CÓ NHỮNG “NGƯỜI THẦY” NHƯ THẾ

Lương Văn Can

CÓ NHỮNG “NGƯỜI THẦY” NHƯ THẾ

 Nguyễn Thị Bích Hậu

Nhìn tấm hình này, có thể thấy phong thái học hành tuyệt vời của Đại học Y khoa Sài Gòn trước 1975, khi sinh viên nghe như uống từng lời của giáo sư Phạm Biểu Tâm. khoa trưởng khoa Y VN đầu tiên của trường. Một chuyện đáng nhớ về giáo sư là vào đầu thập niên 60, trong kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Y khoa Sài Gòn, Ngô Đình Lệ Thuỷ (con của Cố vấn Tổng thống Ngô Đình Nhu) thi không đạt điểm đậu. Giáo sư Phạm Biểu Tâm, Chủ tịch Hội đồng thi đã từ chối cho Lệ Thuỷ vào học, mặc dù có sự can thiệp của Bộ trưởng Giáo dục thời đó.

Giáo sư Ngô Gia Hy nói “Ở Sài Gòn, trong cương vị Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, khoa trưởng Đại học Y khoa Sài Gòn, quyền Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, Anh (GS Tâm) cũng vẫn tấm lòng đôn hậu, nhưng rất cương trực điều hành và cư xử tốt với tất cả mọi người. Anh đã cương quyết thực hiện công bằng trong các kỳ thi tuyển sinh vào trường y khoa, vượt qua những áp lực dựa vào quyền thế. Anh có đặc tính khiêm tốn, dù ở địa vị cao, mà Anh không hề nói xấu một người nào. Ngoài ra, Anh còn là người con hiếu thảo, là giáo sư nhưng mỗi khi về Huế, Anh vẫn mặc áo the thâm hầu hạ phụ thân đã cao tuổi như một người con nhỏ. Đối với những thầy cũ của mình, bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào, Anh vẫn tỏ lòng kính trọng, lắng nghe…”.

Giáo sư Phạm Biểu Tâm học tiểu học tại Huế, và sau đó qua trung học phổ thông tại Vinh. Đến lúc trung học chuyên khoa (Tú tài), ông theo học tại Trường Quốc học Huế và Trường Bưởi (Hà Nội).

Năm 1932 ông bắt đầu theo học Trường thuốc tại Hà Nội. Khi đã tốt nghiệp, ông tiếp tục làm nội trú bệnh viện trong nhiều năm để học hỏi thêm kinh nghiệm. Năm 1947 ông đệ trình luận án tiến sĩ y khoa với đề tài là “Introduction de la Médecine occidentale en Extrême-Orient” (Sự du nhập của y khoa Tây phương vào các nước miền Viễn đông).

Năm 1948 ông trúng tuyển kỳ thi thạc sĩ y khoa (professeurs agrégés des universités, để làm giáo sư) tại Paris, đồng thời với bác sĩ Trần Quang Đệ, một nhà phẫu thuật lừng danh khác của Việt Nam. Ông trở về nước làm giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội suốt trong khoảng thời gian từ 1949 đến 1954. Ông cũng kiêm nhiệm chức Giám đốc Bệnh viện Yersin tại Hà Nội và sau đó là Phó giám đốc Trường Quân y.

Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào nam và trở thành Giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại tại Bệnh viện Bình Dân. Một năm sau, ông trở thành khoa trưởng người Việt đầu tiên của Trường Đại học Y Dược Sài Gòn. Nhưng ít năm sau đó, ông từ chối lời mời làm Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, nhất quyết ở lại với Trường Y khoa để tiếp tục chương trình đã theo đuổi từ nhiều năm.

Sau 1975, giáo sư Phạm Biểu Tâm vẫn ở lại VN. Một học trò cũ của ông là Ngô Thế Vinh viết “thầy Tâm vẫn có được sự kính trọng và vị nể của chế-độ mới, vì đức độ tài-năng và nhân-cách đặc-biệt của Thầy. Thầy thì cứ như một nhà nông biết là thời tiết không thuận lợi, nhưng vẫn cứ cắm cúi vun xới thửa đất để cấy trồng. Trước sau, chưa bao giờ Thầy có phòng mạch tư, cuộc sống của Thầy rất thanh bạch. Hàng ngày toàn thời gian Thầy tới nhà thương Bình Dân khám bệnh, mổ xẻ và hết lòng chăm sóc người bệnh cùng với công việc giảng dậy cho các thế hệ môn sinh. Chế độ mới cần tới uy tín Thầy nhưng họ vẫn không bao giờ tin nơi Thầy. Bằng cớ là nhà của thầy Tâm ít nhất đã hai lần bị công an thành phố xông vào lục xét, và cứ sau một lần như vậy, không phát hiện được gì …”

Thày Phạm Biểu Tâm mất năm 1999 tại Mỹ sau thời gian dưỡng bệnh. Tháng 12 hàng năm là dịp tưởng niệm ngày mất của thày. Mỗi khi nhớ tới thày, tôi rất xúc động, bởi thày thực sự là một tri thức Việt Nam rất hiếm có kể cả về tài năng, đức độ, nhân cách. Tiếc thay giờ đây ở ta rất khó tìm thấy những giáo sư như thày Phạm Biểu Tâm.

NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU

(Bài và ảnh)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay