NA UY – NHỮNG DẤU CHÂN LƯU LẠC – Phạm Tín An Ninh

Kimtrong Lam   Lương Văn Can 75.

Nhà văn Phạm Tín An Ninh

Trong hình là hai vợ chồng nhà văn Phạm Tín An Ninh và sáu đứa con tại Trại Hawkins Road, Singgapore sau khi vượt biên thoát khỏi Việt Nam trong thập niên 80. Nhà văn Phạm Tín An Ninh vừa là huynh trưởng vừa là chiến hữu với tôi cùng màu cờ sắc áo trong quân đội VNCH. Bà xã anh Phạm Tín An Ninh tên Trương Thu Thức là bạn học cùng lớp cùng trường thời trung học tại trường Trần Bình Trọng Ninh Hoà với tôi . Nhìn hình thấy bà bạn của mình mới bây lớn mà có tới sáu đứa con cao gần ngang vai thật là đáng nể . Chắc trong thời chiến tranh đơn vị của anh bị việt cộng pháo kích quấy rối ngủ không được nên mới nhiều con như thế. Tại hạ xin bái phục bà bạn của mình

Nhà văn Phạm Tín An Ninh là tác giả của những tác phẩm : Ở Cuối Hai Con Đường – Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân – Sau Cuộc Biển Dâu rất nổi tiếng nơi hải ngoại. Trong những câu chuyện anh viết giống như thể anh đang bơi giữa dòng sông đầy cánh lục bình . Anh quơ tay gom lại nhưng vì hai tay ngắn quá nên vẫn còn nhiều đám lục bình trôi dật dờ quanh đây nên sức anh gom không xuễ . Tôi bắt gặp những niềm đau man mác của chính tôi giống như là tất cả những uẩn khúc trong lòng được anh thấu hiểu mặc dù truyện của anh được kết nối từ những mãng sống trôi trên dòng đời của chính anh

Mời quý bạn đọc bài viết mới nhất của anh viết về Na Uy quê hương thứ hai của mình

NA UY – NHỮNG DẤU CHÂN LƯU LẠC
Phạm Tín An Ninh

Như vậy là tôi sẽ phải rời xa Na-Uy, đất nước đã cưu mang tôi và sẽ còn mãi in đậm những dấu chân tôi trong cả một quãng đời hơn 30 năm lưu lạc? Cũng như tâm trạng của những ngày tìm cách vượt biên, rời khỏi Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, câu hỏi này đã làm tôi ưu tư trằn trọc nhiều đêm, như sắp phải cắt đi một phần máu thịt ràng buộc với chính sự sống của mình.

Sau bậc trung học ở Na-Uy, bốn đứa con lần lượt được học bổng sang Mỹ du học từ năm 1990. Có việc làm sau khi tốt nghiệp, nên ba cháu đã chọn ở lại đây lập nghiệp và trở thành công dân Mỹ, mong muốn bảo lãnh cha mẹ, khi về hưu, sang sống với các cháu những năm cuối đời, và với khí hậu ấm áp của vùng biển Cali sẽ làm người già đỡ căn bệnh đau nhức các khớp xương khi mùa đông Bắc Âu mang cái lạnh trở về. Mấy năm nay, sau khi về hưu, chúng tôi cũng chỉ sang Cali ở với các con sáu tháng mùa đông, còn sáu tháng mùa hè về lại với Na-Uy. Vậy mà trong những ngày mùa đông nắng ấm Cali, tôi vẫn da diết nhớ về Na-Uy với cả khung trời ngập đầy tuyết trắng, những hàng cây trước nhà, vào đêm Giáng Sinh, đóng băng, trở thành những cây thủy tinh lung linh dưới ánh đèn đường. Tôi nhớ cả cái không khí yên bình tĩnh mịch và những người bản xứ láng giềng tốt bụng. Nhiều lúc tôi ngồi bất động, thả hồn về Na-Uy, tìm lại từng dấu chân lưu lạc của mình.

Hơn ba mươi năm trước, khi phải đành lòng bỏ lại quê hương, bao nhiêu người thân và mồ mả cha mẹ ông bà, ra đi trên chiếc thuyền đánh cá mong manh, cũng như rất nhiều người, tôi không hề nghĩ là mình sẽ đến một đất nước xa lạ có tên Na-uy. Cái tên Norway, Norvège, tôi chỉ nhớ loáng thoáng qua phim The Vikings mà tôi đã xem qua lúc còn đi học, và cái giải Nobel Hòa Bình năm 1973 trao lầm cho Kissinger – Lê Đức Thọ, đã từng gây cho tôi cái ác cảm với đất nước xa xăm lạ lẫm này. Đặc biệt, năm 1978, khi đang ở tù ngoài Yên Bái, nhân một ngày lễ lớn của Cộng sản, tổ tù chúng tôi được phát một hộp thịt cá voi. Thấy ngoài hộp thiếc có ghi “Made in Norway”, bọn tôi càng ghét thêm cái tên này, vì nghĩ đó là một quốc gia thân Cộng

Chiếc thuyền nhỏ chở theo 52 người, gần một nửa là đàn bà và con nít, ra khơi hai ngày thì gặp bão. Cả bầu trời phủ kín mây đen. Những ngọn sóng bạc đầu từ trên cao phủ xuống, như muốn nuốt chửng con thuyền nhỏ mong manh. Mệnh số 52 con người chỉ còn biết phó thác cho trời nước mênh mông. Bóng tối tử thần bủa vây khắp phía. Con thuyền bây giờ như cánh bướm nhỏ rơi giữa dòng thác lũ, chìm xuống ngoi lên tả tơi, thoi thóp. Chưa khi nào con người lại quá nhỏ bé và bất lực trước thiên nhiên như lúc này đây. Người điều khiển chiếc thuyền là anh bạn tù, một sĩ quan Hải Quân trước 75. Dù từng làm hạm trưởng, giàu kinh nghiệm hải hành, nhưng bây giờ chỉ còn biết cố giữ cho chiếc thuyền không nằm ngang để bị sóng đánh vỡ. Khả năng đó trong lúc này đã là một điều tuyệt vời, nhưng lại quá nhỏ nhoi trước sức mạnh của phong ba. Đám thanh niên thi nhau tát nước tràn vào liên tục có lúc gần ngập cả con thuyền. Chỉ sau một ngày đêm, tất cả đều mệt lã, đuối sức. Mọi người chỉ còn biết nhắm mắt, miệng lâm râm lời cầu nguyện. Bất ngờ có người hét lên và chỉ ra phía trước mặt. Tất cả nhốn nháo nhìn về hướng ấy. Một cái gì to lớn màu đỏ chói chập chờn xuất hiện giữa trùng khơi sóng gió. Mới đầu chỉ thấy mấy cái bồn lớn, tưởng như những cây trụ cao to trong một ngôi chùa vĩ đại, cho mọi người cái cảm giác như đang ở trên một thế giới nào đó, huyễn hoặc, mơ hồ. Khi nhận ra chiêc tàu thật lớn, ai cũng thầm nghĩ là có điều gì màu nhiệm được Thượng Đế gởi đến để cứu vớt chúng tôi trong cơn khốn nguy tuyệt vọng.

(Tàu chở dầu Høegh Grandia cứu vớt chúng tôi trên biển Đông)

Chiếc tàu mang cái tên với vài mẫu tự rất lạ (Høegh). Có người nghĩ là chữ Nga. Nhưng trong hoàn cảnh này dù là tàu nước nào, cũng phải sống trước đã. Nhưng khi chúng tôi cố gắng cho thuyền đến gần tàu, thì họ lại tránh ra xa. Bao lần như vậy làm chúng tôi thất vọng và thầm oán trách. Nhưng cuối cùng chiếc tàu ngừng hẳn lại, hụ còi làm dấu hiệu cho thuyền chúng tôi chạy đến. Khi chiếc thuyền con cặp vào thành tàu cao chót vót, một số thủy thủ trên tàu thòng những chiếc thang giây và đu mình xuống để bồng những đứa con nít hoặc cõng trên vai những người đàn bà yếu mệt lên tàu. Một số khác, có cả vài người đàn bà, đứng trên thành tàu, đưa tay đón lấy từng người. Chúng tôi đã nhận ra đây phải là những con người từ tâm, đến từ một quốc gia giàu lòng nhân đạo.

Tôi và anh bạn Hải Quân là hai người cuối cùng lên tàu. Khi nói chuyện với vị thuyền phó, được biết chiếc tàu này thuộc Vương Quốc Na-Uy (Kingdom Of Norway) và đang trên hải trình công tác chở dầu từ Nhật sang Singapore. Và cơn bão chỉ mới bắt đầu. Trận bão chính khuya nay mới tới. Nếu tàu không vớt, chắc chắn chúng tôi không thể nào sống sót qua đêm nay. Ông cũng cho biết sở dĩ ông không cho chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi lại gần khi tàu lớn đang chạy, vì lo ngại thuyền sẽ bị nhận chìm bởi sóng từ chiếc tàu lớn tạo ra, nên ông phải cho tàu dừng hẳn lại trước khi cho chúng tôi cặp vào

Chúng tôi đem tặng cho ông thuyền trưởng chiếc hải bàn, nói lời cám ơn và để làm kỷ niệm. Ông đưa hai chúng tôi ra sàn tàu để chứng kiến và từ biệt chiếc thuyền con, khi ông cho nhận chìm bằng cách cho rú mạnh máy tàu. Đứng nghiêm đưa tay chào vĩnh biệt, lòng chúng tôi thật bùi ngùi, khi nghĩ là chiếc thuyền mong manh ấy đã đưa chúng tôi vượt bao sóng gió, từng chạm mặt với tử thần, nhưng cuối cùng tất cả chúng tôi đã được an bình để tới bến bờ, còn chiếc thuyền thì lại bị nhận chìm vào đáy của đại dương . Và cũng kể từ giờ phút ấy, hai tiếng Na-Uy gắn liên với phần đời còn lại của chúng tôi

Sau khi tắm rửa xong, đám đàn ông con trai thì được phát cho những bộ quần áo kaki màu vàng của thủy thủ, phụ nữ thì những chiếc áo blue trắng của các cô y tá. Còn đám con nít thì được áo thun đủ màu và quần short. Chúng tôi được đưa xuống các phòng ngủ nghỉ ngơi, và chiều hôm đó được ăn một bữa cơm Tây thịnh soạn. Vị thuyền trưởng cho biết là sẽ đưa chúng tôi sang gởi tại trại tị nạn Singapore, và cho mỗi người được gởi ba cái điện tín về ba địa chỉ khác nhau để báo tin cho gia đình. Ông còn cho biết thêm, trước đây chiếc tàu này do ông làm hạm trưởng cũng đã từng cứu vớt bốn chiếc thuyền tỵ nạn từ Việt Nam. Đọc danh sách những thuyền nhân trong bốn chiếc thuyền này, hầu hết phát xuất từ miền Tây, chúng tôi không nhận ra có người quen biết.
Hai ngày đêm trên tàu với chúng tôi là cả một thiên đường. Mặc dù bên ngoài, cơn bão cấp sáu nhiều lúc làm con tàu lắc lư, nhưng trên tàu chúng tôi cảm thấy thật yên ả hạnh phúc. Chúng tôi được bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc, ăn uống thịnh soạn Đám con nít có quà, bắt đầu đừa giỡn, vui chơi.

Đêm cuối cùng, ông thuyền trưởng mong muốn có một buổi cơm chung với tất cả thủy thủ trên tàu cùng những người tỵ nạn. Chúng tôi thành lập một tổ nhà bếp. Họ cung cấp mọi thực phẩm theo yêu cầu. Một bữa ăn với thực đơn hoàn toàn Việt Nam. Vừa thích thú vừa cảm động.

Sau hơn hai ngày đêm, tàu cặp vào cảng Singapore. Tất cả thủy thủ đoàn đứng thành hai hàng dài từ đài chỉ huy xuống tận cầu tàu, bắt tay và ôm từng người chúng tôi tiễn biệt. Nhiều người đã bật khóc. Tôi vừa cảm động vừa đau đớn trong lòng. Cảm động vì phải chia tay những ân nhân của mình, nhưng đau đớn vì nghĩ họ là những người xa lạ, không cùng ngôn ngữ, màu da màu tóc, mà đã cứu vớt, hết lòng yêu thương lo lắng cho chúng tôi, trong lúc những người anh em cùng một nhà lại thẳng tay đàn áp hành hạ đuổi xô chúng tôi đến bước đường cùng, đến nỗi phải đánh đổi cả mạng sống để bỏ nước ra đi. Nếu không có chiếc tàu Na-Uy này cứu vớt, chắc chắn 52 người chúng tôi đã bỏ mình trên biển khơi, cũng giống như hàng trăm ngàn người bất hạnh khác, không một ai hay biết.

Chúng tôi được gởi vào trại tị nạn Hawkins Road, một doanh trại cũ của quân đội Anh tại Singapore. Tòa đại sứ Na-Uy tại đây đến thăm nom, chăm sóc và gởi hai cô giáo thiện nguyện đến để sinh hoạt và dạy ngôn ngữ Na-Uy. Sau ba tháng, chúng tôi được chuyển sang trại chuyển tiếp Bataan ở Phi Luật Tân. Trại chia ra 9 Vùng. Riêng Vùng I được dành cho những người được tàu Na-uy vớt, và hầu hết sẽ đi định cư tại Na-Uy. Ông Đại sứ Na-Uy tại Phi Luật Tân thường xuyên đến thăm nom giúp đỡ chúng tôi. Có lẽ không có một vị đại sứ nào hiền lành, phúc hậu, và bình dị như ông đại sứ Na-Uy này. Một toán cô thầy giáo được chọn lọc, từ Na-Uy sang để dạy tiếng Na-Uy cũng như hướng dẫn chúng tôi về lịch sữ, địa lý, văn hóa, tập quán và nhiều hiểu biết khác về xã hội và đất nước này. Một số người tỵ nạn được chọn ra, học riêng thêm một số giờ, để làm phụ giảng và thông dịch.Tôi là một trong vài người may mắn được chọn

(Ông Đại Sứ – bà Bộ Trưởng Xã Hội và bà Giám Đốc Sở Tỵ Nạn NaUy đến thăm viếng chúng tôi tại Bataan -Philippine)

Sau tám tháng, chúng tôi lần lượt được đưa sang định cư chính thức tại Na-Uy. Gia đình tôi lúc ấy có 10 người, gồm vợ chồng tôi, 6 đứa con và 2 đứa cháu, đến phi trường Fornebu Oslo vào buổi chiều cuối hè. Trời nắng đẹp. Chúng tôi được hai người đàn bà thuộc văn phòng Thư ký Tỵ nạn và Phòng Xã Hội kommune Skedsmo, địa hạt nơi tôi đến định cư, đón chúng tôi tại khu nhận hành lý của phi trường. Khi bước ra cổng, tôi được một số phóng viên báo chí và đài truyền hình phỏng vấn. Hai người đàn bà mời gia đình chúng tôi đến ăn tại một nhà hàng Tàu. Khi về đến nhà, bất ngờ chúng tôi thấy các phóng viên lúc nãy đang chờ trước cổng. Căn nhà rộng, loại rekkehus (townhouse) hai tầng, có cả sân trước sân sau được trồng hoa và lát cỏ, trang bị đầy đủ nội thất, có cả một TV mới và trong tủ lạnh đầy đủ thức ăn nước uống. Các phóng viên mời chúng tôi vào phòng khách, vừa uống cà phê vừa để họ quay phim, chụp hình và phỏng vấn. Họ hỏi về nhiều đề tài, đặc biệt là chiến tranh Việt Nam và chuyện tù đày, khổ ải của người miền Nam sau ngày VNCH thất thủ vào tay Cộng Sản, cùng cảm tưởng khi đến Na-Uy. Với mớ vốn liếng tiếng Na-Uy và cả tiếng Anh ít ỏi, tôi cố gắng trình bày và chỉ hy vọng họ hiểu được những điều chính yếu mà mình muốn nói. Trước khi từ giả, mọi người đều cảm động ôm lấy chúng tôi cùng với những lời chúc tốt lành cho một đời sống mới. Tôi rất ngạc nhiên, khi bà Trưởng Phòng Tỵ Nạn đưa chúng tôi một xâu chìa khóa, và trao cho chúng tôi tờ giấy chủ quyền ngôi nhà, mà bà cho biết kommune đã đứng ra mượn tiền mua trước, và họ sẽ trả mọi thứ tiền cho đến khi nào chúng tôi đi làm và có khả năng tự trả được. (Vì họ được mượn từ quỹ gia cư của chính phủ nên tiền lời rất thấp)

Buổi tối, cơm nước xong, cả nhà quây quần trước cái TV. Thằng con trai lớn ra điều mới học được văn minh, bấm tới bấm lui tìm đài. Cả đám bất ngờ nhìn thấy dung nhan của mình trên màn ảnh. Thì ra chương trình phóng sự. Họ đang kể về gia đình chúng tôi: “những công dân mới của Na Uy, mà ông bố đã từng ở tù nhiều năm, giống nhiều người Na Uy bị nhốt trong các trại cải tạo của Đức quốc xã, cái thời Hitler làm mưa làm gió ở Âu Châu, và đã can đảm dắt theo mấy đứa con nhỏ vượt đại dương trên một chiếc thuyền đánh cá mong manh”. Nghe họ ca ngợi mình mà tôi xấu hổ. Dù gì tôi cũng là kẻ bỏ nước tha phương, với họ ít nhiều gì cũng là một cành tầm gởi. Còn chuyện vượt biển, vượt biên, đến bước đường cùng thì ai cũng phải liều mạng thế thôi, chứ có hàng triệu người còn can đảm gấp vạn lần tôi. Nhiều người đi bằng đường bộ, trèo núi, băng rừng, lội suối, bơi sông, qua Cam Bốt, Thái Lan, sống chết với bọn hải tặc, để vài năm sau mới đến được Singapore. Và dĩ nhiên đã có biết bao nhiêu người chẳng bao giờ tới bến.

Khi cả nhà ngủ vùi sau hai ngày di chuyển mệt nhọc (từ trại Bataan đến Manila và từ Manila đến Na-Uy), tôi một mình xuống ngồi ở phòng khách, suy nghĩ thật nhiều về những tháng ngày sắp tới, ưu tư cho chính bản thân mình và nhất là đám con nhỏ dại, sẽ lớn lên và chấp nhận xứ sở xa lạ này như một quê hương mới. Nước mắt tôi bỗng trào ra khi nghĩ đến quê nhà, hồi tưởng một quá khứ có quá nhiều biến đổi thăng trầm và mất mát, dù đã xa khuất sau lưng, nhưng chắc chắn mãi mãi không thể nào mờ nhạt. Tôi cũng nghĩ tới thân phận của những người bạn tù còn ở lại,rồi cuộc đời sẽ không biết ra sao. Thầm cầu mong cho họ sẽ gặp được nhiều may mắn.

(Ngày mới đến thị xã Skjetten – thuộc Kommune Skedsmo -NaUy)

Hôm nay, cả gia đình tôi đang ở trên một đất nước tận vùng Bắc Âu xa lạ để gầy dựng lại cuộc đời. Các đứa con thơ dại sẽ lớn lên ở đây. Tất cả sẽ bắt đầu học ngôn ngữ mới, tập quán mới. Tôi thực sự đã mất quê hương. Tất cả, nếu có còn chỉ nằm sâu một nơi nào trong tâm tưởng. Nhưng chúng tôi may mắn được đất nước này mở rộng vòng tay, để được nhận nơi đây làm quê hương mới. Cái diễm phúc ấy hy vọng sẽ xoa dịu vết thương còn đang đau đớn trong lòng, mà tôi biết sẽ mãi mãi không bao giờ lành được. Sáng hôm sau, bà trưởng phòng tỵ nạn trở lại thăm chúng tôi, dắt theo hai người đàn bà khác, mà bà giới thiệu là đến từ phòng giáo dục và phòng xã hội Thị Xã. Hai người sẽ đến thăm gia đình tôi thường xuyên trong hai tuần, để lo việc học hành cho các con, đưa chúng tôi đi khám bệnh, làm răng và sắm sửa thêm những gia dụng theo nhu cầu. Bà đưa tôi đến một ngân hàng gần nhà, mở cho tôi một trương mục, bỏ vào đó tiền ăn và mọi khoản chi tiêu dành cho gia đình chúng tôi trong hai tháng đầu. Sau đó, bà sẽ gởi tiếp, nhưng bà dặn bất cứ khi nào cần cứ ra rút tiền. Và nếu tiền hết vì bà chưa kịp gởi vào, ngân hàng này sẽ phải ứng trước theo giao ước của bà.

Thêm một điều rất may mắn cho tôi. Thời gian ở trại tị nạn, tôi đã được các thầy cô giáo dạy riêng thêm ngôn ngữ Na-Uy để giúp làm phụ giảng và thông dịch, nên khi sang Na-Uy tôi đã có một ít vốn liếng tiếng Na-Uy, dù chưa thông thạo lắm. Ngày đầu tiên khi chúng tôi cùng một số gia đình tỵ nạn khác được bà Trưởng Phòng Tỵ Nạn đưa đến Phòng Cảnh Sát Ngoại Kiều Thị Xã để được phỏng vấn làm thủ tục di trú. Vào giờ chót người thông dịch không đến được, nên tôi đã tình nguyện đứng ra giúp. Không ngờ đó lại là một cơ hội cho tôi sau này. Tôi được giới thiệu theo học khóa “Ngôn ngữ Mùa Hè” tại Đại Học Oslo. Sau đó được làm thông dịch cho Văn Phòng Xã Hội và Phòng Cảnh Sát, và được gởi theo học một khóa tài chánh kế toán trong 13 tháng, mà đa số học viên là những công chức hoặc nhân viên của các phòng sở, công ty gởi đến. Biết thân phận là người tị nạn, nên tôi cố gắng hết sức để theo kịp, nên khi mãn khóa nhận được chứng chỉ với số điểm ưu hạng.

Khi cả nhà đang hái dâu ở vùng Drammen, vừa tiêu khiển vừa kiếm thêm tiền gởi vể Việt Nam giúp cha mẹ vợ, bà cô, cùng một số bạn tù ngày trước, tôi nhận được thư của kommune thu nhận tôi làm việc tại Kommune Kasseren (Phòng Tài Chánh Thị Xã) trong một năm. Công việc thật nhàn nhã, nên tôi được phép đi làm thông dịch thêm theo yêu cầu của các cơ quan khác và được nhận thêm tiền trả riêng. Đặc biệt việc di chuyển đều được dùng Taxi do cơ quan ấy đài thọ. Có những ngày chẳng có việc gì làm, tôi lại ngồi đọc sách để học thêm ngôn ngữ mới. Sau một năm, tôi nôp đơn xin theo học và làm trong ngành Ngân hàng Bưu Điện (Postbanken) cho đến ngày về hưu

(Ba đồng nghiệp thân thiết nhất tại Postbanken – Anita – Reidun và Guldhaug)

Đến Na-Uy tôi mới biết đây là một Vương quốc có dân số chỉ hơn bốn triệu rưởi, nhưng đời sống khá cao và giàu lòng nhân đạo. Gia đình tôi được chăm lo đủ thứ. Tiền phụ cấp hằng tháng quá đầy đủ. Với chúng tôi có thể nói là thừa thãi. Ngay sau khi học xong, tôi được việc làm. Khi đi học vẫn được nhận đủ lương lại còn thêm phụ cấp. Vơ tôi được đi học thêm ngôn ngữ tại một trường trung học dành cho người lớn và sau đó học nghề tại trung tấm huấn nghệ dành cho người tỵ nạn, và ngay sau khi học xong cũng cnhận dược việc làm chuyên môn về điện tử tại Siemens, một công ty lớn của Đức. Lương bỗng hằng tháng của hai vợ chồng cộng lại chỉ hơn một nửa số tiến trợ cấp trước kia. Phòng Xã Hội có nhã ý giúp chúng tôi thêm vì có đông con, nhưng chúng tôi từ chối vì thấy đã đủ trả mọi chi phí cho đời sống gia đình. Điều thú vị hơn, đất nước này gồm rừng núi, sông hồ thơ mộng và quanh năm tĩnh mịch, thích hợp với những người cần sự yên tĩnh để chữa nhiều vết thương trong lòng còn đang đau đớn như tôi.

Mùa đông đầu tiên, khi tuyết bắt đầu rơi trắng bầu trời, chúng tôi được cấp áo quần, dụng cụ trượt tuyết, và có người đến dạy các con tôi trượt tuyết. Sau một năm, trong một kỳ thi dành cho tuổi thiếu niên, cậu con trai út của tôi được lãnh cúp hạng nhất, trở thành cậu bé trượt tuyết có tiếng trong vùng.Sau đó, chúng tôi còn được biết thêm, Nauy là quốc gia thường chiếm nhiều huy chương vàng nhất tại các Thế Vận Hội Mùa Đông.

(Huy Vinh trượt tuyết giỏi nhất giải thiếu nhi và em gái Ngọc Quỳnh)

Định cư được hơn ba năm. Lúc kinh tế gia đình và việc học hành của mấy đứa con tạm ổn định, hơn nữa các con đã lớn cần một ngôi nhà rộng rãi có đủ phòng ốc hơn, chúng tôi quyết định mua một ngôi nhà lớn nằm dưới thung lũng nhỏ Harabakken, bên bờ sông Nitelva yên tĩnh, bên kia sông là cánh đồng cỏ mênh mông tiếp giáp với núi rừng. Cái khung cảnh có mang một chút hình dáng và màu sắc quê nhà giúp tâm hồn tôi yên ả hơn mỗi khi thấy lòng trăn trở, nhung nhớ một điều gì. Những lúc buồn, tôi ngồi hằng giờ trong bao lơn nhìn ra cánh đồng và rừng núi phía xa xa, để ngỡ là quê hương mình như đang ở phía bên kia triền núi đó. Và cũng chính nơi đây, tôi đã bắt đầu tập tễnh cầm bút viết lại cuộc đời mình, thế hệ mình, cuộc chiến bất hạnh và cuộc tang thương dâu biển mà cả miền Nam Việt Nam đã trải qua.

Ở đất nước bé nhỏ này và với số người Việt tị nạn khi ấy khoảng 10.000 người, nhưng có một số nhà văn, nhà thơ tiếng tăm: Nguyễn Thị Vinh, Dương Kiền, Hoài Mỹ, Nguyễn Hữu Nhật, Tâm Thanh, Khánh Hà, Cung Vĩnh Viễn, Nguyễn Văn Thà… Bán ngôi nhà cũ của kommune mua giúp lúc ban đầu mới đến, chúng tôi may mắn lời được một khoản tiền đủ để trả hơn một nửa số tiền mua ngôi nhà mới. Ngôi nhà này nằm ở một kommune khác. Khi vừa dọn về nhà mới được hai tuần, tôi nhận được một Ngân Phiếu Trả Tiền (Utbetalingskort) gởi từ Phòng Xã Hội của kommune cũ, cấp cho tôi một số tiền gần bằng 10 tháng lương của tôi lúc ấy. Tôi ngạc nhiên, vì số tiền khá lớn nên nghĩ là có điều gì nhầm lẫn. Cầm tấm Ngân Phiếu Trả Tiền, tôi đến gặp ông Trưởng Phòng Xã Hội. Ông cho biết đó là món tiền mà Sở Tỵ Nạn cấp để lo cho gia đình tôi, nhưng kommune không chi tiêu hết cho chúng tôi, vì con đông nên không đủ phòng ốc và đồ dùng ở ngôi nhà cũ, hơn nữa chúng tôi đã đi làm quá sớm sau khi đến Na-Uy, nên ông quyết định gởi cho chúng tôi để sắm sửa cho ngôi nhà mới. Đã vậy ông còn xin lỗi, vì đã không lo lắng đủ cho chúng tôi trong thời gian mới tới. Tôi bắt tay ông từ giã mà trong lòng cảm thấy ngậm ngùi, khi nghĩ là ở trên quê hương mình bây giờ biết tìm đâu ra những công chức chính quyền thanh liêm và giàu tấm lòng như thế?

(Ngôi nhà mới dưới thung lũng Harabakken-NaUy)

Trong thung lũng nhỏ này chỉ có bốn ngôi nhà. Ngoài gia đình tôi, một gia đình người bản xứ, còn có gia đình người Thụy Điển và một gia đình người Đức. Tất cả những người láng giềng này rất tốt bụng, sau này đều trở thành những người bạn thân thiết của gia đình tôi.

Gần 30 năm làm việc, tôi may mắn được sắp xếp làm ở những chi nhánh rất gần nhà. Được hưởng bậc lương tính theo thâm niên từ khi bắt đầu làm việc tại Việt Nam. Hầu hết những đồng nghiệp người bản xứ đều luôn thân tình, giúp đỡ. Điều làm tôi cảm phục hơn là sự thành thật và tin tưởng lẫn nhau của họ. Công việc mỗi ngày liên quan tới tiền bạc. Có thời gian mấy năm tôi được giao cho trách nhiệm thủ quỹ. Vào những ngày trước Giáng Sinh hay thời điểm trả thuế, số tiền trong tủ sắt lên đến nhiều chục triệu kroner. Mới đầu, tôi rất ngạc nhiên, khi giao một số tiền lớn cho mỗi kasse (quày), mà họ chẳng bao giờ kiểm lại. Có khi, một vài cô cậu sinh viên làm thêm vào các ngày thứ bảy, hay ngày lễ, làm mất đến mấy chục ngàn, họ vẫn không bị la rầy hay đuổi việc. Chúng tôi được học và dặn dò, nếu có cướp (cho dù biết vũ khí là đồ giả), hãy luôn làm theo yêu cầu của kẻ cướp, đừng bao giờ có ý chống lại. Nhưng điều này chưa hề xảy ra. Họ rất quý sinh mạng con người. Không phải như dưới chế độ Cộng Sản trên quê tôi, sính mạng con người chẳng khác gì cỏ rác!

(Giáng sinh trước khi ba cháu lớn đi du học Mỹ)

Trong gần 30 năm làm việc, tôi chưa hề thấy những ông “sếp” nặng lời với bất cứ một nhân viên nào cho dù khi họ làm sai, thất thoát ít nhiều tiền bạc. Chỉ cần viết một đôi dòng giải thích là đủ. Ngược lại, đôi lần, trong các buổi họp, tôi thấy một vài nhân viên lại khiển trách “sếp” chỉ vì một đôi điều không được hài lòng. Phải nói, đây là một quốc gia có tinh thần dân chủ cao độ. Tôi nhớ mãi chuyện vợ chồng ông chủ tịch quốc hội bị nhân viên quan thuế phi trường Oslo chặn lại và buộc nộp tiền phạt khi hai ông bà đi công cán ở nước ngoài về, và bà vợ mang trên tay một chiếc nhẫn hột xoàn quên khai báo. Một bà bộ trưởng quốc phòng, mặc bộ quân phục khi đến thăm binh sĩ Na-Uy đang tham gia chiến trường khói lửa A Phú Hãn, bị nhiều quân nhân phê phán, bảo bà không phải là quân nhân, nên không có quyền mặc quân phục. Bà đã phải lên truyền hình chính thức xin lỗi. Tôi nghĩ chẳng có quốc gia nào dân chủ hơn . Điều này làm tôi rất hãnh diện để được trở thành công dân của đất nước này. Và biết đến khi nào mới có được trên quê tôi?

Sau bậc trung học, bốn đứa con của chúng tôi muốn sang Mỹ du học. Khi được một đại học ở Mỹ chấp nhận, tất cả đều được chính phủ Na-Uy cấp học bổng đủ để trả học phí, tiền bảo hiểm và di chuyển, đến bậc Cao Học.Vợ tôi làm công nhân cho một công ty điện tử. Có lẽ vì nhiều năm chỉ làm một động tác, nên vai cánh tay phải bị đau nhức. Bác sĩ xí nghiệp cho nghỉ một năm có lương để điều trị và sau đó được một hội đồng giám định y khoa quyết định cho nghỉ vĩnh viễn với hưu bệnh. Lại được công ty bảo hiểm của xí nghịệp bồi thường một số tiền sai biệt so với lợi tức hằng tháng trước đó .

(Cháu trưởng nam Phạm Hoàng Minh và cháu gái út Phạm Ngọc Quỳnh sau khi tốt nghiệp Đại học)

Bây giờ, tuổi đã già, nhìn lại quá khứ thăng trầm khốn khó, nhớ lại từng bước chân lưu lạc, lòng tôi bùi ngùi xúc động. Quê hương vẫn còn mịt mờ xa, khốn đốn trong bàn tay cai trị của bọn người CS không còn nhân tính. Mai này, tôi cũng sẽ gởi lại trên quê hương thứ hai này nắm xương tàn, hướng đầu về cố quốc mà tạ tội cùng núi sông tiên tổ.

(Các cháu trai – gái đã trưởng thành và có gia đình riêng)

Những đứa cháu nội, ngoại của chúng tôi sinh ra và lớn lên ở Na-Uy, dù không có một kỷ niệm nhỏ nhoi nào với Việt Nam. nhưng vẫn mãi có những ràng buộc máu thịt, bởi cha ông là người Việt. Dù nói được tiếng Việt, nhưng các cháu không thể thấy gần gũi với quê cha đất tổ. Nhiều lúc tôi thấy chạnh lòng khi nghĩ rồi các thế hệ sau này càng lúc càng xa dần nguồn cội. Nhưng tôi cũng tự an ủi mình, vì các cháu lớn lên, nhận đất nước này là quê hương, sẽ cố gắng chăm chỉ học hành để vừa đóng góp phần trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, vừa trả cái ơn cưu mang từ những ngày đầu thời ông bà cha mẹ lưu lạc đến đây. Quan trọng hơn, sẽ học tấm gương những người Do Thái, nối tiếp công việc dang dở của cha ông, góp sức đấu tranh cho no ấm tự do trên quê hương tiên tổ.

(3 cháu nội nhỏ nhất trong ngày Quốc Khánh NaUy 17-5)

Xin cám ơn Na-Uy, đất nước xa xôi, lạnh lẽo, nhưng rất nồng ấm tình người. Nơi in đậm mãi những dấu chân lưu lạc của tôi và cả gia đình. Đã cho chúng tôi, nhất là các con cháu tôi, một tương lai tốt đẹp như hôm nay, mà nếu còn ở lại trong nước sẽ phải khốn cùng dưới chế độ phân biệt đối xử của chinh quyền Cộng Sản. Xin cám ơn Na-Uy, nơi mà tất cả những người Việt tỵ nạn đến đây sung sướng và hãnh diện để được nhận là quê hương thứ hai của mình sau ngày phải đành lòng bỏ nước ra đi.

Một ngày buồn cuối tháng 4, sau đúng 38 năm lưu lạc.

Phạm Tín An Ninh

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay