SỨ MỆNH CUỘC ĐỜI – TGM Giuse Vũ Văn Thiên

“SỨ MỆNH CUỘC ĐỜI”

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Mỗi chúng ta sinh ra ở đời đều có một sứ mệnh.  Bổn phận của chúng ta là phải khám phá ra đâu là sứ mệnh mà Chúa gửi gắm cho cá nhân mình.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” như sau: “Sứ mệnh của tôi giữa lòng dân không chỉ là một phần của đời tôi hay một cái phù hiệu mà tôi có thể gỡ bỏ; nó không phải một cái gì “phụ thêm” hay chỉ là một khoảnh khắc khác trong cuộc đời.  Trái lại, nó là cái mà tôi không thể dứt bỏ khỏi mình nếu không muốn tiêu diệt chính mình.  Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi có mặt trên trái đất này” (số 273).  Sứ mệnh này đến từ Chúa, là ơn gọi Ngài gửi đến mỗi người.  Phân định đúng ơn gọi của mình và chuyên chăm thực thi sứ mệnh cuộc đời, sẽ đem cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc lâu bền.  Nhiều người không nhận ra sứ mệnh đích thực của mình, mà thích “đuổi hình bắt bóng” chạy theo người khác.  Trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống”, Đức Thánh Cha trích dẫn gương sáng của vị Chân phước trẻ Carlo Acutis và câu nói của vị Chân phước này: “Ai cũng được sinh ra như là bản gốc, nhưng nhiều người lại chết đi như những bản sao” (số 106).  Đức Thánh Cha nhắn nhủ các bạn trẻ: “Con hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần và tin tưởng tiến về mục tiêu cao cả là nên thánh.  Như thế, con sẽ không trở thành một bản sao.  Con sẽ hoàn toàn là chính mình” (Sđd, số 107).

Các Bài đọc Lời Chúa trong Phụng vụ đều nhấn mạnh đến lời mời gọi của Chúa.  Êlia là một trong bốn gương mặt của các “ngôn sứ lớn” của Cựu ước.  Ông đã thi hành sứ mệnh trong một bối cảnh vô cùng phức tạp.  Ông đã chiến đấu với 450 tiên tri của thần Baal trên núi Carmel và đã chiến thắng (x. 1 V 18,20-40).  Êlia cũng đã can đảm tố cáo những hành động của vua Akháp và hoàng hậu Giêzabel, trước hành động bất công đã gây ra cho Nabốt (x. 1V chương 21).  Để có người tiếp nối, ông tuyển mộ một môn sinh là Elisa.  Sau khi ông Êlia được cất về trời, ông Êlisa đã nhiệt thành với sứ vụ và đã làm nên những kỳ công, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Bí tích Thánh tẩy làm cho chúng ta trở nên những môn đệ của Chúa Giêsu.  Người tín hữu không bị “bứng” ra khỏi môi trường và bối cảnh cuộc sống, nhưng lại được Chúa sai đến làm chứng cho Ngài tại nơi mình đang cư ngụ.  Mặc dù đang sống tại chính gia đình và quê hương, người tín hữu vẫn có ơn gọi “thừa sai”, tức là sứ mạng được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng.  Khi nói về sứ mạng thừa sai của người tín hữu, Đức Thánh Cha đã viết: “Tôi muốn nhắc lại rằng không cần phải làm một khoá đào tạo dài hạn để biến người trẻ thành những nhà truyền giáo.  Ngay cả những người yếu kém nhất, bị giới hạn và nhiều thương tổn, cũng có thể là những nhà truyền giáo theo cách riêng của mình” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 239).  Theo Đức Thánh Cha, bất kỳ ai, dù trong hoàn cảnh nào, cũng có thể thi hành nhiệm vụ thừa sai, tức là làm chứng cho Chúa.

Chúa vẫn luôn gọi chúng ta, nhưng lại để cho chúng ta tự do đáp trả.  Bởi lẽ lời mời gọi xuất phát từ tình yêu, mà nếu bó buộc thì chẳng còn phải là tình yêu nữa.  Thánh Luca kể lại ba trường hợp xin theo Chúa để làm môn đệ của Người.  Xin lưu ý là Chúa không từ chối bất cứ trường hợp nào.  Câu trả lời của Chúa “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” có thể được hiểu như là một gợi ý Chúa đưa ra để người đó suy nghĩ và quyết định.  Ba trường hợp được kể lại trong Tin Mừng như muốn nói với chúng ta, người nào muốn theo Chúa phải dành cho Người một chọn lựa ưu tiên.  Chọn lựa ấy là lý tưởng sống, vượt lên mọi tình cảm và mọi mối liên hệ khác.  Khi dốc quyết theo Chúa, chúng ta trở thành người tự do, thanh thản nhẹ nhàng trong niềm tin yêu và tín thác.

Chúa Giêsu là mẫu mực cho chúng ta về sự hy sinh và lòng trung thành với chọn lựa của mình.  Thánh Luca đã diễn tả điều đó khi ngài viết: “Người nhất quyết đi lên Giê-su-sa-lem.”  “Đi lên Giêsusalem” đồng nghĩa với việc đi vào chốn đầy nguy hiểm chống đối, thậm chí là bước vào cái chết.  Vì cớ Người đi Giêsusalem mà dân làng người Samari khước từ việc đón tiếp Người.  Chúa Giêsu đã can đảm bước đi, trong niềm phó thác nơi Chúa Cha.  Trong hành trình lên Giêrusalem, trước sự khước từ của người đời, Chúa không hành xử theo đề nghị của anh em ông Giacôbê và Gioan muốn “xử” người dân Samari theo luật giang hồ.  Như thế, cùng với sự can đảm trung thành, Đức Giêsu còn nhắc nhở những ai muốn trở thành môn đệ phải kiên nhẫn và bao dung trước những lập trường và quan điểm khác biệt với mình.

Trong thư gửi giáo dân Galát, thánh Phaolô lên án bạo lực, cổ võ tình yêu thương.  Thánh nhân khẳng định: anh em được gọi để hưởng tự do.  Đây là tự do của các con cái Chúa.  Tự do này đồng nghĩa với sự thanh thoát, thánh thiện và bình an.  Chính Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn giúp chúng ta sống hoàn thiện và nối kết chúng ta trong tình huynh đệ thân thương.  Chúng ta chỉ có thể chu toàn sứ mệnh cuộc đời, nếu chúng ta biết thành tâm lắng nghe và tuân theo sự chỉ dạy của Chúa Thánh Thần.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay