Chiến tranh và Khổ đau

Chiến tranh và Khổ đau

Những ai thường quan tâm theo dõi chuyện thời sự, chính trị trên thế giới hẳn đều biết rằng trong các ngày gần đây chiến tranh đã nổ ra tại Ukraine và ngày càng dữ dội, ảnh hưởng tới đời sống của hầu hết mọi người ở khắp nơi vì một số lĩnh vực liên quan và do giá xăng dầu gia tăng làm vật giá leo thang bởi chi phí vận chuyển lên cao!

Tuy nhiên điều quan trọng hơn là khi xem tin tức chiến tranh qua báo chí, tivi…, nước mắt của lương tri nhân loại đã rơi. Thiên hạ ghê tởm cho tham vọng, đầu óc của những kẻ chủ chiến khát máu, mà điển hình là nhà độc tài máu lạnh Putin; người đã mất nhân tính lúc phát động cuộc chiến tranh phi nghĩa mang đến nhiều thảm họa tang thương, đau khổ cho biết bao gia đình hiền lương ở Ukraine, khiến kẻ thì mất cha, người khóc chồng, mẹ chôn con với cõi lòng tan nát. Nhìn bao thành phố đẹp đẽ giàu có trở thành hoang tàn, máu con người đã đổ vì những kẻ quân phiệt cuồng điên mà lòng không khỏi  đau đớn, xót xa!

Nhìn Putin tung ván bài xâm lăng Ukraine một cách hung hãn, cả thế giới bàng hoàng, Mỹ và phương Tây đồng loạt lên án, đưa ra các biện pháp trừng phạt, cô lập kinh tế nhằm tạo áp lực buộc Nga ngưng chiến. Tôi tin rằng ông ta sẽ sa lầy trước sự đoàn kết mãnh liệt của người dân Ukraine với chính quyền và lòng yêu nước bao la để kiên cường chống trả quân Nga.

Một tòa nhà bị phá tan nát sau khi trúng hỏa tiễn Nga Kyiv, Ukraine, ngày 25 Tháng Hai (ảnh: Pierre Crom/Getty Images)

Cuộc chiến này của Putin không có chính nghĩa nên đã có vô số quân tình nguyện thế giới tới giúp bảo vệ dân chủ tự do cho Ukraine, cho người dân đang khốn khổ sẽ làm cho ông ta gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai. Putin đã đánh một ván bài quá liều lĩnh nên cho dù có chiếm được Ukraine nay mai đi chăng nữa thì đất nước Nga sẽ kiệt quệ về mọi phương diện vì không có nhiều đồng minh ủng hộ. Trong tương lai Nga có thể sẽ lệ thuộc vào Trung Quốc nếu nhận sự trợ giúp của họ hôm nay. Điều này sẽ làm cho Nga mất vị thế siêu cường số một sau nhiều thập niên thống trị khối cộng!

Đặc biệt người Việt Nam chúng ta hiểu rất rõ về chiến tranh và vô cùng chán ghét chiến tranh bởi chúng ta là nạn nhân của nó suốt mấy mươi năm dài. Chiến tranh luôn mang đến đau khổ cho dân chúng và nguồn gốc của chiến tranh là từ tham vọng, hận thù. Chiến tranh ở Ukraine hôm nay là hình ảnh của chiến tranh Việt Nam năm xưa vì đều xuất phát từ những lãnh tụ cộng sản khát máu.

Riêng tôi, lúc trông thấy cảnh người lớn bồng bế trẻ em, dắt díu cha già mẹ yếu chạy trốn dưới bom rơi đạn bắn giữa khói lửa mịt mờ thì nỗi ám ảnh chiến tranh, chạy giặc Mậu Thân năm nào trong lòng thủ đô Sài Gòn đổ nát lại sống dậy mãnh liệt.

Một góc Chợ Lớn, Sài Gòn, ngày 6 Tháng Sáu 1968 – đổ nát tan hoang sau những ngày Mậu Thân thảm khốc (ảnh: Bettmann Archive via Getty Images)

… Ngày ấy tôi tám tuổi, đang hồn nhiên háo hức đón Xuân, mong được ăn các món ngon, mặc quần áo đẹp trong ngày đầu năm thì bỗng dưng mới sáng sớm bị má tôi bắt chui vô tủ núp khi nghe tiếng đạn pháo kích bay xé toạc không khí và nổ vang rền bên ngoài chớ không phải là tiếng pháo mừng Xuân mà tôi đã náo nức mong đợi đêm qua. Rồi tiếng dân chúng hàng xóm la hét, khóc vang làm tôi thêm hốt hoảng, hoang mang sợ sệt mà chẳng biết chuyện gì đang xảy ra. Đoạn tiếng chân người chạy rầm rầm, tiếng bà Năm Đán vừa rảo bước về nhà vừa nói oang oang bên hè khi thấy má tôi ló đầu ra nhìn:

– Việt Cộng vô tới thành phố, đang đánh nhau ngoài ngã năm Bình Hòa dữ lắm kìa Ba Nhỏ!

Ba Nhỏ là biệt danh của má tôi mà người lớn thường gọi bà.

– Vậy hả thím Năm? 

Má tôi hỏi lại và rút vô nhà khi bóng bà Năm khuất sau cây vú sữa. Đến trưa thì chiến cuộc diễn ra ác liệt giữa quân lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) với Việt Cộng ở khắp mọi ngả đường. Nhà bà Hai cạnh bên đã bị rocket bắn trúng đang bốc cháy. Các người anh họ tôi cùng bà con xung quanh hò hét và nhào ra dùng nước dập tắt đám cháy mặc cho tiếng đạn đang bay vèo vèo khắp nơi vì nếu không ngăn được lửa đỏ đang ngùn ngụt tít trời cao thì cả xóm chúng tôi sẽ ra tro!

Tới xế trưa nhắm tình hình thấy không xong mọi người bắt đầu bỏ nhà tản cư. Má tôi quơ vội một mớ quần áo bỏ lên tấm drap trải giường rồi túm vội bốn góc cột lại giao tôi vác cho nhanh chớ không kịp xếp đồ đạc bỏ vô vali như mỗi lần đi xa. Anh tôi thì ôm một túi đồ đựng giấy tờ cần thiết, má tôi thì xách giỏ đựng một số tiền và nữ trang để phòng thân rồi nắm chặt tay đứa em gái gần bốn tuổi hối hả ra khỏi nhà chạy sang nhà bà Tám Heo ở xóm kế bên nhưng không ngờ lúc cả nhà chạy vô thì mới thấy trong ấy đầy Việt Cộng!

Sau này má tôi hay nói đó là một sai lầm lớn vì má tôi nghĩ nhà bà Tám Heo là một villa to lớn, kiên cố thì an toàn hơn, ai dè… Và cũng nhờ vậy mà má tôi mới biết bà Tám là Việt Cộng nằm vùng vì có con theo cộng sản, tập kết ra Bắc từ lâu.

Lần đầu tiên thấy Việt Cộng nên tôi nhìn mãi không thôi. Có những người còn rất trẻ và da dẻ tái xanh. Tôi đoán họ chỉ hơn tôi vài ba tuổi. Họ mặc đồ bà ba đen cũ kỹ, vai mang đầy đạn, AK47 lăm lăm trên tay. Một người bị thương nơi bả vai máu ra ướt đỏ miếng vải băng bên ngoài làm tôi sợ hãi không dám ngó lâu.

Má tôi lo lắng, ngại ở đây lâu sẽ bị nguy hiểm nên muốn ra đi nhưng họ không cho. Má tôi năn nỉ bà Tám nói giúp nhiều lần, mãi tới khoảng năm giờ chiều họ mới cho chúng tôi rời khỏi nhà. Má tôi mừng rỡ lật đật dẫn anh em tôi men theo hông hè, lúp xúp chạy lên hướng chợ ngã ba Cây Thị.

Bốn má con tôi đi khép nép trên con đường Phan Văn Trị vắng hoe dưới tiếng súng thỉnh thoảng nổ chát chúa đâu đó. Chợt một chiếc trực thăng xuất hiện trên bầu trời xa, sà sát xuống sân thượng của căn nhà lầu bên kia đường và người xạ thủ bỗng bắn xối xả vào căn phố sau lưng chúng tôi. Má tôi lật đật kéo con em nằm sấp xuống vỉa hè không quên lôi cả hai anh em tôi ngã dúi theo bà. Trong nhà, tiếng AK47 cũng bắn vói theo khi chiếc trực thăng bốc lên cao không quên nã mấy quả rocket! Lửa phựt lên cao từ căn nhà ấy!

Sài Gòn 1968 (Getty Images)

Má tôi lồm cồm bò dậy khi không còn nghe tiếng súng nổ và dẫn chúng tôi chạy nhanh tới trước phòng mạch bác sĩ Nguyễn Văn Khải thì dừng lại do bị xác một người lính Việt Cộng chắn ngang. Ngó người lính Bắc Việt nhỏ xíu mắt trợn trừng, ngực thủng một lỗ to khiến cái áo sơ mi sọc ca rô nhuốm đầy máu đã ngả sang nâu sẫm với chiếc quần xà lỏn nhăn nhúm, đi chân trần, nằm cong queo tay còn nắm chặt đòn bánh tét nhưn chuối nhỏ đang ăn dang dở, cây súng văng cách anh không xa mới thấy tội làm sao!

Chúng tôi băng qua đường, vô nhà bà Mười; hàng xóm của ông ngoại tôi ngày xưa. Trong nhà có rất đông người tụ lại và mọi người mừng rỡ khi gặp lại, bởi họ là chòm xóm lâu đời mấy mươi năm trước của nhau nay vì hoạn nạn mà có dịp hội ngộ. Rồi trong lúc mọi người đang kể lể thì chợt có một tiếng nổ thật to ngoài sân làm đá chạy cát bay rào rào vào vách nhà, khói bụi mịt mờ cả gian phòng khách rộng lớn khiến các bà hốt hoảng hét to, tứ bề con nít khóc thất thanh. Giữa sự hỗn loạn đó bỗng chị Cẩm; con bà Mười, rống lên vì đau đớn do bị miểng đạn văng trúng dưới bụng làm máu tuôn xối xả. Mọi người phải dùng thật nhiều vải để cầm máu trong khi chị rên la làm tất cả thêm kinh hãi!

Tối đến thì ông Mười lợi dụng việc chở chị Cẩm vào bệnh viện Nguyễn Văn Học, Gia Định để đưa mọi người tản cư ra hướng thủ đô luôn, vì Việt Cộng từ Cầu Hang, Gò Vấp, Hạnh Thông Tây đổ về đây càng lúc càng đông, làm cường độ giao tranh ác liệt hơn. Mọi người bị dồn chật cứng vô chiếc xe hơi Peugeot của ông mà lâu quá tôi không còn nhớ rõ loại gì nhưng vẫn chở được hết mọi người có mặt khi đó. Lúc xe tới ngã tư Xóm Gà thì bị lính VNCH giữ lại tại một chốt chặn bằng lô cốt với hàng rào kẽm gai dày đặc. Vài người lính cảnh sát dã chiến Việt Nam và một MP Mỹ (Military Police) dùng đèn pin rọi khám xét, đoạn cho đi vì thấy toàn đàn bà con nít và một người bị thương nặng cần cấp cứu.

Đưa chị Cẩm vào bệnh viện xong, ông Mười lái xe chạy ra Sài Gòn nhưng bị cảnh sát cùng bộ phận lo về tị nạn chiến tranh trong chính quyền đang án ngữ ngay Lăng Ông Bà Chiểu giữ lại, và chuyển vào trường tiểu học Chi Lăng; là trại tạm cư mới thành lập cho dân chúng ở chứ không cho đi tiếp!

Ở đây tương đối an toàn vì xa vùng chiến sự do quân đội VNCH đã chặn và đẩy lui các cuộc tiến công của cộng sản. Nhưng không ngờ chúng tôi phải lưu trú chốn này hơn hai tháng trời vì Việt Cộng tấn công thêm hai ba đợt nữa mới chịu rút lui sau khi thất bại thảm hại.

Kyiv 2022 (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Trong thời gian “tị nạn chiến tranh” tại trường, hằng ngày chúng tôi được mấy cơ quan từ thiện quốc tế như Anh, Pháp, Mỹ cũng như Việt mang quần áo, thuốc men, lương thực, sữa bột… tới ủy lạo. Mỗi sáng, họ mang từng cần xé bánh mì có chế sữa bò đặc vào trong đó cho đồng bào. Và các hướng đạo sinh của Hướng Đạo Việt Nam thì hăng hái tham gia quét sân trường, lau phòng ốc, chùi rửa nhà cầu, dọn vệ sinh những vòi nước công cộng. Ban đêm thì ca hát, sinh hoạt cộng đồng giúp vui văn nghệ nên mọi người cũng tạm khuây khỏa.

Và ngày trở về tôi không khỏi ngỡ ngàng khi vừa vô xóm đã thấy nhà dì Sáu, ông chú Mười Kiểng của tôi ngay đầu ngõ chỉ còn là những đống gạch đổ nát. Nhiều cột kèo bị cháy đen sạm, dang dở còn treo lủng lẳng trên cao không rơi xuống được, nằm trên mấy miếng tường bể một cách nham nhở đứng chơ vơ, khiến cảnh vật thêm tiêu điều, chết chóc. Nhà tôi và một số nhà bà con khác may mắn còn nhưng không nguyên vẹn vì vết đạn lỗ chỗ khắp nơi, hư hại không ít. Phần nhà bà Hai dù đã được cứu hỏa sáng hôm đó nhưng sau cùng vẫn tan hoang, tivi bàn ghế cháy rụi nằm chỏng chơ lẫn lộn trong đống gạch vụn!

Cái Tết Mậu Thân 1968 năm ấy đầy thương đau, buồn hiu hắt mà mỗi khi nhắc lại mọi người vẫn còn bàng hoàng, sợ hãi chiến tranh nhưng rồi ai ai cũng phải cố gắng sống và gầy dựng lại. Vài năm sau, những ngôi nhà bị sập, bị hư hại được xây cất sửa chữa lại khang trang và đẹp hơn xưa do sự cần cù, siêng năng làm việc của ông bà cô bác tôi. Đến khi dân chúng vui vẻ yêu đời và hăng hái lên với cuộc sống mới thì “cơn hồng thủy 1975” lại ập tới. Việt Cộng chiếm trọn Miền Nam.

Việt Nam trở thành một nước cộng sản khiến dân Việt điêu linh, khổ sở trăm bề. Nhà nào cũng lâm cảnh chia ly, nếu không có cha mẹ bị đi tù cải tạo thì con cái cũng bị buộc đi thanh niên xung phong, nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ lao động hay giãn dân hoặc đi vùng kinh tế mới. Thê thảm hơn nữa là nhiều người đành phải ngậm ngùi nuốt lệ bỏ lại mồ mả ông bà tổ tiên để băng rừng, vượt biển với hy vọng mong manh, một phần sống chín phần chết, khi liều mạng phóng mình ra đại dương bao la mặc cho số phận đưa đẩy cùng bão táp phong ba, làm mồi cho cá hay hải tặc Thái Lan…

Triết gia Krishnamurti từng nói: “Đại bàng bay không để lại dấu vết nhưng khoa học gia thì có (The eagle in its flight does not leave a mark: the scientist does)”. Tôi nghĩ các nhà quân sự, chính trị gia cũng vậy! Vì thế ông Putin đã để lại hình ảnh của một nhà độc tài gớm ghiếc như Hitler ngày xưa. Ông đã để lại cuộc chiến tranh mà ngày sau nhân loại luôn nhắc đến như một cuộc xâm lăng hơn là vệ quốc mà ông đã biện minh cho hành động của mình!

Triều Phong

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay