Lòng Nhân Từ Vượt Trên Sự Công Lý Trong Xã Hội

  ĐÓN NHẬN SỰ CÔNG CHÍNH CỦA CHÚA

CHỦ NHẬT 24 NĂM C
Các bài đọc:  Ex 32:7-11, 13-14; 1 Tim 1:12-17; Lk 15:1-32 hay Lk: 1-12
Lòng Nhân Từ Vượt Trên Sự Công Lý Trong Xã Hội

Ông bà anh chị em thân mến,

Mở đầu bài tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Luca cho biết các người thu thuế và các người tôi lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.  Thấy vậy, những người Pharisiêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng…”. Xầm xì như thế có nghĩa là họ đòi hỏi công lý cần phải thi hành, phải tôn trọng.  Giờ đây, qua bài Tin Mừng, cùng nhau chúng ta suy niệm xem cách con người lập luận và thể hiện về công lý trong đời sống thường nhật như thế nào và cách Chúa hành động về công lý đối như thế nào. Sau đó, làm cách nào để cảm nghiệm, để sống thể hiện công lý như Ngài hầu tâm hồn mình luôn được hân hoan vui mừng.  Theo phụng vụ, Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay hôm nay cũng được gọi là Chúa Nhật của Hân Hoan, Vui Mừng.

 CÔNG BẰNG/CÔNG LÝ TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
Trước hết trong đời sống thường nhật, đa số chúng ta lập luận về công bằng hay công lý dựa vào tiêu chuần của lề luật trong gia đình, trong xã hội, tiêu chuẩn của kẻ trên người dưới, tiêu chuẩn của người được coi là đạo đức và của giới bị coi là tội lỗi.  Hiểu một cách đơn giản về công bằng hay công lý là nếu có ai làm thiệt hại cho mình thì mình có quyền trả đũa cân xứng.  Chúng ta thường nghe ăn miếng trả miếng là một lối lập luận nghe như hợp pháp về công bằng, công lý.  Hoặc nếu ai có tội thì phải bị phạt, hoặc có mắc nợ thì phải trả. Chính vì thế mà họ lẫm bẫm trách móc Ngài sao ăn uống với những người tội lỗi mà không tôn trọng luật giai cấp trong xã hội. Chính vì thế – chắc hẳn chúng ta còn nhớ -mà các người kinh sư và pharisiêu mang đến Chúa Giê su người phụ nữ bắt gặp đang ngoại tình để đòi ném đá theo luật.  Chính vì thế mà một số cha mẹ đau buồn khi phải cắt đứt liên lạc với con cái đang ăn ở với bạn của mình trước khi thành hôn, vì chúng sống không phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức. Như thế, muốn thi hành công bằng hay công lý cũng phải có luật lệ, phải có nguyên tắc thì tòa án công lý mới phân biệt trắng đen được.  Công bằng hay công lý theo quan niêm trên thì vẫn tốt hơn là bất công, vẫn tốt hơn là dùng bạo lực hoặc quyền hành áp chế người khác.

CÔNG LÝ CỦA CHÚA DỰA TRÊN LÒNG NHÂN TỪ VÀ YÊU THƯƠNG
Còn Chúa Giê-su, Ngài đã thể hiện công lý đối với chúng ta như thế nào. Thưa, để trả lời những người kinh sư, biệt phái lên án Ngài không giữ tiêu chuẩn về công lý ở đời, Ngài đã dùng dụ ngôn NGƯỜI CHA NHÂN LÀNH để giải thích cho họ và cho cả chúng ta về hành động công lý của Ngài. Người Cha Nhân Lành ở đây là hình ảnh của Thiên Chúa.

Trong dụ ngôn này, người con thứ và người anh cả cũng đòi công bằng, công lý theo quan niệm bình thường trong xã hội. Người con thứ xin cha chia gia tài, bởi vì theo luật thì các con đều được chia gia tài. Tuy nhiên, cũng theo luật xã hội Do Thái, người cha vẫn có quyền chưa chia gia vì cha còn sống.  Thế nhưng người cha trong dụ ngôn lại không thi hành công bằng công lý theo tiêu chuẫn ở đời. Ông đã chia gia tài cho cậu con thứ.  Điều này chỉ có thể hiệu vì ông đã quá thương yêu con, đã tôn trọng tự do của con hay đúng hơn là của mọi người. Công lý của ông cha là ở hành động đầy yêu thương nhưng cũng đầy xót xa vì ngày ngày ra cửa trông chờ con trở về. Điều này cũng có nghĩa một khi cậu con thứ chọn lựa tự do trẩy đi phương xa, cậu mặc nhiên coi như cha đã chết, mặc nhiên bỏ lại mọi liên hệ gia đình, xóm làng.

Còn người con cả, cũng đòi công bằng công lý : Khi từ ngoài đồng về, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, được biết cha đang đãi tiệc mừng em mình trở về, anh đã cảm thấy mình bị bất công. Cả cuộc đời hầu hạ cha mà anh chẳng thấy phần thưởng đâu cả, chẳng được một con bê béo đãi chúng đãi bạn, chẳng thấy công bằng công lý ở đâu cả.  Ghen tị là phải, nổi giận là phải, không chịu vào nhà khi nghe yến tiệc linh đình bên trong là phải, bởi vì người cha hành động hoàn toàn ngược lại với công bằng mà xã hội mọi thời quan niệm. Chúng ta chắc hẳn cũng cảm thông với anh. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh của người anh, chắc một số chúng ta nỗi khùng lên được, không phải một lần mà chắc đã nhiều lần trong đời rồi!  Người cha này hành động quá bất thường, không công bằng chút nào cả!

Vậy người cha đã phản ứng thế nào để giải thích sự công bằng, công lý của mình cho hai người con và cho cả chúng ta. Đối với người con thứ, nhìn thấy con từ đàng xa trở về, người cha đã vội vã chạy ra trước, ôm lấy con và hôn lấy hôn để – chẳng đợi con xin lỗi, chẳng quan tâm con mình hối hám vì ăn đồ ăn của heo, chẳng coi con là kẻ bần cùng nhất như xã hội nhục mạ, nhưng người cha mau mau phục hồi phẫm giá ngay cho con : khoác áo choàng tượng trưng danh giá của con, đeo nhẫn tượng trưng quyền bính của con, mang dày tượng trưng tư do của con và bắt bê béo đặt tiệc ăn mừng vì con tôi đã chết nay lại sống, đã mất nay lại tìm thấy. Niềm hân hoan vui sướng của người cha khi thấy cách thể hiện công lý của mình đã có kết quả, đó là người con trở về sau thời gian sống xa mình. Cha chỉ cầu con trở về, thế là quá đủ !

Đối với người con cả, khi cơn ghen tị nổi lên vì cho rằng người cha bất công, cha quá rộng lượng với cậu em, anh anh quyết định không vào nhà dự tiệc mừng em về, một người em mà vì ghen tị, anh còn đi xa hơn để kết tội em đã ăn chơi với bọn đàng điếm. Hay biết anh nhất quyết không vào nhà, thái độ này hẳn giúp người cha thấy rằng từ lâu anh ở bên cha, trong nhà thật- nhưng tâm hồn hẳn luôn ở ngoài.  Thế nhưng, để thể hiện công bằng, công lý, công chính của mình, người cha đã ra ngoài nan nỉ và tuyên bố với anh ta rằng : mọi sự của cha là của con. Và một lần nữa, người cha xác quyết cách mình thể hiện công bằng, công lý, công chính là qua niềm hân hoan vui mừng : nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy. Giá như người anh cả nghiệm được câu vui mừng nảy lần thứ hai, anh thấy mình đã chết và CẦN sống lại, đã mất và CẦN trở vào nhà để được tim thấy.

Đối với con người công bằng hay công lý dựa trên tiêu chuẩn : ăn miếng thì phải trả miếng, có tội thì phải phạt như đa số đã chấp nhận như thế.  Chính vì thế mà cho đến giờ này một số người trong hay ngoài gia đình vẫn chưa làm hòa, vẫn cầm buộc nhau, vẫn chưa bình an, vẫn xa cách nhau. Trong khi Chúa lại dạy rằng ai tát má này thì đưa thêm má kia cho họ vả, ai lỗi phạm thì không phải tha bảy lần mà bảy mươi bảy lần bảy.  Sự công chính của Ngài dựa trên tình yêu thương vô điều kiện, lòng xót thương vô bờ bến với mọi người, luôn thấp thỏi chờ mong mỗi người, miễn là kẻ có tội ăn năn xám hối. Vậy làm sao cảm nhận, làm nhìn thấy được lòng nhân lành yêu thương -sự công chính của Chúa Ngài dành cho mỗi chúng ta đây- hầu chúng ta có thể thể hiện sự công chính của Ngài cho tha nhau!

ĐÓN NHẬN SỰ CÔNG CHÍNH CỦA CHÚA

Một cô bé đang ngồi trên lòng mẹ, chợt lên tiếng hỏi mẹ: “- Mẹ ơi, con có thê nhìn thấy lòng mẹ không?” Bà mẹ đáp: “- Mẹ không biết, nhưng con có thể nhìn vào mắt mẹ xem có thấy gì trong đó?” Cô bé nhướng mình lên, mắt chăm chú nhìn vào đôi mắt người mẹ, rồi sung sướng kêu lên: “- Mẹ ơi, con nhìn thấy lòng mẹ rồi, còn hiểu mẹ thương con vì ở trong đôi mắt mẹ, con nhìn thấy một cô bé tí xíu – là chính con đó mẹ ạ !”
Như cô bé, trong mùa chay, chúng ta chạy đến ngồi vào tòa hòa giải với linh mục, như ngồi vào lòng Chúa -để cảm nhận lòng công chính của Chúa thật tuyệt vời dành cho mỗi chúng ta trong đôi mắt Ngài mà cậu con thứ cảm nhận rõ nhờ trỗi dậy trở về làm hòa với Cha. Chúa chỉ mong có thế. Một khi được Chúa tháo cởi lỗi phạm, chúng ta tháo cởi cho những ai mình đang cầm buộc.  Chắc hẳn CHÚA SẼ VUI LẮM, vui mừng như NGƯỜI CHA NHÂN LÀNH và vui mừng vì sự công chính được đón nhận.

(Phó tế NGUYỄN SĨ BẠCH

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay