Phạm Minh Chính xảo ngôn khi nói về người Việt ở Mỹ
May 20, 2022
Hiếu Chân/Người Việt
Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), cùng đoàn tùy tùng vừa kết thúc chuyến công du Hoa Kỳ kéo dài bảy ngày và đã trở về Hà Nội, để lại vô số những phát ngôn vô tiền khoáng hậu về cái tầm của quan chức lãnh đạo Việt Nam: xảo ngôn và ngạo mạn.
Người gốc Việt biểu tình phản đối ông Phạm Minh Chính, thủ tướng CSVN, sang Mỹ dự Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN-Mỹ vào sáng 13 Tháng Năm trước Tòa Bạch Ốc tại thủ đô Washington, DC. (Hình: RFA)
Trong lúc chờ được gặp ông Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, ông Chính đã bốc phét với các thuộc hạ mà không ngờ bị nhân viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quay phim và phát trực tiếp trên mạng Internet. Câu chửi thề của ông Chính “Mẹ nó, sợ gì!” cùng những ngôn từ hạ cấp mà ông và các quan chức cấp bộ trưởng trong chính phủ Cộng Sản dùng để trò chuyện với nhau đã gây phẫn nộ và khinh bỉ trong dư luận người Việt.
Sau đó tại đại học Harvard University, ông Chính đã tiếp nối “truyền thống” từ thời ông Nguyễn Minh Triết khi cất giọng ví von rẻ tiền, ví nước Mỹ rất giàu có là một chàng trai khỏe mạnh, còn ASEAN năng động như một cô gái đẹp, hai bên đều tìm hiểu, gắn kết với nhau. Về quan hệ Việt-Mỹ, ông Chính gọi đó là “mối lương duyên có lúc thăng trầm có lúc đột phá. Như món ăn có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, nhưng mang lại một bữa ăn ngon,” theo trích dẫn của báo Tiền Phong.
Nhưng đáng phẫn nộ nhất là phát biểu của ông Chính tại buổi gặp cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ và cán bộ Đại Sứ Quán Việt Nam tại thủ đô Washington, DC, tối 14 Tháng Năm. Ông Chính nói “Thành công của người Việt Nam tại Mỹ cũng là thành công của đường lối đối ngoại của đảng và nhà nước; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, giá trị Việt Nam,” theo trích dẫn của báo Thanh Niên ở trong nước.
Thậm chí, cũng theo báo Thanh Niên, ông Phạm Minh Chính giao trách nhiệm cho đại sứ quán thúc đẩy, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt với tinh thần tốt nhất có thể, phát triển nhanh nhất có thể. “Liệu chúng ta có thể đề nghị phía Mỹ xem có thể công nhận người Việt ở Mỹ là cộng đồng dân tộc thiểu số không, như đã làm được ở Cộng Hòa Séc?,” ông Chính nói.
Thành công của người Việt và đường lối của đảng CSVN
Chuyện chửi thề, nói năng bỗ bã trong lúc không biết đang bị quay phim, chuyện ví von trai gái thể hiện cái chất văn hóa kém cỏi của một quan chức hàng nguyên thủ quốc gia như ông Chính thôi thì cũng có thể rộng lượng cho qua vì ai cũng biết, quan chức Cộng Sản không mấy người được giáo dục tử tế, “học ăn, học nói, học gói, học mở.” Nhưng còn nhận định của ông ta về người Việt Nam tại Mỹ là một sự báng bổ, xuyên tạc không thể chấp nhận được.
Hẳn ông Chính không thể không biết quá trình đầy máu và nước mắt gần nửa thế kỷ qua hình thành nên cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, nói chính xác là cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Khởi thủy từ những đoàn người miền Nam bỏ nước ra đi khi Sài Gòn thất thủ hồi Tháng Tư, 1975, trong hàng triệu người vượt biển tìm tự do và cuộc sống giữa cái chết đã có hàng trăm ngàn người làm mồi cho cá dưới đáy đại dương; hàng trăm ngàn người khác ra đi theo các chương trình H.O.; ODP; tị nạn chính trị, kinh tế, giáo dục, môi trường… Từ bàn tay trắng và mang đầy thương tích cả về thể chất và tinh thần, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã dần ổn định, phát triển, gặt hái được nhiều thành công cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ.
Thành công của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, nếu nói nguyên nhân, thì đó là do nỗ lực vươn lên không bờ bến của người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất, thứ hai, sự bảo bọc nâng đỡ của xã hội Hoa Kỳ và môi trường tự do bình đẳng, nhiều cơ hội ở quê hương thứ hai này. Thành công của người Mỹ gốc Việt liên quan gì tới “đường lối đối ngoại của đảng và nhà nước” như Chính huênh hoang?
Nếu có một sự “liên can” nào đó thì chỉ có thể nói rằng, chính sách cai trị tàn bạo của đảng và nhà nước Cộng Sản đã đẩy dân tộc Việt Nam vào chỗ chết, làm người dân bỏ nước ra đi và từ đó mới sinh ra những cộng đồng người Việt Nam ở khắp các nước trên thế giới mà cộng đồng người Mỹ gốc Việt chỉ là một trong số đó.
Nếu như sau cuộc nội chiến năm 1975, nhà cầm quyền Cộng Sản không trả thù một cách hèn hạ và độc ác với những người thất trận và gia đình con cái họ; nếu đảng và nhà nước Cộng Sản không áp đặt một chế độ độc tài đảng trị thuộc loại chuyên chế nhất thế giới, bóp nghẹt tự do và quyền làm người của người dân thì hàng triệu người Việt đâu phải bỏ quê hương ra đi và đang vẫn tiếp tục ra đi bằng mọi phương cách có thể. Những cộng đồng người Việt Nam tha hương, bị bứt khỏi nơi chôn nhau cắt rốn để phải ngày ngày“trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” là một bằng chứng sống về tội ác của đảng và nhà nước chứ công lao gì mà đảng huênh hoang.
Ấy thế nhưng tại thủ đô nước Mỹ, thủ tướng CSVN trâng tráo kể công cho đảng và nhà nước, đánh đồng thành công của cộng đồng người Việt tại Mỹ với thành công của chế độ mà ông ta đại diện. Từ thủ phạm trở thành ân nhân – sự tráo trở đó chỉ có thể có trong cái tư tưởng bệnh hoạn và hoang tưởng của những người Cộng Sản.
“Khúc ruột xa ngàn dặm” là thần dân của đảng?
Một nỗi hoang tưởng nữa là ông Chính dường như nghĩ rằng cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ – đúng ra là người Mỹ gốc Việt vì phần lớn thành viên cộng đồng là công dân Mỹ – vẫn còn là “thần dân” trong chế độ cai trị của ông ta.
Lời ông chỉ đạo cho đàn em “đề nghị phía Mỹ xem có thể công nhận người Việt ở Mỹ là cộng đồng dân tộc thiểu số không” bộc lộ một sự ngu dốt và ngạo mạn thậm tệ. Ông ta không thấy, không biết người Mỹ gốc Việt là công dân của một quốc gia tự do dân chủ; họ không phải là thần dân bị chính quyền của ông chăn dắt để ông có thể thay mặt cho họ đưa ra đề nghị ngớ ngẩn như vậy “với phía Mỹ.”
Là công dân Mỹ, họ có quyền bầu ra các nhà lãnh đạo chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương và đóng thuế để hệ thống chính quyền đó vận hành; hệ thống chính quyền đó, đến lượt mình, có trách nhiệm phục vụ người dân Mỹ, trong đó có các cộng đồng người Mỹ gốc Việt; đa số hay thiểu số không là vấn đề trong xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Chính quyền CSVN của ông lấy tư cách gì để “đề nghị công nhận người Việt ở Mỹ là cộng đồng dân tộc thiểu số?” Đây là một lời đề nghị hết sức khiếm nhã, xúc phạm sâu sắc đến danh dự và lòng tự trọng của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Tuy mang dòng máu Việt trong huyết quản nhưng người Mỹ gốc Việt không phải là dân Việt để các ông tự cho mình quyền đại diện cho họ, định đoạt vị thế và số phận của họ.
Có người sẽ nói, sở dĩ ông Chính nói như vậy vì gần đây đảng CSVN đã thay đổi quan điểm, coi người Việt ở nước ngoài là “khúc ruột ngàn dặm,” từ năm 2004 đã ra Nghị Quyết số 36/NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; lập cả Hội Người Việt Nam Ở Nước Ngoài để chăm sóc cho bà con Việt kiều,“tạo thuận lợi để kiều bào ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống nước sở tại.”
Mới đây, trong buổi liên hoan “Xuân Quê Hương 2022” tiếp người Việt ở nước ngoài về quê ăn Tết hồi Tháng Giêng, 2022, ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước, còn “xúc động” đọc hai câu “vè”: “Mỗi năm Tết đến Xuân về/ Quê hương đất mẹ đề huề mong con” (!) Tuy nhiên, dù thường xuyên ca ngợi người Việt ở nước ngoài là “khúc ruột ngàn dặm” rất thân thương nhưng thực tế cái mà nhà cầm quyền CSVN nhắm tới chỉ là túi tiền của họ, là những triệu những tỷ đô la kiều hối đổ vào nền kinh tế để các quan chức có cái mà bòn rút và hoan hỉ khoe khoang mỗi dịp cuối năm.
Một số người khác cho rằng, sau bao nhiêu năm, quan điểm và thái độ của người Việt ở nước ngoài đối với Việt Nam cũng đã thay đổi, hàng triệu người đã về thăm quê hương xứ sở, nhiều người mang vốn liếng và tri thức về đầu tư, kinh doanh; các nghệ sĩ về Việt Nam ca hát, hoạt động nghệ thuật, nhiều bạn trẻ Việt kiều về Hà Nội, Sài Gòn làm việc dù thu nhập có thể không bằng ở Mỹ v.v…
Quả là người Việt ở nước ngoài đã về thăm quê hương ngày càng nhiều, nhưng đừng lẫn lộn giữa việc trở về thăm viếng mồ mả tổ tiên, thân nhân họ hàng, xóm giềng bè bạn với việc “hòa giải hòa hợp” với nhà cầm quyền trong nước; hai chuyện đó khác hẳn nhau.
Còn muốn làm việc, đầu tư ở Việt Nam thì không thiếu những tấm gương của người đi trước như vụ án xuyên thế kỷ của “vua chả giò” Trịnh Vĩnh Bình, người Hòa Lan gốc Việt đem tiền về nước đầu tư rồi bị truy bức tù tội. Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đã làm hẳn hai chuyên đề “Trịnh Vĩnh Bình – người hạ bên thắng cuộc” và “Trịnh Vĩnh Bình vs chính phủ Việt Nam” với hàng chục bài tường thuật chi tiết hiện vẫn còn trên trang nhà của đài, rất đáng tham khảo.
Cần phải phản đối
Người Việt ra đi mang theo quê hương trong hành trang tinh thần nên có dịp thì họ về thăm quê; nghĩ rằng họ trở về tức là họ chấp nhận, họ phục tùng nhà cầm quyền hiện thời là một lối suy diễn ác ý.
Đảng CSVN đã mập mờ đánh lận con đen, buộc người dân trong nước đồng nhất hai khái niệm chế độ và tổ quốc, “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”; họ tưởng có thể tiếp tục đánh đồng tình yêu quê hương xứ sở của người Việt Nam ở nước ngoài với sự thần phục đảng và chế độ của họ. Không hề có sự thần phục như vậy, trừ đôi người – rất ít ỏi – về cộng tác với chính quyền Việt Nam hoặc phát ngôn những điều mà đảng CSVN mong muốn.
Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc ở Úc tâm sự ông luôn bị ám ảnh về Việt Nam và nhận xét: “Nỗi nhớ cố hương và tâm trạng lạc lõng là hai trong số những đặc điểm nổi bật nhất của các cộng đồng di dân. Từ người giàu đến người nghèo, từ người thành công đến người thất bại, ai ai cũng đau đáu nhớ về gốc gác cũ.” Nhớ quê hương, yêu đất nước, người ta quan tâm đến độc lập, chủ quyền và sự phát triển của đất nước.
Hầu hết người Việt ở nước ngoài đều có nỗi ám ảnh như vậy, đều có mối quan tâm như vậy và đó là lý do tại sao người Việt Nam ở nước ngoài thường chống đối chế độ Cộng Sản hiện tại; Đảng CSVN là một ổ tham nhũng và độc tôn quyền lực, không thể bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước, đem lại tự do và phẩm giá cho người dân Việt Nam.
Dù mới nghe qua, người ta dễ tưởng ông thủ tướng CSVN quan tâm lo lắng tới cộng đồng người Việt ở Mỹ nhưng thực ra ông Phạm Minh Chính đã rất xảo quyệt khi gắn thành công của họ với đường lối của đảng CSVN, khi coi họ là một bộ phận thần dân của nhà nước CSVN. Sự xảo quyệt của ông ta cần phải bị vạch trần và phản đối; chuyện đó còn quan trọng và thiết thực hơn là chỉ nhạo báng hoặc chê cười những tiếng chửi thề của ông ta tại Bộ Ngoại Giao Mỹ. [qd]