RFI Tiếng Việt
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 04/02/2022. via REUTERS – SPUTNIK
Nga và Trung Quốc những năm gần đây không ngừng thể hiện sự gần gũi. Dựa trên nền tảng trước đây có cùng hê tư tưởng cộng sản, cả hai nước phô bày một liên minh chống mặt trận phương Tây và tìm cách thiết lập một mô hình mới thống trị thế giới. Do vậy, theo nhiều chuyên gia tại Pháp, bất luận cuộc chiến ở Ukraina có tiến triển ra sao, Trung Quốc cũng sẽ không giữ khoảng cách với Nga. Hai nước hợp nhất trong cuộc chiến vì một thế giới hậu phương Tây.
Hai nhà độc tài, hai cách nhìn, một kẻ thù chung
Sự gần gũi đó dường như ngày càng khắng khít kể từ khi Tập Cận Bình và Vladimir Putin lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Người thứ nhất đưa ra những phát biểu chính trị của mình xung quanh những hứa hẹn một tương lai xán lạn và kinh tế giầu sang. Người thứ hai, thì ngược lại, luôn ám ảnh với việc phải tìm lại ánh hào quang thuở xưa. Tầm nhìn đi lên thành cường quốc tuy khác nhau, nhưng đôi bên cùng nhắm đến một kẻ thù chung duy nhất : Hoa Kỳ và rộng hơn nữa là phương Tây.
Nhưng mối quan hệ Nga – Trung không phải lúc nào cũng êm thắm. Những tranh cãi gay gắt về hệ tư tưởng trong suốt những năm 1950 dẫn đến hệ quả là một sự đoạn tuyệt bang giao giữa hai đại cường cộng sản trong những năm 1960 và đỉnh điểm căng thẳng là những vụ va chạm vũ trang nghiêm trọng năm 1969 dọc theo con sông ranh giới Oussouri giữa Nga và Trung Quốc. Sự kiện đã dẫn đến một sự xích lại gần ngoạn mục giữa Washington và Bắc Kinh trong những năm sau đó.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhà Trung Quốc học, Jean-Pierre Cabestan, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, với nhật báo Pháp Le Monde (28/03/2022), cuộc trấn áp đẫm máu Thiên An Môn năm 1989 là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Nga – Trung. « Đấy là một thời điểm quyết định cho mối quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh. Sau một gian đoạn chờ thời do việc Liên Xô bị tan rã, điều nghịch lý là chính phủ Trung Quốc lại tìm thấy trong chế độ dân chủ mới non trẻ của Nga thời đó, một đối tác cốt yếu cho cuộc chiến của mình chống thế thống trị về tư tưởng và chiến lược của phương Tây, đặc biệt là thế đơn cực của Mỹ. »
Việc ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc còn đẩy nhanh mối quan hệ Nga – Trung đi xa thêm một bước. Năm 2013, một tuần sau khi nhậm chức, Tập Cận Bình đã bay đến Nga. Trước Viện Quan Hệ Quốc Tế ở Matxcơva, lãnh đạo Trung Quốc nói đến « định mệnh chung » và tuyên bố : « Quan hệ Nga – Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới. Chúng là hình mẫu cho những mối quan hệ tốt đẹp nhất có thể tồn tại được giữa hai cường quốc ». (Le Monde, ngày 27-28/03/2022)
Cũng theo chuyên gia Cabestan, xu hướng ngày càng trở nên chuyên chế của chế độ Putin, sự xuống cấp quan hệ Nga – phương Tây và gia tăng căng thẳng Mỹ – Trung giải thích phần lớn cho điều mà ông gọi là « sự thông đồng Nga – Trung trên trường quốc tế đến mức vụ sáp nhập bán đảo Crimée bởi người có quyền lực nhất ở điện Kremlin năm 2014 đã được chấp nhận bằng một thái độ trung lập khoan dung của chính phủ ông Tập Cận Bình ».
Chiến tranh Ukraina thử thách tình bằng hữu Nga – Trung
Kể từ đó Nga và Trung Quốc thắt chặt quan hệ trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, quốc phòng, khoa học thậm chí cả trong truyền thông. Theo Le Monde (28/03/2022), người ta sẽ chẳng có gì phải ngạc nhiên nếu một cư dân mạng gõ « Ukraina » trên công cụ tìm kiếm Weibo của Trung Quốc, chỉ thấy một bài xuất hiện là của trang mạng Sputnik.
Nhìn từ góc độ lịch sử này, đối với nhiều chuyên gia, việc Trung Quốc trong tuyên bố chung ngày 04/02 với Nga, tỏ rõ lập trường chống việc mở rộng NATO, đánh dấu kết quả của một chiến lược do ông Tập Cận Bình khởi xướng, nhằm làm sống lại « tình đồng chí » giữa hai nước « anh em » cộng sản. Alice Ekman, nhà nghiên cứu về châu Á, Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Châu Âu, lý giải như sau :
« Trước hết ở đây có một sự đồng nhất ở cấp độ tuyên truyền, nhưng điều đó chưa đủ, bởi vì còn có một sự nhất quán về quan điểm, thậm chí là cả hệ tư tưởng một cách sâu sắc. Cả hai nước cùng chia sẻ mối oán hờn nhắm vào NATO và Mỹ. Bắc Kinh cho rằng Mỹ và NATO phải là những bên chịu trách nhiệm đầu tiên cho cuộc chiến ở Ukraina. Do vậy, chính họ phải là bên đưa ra các nhượng bộ để làm dịu tình hình. Ngày nay, người ta thấy rõ có nhiều sự đồng nhất giữa Bắc Kinh với Matxcơva hơn là giữa Bắc Kinh và Washington. » (France Culture ngày 26/03/2022)
Chỉ có điều, việc Nga kéo quân xâm lăng Ukraina, dường như đang đặt « tình bạn không gì lay chuyển được » giữa hai nước trước một thử thách lớn. Bắc Kinh trước thế lưỡng nan giữa một bên là lòng trung thành với hiệp ước Nga – Trung và bên kia là những mục tiêu kinh tế bị đe dọa vì liên đới đến Nga, đang hứng chịu những đòn trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.
Đọc toàn bài tại đây :