CÁI GIÁ CỦA HẠNH PHÚC

 CÁI GIÁ CỦA HẠNH PHÚC

Ai trong chúng ta cũng mong cầu hạnh phúc. Có người cho rằng: Hạnh phúc khi tâm bình an, không lo sợ, không mong cầu, không hối hận, không bứt rức, không hận thù, không ghen ghét. Có người lại cho rằng: Hạnh phúc là đoá hoa của thời gian, nở rồi diệt, diệt rồi nở, có như vậy mới thực sự hạnh phúc. Nếu đoá hoa thời gian ấy cứ trường tồn, người ta sẽ không cảm nhận hạnh phúc nữa, mà đôi khi biến thành bất hạnh. Có người lại cho rằng: Cái gì chỉ mình có được, người khác không bao giờ với được, đó là hạnh phúc. Lại có người cho rằng: Họ chỉ hạnh phúc, khi mọi người cùng hạnh phúc. Có cái hạnh phúc là cho, có cái hạnh phúc là nhận…

Nhưng hầu như người ta không thể có một định nghĩa chung về hạnh phúc. Mỗi người cảm nhận hạnh phúc một khác, mỗi thời cảm nhận hạnh phúc một khác. Người đang nóng bức, được ngâm mình trong làn nước mát là hạnh phúc. Người đang lên cơn sốt rét, bị ngâm mình trong làn nước mát có cùng nhiệt độ lại “bất hạnh”. Người ăn được cay, có trái ớt hiểm cay xè dằm nước mắm, bữa cơm sẽ đậm đà hơn lên, hạnh phúc cũng qua đó mà sanh ra. Người không hề ăn được ớt, “vô phúc” cắn nhằm một mẩu ớt, nước mắt nước mũi đã ròng ròng khốn khổ. Người đã lập gia đình, có kinh tế khả dĩ ổn định, tin người vợ thọ thai là hỉ tín (tin mừng) trọng đại. Anh chàng sinh viên chưa sẵn sàng thành gia thất, tương lai chưa định mà nghe bạn gái báo “hung tin” thai nghén, quả là điều bất hạnh.

Vậy định nghĩa chung của hạnh phúc là gì? Thật khó, nhưng ta thử định nghĩa như vầy: Hạnh phúc là cảm thọ an lạc, sung sướng… khi những mong cầu của chúng ta được thoả mãn. Với định nghĩa như vậy, sẽ có nhiều người phản đối, người tu không có mong cầu, nhưng họ rất tự tại, ung dung và an lạc. Theo đức Đạt Lai Lạt Ma thì hạnh phúc là khoảng khắc thời gian ta cảm nhận. Khoảng khắc ấy như một hạt trai trong xâu chuỗi. Muốn cả đời hạnh phúc, người ta phải biết tạo ra những khoảng khắc ấy liên tục, người ta phải tìm cách xâu các khoảng khắc cảm nhận hạnh phúc lại với nhau, càng gần nhau… người ta càng hạnh phúc.

Cảm nhận hạnh phúc chỉ có cá nhân người ấy hiểu. Niềm hạnh phúc của một người nông dân chân lấm tay bùn khi nhìn đồng lúa trổ bông, trĩu hạt có thể to lớn không thua gì Michael Schumacher thắng giải đua xe thể thức I ở Monaco, một khoa học gia khám phá ra thuốc phòng chống HIV, hay nhà quân sự chiến thắng trên trận địa. Tuy giá trị vật chất của những khoảng khắc hạnh phúc ấy khác nhau, song biên độ cảm thọ không hề khác.

Ta tạm gọi hạnh phúc là cảm thọ an lạc, sung sướng, khoảng khắc đời lên hương, khiến cho ta mãn nguyện, êm ấm, thanh lương.

Vậy cái giá của hạnh phúc là gì? Liệu hạnh phúc có thể là của “giời cho” chăng? Hay hạnh phúc là quá trình góp nhặt, vun trồng, tỉa tót và đánh đổi?

Về cái giá của hạnh phúc, ta cũng chẳng thể tính ra bằng đơn vị tiền tệ, đo lường. Có người cho rằng hạnh phúc là “của giời” “giời cho ai nấy hưởng”… Có người cho rằng yếu tố con người mới là yếu tố chính, tự ta có thể hoạch định được cuộc sống của ta. Tùy theo đức tin, căn bản lý luận mà người ta nhận biết hạnh phúc là do trời hay do người. Nếu bảo do trời thì tại sao vị chúa tể muôn loài lại không công bình, cho người này hạnh phúc, bắt người kia bất hạnh. Nếu bảo do người thì tại sao có người sanh ra đã đầy đủ mọi yếu tố để hạnh phúc? Người sinh ra đã tràn đầy nỗi khổ? Nghiệp quả chăng? Luân hồi chăng? Mấy tín hữu của Ki Tô Giáo làm sao tin được chuyện nghiệp quả luân hồi? Ý Chúa chăng? Tín hữu Hindu, Phật Giáo… làm sao thuyết phục?

Thành ra ta chỉ bàn đến cái hạnh phúc mà con người có thể ảnh hưởng được. Thứ hạnh phúc nhân tạo, chính con người có thể tạo ra. Hạnh phúc này nằm vỏn vẹn trong mấy chuyện: Thân thể khỏe mạnh, gia đạo êm ấm, kinh tế sung mãn, xã hội xung quanh bình an, tự do sống trong khuân khổ đạo đức truyền thống xã hội và pháp luật, cảm nhận sự hiện diện của mình trong đời không thừa thãi…

Để có thân thể khỏe mạnh thì con người ta phải điều độ, năng luyện tập, bỏ bớt những thú vui độc hại như nhậu nhẹt, chích choác, trác tán, đâm chém… Cái giá hạnh phúc ở đây là làm việc khó (năng luyện tập, điều độ), bỏ việc dễ (nhậu…)

Để có gia đạo êm ấm, người ta phải biết nhẫn nhịn, có những lúc phải nuốt vào bụng những thứ rất khó nuốt, phải hi sinh để lo cho người thân, bỏ bớt ích kỷ của bản thân, tạo được mối giao hoà, tin tưởng giữa các thành viên trong gia đình. Cái giá của hạnh phúc nơi đây chính là sự nhẫn nhịn, kiềm chế và không ích kỷ.

Để có kinh tế sung mãn, ta có hai cách. Một là: Kiếm được thật nhiều tiền, đủ sức chi tiêu thoả mái. Hai là: Phải hạn chế số chi trong khuân khổ thu có hạn. Nếu ta muốn kiếm thật nhiều tiền, ta phải có tài, phải có thời, phải siêng năng. Muốn tiết kiệm, ta phải từ bỏ bớt những khoản chi tiêu không hợp lý. Ai cũng muốn có thể chi tiêu như mình muốn, nhưng liệu khả năng của mình có đáp ứng đủ số chi ấy chăng? Nếu công sức của mình bỏ ra, không đáp ứng nổi số nhu cầu mình thoả mãn, vô hình chung, ta đã mang nợ. Chẳng món nợ nào dễ chịu cả. Nợ nào cũng phải trả, không chóng thì chầy! Cái giá của hạnh phúc là phép tính: Thu – Chi = ++ (còn là số dương).

Để xã hội xung quanh bình an, ta phải trả thuế đóng góp vào bộ máy bảo vệ an ninh của quốc gia, của thành phố. Phải sử dụng quyền công dân của mình để định hướng cộng đồng xung quanh. Muốn định hướng cộng đồng theo hướng tốt, phải có đóng góp phục vụ cộng đồng.

Để cảm nhận được sự hiện diện của mình trong đời là không thừa thãi, thì con người ta phải đầu tư thời gian để tạo cho mình khả năng, khả năng ấy có thể nuôi sống mình và còn chút nhiều thặng dư phụng sự cho xã hội. Có thể một phát minh khoa học, có thể là khúc bánh mình đỡ đói lòng… trong cái tương tác trùng trùng của xã hội xung quanh, ta không là kẻ ăn bám. Phải như vậy, ta mới thấy mình không thừa thãi. Không ăn hại cơm giời, uống hại nước sông. Không sống chật đất, chết chật nghĩa trang.

Còn bao nhiêu khía cạnh của hạnh phúc, ta có thể bàn mãi mãi, khi nào còn có loài người trên thế giới này, người ta còn bàn về hạnh phúc. Nhưng ta có thể cả quyết rằng hạnh phúc là một sản phẩm siêu vật chất được hình thành bởi nhiều yếu tố (từ vật chất đến tinh thần) và có cái giá nhất định của nó! Ai hỏi tại sao anh phải làm việc vất vả thế? Ta có thể trả lời: Để mưu cầu hạnh phúc! Sao anh tiết kiệm, sống đơn giản thế? Để mưu cầu hạnh phúc! Sao anh/chị nhẫn nhịn, dịu dàng với vợ/chồng con cái thế? Để mưu cầu hạnh phúc! Sao anh đối xử tử tế với tất cả mọi người xung quanh thế? Để mưu cầu hạnh phúc! Sao anh ngu thế? Để mưu cầu hạnh phúc, vì nhiều lúc dư khả năng khôn mà không dám khôn, dư thế lực thắng thế mà không dám thắng! Sao anh/chị sống khắc kỷ, không phóng túng theo trào lưu của xã hội? Mưu cầu hạnh phúc! Sao anh/chị chung thủy chung tình? Mưu cầu hạnh phúc!

Quảng Diệu, Trần Bão Toàn

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay