gửi của nhạc sỹ bị hư hỏng nặng trong quá trình vận chuyển.

Anh đi gặp các nhân viên hãng hàng không United Airlines để giải trình về việc họ làm hư cây đàn của anh. Nhưng, có lẽ một phần vì lúc đó là đêm khuya, các nhân viên của hãng hàng không này không muốn nghe anh giãi bày sự việc, họ cho rằng cây đàn chứ có to tát gì đâu. Anh chuyện bé xé ra to! 
     

Nhưng đối với những người làm trong lĩnh vực âm nhạc, thì nhạc cụ vừa ý, thích hợp quyết định đến sự thành bại của các buổi biểu diễn, ảnh hưởng trực tiếp tới nghề nghiệp, danh tiếng, cuộc sống của họ. Tiếc rằng các nhân viên của hãng hàng không không lắng nghe những than phiền của anh.
     

Dave Carroll viết đơn khiếu nại hãng hàng không United Airlines. Tuy nhiên, hãng hàng không này từ chối bồi thường cho anh. Họ đổ lỗi cho anh quá chậm trệ trong việc phản hồi về hư hại của hành lý trong vòng 24 giờ.
     

Quá phẫn nộ trước thông báo của hãng hàng không United Airlines, không chịu chấp nhận sự khiếu nại về cung cách phục vụ của họ. 9 tháng sau khi vụ việc xảy ra, vào tháng 6 năm 2009, Dave Carroll đã sáng tác một bài hát dành ‘tặng’ hãng hàng không này mang tựa đề “United Breaks Guitars.” Bài hát với những lời lẽ diễn tả trải nghiệm tồi tệ của Carroll với hãng hàng không này cũng như thái độ phản hồi của người đại diện United Airlines. Sau đó một thời gian ngắn, ca khúc đã trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội. Ngay sau khi bài hát “United Breaks Guitars” trên Youtube được lan tràn khoảng 10 ngày, thì giá cổ phiếu của United Airlines đã giảm tới 10%, khiến hãng này tổn thất tới 180 triệu USD. Với số tiền này, đủ để hơn 51,000 chiếc guitar hoàn trả cho Carroll.
    

Sau này Dave Carroll đã tâm sự: Thật ra, tôi chỉ cần một nhân viên đứng ra lắng nghe những chia sẻ những bất mãn của tôi về cung cách đối xử với khách hàng; thừa nhận họ đã hành xử sai, và xin lỗi là đủ. Nhưng, rất buồn họ đã không làm vậy. Hoá ra Caroll chỉ cần được lắng nghe nỗi lòng của anh.

Cùng Suy Nghĩ và Hành Động:

Muốn lắng nghe tốt, bạn có để cho đối phương có “không gian” để nói, để chia sẻ những tư tưởng của họ không? Bạn có hay ngắt lời những người khác khi họ đang nói không? Bạn đang tập nghe để hiểu hay nghe để trả lời? Đâu là mẹo nhỏ của chính bạn trong việc tập lắng nghe tiếng lương tâm đang muốn nói với bạn.

Fr. Francis Quảng Trần C.Ss.R

From: Le Ngoc Bich & KimBang Nguyen

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay