Khi kỹ sư NASA trở thành nữ tu

Make Christianity Great As Always

Khi kỹ sư NASA trở thành nữ tu

Sơ Libby Osgood đã trải qua cuộc hành trình ngoạn mục, từ kỹ sư làm việc cho Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đến giáo sư đại học và giờ đây trở thành nữ tu.

Khi nhìn lên bầu trời đầy sao ở Charlottetown, thủ phủ tỉnh bang Prince Edward Island (Canada), trong một đêm của mùa hè năm 2017, cô Libby Osgood cảm giác mình đang nhìn qua lăng kính của sự sáng tạo mà Chúa đã tạo nên và suy ngẫm về sự đóng góp của bản thân. Hai trong số các vệ tinh đã lên quỹ đạo Trái đất nhờ vào công của cô gái trẻ. Vào thời điểm đó, nữ kỹ sư hàng không vũ trụ từng làm việc cho NASA đang tạm thời ngưng chức giáo sư của Ðại học Prince Edward Island (UPEI) để đi theo ơn gọi sống đời thánh hiến.

“Tôi cảm thấy vô cùng trọn vẹn, giống như thể mọi mảnh câu đố rời rạc trước kia đột nhiên sắp xếp lại và hợp thành một bức tranh duy nhất”, sơ Osgood nhớ lại. “Với hai lãnh vực tưởng chừng vô cùng khác biệt là khoa học và tôn giáo… tôi đã hiểu thêm về hai niềm đam mê cháy bỏng của mình, và quan sát những người khác đã kết nối cả hai lại với nhau như thế nào”, vị nữ tu cho biết. Nhìn lại những gì đã trải qua trong 34 năm đầu tiên của cuộc đời, sơ Osgood chỉ nhớ được mình đã sống vội như thế nào để đáp ứng kỳ vọng của gia đình và những người xung quanh từ thuở bé.

Công việc ở NASA

Từ nhỏ, con đường của sơ dường như đã được trải sẵn. Khi còn nhỏ, cô bé Osgood thường lắp ráp rốc két với cha, một quân nhân thuộc không quân Mỹ, và ai nấy đều mong đợi cô bé sẽ theo đuổi khoa học khi lớn lên. Sau khi lấy bằng đại học, cô nhanh chóng hoàn thành bậc thạc sĩ và kế đến là tiến sĩ trong lĩnh vực kỹ sư cơ khí và sau đó là trở thành giảng viên. Ở tuổi 23, cô được nhận vào làm việc tại NASA. Ở vai trò kỹ sư hệ thống, kỹ sư Osgood được giao nhiệm vụ tính toán và chứng minh một vệ tinh có thể phóng lên theo kế hoạch đã định. 25 tuổi, cô gái trẻ đã nhận được hai hợp đồng từ NASA: “Trên kia (quỹ đạo Trái đất) đang có hai vệ tinh mà tôi từng thao tác”.

Trong thời gian ở NASA, cô Osgood kiên trì mang giày cao gót hồng, giữa đám đông đồng nghiệp nam giới, và đeo cây thánh giá của người bà. Thế nhưng, cô lại tránh thể hiện quan điểm tôn giáo tại nơi làm việc: “Các kỹ sư thường khá hướng nội trong nhiều vấn đề, đặc biệt đối với những gì thật sự quan trọng của bản thân”. Trong suốt 4 năm di chuyển khắp nước Mỹ vì công việc đòi hỏi, cô thực hành đức tin vào thời gian nghỉ ngơi, nhưng tại nơi làm việc, đề tài tôn giáo gần như là điều cấm kỵ.

Sự trăn trở và ơn gọi

Thế nhưng, sau vụ phóng vệ tinh năm 2008, nữ kỹ sư trẻ tuổi cảm thấy lạc lõng, dường như luôn thiếu một thứ gì đó. Hai năm sau, cô quyết định đến Kenya tham gia công tác thiện nguyện với tổ chức mang tên “Trẻ em của Hy vọng” ở Mikinduri. Nhóm của cô cung cấp dịch vụ y tế, răng hàm mặt và nhãn khoa cho trẻ em tại một ngôi làng nhỏ. Thế là sau nhiều năm làm việc với vệ tinh, nữ kỹ sư cảm thấy sự thôi thúc phải được tiếp xúc và cống hiến cho cộng đồng. “Tôi đem lòng yêu Kenya. Tại đây, thông qua người bản xứ, tôi tận mắt chứng kiến ‘sự tỏa sáng tình yêu của Thiên Chúa’ có nghĩa là gì. Ðó là điều mà tôi không hề thấy hoặc cảm giác được ở Phoenix (bang Arizona, Mỹ)”, cô nhớ lại. Thế là trước khi rời Kenya, Osgood quyết định bỏ việc với mức lương cao và tìm cho mình hướng đi mới.

Năm 2010, Osgood chuyển đến Charlottetown và sau thời gian nghỉ ngơi với gia đình, cô bắt đầu công tác ở UPEI trên cương vị giáo sư ngành cơ khí. Trong phần lớn cuộc đời, cô hầu như che giấu đức tin và không cởi mở về lòng khát khao muốn dâng cuộc đời mình cho Chúa. Cô từng mang theo Kinh Thánh và giấu mình trong tủ quần áo để cầu nguyện. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của cộng đoàn Công giáo ở Charlottetown, Osgood tìm được lòng dũng cảm để bắt đầu bộc lộ đức tin.

Trong suốt 2 năm sau đó, cô cẩn thận tìm hiểu khả năng theo đuổi đời sống thánh hiến. Và chuyến thăm của Giám đốc Ðài Thiên văn Vatican, tu sĩ dòng Tên Guy Consolmagno thực sự đã mở ra cánh cửa giải thoát. Lúc đó, Osgood đột nhiên phát hiện rằng “khoa học và tôn giáo có thể cùng tồn tại”. “Trong lúc suy ngẫm về khả năng trở thành nữ tu, tôi lại chần chừ chỉ bởi vì tôi quá yêu thích nghề nghiệp kỹ sư. Và bất ngờ tôi phát hiện mình hoàn toàn có thể vừa là kỹ sư vừa là nữ tu”, sơ nhớ lại.

Thế là nữ kỹ sư gia nhập dòng Ðức Bà và dự tu hai năm ở New York. Sau khi khấn dòng, sơ Osgood quay về Charlottetown để dạy giáo lý và tiếp tục công tác tại UPEI, giảng dạy các sinh viên theo đuổi đam mê trong ngành kỹ sư vũ trụ học. Giờ đây, vị nữ tu phát hiện đời sống thánh hiến và nghiên cứu khoa học có thể bổ sung cho nhau, vì đều thể hiện tình yêu kính Thiên Chúa.

Hồng Hoang

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay