Hai người Trung Quốc đào trộm mộ vua ở Thanh Hóa

Ba’o Dat Viet

May 8, 2025

Hai người đàn ông Trung Quốc bị bắt khi đang trên đường trốn về nước sau khi mang thiết bị dò kim loại đến khu di tích Lam Kinh để đào bới lăng mộ vua Lê Túc Tông – một phần linh thiêng của lịch sử Việt Nam.

Chiều ngày 6 Tháng Năm, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ hai nghi can Deng Zhiji (41 tuổi) và Shen Jiangyang (43 tuổi), đều quê ở Quảng Tây, Trung Quốc. Cả hai bị cáo buộc “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và đã được bàn giao cho công an tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục điều tra.

Trước đó, vào tối 3 Tháng Năm, trong lúc tuần tra khu vực lăng mộ vua Lê Túc Tông tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, lực lượng bảo vệ di tích phát hiện dấu hiệu lạ: một khu đất có dấu vết đào bới, kèm theo một điện thoại di động có cài đặt tiếng Trung, giấy tờ tùy thân và một dụng cụ kim loại để xăm dò lòng đất. Tất cả đều nằm gần khu vực nơi từng an táng vị vua thứ bảy của triều Lê sơ – người chỉ trị vì vỏn vẹn bảy tháng trước khi băng hà vào năm 1504.

“Chúng dùng thiết bị dò xuyên đất để tìm đồ tùy táng có giá trị, có thể là vàng bạc, ngọc ngà hoặc cổ vật quý hiếm,” đại diện Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa xác nhận. Vụ việc đã lập tức được báo cáo lên Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Nhận tin báo, công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với công an tỉnh Quảng Ninh lập tức mở cuộc truy bắt. Đến khoảng 2 giờ 15 chiều 4 Tháng Năm, cảnh sát giao thông Quảng Ninh kiểm tra một xe taxi ở khu vực Móng Cái – cửa ngõ biên giới Việt – Trung, thì phát hiện và bắt giữ hai nghi can đang chuẩn bị xuất cảnh.

Tại cơ quan điều tra, cả hai khai nhận đã nhập cảnh vào Việt Nam hôm 28 Tháng Tư qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, mang theo thiết bị dò kim loại và bộ dụng cụ chuyên dụng để “săn cổ vật.” Tại Thanh Hóa, họ thuê xe máy để tiếp cận khu di tích Lam Kinh, nghiên cứu địa hình và chuẩn bị dụng cụ như khoan điện, dây thừng, cưa tay, bao bì, cuốc xẻng.

Ngày 3 Tháng Năm, họ thực hiện hành vi đào bới tại lăng mộ nhưng không tìm được gì đáng giá. Khi thấy có người xuất hiện gần đó, cả hai vội bỏ lại dụng cụ, trốn chạy.

Theo báo Dân Trí, lăng mộ vua Lê Túc Tông từng bị tàn phá trong quá khứ, chỉ còn lại một số gạch vồ mỏng. Sau khi khảo sát lại vào năm 1997, khu mộ được phục dựng, xây bằng gạch và trát xi măng bên ngoài.

Hành vi đào trộm mộ không chỉ là hành vi phạm pháp nghiêm trọng, mà còn là sự xúc phạm đến di sản quốc gia và linh hồn tổ tiên người Việt. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa lịch sử hàng trăm năm tuổi, vụ việc này gióng lên hồi chuông báo động về lỗ hổng trong việc bảo vệ các khu di tích linh thiêng – đặc biệt là trước sự nhòm ngó từ bên ngoài.

Liệu đây chỉ là vụ việc đơn lẻ, hay đằng sau còn một đường dây săn cổ vật xuyên biên giới? Nhà Cầm Quyền CSVN có dám làm rõ đến tận gốc, hay sẽ chỉ dừng lại ở việc xử lý “hai cá nhân xâm phạm”?


 

CHUYỆN VỢ CON ÔNG TỐ HỮU, BÂY GIỜ MỚI KỂ

Việt Nam xưa và nay – Lien Nguyen

Dai Tat Phan NHỮNG BÀI POST HAY.

 Nước mình nghèo đến nỗi như thế này cũng từ những chính sách chế độ thiếu nhất quán.

Vào năm nào đó tôi cũng quên rồi, chỉ biết khi đó nhà ông Tố Hữu ở phố Hồ Xuân Hương được hoá giá rẻ như cho sau khi họ trả nhà công vụ ở Phan Đình Phùng, HN. Báo Tiền phong đã có bài phàn nàn về một cố ủy viên Bộ chính trị , nhà thơ lớn Tỗ Hữu không có chỗ để lập bàn thờ. Mới nghe, ai cũng mủi lòng thương cảm với ông. Nhiều người tỏ ra bất bình với Đảng và nhà nước sao lại đối xử phũ với một bậc lão thành như vây.

Do bị áp lực của dư luận, Ban Tư tưởng Văn hoá buộc phải công bố sự thật của một nhân vật nổi tiếng , đáng trân trọng nhưng người thân của ông thì đã làm hại thanh danh ông tại một buổi giao ban báo chí định kỳ mà tôi có dự và được Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá ngày đó là nhà báo Hữu Thọ được phép của cấp trên ” nói lại cho rõ”.

Số là sau khi gia đình ông Tố Hữu chuyển về phố Hồ Xuân Hương, gia đình nhà thơ đã cho một hãng dầu nhờn nước ngoài thuê, lấy mỗi tháng tới 9 ngàn đô la. Vì thế, bà Thanh, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, vợ cố nhà thơ Tố Hữu phải về nhà con ở tại phường Thành Công ở nhờ để tiếp tục xin thêm chế độ nhà theo tiêu chuẩn ngang thứ trưởng riêng bà . Vì có chật nên bàn thờ không được đàng hoàng như nhà biệt thự nếu ở phố Hồ Xuân Hương mà gia định được mua rẻ. Lỗi này đâu phải do Đảng không chăm sóc chu đáo ? Báo Tiền phong bữa đó bị hớ to.

Từ ngôi biệt thự ở Hồ Xuân Hương, sau này gia đình bán cho ông Phạm Nhật Vũ Cty AVG, nghe đâu cả chục ngàn cây vàng. Điều này thì tôi ko nắm được mà nay đọc bài sau đây mới biết.

Từ chuyện gia đình ông Tố Hữu, tôi thấy buồn cho gia đình các quan chức , họ không hiểu rằng, tiền nhiều bao nhiêu cũng không đổi được thanh danh vốn người thân của họ được cả xã hội một thời trân trọng.

(Bài viết của Nhà báo Quoc Phong kể lại vào 2-12-2018) .

BA VAI TRÒ TRONG CUỘC ĐỜI LÀM CÁCH MẠNG CỦA TỐ HỮU

Bải ở Tố Hữu có ba vai trò trong suốt cuộc đời cách mạng của ông. Vai trò thứ nhất là làm quan, trong nhiều vị trí cao cấp của đảng. Vai trò thứ hai là làm chính trị và vai trò thứ ba là làm…thơ. Cả ba vai trò ấy đều có vấn đề, mà đều là vấn đề lớn liên quan tới nhiều người, nhiều thế hệ và nhiều năm sau đó.

Làm quan, Tố Hữu lợi dụng chức quyền đày đọa cả một thế hệ tinh hoa văn học trong phong trào Nhân văn giai phẩm. Đây là một phong trào đòi tự do nghệ thuật và thể hiện quan điểm chính trị của một số văn nghệ sĩ và trí thức sống ở miền Bắc,  khởi xướng đầu năm 1955 và kết thúc vào tháng 6 năm 1958.

Là Thứ trưởng Bộ Tuyên truyển khi phong trào Nhân Văn giai phẩm nổi lên, Tố Hữu đã thẳng tay ra lệnh đàn áp, bắt bớ các thành viên của phong trào và cho tới nay người trong cuộc đã vạch trần mọi sự trước dư luận quần chúng. Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng Cung…..Ngày nay thành viên Nhân văn giai phẩm được trả lại sự thật và phục hồi danh dự cho họ nhưng Tố Hữu vẫn lặng im như người ngoài cuộc mặc dù nhiều tư liệu cũng như lời chứng của người trong cuộc cho thấy ông ta chủ trì việc bách hại tự do sáng tác của phong trào này.

Làm chính trị, trong vai trò một Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu tham gia thảo luận và ký quyết định “Giá, lương, tiền” vào tháng 9 năm 1985. Quyết định này đã làm Việt Nam rơi vào vòng xoáy của lạm phát có lúc lên đến 770% và người dân oán thán như bị B52 tận diệt. Tố Hữu trở thành trò hề của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Một năm sau cơn khủng hoảng, năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới, Tố Hữu mất uy tín chính trị vì phải chịu trách nhiệm trong những vụ khủng hoảng tiền tệ nên bị miễn nhiệm các chức vụ quản lý, chỉ còn giữ chức danh đại biểu quốc hội.

Làm thơ có lẽ là lĩnh vực tai tiếng nhất của Tố Hữu. Ông được mệnh danh là nhà thơ cách mạng nhưng bỏ xa đồng nghiệp trong lĩnh vực tuyên truyền và nịnh bợ các tay trùm Cộng sản. Nếu những bài thơ đưa Hồ Chí Minh lên tới mây xanh thì người ta còn có thể hiểu được nhưng với Stalin, con ác quỷ của phe Xã hội chủ nghĩa mà Tố Hữu cũng làm những câu thơ tụng ca y ngang hàng với Thượng đế thì người dân không còn khả năng căm phẫn nữa, họ phỉ nhổ và chà đạp lên những từ ngữ trịch thượng mà Tố Hữu đã dày công sáng tác. Những câu thơ như thế này đã và vĩnh viễn là vết nhơ trong dòng thơ hiện đại Việt Nam, kể cả dòng thơ cách mạng:

“Áo Ông trắng giữa mây hồng

Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười

Stalin! Stalin!

Yêu biết mấy, nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

….

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương Ông thương mười”

Bao nhiêu thứ Tố hữu đã làm được lịch sử ghi lại đầy đủ. Chứng nhân trong vụ Nhân văn giai phẩm, gần sáu mươi triệu đồng bào cả nước trong vụ “Giá, lương, tiền” năm 1985 và hàng triệu trẻ con qua nhiều thế hệ học thơ Tố Hữu trong trường chẳng lẽ còn chưa đủ xấu hay sao mà lại bày trò xây dựng khu lưu niệm cho ông ấy?

(Trích : bài viết của Cánh Cò viết ở Đài Á Châu Tự Do RFA )


 

Hài cốt chồng trong trại tù cải tạo – Đoàn Trọng Hiếu

Son H Cao

Dường như đã được sắp xếp, người thiếu phụ lặng lẽ đi theo, tên cán bộ ra lệnh cho chúng tôi đi ra khu nghĩa địa. Đến nơi, hắn bảo chúng tôi đi tìm mộ của Trần Thiên Thọ Hải. Chúng tôi nhớ ra đại úy Hải chết vào đợt những anh em đầu tiên năm 1977, như vậy là nằm ở sâu trong cùng sát chân đồi. Sau gần 15 phút chúng tôi đã tìm được ngôi mộ của anh với tấm bia chỉ nhỏ bằng tờ giấy học trò ghi lờ mờ, còn nắm đất thì chỉ cao hơn mặt đất chừng một tấc. Chúng tôi được lệnh là đào để bốc cốt cho chị mang về trong Nam . Việc đầu tiên là tìm một ít cành khô để đốt một đống lửa sưởi ấm và lấy ánh sáng, chị bắt đầu lấy ra môt bó nhang đốt lên rồi quỳ xuống vái ba lạy. Cầm nguyên bó nhang chị thổn thức khóc và nằm phủ phục lên ngôi mộ. Dưới ánh lửa tôi thấy thiếu phụ còn rất trẻ chỉ khoảng dưới 30, nét mặt xương xương.

Chúng tôi đứng lặng yên tôn trọng nỗi đau của chị, cho đến khi tên cán bộ yêu cầu chúng tôi “khẩn trương” bắt tay vào việc, vì trời đã lâm râm mưa phùn. Chúng tôi dìu chị đứng dậy sang bên cạnh và bắt đầu đào. Chỉ không đầy 20 phút chúng tôi đã đụng lớp ván đã mục, vì khi tù nhân chết thì chỉ được bỏ vào cái quan tài nhỏ vừa khít người được đóng bằng loại gỗ bạch đàn hay bồ đề, một loại cây được trồng để làm giấy, nên rất nhẹ xốp, được xẻ thành từng thanh và đóng hở như cái vạt giường, nên thấy cả xác nằm bên trong và đám tù hình sự khi đi chôn thì chỉ đào sâu khoảng 4 tấc rồi vùi lấp qua loa. Gỡ lớp ván trên mặt, bên trong là bộ quần áo tù đã rữa nát. Tôi đi xách một thùng nước ở dưới ruộng để rửa cho sạch đất, người thiếu phụ cũng đã lấy ra một cái thau nhựa và đổ vào đó một ít rượu. Chúng tôi cẩn thận nhặt từng cái xương rũ cho bớt đất, rửa cho sạch rồi trao cho chị. Chị cầm từng cái rửa trong rượu, rồi bỏ vào cái bịch nylon hai lớp. Chị đưa cho chúng tôi mỗi người một gói thuốc Tam Đảo rồi vừa làm chị vừa tâm sự:

–  Giữa năm 79, em có xin phép ra thăm, nhưng khi đến trại thì họ nói là không có anh Hải ở đây, nhưng ít tháng sau thì em được tin anh Hải đã chết từ năm 77, do một chị bạn ra thăm chồng về cho biết.

Như vậy là họ đã dấu nhẹm không báo cho gia đình, mới đây một người mách bảo cho em ra Bộ Nội Vụ ngoài Hà Nội làm đơn xin bốc cốt, sau mấy lần làm đơn cuối cùng họ đã phải cho. Nhưng khi đến đây thì họ chỉ cho làm vào ban đêm và sau khi xong, họ không cho em ở lại nhà tiếp dân qua đêm với lý do là ô uế.

Sau gần một giờ, thấy có thể đã không còn sót cái xương nào, chúng tôi bảo chị để tránh rắc rối chị không nên mặc bộ đồ tang này. Chúng tôi lấy bộ quần áo tang quấn quanh cái bao nylon đựng cốt bỏ vào cái bị cói lớn rồi lấy sợi dây chuối khô khâu miệng lại để không ai nhìn thấy. Trên đường về trại, lúc đến chỗ rẽ, chị lý nhí vừa thổn thức khóc vừa cám ơn rồi dúi vào tay chúng tôi mấy gói thuốc còn lại. Nhìn người thiếu phụ tay xách cái bị cói đựng cốt chồng, lặng lẽ đi trong đêm, trên con đường rừng cô quạnh, khiến chúng tôi vô cùng thương cảm, ngậm ngùi, đứng trông theo.

Bỗng sự uất ức trào lên rồi không nén lại được, tôi thốt lên trong kẽ răng:

–  Đ.M. Chúng mày rồi sẽ phải trả giá cho hành động này!

Chúng tôi đi vào theo cửa hông của cổng trại, rồi lặng lẽ đi về phòng. Tên thường trực thi đua đã đứng đợi sẵn để mở cửa.

Đã quá nửa đêm, cái lạnh đã thấm sâu vào người, nằm co quắp dưới lớp chăn mỏng, tôi thầm ái ngại cho số phận của người đàn bà bất hạnh. Chị mang cốt chồng đi giữa đêm trời giá lạnh của vùng rừng núi Việt Bắc, như người vợ, người mẹ Việt Nam đang mang nỗi đau, nỗi bất hạnh của cả một dân tộc đi trong đêm tối bão bùng.

Đoàn Trọng Hiếu

(Hình : Hồt cốt chồng trong tù cải tạo)


 

Những nạn nhân đầu tiên bị CSVN đàn áp ngày 30 Tháng Tư, 1975

Ba’o Nguoi-Viet

May 4, 2025

Chuyện Vỉa Hè

Đặng Đình Mạnh

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, đã đi vào lịch sử Việt Nam như một trang sử đau thương, đánh dấu sự sụp đổ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa và mở đầu cho giai đoạn đen tối của đất nước dưới sự cai trị độc tài của Cộng Sản Việt Nam.

Thương binh VNCH được săn sóc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, thuộc quận Gò Vấp. (Hình: VNCH Today)

Sau thời khắc này, tất cả quân, dân, cán, chính miền Nam đều lần lượt bị đàn áp, như một sự trả thù vì đã phụng sự trong chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Có điều, họ chỉ bắt đầu bị điểm danh vào sau ngày 30 Tháng Tư, 1975. Thế nhưng, có những người bị đàn áp ngay tức khắc từ buổi chiều ngày 30 Tháng Tư theo cách phi nhân, táng tận lương tâm và độc ác nhất mà loài người chỉ có thể tưởng tượng ra. Hơn nữa, họ, những người bị đàn áp cũng không phải là những người khỏe mạnh.

Đó là những thương binh Việt Nam Cộng Hòa đang nằm điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa.

Thật vậy, trong những giờ phút hỗn loạn cuối cùng vào những ngày cuối Tháng Tư, hàng nghìn binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa vẫn chiến đấu để bảo vệ tự do cho miền Nam, và rất nhiều người trong số họ đã phải gánh chịu những vết thương chiến tranh trên cơ thể mình.

Tổng Y Viện Cộng Hòa, một trong những bệnh viện lớn nhất Sài Gòn, đã trở thành nơi chứng kiến những đau đớn thể xác và tinh thần của những binh sĩ này, những người mà sau đó đã trở thành những nạn nhân đầu tiên của sự đàn áp và trả thù từ phía Cộng Sản Việt Nam.

Ngay cả vào ngày 30 Tháng Tư, năm 1975, ngày cuối cùng của cuộc chiến, tại một số khu vực trên đường phố đô thành Sài Gòn vẫn còn sự kháng cự của nhiều đơn vị binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa, như tại Tân Cảng, Thị Nghè, Bảy Hiền… để ngăn bước tiến công của quân đội Bắc Việt.

Còn kháng cự là vẫn còn thương binh, Tổng Y Viện Cộng Hòa nằm ở khu vực Gò Vấp vẫn là nơi tiếp nhận hàng loạt thương binh được đưa về điều trị thương tích. Các bác sĩ và y tá làm việc không ngừng nghỉ, cố gắng cứu chữa những người lính bị thương nặng. Tiếng rên rỉ, tiếng khóc than và mùi máu tanh nồng bao trùm cả bệnh viện.

Ngoài số những binh sĩ bị thương mới được đưa về, vẫn gồm cả những binh sĩ đã chiến đấu ở tuyến đầu, bảo vệ từng tấc đất của miền Nam. Họ bị thương vì đạn pháo, bom mìn, và súng trường. Nhiều người mất đi một phần cơ thể, có người bị mù, có người bị liệt.

Tổng Y Viện Cộng Hòa, nơi gìn giữ hy vọng của thương binh

Tổng Y Viện Cộng Hòa, tọa lạc khu vực Gò Vấp, Sài Gòn. Nơi đây là cơ sở y tế quân sự lớn nhất của Việt Nam Cộng Hòa, với sức chứa lên đến 1,800 giường vào thập niên 1970. Tổng Y Viện được trang bị hệ thống y tế tiên tiến, cùng với đội ngũ bác sĩ tận tâm và sự hỗ trợ từ các chương trình viện trợ quốc tế, Tổng Y Viện Cộng Hòa không chỉ là nơi chữa lành vết thương thể xác mà còn là biểu tượng của hy vọng cho những người lính đã mất đi một phần cơ thể hay sức khỏe trong chiến tranh.

Những thương binh tại đây mang trên mình những vết thương kinh hoàng: Cụt tay, cụt chân, mù mắt, hay những vết thương nội tạng phức tạp. Theo thống kê, khoảng 35,000 thương binh bị cụt chi và 31,000 người mù mắt do chiến tranh đã từng được điều trị tại Tổng Y Viện.

Thời điểm chấm dứt cuộc chiến, nhiều người trong số họ vừa trải qua các ca phẫu thuật, vẫn còn băng bó, nằm bất động trên giường bệnh, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc y tế. Đối với họ, Tổng Y Viện Cộng Hòa là nơi duy nhất mang lại cơ hội sống sót và hồi phục, dù mong manh.

Ngày 30 Tháng Tư 1975, bi kịch bắt đầu

Khi xe tăng của Cộng Sản Bắc Việt tiến vào Dinh Độc Lập, trái tim của đô thành Sài Gòn vào trưa ngày 30 Tháng Tư. Chỉ độ vài giờ đồng hồ sau đó, thảm kịch nhân đạo đã diễn ra tại Tổng Y Viện Cộng Hòa.

Theo các nhân chứng và tài liệu lịch sử, ngay sau khi chiếm được Sài Gòn, Cộng Sản Bắc Việt đã tiến vào Tổng Y Viện Cộng Hòa. Thay vì tôn trọng luật nhân đạo quốc tế về việc bảo vệ bệnh nhân và cơ sở y tế trong chiến tranh, họ đã ra lệnh xua đuổi tất cả các thương binh Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi bệnh viện.

Một bài viết trên Việt Báo Online mô tả: “Trong các quân y viện khắp miền Nam, mọi thương bệnh binh Cộng Hòa đều bị đuổi ra đường.” Những người lính này, nhiều người còn đang trong tình trạng nguy kịch, bị buộc phải rời khỏi giường bệnh, bất kể vết thương chưa lành hay tình trạng sức khỏe yếu ớt.

Hạ Sĩ Nhất Võ Phùng Dương, một thương binh tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, là một trong những nhân chứng sống của sự kiện này. Trong bài đăng trên mạng xã hội X vào ngày 30 Tháng Tư, 2025, đã chia sẻ hình ảnh ông cùng câu chuyện đau lòng: “Chiều 30 Tháng Tư, 1975, quân Cộng Sản đã tràn vào Tổng Y Viện Cộng Hòa và đuổi hết các thương bệnh binh Việt Nam Cộng Hòa ra ngoài. Trong đó có nhiều người mới giải phẫu và vết thương chưa lành.”

Hình ảnh những thương binh lê lết trên đường phố Sài Gòn, với băng gạc thấm máu và thân thể tàn tật, là minh chứng sống động cho sự tàn nhẫn, phi nhân của hành động này.

Thương phế binh VNCH đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn để được giúp đỡ chữa bệnh suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, chương trình này phải chấm dứt hồi Tháng Tư, 2024, do các áp lực của nhà cầm quyền CSVN. (Hình: Tin Mừng Cho Người Nghèo)

Tội ác đàn áp, vết nhơ không thể xóa nhòa

Hành động đuổi thương binh ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa không chỉ vi phạm Công Ước Geneva về bảo vệ dân thường và thương binh trong chiến tranh, mà còn thể hiện sự vô nhân đạo của lực lượng chiến thắng. Những thương binh này không còn khả năng chiến đấu, không phải là mối đe dọa quân sự, và nhiều người thậm chí không thể tự di chuyển. Việc xua đuổi họ khỏi nơi điều trị là một hành động cố ý gây tổn hại, đẩy họ vào cảnh nguy hiểm và tuyệt vọng.

Nhiều thương binh, sau khi bị đuổi, không có nơi nương tựa. Gia đình họ, nếu còn ở Sài Gòn, thường không đủ khả năng chăm sóc trong bối cảnh hỗn loạn. Một số người đã qua đời trên đường phố do vết thương tái phát hoặc thiếu chăm sóc y tế. Những người sống sót phải đối mặt với sự kỳ thị và đàn áp từ chế độ mới.

Câu chuyện của ông Trần Văn Phụng, một thương binh mù cả hai mắt, cánh tay trái gãy và khuôn mặt dị dạng, là một ví dụ điển hình. Ông kể lại: “Tui chết đi sống lại. Tui nằm bệnh viện một năm trời.” Sau ngày 30 Tháng Tư, trợ cấp thương tật từ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không còn, gia đình ông rơi vào cảnh khốn cùng, phải buôn bán lặt vặt để kiếm sống. Những thương binh như ông không chỉ mất đi sự chăm sóc y tế mà còn bị tước đoạt phẩm giá và cơ hội tái hòa nhập xã hội.

Di sản của nỗi đau và bài học lịch sử

Sự kiện tại Tổng Y Viện Cộng Hòa ngày 30 Tháng Tư, 1975, không chỉ là một chương đau thương trong lịch sử Việt Nam mà còn là lời cảnh tỉnh về hậu quả của hận thù và sự thiếu nhân đạo trong chiến tranh.

Những thương binh Việt Nam Cộng Hòa, vốn đã hy sinh tất cả cho lý tưởng tự do, đáng lẽ phải được đối xử với lòng trắc ẩn, bất kể bên thắng hay thua. Thay vào đó, họ trở thành nạn nhân của một chính sách trả thù, đàn áp có chủ đích, nhằm xóa bỏ mọi dấu vết của chế độ cũ.

Hôm nay, khi nhìn lại biến cố 50 năm trước, chúng ta cần ghi nhớ câu chuyện của những thương binh tại Tổng Y Viện Cộng Hòa như một phần không thể tách rời của lịch sử dân tộc. Họ không chỉ là nạn nhân của chiến tranh mà còn là biểu tượng của sự kiên cường và hy sinh. Việc tố cáo tội ác này không nhằm khơi lại hận thù, mà để khẳng định giá trị của nhân quyền và lòng nhân ái – những điều mà nhân loại cần bảo vệ trong mọi hoàn cảnh.

Hãy để những vết thương của quá khứ trở thành bài học cho tương lai, để không một ai, dù là thương binh hay thường dân, phải chịu cảnh bị bỏ rơi hay đàn áp trong những thời khắc định mệnh của lịch sử.

Tài liệu tham khảo:
-Phùng Annie Kim, “Người Thương Binh và Bóng Tối Còn Lại,” Việt Báo Online.
-“Y tế Việt Nam Cộng hòa,” Wikipedia tiếng Việt.
-Bài đăng của @ThanhPhoSaiGon trên X, 30/4/2025.


 

2025-1975, Nửa Thế Kỷ Nhìn Lại: Tháng Tư Đen và Chuyến Di Tản Của Gia Đình Tôi Trong Ngày Cuối Cuộc Chiến

Viet Bao

22/04/2025

Tầu Đông Hải neo trong vịnh Tân Gia Ba vào tháng 5 năm 1975, sau khi hơn nửa số người di tản trên tầu đã được chuyển sang các tầu khác. Ảnh: Tác giả cung cấp.

 Viết cho hương hồn bố

và cho mẹ, vợ, cùng các em

Bắt phong trần, phải phong trần, 

Cho thanh cao mới được phần thanh cao 

(Truyện Kiều)

Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi.

Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó.

Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.

Tháng Ba Xám, Tháng Tư Đen

Lúc bấy giờ tôi đang là sinh viên ban Đốc Sự của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (QGHC), một cơ sở giáo dục nằm trên đường Trần Quốc Toản, đặt trọng tâm vào việc đào tạo nhân viên hành chánh cao cấp cho chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Nói rõ hơn, tôi là một sinh viên gốc quân nhân trong số 105 sinh viên của khóa.

Đầu năm 1974, khi 21 tuổi và đang là chuẩn úy phục vụ tại tiểu đoàn 253 Pháo Binh, thuộc sư đoàn 25 Bộ Binh, tôi ghi danh học hàm thụ năm thứ nhất Luật khoa, viện đại học Sài Gòn. Tháng 7 năm ấy, tôi thi đậu chứng chỉ năm thứ nhất với số điểm cao thứ hai trong tất cả thí sinh. Thừa thắng xông lên, hai tháng sau tôi thi đậu vào ban Đốc Sự khóa 22 của Học Viện QGHC với học trình 4 năm. Theo quy định của chính phủ lúc bấy giờ, các quân nhân thi đậu được trở lại đời sống sinh viên, một hình thức xem như biệt phái vĩnh viễn từ quân đội sang hành chánh. Tháng 12 năm 1974, khi đã được thăng chức thiếu úy trong lúc tình hình chiến sự trở nên sôi động, tôi nhận được sự vụ lệnh từ Bộ Quốc Phòng để trình diện trường QGHC. Được bảo trợ bởi đại học Michigan State University, trường QGHC tổ chức chương trình học gồm hai khóa mùa Xuân và mùa Thu với những kỳ thi cuối khóa như những đại học ở Hoa Kỳ.

Chúng tôi nhập học ngay sau Tết Dương Lịch năm 1975. Đến ngày 12 tháng Ba, tin tức thị xã Ban Mê Thuột thất thủ trước sự tấn công của Cộng quân khiến quân dân miền Nam rúng động. Gia đình tôi có nhiều kỷ niệm với thành phố cao nguyên này. Năm 1968, bố tôi, khi còn là thiếu tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), giữ chức vụ quận trưởng quận Ban Mê Thuột trong gần hai năm cho đến khi ông được thăng chức trung tá và đổi về Sài Gòn. Gia đình tôi đã chuyển lên sống tại thị xã này trong thời gian ấy.

Hai ngày sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh triệt thoái khỏi Kontum và Pleiku. Cao nguyên Trung phần ở Vùng II chiến thuật bị thất thủ. Thêm vài ngày nữa, Quảng Trị, Quảng Ngãi rồi Huế ở Vùng I mất vào tay địch. Cuối tháng Ba, Đà Nẵng, Phú Yên, và Bình Định cùng chung số phận. Sang đầu tháng Tư, đến lượt Khánh Hòa, Bình Thuận, Phan Rang. Chỉ trong vòng chưa đầy ba tuần, miền Nam đã mất nửa lãnh thổ. Quân đội hoang mang, lắm nơi địch chưa đến mà người lính đã bỏ thành. Làn sóng đồng bào từ vùng I và vùng II ồ ạt theo chân người lính VNCH, trốn chạy Cộng sản bằng đường bộ và đường thủy. Những tội ác của Cộng sản Việt Nam như chiến dịch cải cách ruộng đất ở miến Bắc trong giai đoạn 1954-1957 và cuộc thảm sát tại Huế vào Tết Mậu Thân năm 1968 còn gieo rắc kinh hoàng trong ký ức họ. Cũng vì hồi ức về những tội ác của Cộng sản mà hàng triệu người miền Nam đã cuống cuồng tháo chạy khỏi những vùng bị địch chiếm đóng trong những ngày tang thương thuở ấy. Biết bao chuyện thương tâm đã xẩy ra trên những con đường di tản đầy máu và nước mắt, bi thảm nhất là dọc Liên Tỉnh Lộ 7B từ Pleiku đến Phú Bổn, nơi hàng ngàn thường dân đã bị tàn sát vì đạn pháo của Việt Cộng liên tục rót vào đoàn người đang lũ lượt gánh gồng xuôi Nam vào hạ tuần tháng Ba.

Bước sang tháng Tư, Hoa Kỳ đã bắt đầu cho di tản người Mỹ còn ở Việt Nam cùng các nhân viên người Việt đang làm cho sở Mỹ, và gia đình các quân nhân, công chức VNCH mà họ nghĩ sẽ bị Cộng sản trả thù sau khi chiếm được miền Nam. Lúc ấy, chúng tôi, những sinh viên QGHC, sau giờ học, thường vào câu lạc bộ của trường, gọi một tách cà phê hay ly nước ngọt, đăm chiêu ngồi bàn chuyện thời sự. Thật đau lòng khi trông thấy tấm bản đồ miền Nam với những tỉnh lỵ, thành phố được tô đỏ dần trên các tuần báo Time và Newsweek.

Theo chỉ thị của Ban Giám Đốc học viện, sáng ngày 8 tháng Tư, lớp chúng tôi tề tựu tại sân trường, chuẩn bị lên ba chiếc GMC đến trại Chí Linh, trung tâm huấn luyện cán bộ Xây Dựng Nông Thôn, tại Vũng Tầu để giúp người tỵ nạn từ miền Trung theo tầu, thuyền đến thành phố này. Khi xe lăn bánh, chúng tôi nghe hai tiếng nổ lớn, vang đến từ hướng trung tâm thủ đô. Nhìn về hướng tiếng nổ phát ra, mọi người trông thấy một phản lực cơ F5 của Không lực VNCH đang lượn trên vùng nơi dinh Độc Lập tọa lạc nên đoán là quân đội, hay một phần của quân đội đang thực hiện cuộc đảo chánh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Mãi khi đến trại Chí Linh, chúng tôi mới nghe kể một phi công của Không lực VNCH oanh tạc dinh Độc Lập rồi bay ra vùng Việt Cộng đã chiếm.

Theo chương trình đã hoạch định, lớp chúng tôi ở Vũng Tầu một tuần. Tuy nhiên, đến sáng ngày thứ ba của chuyến đi, tức ngày 10 tháng Tư, trường QGHC cho xe đón chúng tôi trở về vì e ngại an ninh trên lộ trình Vũng Tầu – Sài Gòn sẽ không còn được bảo đảm trong vài ngày sắp đến. Hôm trước, bốn sư đoàn Cộng quân đã tấn công Xuân Lộc, nơi được ví von là cánh cửa thép để bảo vệ Sài Gòn từ hướng Đông của thành phố. Trên đường về, qua từng chặng, chúng tôi lại thấy những đơn vị lính kẻ đứng người ngồi dọc hai bên lề. Không hiểu họ được lệnh canh gác huyết lộ dẫn đến thủ đô hay triệt thoái về đấy để tránh sức ép của địch. Đó đây, có những đoàn người tay xách, nách mang đi bộ về hướng về Sài Gòn. Có lẽ họ là những người dân chạy loạn.

Tin tức những người được Mỹ chấp thuận cho di tản đã lên máy bay từ phi trường Tân Sơn Nhất rời khỏi Sài Gòn được loan truyền rộng rãi. Khoảng trung tuần tháng Tư, bố tôi liên lạc với một đại tá quân đội Mỹ đang phục vụ tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ mà ông quen biết đã nhiều năm để nhờ ông này giúp gia đình tôi rời khỏi Việt Nam bằng đường hàng không. Ông đại tá hứa sẽ giúp và bảo bố tôi rằng khi nhận được điện thoại của ông, cả gia đình phải ra ngay phi trường Tân Sơn Nhất. Mẹ tôi may cho chúng tôi, mỗi người một túi vải nhỏ để đựng hai bộ quần áo. Bà dặn tôi và các em, sau giờ học, phải về nhà ngay, đừng để sự vắng mặt của mình ảnh hưởng đến cả gia đình.

Bố Tôi 

Bố tôi tình nguyện nhập ngũ vào Quân Đội Quốc Gia, tiền thân của Quân lực VNCH, năm 1951. Ông tốt nghiệp thủ khoa trường Võ bị Phà Đen ở Hà Nội với cấp bậc chuẩn úy và rồi phục vụ trong một liên đoàn lưu động từng tham gia các trận đánh khốc liệt với Việt Minh, về sau gọi là Việt Cộng, tại Bắc phần. Di cư vào Nam, đơn vị ông đóng ở Phú Yên rồi Bình Định. Năm 1956, ông tham dự lớp Chỉ Huy Tham Mưu và tốt nghiệp thủ khoa nên được thuyên chuyển về Phòng Ba Bộ Tổng Tham Mưu. Đôi ba năm sau, ông được thăng cấp đại úy và giữ trách nhiệm Trưởng Khối Kế Hoạch. Năm 1968, ông theo học khoá Quân Chánh, khoá học bắt buộc dành cho các sĩ quan sẽ được bổ nhiệm làm tỉnh hay quận trưởng. Sau khi mãn khóa, được chọn quận đầu tiên vì tốt nghiệp thủ khoa, ông đã chọn Ban Mê Thuột, quận lỵ lớn nhất ở cao nguyên Trung phần thuộc tỉnh Dak Lak. Tháng Ba năm 1970, ông được biệt phái sang hành chánh và trở về Sài Gòn. Năm 1974, ông giữ trách nhiệm chánh sở kế hoạch thuộc Bộ Nội Vụ.

Bố tôi nhập ngũ một phần vì mối căm thù với Việt Cộng, sau khi họ giết ông nội tôi một cách dã man.

Thẻ căn cước quân nhân của thân phụ tác giả bài viết

Ông tôi vốn là nhà giáo trong một làng thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng chục cây số. Khi Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội vào năm 1945, làng bố tôi trở thành vùng xôi đậu, ban ngày Quốc Gia kiểm soát, ban đêm Việt Minh mò về. Những người bên kia ép buộc ông tội nghỉ dậy không được nên trong một đêm năm 1947, họ xông vào nhà tuyên án tử, rồi bắn ông tôi 5 phát súng lục trước sự chứng kiến của người thân. Lúc đó bố tôi đang là thông ngôn, làm việc ở nơi khác. Bắn xong, họ khênh ông tôi đi rồi bỏ lại đầu ngõ vì nghĩ ông đã chết. Bác gái tôi, tức chị kế bố tôi năm ấy mới 20 tuổi, thấy ông còn thoi thóp nên cùng hai người trong họ thay nhau khênh cáng đưa ông đến một đồn lính Tây cách nhà khoảng 3 cây số nhờ họ chữa trị tạm thời. Mãi ba hôm sau, những người lính trong đồn mới có xe đưa ông tôi lên nhà thương Phủ Doãn ở Hà Nội. Ông dần dần bình phục và tạm trú ở Hà Nội. Đầu năm 1951, làng bố tôi trở thành làng Tề, tức đã được quân Pháp và quân đội Quốc Gia kiểm soát. Những người trong làng ra Hà Nội thỉnh cầu ông tôi trở về dậy học lại. Bùi tai, ông quay về làng. Ít lâu sau, vào một buổi tối, khi dân trong làng, trong đó có ông tôi, đang xem hội hàng năm của làng thì cán bộ Việt Minh đột kích vào bắn ông tôi. Khi ông tôi ngã xuống, họ cẩn thận đâm thêm dăm bẩy nhát dao găm cho chết hẳn rồi mới rút lui.

Bố tôi có người em út, kém ông 15 tuổi, là đại úy trưởng Phòng Tiếp Liệu Quân Y Viện Ban Mê Thuột. Khi thành phố thất thủ, ông theo đoàn người chạy giặc ra vùng ngoại ô và được một chiếc trực thăng bốc về Sài Gòn ngày hôm sau, trong khi vợ và con gái nhỏ vẫn đang kẹt lại thành phố. Khi về đến Sài Gòn, ông tá túc tại nhà chúng tôi nhưng không tìm đường ra nước ngoài với hy vọng được đoàn tụ vợ con. Hậu quả là ông phải trả giá với hơn 5 năm tù. Khi cùng vợ con sang định cư tại Houston năm 1990 theo diện tù cải tạo, ông kể rằng trong những năm tháng bị cầm tù, ông và các bạn đồng cảnh phải học tập cái gọi là “tội ác Mỹ Ngụy,” dĩ nhiên theo sự tuyên truyền dối trá của Cộng Sản. Trong những “tội ác” này có chiến dịch truy lùng cán binh Cộng Sản nằm vùng tại Phú Yên sau hiệp định Geneva mà bố tôi là người trong cuộc. Lúc ấy, tiểu đoàn 10 khinh chiến của Quân Đội Quốc Gia do đại úy Vũ Duy Đê là tiểu đoàn trưởng và bố tôi là trung úy đại đội trưởng Đại Đội Chỉ Huy đã lùng soát và tiêu diệt thành phần chủ chốt của Việt Cộng tại làng Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh thuộc tỉnh Phú Yên. Hiện nay vẫn còn rất nhiều báo mạng của Cộng Sản Việt Nam ghi lại chuyện này nhưng với những lời thêu dệt, như những dòng sau đây trên trang mạng báo Phú Yên Online: “Ngày 5/9/1954, tiểu đoàn lính ngụy mang tên Lê Hữu Từ (một linh mục phản động khét tiếng ở Bùi Chu – Phát Diệm di cư vào Nam) do Vũ Duy Đê chỉ huy đã gây ra vụ thảm sát Ngân Sơn – Chí Thạnh làm chết 64 người, bị thương 76 người. Đây là một trong ba vụ thảm sát man rợ ở miền Nam gây chấn động cả nước và quốc tế.”

Nói tóm tắt, bố tôi là người không bao giờ có thể sống chung với Việt Cộng. Miền Nam mất mà ông còn ở lại trong nước thì cách này hay cách khác, ông cũng mất. Gia đình tôi biết rõ như vậy.

Thân phụ tác giả và các con trong buổi tiệc mừng thọ 80 tuổi của ông vào năm 2009.

Ba Tổng Thống trong 10 Ngày Cuối của Miền Nam Tự Do

Tối 21 tháng Tư, đài truyền hình Sài Gòn chiếu trực tiếp cảnh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trao quyền lãnh đạo đất nước cho tân tổng thống Trần Văn Hương, trong lúc tình hình chiến sự thêm bi thảm cho quân đội VNCH.

Trong khung cảnh dầu sôi lửa bỏng ấy, trong tâm trạng buồn rầu, hoang mang, lo lắng ấy, chúng tôi tự đánh lừa mình với một giải pháp chính trị chấm dứt cuộc chiến sẽ xuất hiện trong những ngày sắp tới. Tin tưởng như thế để còn có thể gạo bài chuẩn bị cho kỳ thi cuối khoá.

Gần 8 giờ sáng thứ Hai ngày 28, chúng tôi ngồi trong lớp chờ giáo sư Đoàn Triệu Yến, vị thày môn Kinh Tế đến phát đề tài bài thi đầu tiên trong kỳ thi cuối học kỳ. Giáo sư đến đúng giờ với y phục chỉnh tề như thường lệ; vừa bước vào lớp, ông tuyên bố môn thi được hoãn lại cho đến ngày sẽ được thông báo sau. Ngay sau đó, ông ra về. Sau này, tôi nghe một bạn cùng lớp kể lúc đến trường, ông đưa gia đình theo trên chiếc xe hơi. Sau khi ông rời trường, họ đến phi trường Tân Sơn Nhất, lên một vận tải cơ của Hoa Kỳ đưa những người tỵ nạn thoát khỏi Sài Gòn. Nếu chuyện thật sự xẩy ra như vậy, ông là một người đáng ngưỡng mộ. Ít ra thì ông cũng đến trường để cho sinh viên biết họ được hoãn thi và chào giã biệt chúng tôi. Tư cách ông hơn hẳn biết bao cấp chỉ huy quân sự đã lén lút trốn thuộc cấp để đào tẩu trong những ngày tháng gian nan ấy.

Được hoãn thi, tôi và một số bạn trong lớp lại vào câu lạc bộ của trường chia sẻ cho nhau những tin tức cùng tin đồn về tình hình chiến sự và chính trị. Lúc bấy giờ có rất nhiều tin đồn đang được loan truyền. Đến quá trưa, mọi người từ giã, hẹn mai gặp nhau cho môn thi khác.

Khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, khi tôi đứng ở cổng nhà trong cư xá Bắc Hải tiễn người bạn cùng khóa Đốc sự vừa đến thăm, chợt có tiếng bom nổ rung chuyển nhà cửa vang đến từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất. Về sau, tôi được biết Nguyễn Thành Trung, một phi công của Không lực VNCH nhưng là gián điệp cho Cộng Sản Việt Nam đã hướng dẫn các phi công miền Bắc lái 4 chiếc oanh tạc cơ A-37 do Không quân bỏ lại ở phi trường Phan Rang để dội bom Tân Sơn Nhất. Trung cũng là người lái chiếc F5 oanh tạc dinh Độc Lập sáng ngày 8 tháng Tư như đã kể.

Chừng một tiếng sau, đài truyền hình Sài Gòn trực tiếp buổi bàn giao chức vụ tổng thống giữa cụ Trần Văn Hương và đại tướng Dương Văn Minh tại phòng khánh tiết dinh Độc Lập. Ngày hôm trước, Quốc Hội lưỡng viện sửa đổi hiến pháp để ông Minh thay cụ Hương trong niềm hy vọng ông đủ uy tín đàm phán với Việt Cộng để đạt được một giải pháp hòa bình có thể chấp nhận được.

Ngay sau khi nhận trách nhiệm tổng thống, tối 28, ông Dương Văn Minh tuyên bố Sài Gòn được đặt trong tình trạng thiết quân luật, người dân bị cấm ra khỏi nhà.

Cư Xá Sĩ Quan Chí Hoà

Cư xá nơi gia đình tôi cư ngụ trước kia có tên là Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa, thuộc Quận 10 trước tháng Tư năm 1975. Cư xá do người Pháp khởi công xây từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, dành cho những sĩ quan trong quân đội Pháp. Tuy nhiên, khi cư xá vừa xây xong thì người Pháp phải về nước theo quy định của Hiệp Định Geneva chia đôi nước Việt. Năm 1957, chính quyền VNCH cấp các hộ trong cư xá cho gia đình những sĩ quan trung cấp và cao cấp của Quân Lực VNCH đang phục vụ ở Sài Gòn và họ có thể cư trú tại đây trong thời gian tại ngũ. Gia đình tôi là một trong những gia đình đầu tiên dọn đến cư xá vào mùa hè 1957 và ở đây suốt 18 năm trời. Thoạt đầu, cư xá chỉ có 16 dẫy nhà, mỗi dẫy gồm 4 hộ ở tầng dưới và 4 hộ ở tầng trên, tức tổng cộng 128 hộ. Cổng chính cư xá ăn thông với đường Bắc Hải dẫn ra đường Lê Văn Duyệt. Cổng sau hướng ra cuối đường Nguyễn Tri Phương, nơi cắt ngang đường Tô Hiến Thành. Khoảng năm 1965, chính quyền cho xây thêm nhiều dẫy ở các khoảnh đất rộng gần cổng sau, nâng số hộ trong cư xá lên đến hơn 300. Đến cuối năm 1968, chính quyền cho những sĩ quan đứng tên chủ gia đình ở đây mua các căn hộ họ đang cư ngụ và cũng cho phép thường dân sở hữu các căn này. Vì không còn được dành riêng cho các sĩ quan như trước, nên cư xá được đổi tên thành Cư Xá Bắc Hải.

Kể từ những ngày đầu tiên, cư xá luôn có vị sĩ quan được chính quyền chỉ định là người có thể đưa ra những quyết định liên quan đến sự quản trị cư xá mà cư dân quen gọi là “trưởng trại.” Vị trưởng trại sau cùng là trung tướng Đổng Văn Khuyên. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, trong thời gian dầu sôi lửa bỏng vào tháng Tư năm 1975, trung tướng Khuyên giao quyền điều hành cư xá cho đại tá Lê Kim Ngô thuộc binh chủng Công Binh. Ông đại tá này có lẽ ác cảm với những người đang tìm cơ hội thoát khỏi Việt Nam nên ra lệnh cho trung đội lính và đám Nhân Dân Tự Vệ canh gác chặt chẽ tại hai cổng cư xá, nội bất xuất ngoại bất nhập từ chiều ngày 28 đến sáng 30. Trong thời gian này, tuy có lệnh thiết quân luật nhưng dân chúng vẫn tiếp tục tất tả ngược xuôi trên các nẻo đường thành phố, chỉ riêng cư xá chúng tôi bị ông quyền trại trưởng phong tỏa. Tôi được biết nhiều gia đình đã không thể di tản khỏi Sài Gòn trong ngày 29 vì không ra được cổng cư xá.

Rốt cục, ông quyền trại trưởng ở lại khi cuộc chiến kết thúc và cũng phải đi “lao động cải tạo” nhiều năm trời như những sĩ quan QLVNCH khác. Nghe nói ông và gia đình đã sang Hoa Kỳ tỵ nạn theo diện cựu tù nhân cải tạo tức Humanitarian Operation vào đầu thập niên 1990.

Hỗn Quan, Hỗn Quân

Sáng thứ Ba ngày 29, tôi lấy xe định đến nhà một người bạn. Tuy nhiên, cổng ra vào cư xá đã đóng với những người lính cơ hữu của cư xá cùng vài anh Nhân Dân Tự Vệ lăm lăm tay súng đang đứng gác. Những người này giải thích với tôi rằng đại tá Lê Kim Ngô, quyền trường trại, đã ra lệnh nội bất xuất còn ngoại bất nhập, tức là tất cả cư dân trong cư xá không được ra ngoài, ngoại trừ những quân nhân có sự vụ lệnh di chuyển. Người từ ngoài cũng không được vào nếu không xuất trình giấy tờ chứng minh mình đang ở cư xá. Những người lính gác cổng nói năng khá nhã nhặn nhưng các ông Nhân Dân Tự Vệ luôn biểu diễn nét mặt khó đăm đăm. 

Tôi trở về nhà, pha tách cà phê mang ra ngồi ở bậc thềm, vừa uống vừa nghe tin tức đài phát thanh Sài Gòn từ chiếc radio nhỏ. Có tiếng bấm chuông, tôi ra mở cổng, trông thấy anh Tiềng, một trong số hơn 10 công nhân của nhà in do một Hoa kiều và mẹ tôi làm chủ. Đây là một trong năm hay sáu nhà in các bộ bài tại miền Nam thời bấy giờ; bài Tây có, bài chắn, tứ sắc, tam cúc, bất, tổ tôm cũng có. Gọi là nhà in chứ thật ra chỉ là một cơ sở in đặt trong hai căn phòng khá lớn mà mẹ tôi cho xây thêm ở vườn sau nhà. Các công nhân làm việc, ăn ở tại đây.

Anh Tiềng trạc tuổi tôi nhưng không phải đi lính. Có người thợ in đồng nghiệp nói anh được hoãn dịch gia cảnh. Lại có người bảo anh trốn quân dịch. Anh quý tôi nên thỉnh thoảng mời tôi đi uống cà phê sáng tại một tiệm khá gần cổng sau cư xá. Hôm ấy, khi lên nhà trên nhưng không gặp tôi nên anh đi bộ một mình đến quán. Anh kể là khi trở về, đi ngang sân cỏ rộng mà các thanh, thiếu niên trong cư xá dùng làm sân bóng đá, anh trông thấy một chiếc trực thăng, có lẽ loại UH-1 khá thông dụng trong chiến tranh Việt Nam, đang bay là là chực đáp xuống. Gần đó là một gia đình gồm hai vợ chồng và bốn hay năm con, đứa lớn, đứa nhỏ với hành lý lỉnh kỉnh đứng chờ bên cạnh một chiếc xe hơi. Bỗng dưng một chiếc gắn máy phóng rất nhanh đến. Hai thanh niên đeo băng tay Nhân Dân Tự Vệ xuống xe, giơ súng carbine nhắm bắn vào trực thăng, có lẽ là bắn dọa. Trực thăng vội bốc cao lên, đảo một vòng tròn có vẻ ngập ngừng như chưa biết nên bay xa hay liều đáp xuống. Hai anh nhắm bắn thêm vài phát. Chiếc trực thăng vút cao hơn rồi bay thẳng.

Nhân Dân Tự Vệ là lực lượng dân quân bán thời gian được thành lập sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 với mục đích bảo vệ an ninh tại làng, xã, thôn xóm. Hầu hết nhân sự trong lực lượng là thanh, thiếu niên chưa đến hạn tuổi quân dịch và không được huấn luyện đầy đủ, nhiều người còn chưa được học sử dụng súng, đạn. Báo chí thời bấy giờ gần như đăng tin mỗi ngày trong mục tin vặt “Từ Thành Đến Tỉnh“ về chuyện Nhân Dân Tự Vệ bắn lầm, bắn lẫn nhau khi tức giận, phá phách xóm làng, hay nghịch ngợm súng đạn đến nỗi gây thương vong cho người khác và cho chính mình. Những tin tức này nhiều đến nỗi lắm tờ báo bắt chước báo Sóng Thần đặt tít cho bản tin thường ngày về chuyện này là “Truyện Dài Nhân Dân Tự Vệ.” Trong hai tháng cuối của cuộc chiến, tình trạng hỗn quan hỗn quân khiến các anh Nhân Dân Tự Vệ cảm thấy mình uy quyền hơn, quan trọng hơn lên để thế thiên hành đạo mà đoàn Nhân Dân Tự Vệ trong cư xá chúng tôi là một trường hợp điển hình.

Anh Tiềng kể tiếp rằng những người đứng cạnh xe hơi đứng ngẩn ra nhìn theo bóng dáng chiếc trực thăng nhỏ dần, nhỏ dần, rồi mất hút. Họ lục tục mang hành lý trở vào xe. Xe nổ máy rồi rời sân bóng.

Hai anh Nhân Dân Tự Vệ đứng chờ vài phút để chắc chắn trực thăng không quay lại. Sau đó họ lên xe gắn máy, nổ máy và lao đi.

Tôi tự hỏi chiếc trực thăng ấy định đưa gia đình những người đứng chờ cạnh chiếc xe hơi đến đâu; một tầu chiến Mỹ đang đợi sẵn ngoài khơi Vũng Tầu hay một nơi nào họ nghĩ còn an toàn ở vùng IV? Tôi cầu xin ơn trên cho gia đình họ rồi sẽ thoát khỏi cánh cửa địa ngục đang mở dần để nuốt trọn khối người dân miền Nam tự do.

Trong chiều hôm ấy, hai em trai tôi, đứa lớn chín tuổi và đứa nhỏ bẩy tuổi, đã chứng kiến một tình trạng tương tự, nhưng với kết thúc có hậu cho người di tản.  

Đang chơi đùa trước cửa, hai cậu em trông thấy một trực thăng, có lẽ cũng là loại UH-1, đảo vòng tròn trên sân bóng tròn, cùng lúc các thanh niên Nhân Dân Tự Vệ ngồi trên vài xe gắn máy phóng nhanh ngang nhà. Trẻ con thì lúc nào chẳng hiếu kỳ và hiếu động, các cậu bé chạy đến sân bóng xem chuyện gì. Khi các cậu đến nơi, đám Nhân Dân Tự Vệ đến trước đã dựng xe máy, giơ súng bắn chỉ thiên về chiếc trực thăng nhưng trực thăng vẫn đáp xuống bãi cỏ. Các cậu đang hăm hở xông đến thì bỗng có một tràng đạn chát chúa vọng ra từ trực thăng. Tất cả khựng lại thì thấy ngoài viên phi công, trên máy bay có người xạ thủ chĩa nòng súng đại liên đang bốc khói về hướng mình. Một tràng đạn nữa nổi lên từ khẩu đại liên, chắc người xạ thủ chỉ bắn dọa. Thế là cả đám hoảng hốt chạy lui. Ba bốn người đang đứng đợi gần đó phóng nhanh đến trực thăng, rồi được người xạ thủ kéo lên. Chiếc trực thăng từ từ  bốc cao trong khi nòng đại liên vẫn hướng về đám Nhân Dân Tự Vệ.

Về sau, tôi nghe kể có thêm vài trực thăng khác định đáp xuống cư xá chúng tôi trong ngày hôm ấy nhưng cũng bị đám Nhân Dân Tự Vệ bắn đuổi. Cư xá lúc bấy giờ là nơi cư ngụ của nhiều vị sĩ quan cao cấp trong đó có cả mươi ông tướng nên các trực thăng đến đón gia đình họ trong hai ngày cuối của cuộc chiến là điều bình thường.

Tôi nghĩ không hẳn các anh Nhân Dân Tự Vệ của cư xá trong những ngày tháng ấy là những kẻ xấu, thích hành hạ người khác. Không hiểu lúc ấy họ suy nghĩ gì. Họ hành động theo lệnh cấp trên hay họ muốn thể hiện uy quyền? Khi được giao quyền lực với khẩu súng trong tay, họ có sức mạnh của tập thể và muốn thể hiện quyền uy với người khác, với đồng bọn, và với chính mình.

Hay phải chăng vì gia đình họ quyết định không di tản hoặc không có phương tiện để ra đi nên họ ngăn cản những người khác? Tao không đi được thì mày cũng không được đi, thế thôi!

Đêm Cuối Ở Sài Gòn 

Trưa ngày 29, sau bữa cơm trưa với gia đình, bố tôi mặc quân phục, đeo lon trung tá, lái xe ra đi. Tôi ngồi trong nhà dán tai vào chiếc radio để theo dõi tin tức. Khoảng 3 giờ, đài phát thanh Sài Gòn phổ biến lời thủ tướng Vũ Văn Mẫu yêu cầu người Mỹ rời khỏi Việt Nam ngay lập tức. Cuộc chiến đến hồi kết thúc. Coi như xong! Thật khủng khiếp khi biết trước thứ tương lai tồi tệ đang đưa cao bàn tay gớm chiếc vẫy gọi mình và mình đang bị kéo đến gần theo từng nhịp vẫy của nó.

Đến 6 giờ chiều, bố tôi trở về gọi tôi, mẹ tôi, ông chú lớn, và ông chú út vào một căn phòng để kể những chuyện vừa xẩy ra cho ông. Người chú lớn, em kế bố tôi, là một thiếu tá đang phục vụ tại Phòng 2, tức phòng có trách nhiệm tình báo, của Bộ Tổng Tham Mưu. Gia đình ông sống ở căn hộ số 3 dẫy L trong cư xá, đấu lưng với căn hộ của chúng tôi, số 3 dẫy K. Vì vậy hai gia đình có chung khoảng sân sau khá rộng. Như gia đình những sĩ quan phục vụ tại Phòng 2, vợ con ông đã được người Mỹ cho di tản bằng máy bay từ hai tuần trước.

Bố tôi kể, bố tôi vừa vào được tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, nơi có hàng hàng lớp lớp người vây quanh cố gắng vượt qua cánh cổng sắt để có chỗ ngồi trên những chuyến trực thăng bay ra Hạm Đội số 7 đang đợi ở hải phận quốc tế gần Vũng Tầu. Bố tôi gặp ông đại tá quân đội Hoa Kỳ đã hứa giúp gia đình chúng tôi di tản từ nhiều ngày trước. Ông này xin lỗi chưa giúp được và khuyên bố tôi nên ở lại tòa đại sứ để di tản bằng trực thăng ra hạm đội cùng ông. Bố tôi bảo ông rằng bố không thể đi một mình khi gia đình kẹt lại. Thuyết phục bố tôi không được, ông viết một tờ thư, ghi rõ tên và cấp bậc ông để yêu cầu những quân nhân Mỹ tại phi trường Tân Sơn Nhất có trách nhiệm giúp người Việt rời Sài Gòn chấp thuận cho gia đình tôi lên một chuyến bay vào sáng sớm ngày 30. Sau đó, ông cùng một người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đưa bố tôi ra cửa sau của tòa đại sứ để ra ngoài. “Mình sẽ ra phi trường trước 7 giờ sáng mai,” bố tôi bảo chúng tôi. “Sống thì sống hết! Chết thì chết hết!”, ông nói thêm, một cách dứt khoát.

Vấn đề đặt ra là Sài Gòn đang trong tình trạng thiết quân luật và cư xá đang bị phong tỏa. Với chiếc lon trung tá trên cổ áo, bố tôi có thể ra khỏi cổng cư xá dễ dàng nhưng vợ con sẽ bị chận lại. May mắn thay, khoảng nửa tiếng sau, đài phát thanh Sài Gòn phát ra bản tin tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh các quân nhân, công chức phải trình diện nhiệm sở vào 8 giờ sáng hôm sau. Chúng tôi bàn nhau sẽ khởi hành sáng sớm với xe hơi bố tôi lái, trên xe có các em tôi, cô em kế tôi chở ông chú thiếu tá trên chiếc PC, ông chú đại úy chở mẹ tôi trên chiếc Vespa của ông, và tôi chở một cô em trên chiếc Lambretta. Chúng tôi sẽ bảo lính canh và các Nhân Dân Tự Vệ là đi trình diện nhiệm sở và không yên tâm khi để phụ nữ và trẻ em ở nhà trong tình trạng bất an. Bàn bạc xong xuôi, mọi người uể oải ăn cơm tối rồi đi nghỉ, lấy sức cho một ngày đầy cam go sắp đến.

Tôi vào giường, nằm thao thức trong mớ hỗn độn của những âm thanh xa gần vọng đến. Tiếng động cơ máy bay vần vũ trên trời, tiếng đại bác nổ vang xen kẽ với tiếng súng lớn, súng nhỏ từng phát, từng tràng liên tục, và tiếng kinh cầu của mẹ tôi vọng đến từ bàn thờ. Mãi đến hơn một giờ sáng, tôi vẫn trằn trọc trong khi các em ở những giường bên đã yên giấc. Tôi bước xuống giường, soi đèn pin vào tủ sách rút đại ra một quyển, vặn ngọn đèn nhỏ đầu giường nằm đọc để quên đi thực tại. Đó là quyển Vợ Chồng Son, truyện phóng tác của Hoàng Hải Thủy mà tôi đã đọc từ năm, bẩy năm trước. Đến hôm nay nghĩ lại, tôi không thể tưởng tượng được trong lúc cả thành phố đang rung chuyển dưới cơn lửa đạn, bao nhiêu người đang thấp thỏm trước một tương lai tăm tối đầy tai ương mà tôi có thể nằm suốt đêm để ngốn xong một quyển tiểu thuyết với nội dung hài hước. Tôi vẫn biết ngày trước, ông Đỗ Mục chê các cô gái nước Thương qua hai câu thơ “Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu đình hoa” (cô gái nước Thương không biết đến nỗi hận mất nước, ở bên kia sông còn hát khúc Hậu Đình Hoa là khúc hát tình tứ, du dương). Thôi thì xem như mình không thể làm gì để thay đổi vận mệnh nước thì sách vở là sự khuây khoả tốt nhất dành cho người đang tuyệt vọng. 

Tìm Đường Di Tản

Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, tức sáng sớm ngày 30 tháng Tư, khi mẹ tôi đánh thức cả nhà thì tôi vừa đọc xong quyển truyện. Nửa tiếng sau, mọi người lên đường. Trước khi rời nhà, tôi định mang bốn quyển album đầy hình ảnh gia đình trong hơn 20 năm kể từ những ngày bố mẹ tôi sống ở Hà Nội trước khi di cư vào Nam. Tuy nhiên, lúc bấy giở, tôi thật sự nghĩ gia đình không đi thoát và sẽ trở về trong ngày nên thôi. Quyết định này khiến tôi ân hận cả đời. Chiều hôm ấy, khi những người lính Cộng sản đầu tiên tiến vào cư xá, hai người cô tôi, tức em ruột của bố tôi, đến nhà tôi mang tất cả quân phục của bố tôi, bốn quyển album, các giấy tờ chúng tôi để lại mang ra sân sau đốt sạch. Đúng mười lăm năm sau, khi mẹ tôi về Việt Nam lần đầu để thăm thân nhân, bà xin được vài tấm ảnh đã tặng cho họ ngày trước, trong đó có tấm tôi vừa đúng ba tháng tuổi đang nằm lẫy trong hiệu ảnh Tân Việt ở Hà Nội.

Sáng hôm ấy, khi bước ra sân trước, chúng tôi trông thấy cô em gái thứ hai tôi đã lập gia đình cùng chồng, đứa con trai một tuổi và cả bà mẹ chồng. Hôm trước, bố tôi dặn con gái và con rể đến đúng 6 giờ rưỡi sáng để cùng đi. Sự hiện diện của mẹ chồng cô với chiếc va ly khá to trong khi gia đình tôi, mỗi người chỉ một túi xách nhỏ bằng vải với hai bộ quần áo là điều không định trước. Tuy nhiên, đã như thế thì cứ như thế. Bà có mang theo con mèo của bà chắc chúng tôi cũng đành chịu. Chúng tôi chia nhau lên các xe như đã bàn với nhau. Cậu em rể và bà mẹ ngồi trên xe hơi với các em tôi.

Khi chúng tôi chuẩn bị rời nhà, một người bạn bố tôi gọi điện thoại cho biết Việt Cộng đã về đến Ngã Ba Ông Tạ, nơi nằm trên quãng đường ngắn nhất từ nhà tôi đến phi trường, lộ trình chúng tôi chọn từ tối hôm trước. Vì vậy, bố tôi quyết định sẽ đi qua cổng sau cư xá thay vì cổng trước, rẽ trái đường Tô Hiến Thành, gửi xe gắn máy tại nhà một người bạn của bố tôi ở ngã ba Tô Hiến Thành và Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), rồi tất cả lên xe hơi, đi đọc theo đường Lê Văn Duyệt về hướng trung tâm thủ đô, rẽ trái đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng), rẽ trái đường Trương Minh Giảng (sau 1975 thành Trần Quốc Thảo), vài cây số nữa Trương Minh Giảng đổi thành Trương Minh Ký (tức Lê Văn Sĩ bây giờ) dẫn đến phi trường.

Ra đến xe, bố tôi đưa cho tôi khẩu súng lục Colt 45 còn ông giữ khẩu Smith Wesson 38 mà chúng ta vẫn gọi là “súng sáu” để phòng thân. Ông biết tôi bắn Colt 45 rất khá. 

Đến cổng sau cư xá, nghe chúng tôi nói phải đi trình diện nhiệm sở theo lệnh của tổng thống, những người lính gác và Nhân Dân Tự Vệ mở cổng cho chúng tôi ra.

Sau khi chúng tôi gửi các xe gắn máy ở nhà người bạn bố tôi, mọi người cùng lên xe hơi. Riêng chú út chúng tôi quay về để đợi đoàn tụ với vợ và con còn ở Ban Mê Thuột. Chiếc xe Opel nhỏ của bố tôi phải chở 15 người kể cả hành lý gồm bố mẹ tôi, ông chú thiếu tá ngành tình báo, 9 anh chị em chúng tôi, chồng và đứa con một tuổi của em tôi, cùng bà mẹ chồng cô. Người này ngồi trên đùi người kia sát chặt vào nhau như những khoanh cá trong một hộp cá mòi.

Khi xe chạy trên đường Lê Văn Duyệt, tôi chứng kiến một khung cảnh vừa hỗn loạn, vừa thê thảm. Đường phố đầy người ngược xuôi như đàn kiến nhớn nhác túa ra khi tổ bị một đứa trẻ cầm que chọc vào. Dọc hai bên lề đường, ngổn ngang những bộ quân phục, giầy bốt, mũ sắt, và cả súng đạn của những người lính tan hàng vứt lại. Đâu đó có những xác người được phủ một chiếc chăn hay chiếu trên vỉa hè. Thỉnh thoảng, chúng tôi chứng kiến cảnh những người khuân bao gạo, bàn, ghế, tủ, và cả nồi niêu nửa đi nửa chạy trên đường. Có lẽ họ vừa đột nhập vào những căn nhà không còn người ở để hôi của. Khi xe đi qua Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô trên đường Lê Văn Duyệt, tôi trông thấy một xe tăng M-48, loại tăng lớn nhất và tối tân nhất mà Hoa Kỳ viện trợ cho quân lực VNCH trong cuộc chiến, nằm giữa lòng đường với nòng đại bác chúc thẳng lên trời. Người lính trưởng xa chiếc xe tăng này quả là người có cái tâm tốt lành. Trước khi rời xe, anh cẩn thận ngước nòng súng lên cao để địch quân từ xa nhận biết chiếc tăng đã bỏ cuộc chơi nên không nã đạn vào, gây thương vong cho dân chúng gần đó.

Đến cầu Trương Minh Giảng gần Đại Học Vạn Hạnh, xe chúng tôi bị chận lại bởi một toán Biệt Cách Dù đang bố trí dọc cầu. Người trung uý, có vẻ là trưởng toán, tiến đến xe. Trông thấy bố tôi đang trong bộ quân phục với lon trung tá, anh đưa tay lên chào. Đó là lần cuối bố tôi nhận được kiểu chào đúng quân kỷ của một người dưới cấp trong 24 năm quân ngũ của ông. Sau khi nghe bố tôi nói rõ mục đích, anh cho biết phi trường đã bị Cộng quân chiếm từ rạng sáng và khuyên bố tôi đưa gia đình về nhà cho an toàn vì Việt Cộng đã trà trộn với dân trong thành phố. Anh cũng để nghị bố tôi thay bộ quân phục bằng thường phục dù đang ngồi trong xe.

Thất vọng, bố tôi quay xe lại, rồi ngừng xe bên đường để cởi chiếc áo quân nhân ra thay bằng áo polo tôi mang theo. Ông bảo “thua keo này, ta bầy keo khác,” và lái xe đến bộ tư lệnh Hải quân gần đường Cường Để (nay là đường Tôn Đức Thắng) hy vọng gặp vài sĩ quan cao cấp ông quen biết để nhờ giúp gia đình lên một chiến hạm di tản. Đến nơi, chúng tôi thấy đường dẫn vào bộ tư lệnh đã bị chắn ngang bởi những hàng rào sắt với kẽm gai. Toán lính gác cho bố tôi biết tất cả những tầu Hải quân còn sử dụng được đã ra đi trong đêm. Nhớ lại mà tôi cảm thấy ngưỡng mộ các anh, dù biết rõ cấp chỉ huy đã ra đi, họ vẫn ở lại thi hành trách nhiệm cho đến giây phút cuối cùng của chế độ họ đang phục vụ.

Nước đã tràn vào thuyền, chẳng lẽ buông xuôi để chìm trong biển đỏ, thôi thì “còn nước, còn tát,” bố tôi quay đầu xe hướng đến bến Bạch Đằng với hy vọng mong manh gặp một chiếc tầu đang đậu ở đó. Khi bố tôi lái xe dọc theo bến, chúng tôi trông thấy xa xa có một tầu buôn lớn lố nhố đầu người trên boong. Ông đậu xe dưới một tàng cây ven bến, cách tầu khoảng 200 mét, tức gần gấp đôi chiều dài sân bóng, và bảo tôi lên tầu hỏi những người trên đó xem tầu có rời bến không. Tất cả mọi người ngồi đợi trong xe, tôi chạy nhanh đến tầu. Đây là một chiếc tầu chở hàng vượt đại dương, trên mạn có sơn tên Đông Hải, và đang cập sát một chiếc tầu lớn khác có vẻ như đang hỏng vì sàn tầu đầy rác rưởi và không có ai ngồi trên boong. Tôi trèo thang lên chiếc tầu hỏng, bước đến thành tầu đối diện sát thành tầu Đông Hải để trèo qua con tầu đầy người này. 

– Tầu này có đi không? Tôi hỏi người đàn ông gần tôi đang ngồi bệt trên sàn tầu cùng những người có lẽ trong gia đình ông.

– Tôi cũng không biết! Ông ta trả lời.

– Không biết sao ngồi đây?

– Thì thấy người ta ngồi nên mình cũng ngồi.

Hỏi vài ba ngồi gần đó, cũng không ai biết tầu có đi hay không.

Tôi trở lại xe, trình bầy những điều tai nghe mắt thấy cho mọi người. Sau ít phút bàn thảo, tất cả rời xe đi đến tầu, ngoại trừ tôi. Trong vài ngày qua, tại bến Bạch Đằng, có một đoàn quân hôi của, lùng sục khắp nơi để lấy những xe gắn máy, xe hơi do những người đi tản để lại trên bến. Với những xe hơi họ không nổ máy được hoặc không biết lái thì họ tháo bánh xe, gỡ bình điện, và lấy đi những phụ tùng khác có thể bán được. Với khẩu súng giắt trong lưng quần, tôi phải ở lại giữ xe để có phương tiện trở về nếu không tìm được tầu di tản.

Bước ra khỏi xe, tôi bật que diêm đốt điếu thuốc đầu ngày. Bỗng có gã thanh niên gầy gò, áo quần luộm thuộm bước đến.

– Lương xe hả? Cho em ké cái bánh nhé! Gã nhăn nhở cười hì hì nói (“lương” là tiếng lóng của giới giang hồ lúc bấy giờ, có nghĩa là lấy trộm).

– Lương mẹ gì? Xe tui đó cha!

Mặt tiu nghỉu, gã biến đi thật nhanh.

Hút xong điếu thuốc, tôi vào xe ngồi ở ghế tài xế để những tên đang lùng sục các xe bỏ lại trên bến biết xe có chủ nên không đến làm phiền. Tôi nhớ đến những bài báo thuật cảnh hàng ngàn người chen chúc nhau trên những chuyến tầu xuôi Nam sau khi miền Trung thất thủ trong tháng trước. Trên những chuyến tầu đó, biết bao trẻ em đã chết vì đói khát, và bị hải táng vào lòng biển. Gia đình tôi, vì tưởng có thể đi tản bằng phi cơ nên không mang theo chút thực phẩm và nước uống nào. Các đứa em nhỏ của tôi, đứa lên 9, đứa lên 7, đứa lên 5, đứa 21 tháng và đứa cháu đang chập chững tập đi chắc khó thế vượt qua cuộc hải trình cam go này mà không có cái để ăn, để uống.

Hơn nửa tiếng sau, có lẽ khoảng 9 giờ, mặt trời lên cao, nắng gắt chan hòa, trời trở nên nóng nực, tôi quyết định lên tầu gọi cả nhà ra về. Tuy nhiên, tôi e khi mình bước đi, chỉ trong dăm bẩy phút, sẽ có kẻ bất lương đến tháo bánh xe, lấy bình điện, hoặc tệ hơn, câu giây điện để nổ máy rồi lái xe đi. Đang ngập ngừng tiến thoái lưỡng nan, chợt có một trung đội Nhẩy Dù kéo đến bố trí cạnh gốc cây nơi xe chúng tôi đang đậu. Tôi bước đến hỏi han anh chuẩn uý trung đội trưởng, một sĩ quan Thủ Đức sau tôi vài khoá. Anh cho biết trung đội của anh vừa trải qua một đêm quần thảo với Cộng quân ở Hàng Xanh, gần xa lộ Biên Hoà để ngăn địch tiến vào Sài Gòn. Và rồi, vì thiếu đạn dược nên phải rút về đây. Anh cho trung đội đóng tạm nơi này để chờ lệnh. Chỉ tay về chiếc tầu Đông Hải, tôi bảo anh rằng gia đình tôi đang ở trên tầu. Tôi cần lên đó để gọi mọi người về và nhờ anh trông hộ chiếc xe cho tôi, không để kẻ bất lương lấy trộm. Tôi sẽ trở lại trong khoảng 10 phút. Anh gật đầu đồng ý và nói dứt khoát: “Anh yên tâm! Tôi giữ xe cho anh!”

Trở lại lên tầu Đông Hải, tôi nhanh chóng tìm được gia đình trong đám đông hỗn tạp. Tôi trình bầy với mọi người nỗi lo âu của tôi. Tất cả đồng ý trở về. Chúng tôi lần lượt, người lớn bế trẻ em, trèo qua thành tầu Đông Hải, bước vào con tầu hỏng bên cạnh để xuống bến. 

Khi mọi người qua hết con tầu hỏng, nhìn sang tầu Đông Hải không thấy chú tôi. Chúng tôi biết ông chắc chắn không về theo vì vợ con ông đã được người Mỹ cho di tản bằng đường hàng không như đã kể. Ông phải tìm mọi cách để đi. Tôi bước dọc theo thành con tầu hỏng tìm ông đứng lẫn lộn trong đám đông trên tầu Đông Hải, vừa đi vừa lớn tiếng gọi tên ông để báo ông biết chúng tôi quyết định trở về. Đúng lúc ấy có tiếng đạn pháo kích nối tiếp nhau nổ long trời lở đất. Bụi bốc lên mờ mịt ngay chỗ trung đội Nhẩy Dù đang bố trí dưới gốc cây bên cạnh xe hơi của chúng tôi. Rõ ràng là tiền sát viên Việt Cộng trà trộn trong dân đã chỉ điểm cho một đơn vị pháo binh của họ đội pháo vào vị trí toán quân Nhẩy Dù. Chợt có tiếng kêu to từ tầu Đông Hải: “Việt Cộng pháo kích! Nổ máy! Chặt neo!” Tiếng máy tầu rung lên rồi tôi trông thấy một người cầm chiếc rìu lớn chặt dây neo. Giây đứt, con tầu tự động chậm rãi tách ra khỏi chiếc tầu hỏng. Mọi người trong gia đình hối hả trèo lại sang tầu Đông Hải. Bố tôi sang trước, tôi đủn những người khác qua thành tầu, bố cầm tay đỡ xuống. Những đứa trẻ thì tôi bế lên chuyền cho bố tôi. Đến khi tôi ném những túi quần áo cho bố tôi thì tầu Đông Hải đã tách ra hơn một thước nên tôi phải lấy sức nhẩy sang. Có lẽ tôi là người cuối cùng từ con tầu hỏng sang được tầu Đông Hài.

Khi tầu tách xa khoảng ba hay bốn thước, tôi trông thấy một đứa bé trai khoảng năm tuổi đứng trên boong con tầu hỏng, hai tay khoắng loạn lên trời vừa nhẩy tưng tưng vừa khóc gào “Ba ơi! Ba ơi!” Trên tầu Đông Hải, có cặp vợ chồng đứng sát thành tầu nức nở thét to “Con ơi! Con ơi!” Những tiếng gào tiếng thét chìm vào tiếng đạn pháo nổ dập dồn trên bến. 

Tầu dời xa dần bến.

Hỏi chuyện những người đứng gần, tôi được biết cặp vợ chồng đang vật vã khóc đã đưa được hai con lên tầu Đông Hải, đứa lớn là gái, khoảng 7, 8 tuổi, đứa bé là trai, lên 5 hay 6. Ngồi trên tầu khá lâu mà không thấy động tĩnh nên cũng như gia đình tôi, họ quyết định về. Khi sang con tầu hỏng thì đạn pháo rơi trên bến và tầu Đông Hải mở máy chạy, họ vội vã trở sang tầu Đông Hải mà quên mang theo đứa con trai. Tôi chạnh lòng thương đứa trẻ, đời sẽ dẫn nó đến đâu? Tôi chạnh lòng thương cặp vợ chồng lạc con, ắt họ sẽ mãi mãi phải sống với nỗi buồn xé nát tâm can và cảm giác tội lỗi trong những ngày còn sống. Người xưa có câu thành ngữ “can trường thốn đoạn” có nghĩa ruột gan đứt ra từng đoạn để chỉ người cha, người mẹ mất con. Đứa con chết đi, bậc cha mẹ đau đớn có thể ngước lên trông Trời mà trách móc “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống Trời hay không Trời” nhưng rồi sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Đằng này, đứa con nhỏ bị dứt ra khỏi đời mình vì một sơ suất của chính mình. Mỗi lần nhớ đến đứa con, chắc chắn họ lại đau đớn tự hỏi thằng bé giờ ra sao, sống chết thế nào, đói hay no, khổ nhiều hay khổ ít. Cầu xin Thượng Đế giữ gìn, che chở họ cho đến ngày cha, mẹ, chị, em, được đoàn tụ.

Đường Ra Vũng Tầu 

Tầu đi được khoảng gần hai tiếng, khi đến chỗ sông Sài Gòn đổi tên thành sông Lòng Tảo, trời bỗng đổ cơn mưa rào, tuy không kéo dài nhưng cũng khiến mọi người ướt sũng. Có lẽ vì cả đêm trước không ngủ, đang bần thần, bải hoải nên tôi rét run cả người. Đứng gần tôi là một cô bé trạc 16, 17. Trông thấy tôi đang co ro, run lên từng chập nên cô mở va ly mang theo, lấy chiếc áo len cho tôi mượn. Dáng cô nhỏ hơn tôi khá nhiều nhưng áo đan bằng sợi len có thể dãn ra nên tôi cài nút được. Tôi đã mặc chiếc áo này cho đến lúc cơn mưa dứt và đợi cho áo khô mới trả lại cô. Lúc tàu khởi hành, tôi trông thấy cô ngồi dựa vào thành tầu, tay ôm hai đứa trẻ, gái độ 10 tuổi, trai chắc lên 5, và sùi sụt khóc. Hỏi thăm cô, tôi được biết ba chị em được mẹ dẫn lên tầu. Ngồi trên tầu một chốc, cậu em kêu đói nên bà mẹ xuống bến tìm mua bánh mì cho con và cho cả gia đình để dành ăn trong những ngày sắp tới. Bà vừa xuống bến độ dăm phút thì tầu chạy. Chuyện gia đình cô và chuyện đứa trẻ bị lạc cha mẹ ở bến tầu chỉ là hai trong hàng vạn câu chuyện “đau lòng kẻ ở người đi; lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm?” (Truyện Kiều) trên quê hương ta trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. 

Khoảng hai giờ chiều, có lẽ tầu Đông Hải đã đi được quá nửa đoạn sông Sài Gòn – Vũng Tầu, qua chiếc máy phát thanh nhỏ của người đứng gần, chúng tôi nghe tiếng ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Có những tiếng bật khóc nức nở chung quanh tôi. Thế là hết! 

Tin tức ông Dương Văn Minh ra lệnh quân đội buông súng đầu hàng vô điều kiện khiến những người trên tầu vừa bàng hoàng vừa lo lắng cho sự an toàn của con tầu. Khoảng một tiếng sau, đài Sài Gòn phát lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ngồi trong phòng vi âm của đài ca ngợi thành quả thống nhất đất nước của Cộng sản và lên án những người bỏ nước tìm tự do là những kẻ phản bội. Sau đó, ông hát vang ca khúc Nối Vòng Tay Lớn với tiếng vỗ tay theo nhịp của những người trong cái gọi là “Uỷ Ban Cách Mạng Lâm Thời” đang hiện diện tại đài phát thanh.

Tôi không hiểu ông Trịnh Công Sơn có bao giờ nhận thức được chính mảnh đất miền Nam tự do đã nuôi dưỡng, cưu mang ông và cung cấp cho ông môi trường thuận lợi để ông sáng tác? Thử tưởng tượng nếu sống ở miền Bắc, dù có thể tự học nhạc, chắc chắn ông chỉ được phép viết lên những ca khúc tầm thường xưng tụng bác và đảng, như bao văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ nô bộc của chế độ. Xét ở khía cạnh này thì chính ông mới là kẻ phản bội miền Nam tự do, phản bội những người thiết tha yêu mến nhạc của ông, đã xúm lại công kênh ông lên đỉnh cao ngất ngưởng của âm nhạc Việt.

Về sau, tôi được biết kể từ khi miền Nam đổi chủ, ông Trịnh Công Sơn đã viết cả trăm ca khúc thuộc loại nhạc “giác ngộ cách mạng,” nhưng những sáng tác này của ông nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. 

Tầu tiếp tục chạy, khi đến cửa Cần Giờ, cách Vũng Tầu chỉ khoảng 20 cây số đường sông, bỗng có những tiếng nổ vang và những cột nước bắn lên tung toé gần tầu. “Nằm xuống! Việt Công bắn!” Tiếng người hét lên và mọi người nằm rạp xuống sàn tầu.” Sau này tôi biết nơi đây chính là khúc sông Việt Cộng từ bờ bắn vào tầu Việt Nam Thương Tín, con tầu khởi hành tuy sau nhưng khi đến sông Lòng Tảo đã vượt qua tầu Đông Hải, khiến nhà văn Chu Tử bị thiệt mạng. Có lẽ họ vừa bắn bằng súng cối vừa bằng B40 vì khúc sông khá hẹp. 

Khi tầu vượt qua tầm súng Việt Cộng, mọi người lồm cồm trổi dậy. Đứng bên thành tầu, vài phút sau, chúng tôi trông thấy ba, bốn chiếc thuyền máy trông giống như giang tốc đỉnh của Hải quân đuổi theo. Vài người trên thuyền cầm súng trường hướng lên trời bắn chỉ thiên như ra lệnh tầu ngừng lại. Lại có tiếng la to “Việt Cộng đuổi! Chạy nhanh lên! Nhanh lên!” Chẳng hiểu tiếng la hét dục tầu đi nhanh có vọng đến phòng lái hay không nhưng tôi có cảm tưởng như tầu đang dần tăng tốc độ. Tuy nhiên, khoảng cách giữa những chiếc thuyền máy và tầu dần dần thu hẹp theo từng phát đạn vang đến từ thuyền. Mọi người trên tầu hoảng loạn, kẻ nằm sóng soài trên boong, người đứng sát mạn tầu nhô đầu lên lo âu nhìn về hướng những chiếc thuyền đang xả hết tốc lực đuổi theo.

Trong thoáng chốc, tôi tưởng tượng ra cảnh đám lính Việt Cộng chặn tầu lại, bắt tầu tấp vào gần bờ, lùa dân trên tầu lội nước vào khu rừng bên cạnh. Họ chia người di tản ra làm hai, đàn ông trong tuổi lính đứng một bên, người già, phụ nữ, và trẻ con một bên, rồi nổ súng từng loạt vào những người đàn ông. Đúng thế, họ sẽ làm như đã làm đối với những đoàn người di tản mà họ chận lại trên Liên Tỉnh Lộ 7B và những nạn nhân của họ trong dịp Tết Mậu Thân ở Huế như tôi được biết qua các bài báo. Ồ không đúng, ở Huế thì họ không mất công chia ra làm hai mà lính tráng hay thường dân, đàn ông hay đàn bà, người già hay con trẻ cùng chung số phận như nhau, tức cùng bị giết. Các hố chôn tập thể được khai quật cho thấy rõ ràng sự công bằng, không phân biệt nam phụ lão ấu đối với các nạn nhân của họ. Tôi chuẩn bị cách đối phó, lòng tự nhủ “chết là cùng!”

Tuy nhiên, bố tôi bảo tôi đưa ông khẩu Colt 45. Ông lấy khẩu súng sáu ông đang giữ thả xuống biển rồi nhét khẩu Colt 45 vào bụng. Kế đó, ông nói tôi đưa ví cho ông. Mở ví tôi ra, ông lấy thẻ căn cước quân nhân và thẻ sinh viên trường QGHC có in cờ vàng ba sọc đỏ của tôi ném xuống biển như đã ném súng, rồi trao ví lại cho tôi. Ông bảo nhà còn mẹ, còn em, Việt Cộng bắt thì đừng chống cự, cứ nói là dân thường. Lúc bấy giờ người trên tầu nghĩ những người đang ngồi thuyền máy, bắn súng đuổi theo là Việt Cộng. Bố tôi giữ súng và giữ cả thẻ quân nhân ghi cấp bậc trung tá là quyết chống cự địch, nhưng buộc tôi không được liều mạng như ông.

Cuộc rượt đuổi kéo dài cũng cả mươi phút. Tuy nhiên, mọi người thở phào khi những thuyền máy đến gần. Đó không phải Việt Cộng mà là những người lính Việt Nam Cộng Hoà muốn được lên tầu Đông Hải vì biết những thuyền nhỏ của họ không thể ra biển. Tầu Đông Hải đi chậm lại để những người lính này trèo thang ở mạn tầu lên boong.

Ra Khơi: Những Ngày Đói Khát 

Khoảng 5 giờ chiều hôm ấy, tầu Đông Hải vượt qua Vũng Tầu và hướng đến hải phận quốc tế. Mọi người cùng bùi ngùi nhìn về thành phố Vũng Tầu xa dần, xa dần trong tầm mắt, “đoái trông muôn dặm tử phần, hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” (Truyện Kiều). Lúc đó, cũng như tôi, những người trên tầu nghĩ không bao giờ có thể trở về thăm quê hương, gặp lại người thân yêu, và tương lai thì đầy bất trắc.

Ra đến hải phận quốc tế, chúng tôi trông thấy rất nhiều thuyền nhỏ chung quanh. Mặt trời xuống dần rồi chìm vào lòng biển. Tầu Đông Hải ngưng chạy và bồng bềnh trên sóng nước suốt đêm. Thủy thủ đoàn đã neo tầu lại bằng neo khác vì một giây neo đã bị chặt đứt khi tầu khởi hành. Trong thời gian tầu được neo, nhiều thuyền nhỏ, trong đó có những thuyền đánh cá, cập vào để xin phép lên tầu và họ đều được chấp thuận.

Đêm xuống, tôi đứng tựa người vào thành tầu nhìn ra ngoài. Biển đêm thật đẹp. Ảnh trăng hạ huyền vẽ một đường lấp lánh trên mặt sóng lăn tăn, từ hướng mặt trăng ở chốn xa xăm chạy dài đến con tầu như chia đôi mặt biển. Tôi đã mang ơn đất và hôm nay tôi mang ơn biển. Trong một trận chiến năm xưa, khi đang nằm bẹp dí trên mặt đất thì một quả đạn pháo rơi cách tôi chỉ dăm thước. Tôi không hề hấn gì vì đất che chở tôi. Hôm nay biển cưu mang chúng tôi, đưa chúng tôi thoát khỏi địa ngục của trần thế.

Biển cả bao la trước mặt tôi, bầu trời sao khuya lấp lánh trên đầu tôi, không khí chúng ta đang thở, sinh vật dưới biển, chim chóc trên trời, các động vật trên mặt đất, núi, rừng, ngày, đêm, cỏ, cây, hoa, lá, và loài người là những tác phẩm tuyệt diệu chỉ có thể hoàn thành bởi bàn tay Thượng Đế. Tôi tự hỏi tại sao với quyền uy và phép mầu như vậy, sau khi dựng nên con người, Ngài lại để cho bao cảnh bi thảm, bao mối thương tâm xẩy ra trong lịch sử nhân loại. Loạn lạc, thiên tai, chiến tranh, kế cả những cuộc thánh chiến mà cả hai phe cùng nhân danh Ngài, thời nào cũng có. Có chiến tranh thì có hằng hà sa số cảnh người giết hại người, cha mất con, vợ mất chồng, những kiếp người lầm than, những mảnh đời khốn khổ. Phải chăng vì vậy mà Friedrich Nietzsche, triết gia nổi tiếng người Đức trong thế kỷ 19, từng tuyên bố “Thượng Đế đã chết” để ám chỉ (vì một lý do nào đó) Thượng Đế đã quay mặt không đếm xỉa đến loài người sau khi tạo ra sinh vật có thể gọi là tác phẩm vĩ đại nhất của Ngài? Có lẽ vì chịu ảnh hưởng của Nietzsche, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mở đầu ca khúc Này Em Có Nhớ của ông với câu “Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người, này em xin cứ phụ người.”

Sau khi đứng ngắm biển đêm một lúc, tôi tìm một chỗ trên sàn tầu lúc nhúc những người là người để nằm dỗ giấc ngủ. Nằm ngửa mặt nhìn bầu trời khuya chi chít những vì sao lấp lánh, tôi nhớ đến những khuôn mặt thân quen, họ hàng có, bạn hữu có, mà lúc ấy mình nghĩ đã vĩnh viễn rời xa. Nổi bật trong số này là hai đứa bạn gắn bó với tôi từ những ngày thơ ấu và có với nhau rất nhiều kỷ niệm, cùng một cô bạn khả ái người Huế có thể gọi là tâm giao nhưng chúng tôi chưa bao giờ vượt quá ranh giới của tình bạn. Tưởng tượng nét mặt bần thần của họ khi đến nhà tôi hôm nay hay ngày mai, bấm chuông không ai mở cửa mà thấy xót lòng. Tôi vui mừng vì đã thoát được Cộng sản nhưng buồn rầu, đau đớn vì những ly tan, cùng những mơ ước, những kế hoạch cho đời đã tan thành mây khói. Bao nỗi vui buồn va vào nhau, xô đẩy nhau trong tôi khiến tôi không ngủ được mặc dầu vừa trải qua đêm thức trắng. Lúc ấy, tôi chưa biết được thời gian rồi sẽ là liều thuốc chữa lành vết thương dù để lại trong ta những đường, ngấn sẹo suốt đời.

Một gia đình Công Giáo gần chỗ tôi nằm cất tiếng đọc kinh. Vài người chung quanh phụ họa. Khi hoang mang, lo lắng, trẻ con cậy đến cha mẹ còn cha mẹ cậy đến Chúa, Phật. Con người, khi đã trưởng thành, thường gần Phật hay Chúa nhất trong lúc nguy nan, gần đến nỗi có cảm tưởng mình cố vươn tay cao thêm một chút là có thể chạm đến trái tim từ ái của các ngài. Kể từ khi con người tin vào Thượng Đế hay Đấng Chí Tôn theo cách riêng của từng tôn giáo, họ đã cậy đến Ngài trong cơn nguy khốn. Ngài có lắng nghe những lời cầu xin của đàn con không, tôi không biết. Tuy nhiên tôi biết chắc một điều rằng Ngài không bị thiệt thòi. Nếu kẻ cầu xin rốt cục được tai qua nạn khỏi, họ tin đã được Ngài phù hộ. Trong trường hợp ngược lại, họ chép miệng thở dài “cái số mình như vậy” và vẫn một mực yêu mến, thờ kính, tin tưởng nơi Ngài. Thôi thì cứ mơ mộng, cứ cầu xin, đáp ứng hay không là việc riêng của Ngài. Dù sao, sự tin tưởng là điều cứu rỗi trong lúc ấy và chẳng thiệt thòi gì khi mình có một niềm tin. Ít ra nó cũng mang đến cho mình hy vọng.

Nhưng rồi, quá mệt mỏi, cuối cùng tôi cũng chợp mắt được khi giấc mơ về một ngày mai tươi sáng vẫn còn dang dở.

Tờ mờ sớm hôm sau, tiếng léo nhéo của những người chung quanh đánh thức tôi. Vừa ngồi dậy, tôi cảm thấy lưng áo mình ướt đẫm. Sờ tay vào sàn tầu, tôi thấy râm rấp nước. Chẳng lẽ mình ngủ say đến độ mưa xuống mà không biết. Sinh nghi, tôi đưa tay lên mũi ngửi thì rõ ràng là nước tiểu. Hàng ngàn người chen chúc trên sàn tầu mà không có một nhà vệ sinh nào trong tầm mắt thì tiểu tại chỗ, nhất là các em nhỏ, là chuyện thường. Đành tự an ủi trong cái rủi có cái may, người ta không đại tiện ra sàn tầu gần chỗ mình nằm là tốt rồi. 

Tôi nhặt chiếc túi đặt dưới sàn tầu đựng hai bộ quần áo mang theo định lấy một chiếc áo ra thay thì mới hay lớp vải chiếc túi cũng đẫm nước. Thôi thì cứ như vậy mà lạy trời mưa xuống.

Tầu Đông Hải nổ máy, chuyển minh rồi lầm lũi trôi đi trên mặt nước biếc xanh như ngọc. Nếu gạt bỏ được những xao động trong tâm tư, chắc những người trên tầu sẽ chứng kiến được vẻ đẹp tuyệt vời của biển Đông trong buổi bình minh sóng lặng như sáng hôm ấy, ngày 1 tháng 5 năm 1975. Chẳng ai ngờ, chỉ vài năm sau cũng chính biến Đông này đã nổi cơn thịnh nộ nuốt chìm hàng chục ngàn, có lẽ đúng hơn là hàng trăm ngàn thuyền nhân phải bỏ nước ra đi như chúng tôi ngày hôm ấy.

Xa xa, trong màn sương sớm, thấp thoáng một chiếc tầu trông giống chiến hạm. Tiến đến gần, chúng tôi thấy đó là một chiến hạm Hoa Kỳ với những người Việt tỵ nạn lố nhố đứng trên boong nhìn về tầu chúng tôi. Thủy thủ đoàn trên tầu Đông Hải quyết định cập vào chiến hạm Mỹ để xin họ cho những người trên tầu sang vì Đông Hải không có đủ thực phẩm cho số người trên tầu. Một trực thăng từ chiến hạm bay lên để quan sát số người đứng chật kín trên boong tầu. Loa phóng thanh trên chiến hạm phát ra những lời bằng Anh ngữ rồi ngay sau đó một người trên chiến hạm dịch sang Việt ngữ là trên tầu họ đã đầy người, không còn chỗ để chứa thêm; tầu chúng tôi phải tránh xa để giữ an toàn. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn Đông Hải vẫn lái tầu cập vào chiến hạm. Ngay lập tức một tràng đạn đại liên từ chiến hạm nổ chát chúa và chúng tôi nghe tiếng đạn bay cao veo véo trên tầu. Rõ ràng họ không muốn cho chúng tôi đến gần và bắn chỉ thiên cảnh cáo chúng tôi. 

Tôi không biết ai là trưởng tầu trên tầu Đông Hải, nhưng những người đang nắm vận mạng con tầu quyết định đưa tầu đi Tân Gia Ba. Với sự trợ giúp của một số thanh niên, các thủy thủ dựng được hai chòi vệ sinh bằng các thanh gỗ có bạt che gắn vào mạn trước của tầu, bên trái dành cho nam, bên phải dành cho nữ. Thế là giải quyết được nhu cầu cho những người di tản mà đến lúc ấy tôi mới biết có cả 2.000 người. Tôi cũng nghe một người trong thủy thủ đoàn kể rằng không có gia đình chủ tầu trong số người tỵ nạn. Sáng hôm trước, khi tầu neo trên bến Bạch Đằng, ông chủ tầu về nhà để đón vợ con. Lúc Việt Cộng pháo kích vào bến, một số quân nhân đã lên sẵn tầu, trong đó có nhiều người lính Hải quân, chặt giây neo và lái tầu đi. Cuộc đời có lắm oái oăm, chủ tầu bị bỏ lại, những người ông không hề quen biết dùng tầu ông tự do ra đi. Xin tạ ơn ông và mong ơn Trên bù lại cho ông công lao đã làm chủ một chiếc tầu đưa 2.000 người đến miền đất hứa.

Cũng đến lúc ấy, tôi mới biết gần giữa tầu có một chiếc thang đứng dẫn xuống khoang dùng để chứa hàng hoá nơi đang có chắc cũng phải bẩy hay tám trăm người la liệt đứng, ngồi, nằm. Để tránh nắng, mẹ tôi đưa các em nhỏ vào khoang. Và rồi, chúng tôi bắt đầu những ngày đói khát. Số bếp trên tầu chắc được thiết kế để đủ dùng cho một thủy thủ đoàn khoảng 30 người nên dĩ nhiên quá thiếu để phục vụ cho 2.000 người. Vì vậy, mỗi người chỉ được chia khoảng 5 thìa cơm trắng và 5 thìa nước hằng ngày. Xin nói cho rõ là thìa ở đây là cái muỗng cà phê. Điều may mắn là trên tầu có sẵn vài bao sữa bột nên các em nhỏ còn uống sữa hay bú chai được phát vài thìa sữa bột và khoảng nửa cốc nước; dĩ nhiên là nước lạnh chứ không phải nước nóng. 

Hai ngày sau, tầu Đông Hải vào hải phận Tân Gia Ba. Một chiến hạm hải quân của đảo quốc này hướng dẫn tầu đến bỏ neo trong vùng vịnh, xa xa là thành phố với những tòa building chọc trời. Mọi người phải chịu đựng cơn đói khát trong nhiều ngày nữa. Có lần trông thấy một gia đình bên cạnh lấy gói mì mang theo ra ăn sống vì không có nước và bỏ lại những túi bột gia vị mặn chát, cô em 12 tuổi của tôi xin họ rồi bóc những túi này ra chia cho ba em 9, 7, và 5 tuổi liếm cho đỡ thèm. Trên tầu, tôi gặp người bạn cùng khóa Đốc sự trường QGHC là anh Nguyễn Tử Nha, một sinh viên gốc quân nhân như tôi. Anh vốn là đại úy phục vụ tại Nha Kỹ Thuật trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, đơn vị hoạt động biệt kích thu thập tin tức tình báo để nhận biết hoạt động của địch. Anh có biệt tài châm cứu và tôi đã nhiều lần chứng kiến anh châm cứu bệnh nhân ngay trong khuôn viên Học Viện QGHC khi họ đến trường nhờ anh chữa bệnh. Khi di tản, anh xách theo túi kim và dụng cụ châm cứu. Anh đề nghị tôi để anh châm cứu cho cảm thấy đỡ đói. Tôi không tin tưởng lắm ở châm cứu nhưng đói quá hóa liều, đành nằm dài trên sàn tầu để anh cắm kim vào người. Thế mà sau đó tôi cảm thấy đỡ đói thật.

Mọi người trên tầu tiếp tục chịu đói thêm vài ngày, cho đến khi chúng tôi được nhà cầm quyền Tân Gia Ba tiếp tế lương thực bằng cách cho một tầu nhỏ đến sát tầu Đông Hải, ném những ổ bánh mì lên cho đám đông trên tầu giành giật. Những ổ bánh này có kích thước tương đương những ổ bán trong các siêu thị ở Mỹ nhưng không xẻ sẵn ra từng lát mỏng. Tham gia vào cuộc giành giật này cùng với các trai tráng trên tầu, tôi chụp được hai ổ. Khi bước về chỗ gia đình đang trú ngụ, trông thấy cô gái cho mượn áo len, tôi bẻ nửa ổ tặng ba chị em cô.

Hôm ấy, lúc chia phần bánh mì cho các em, tôi hả hê với cảm tưởng mình như một anh hùng khi trông thấy ánh mắt mừng vui của chúng. Tuy nhiên về sau, trưởng thành hơn, tôi thấy hỗ thẹn khi nhớ đến hành vi của mình tả xung hữu đột, chen lấn trong đám đông, xô nhau, đẩy nhau để chộp bắt những ổ bánh mì đang rơi xuống. Mình phải nhẩy cao hơn họ, phải vươn tay cao hơn họ. Trong nỗi hỗ thẹn, tôi lòng trấn an lòng rằng mình hành động như vậy để mang lợi ích cho thân nhân. Nhưng rồi tôi tự hỏi nếu chỉ có mình tôi trên chuyến tầu ấy, sau vài ngày nhịn đói, tôi có đủ dũng khí để làm kẻ bàng quan trong khi mình đủ sức tham gia cuộc giành giật ấy không? Rồi tôi buồn rầu vì tự hiểu chắc mình cũng không làm khác được. Thôi thì phải cậy đến câu nói của nhà hiền triết Plato để lòng còn thanh thản: “Trong mỗi chúng ta, ngay cả những người ôn hòa, chừng mực nhất, đều có một thứ ham muốn tồi tệ, hoang dã, và vô luật pháp.”

Khoảng 10 ngày sau khi tầu đến Tân Gia Ba, hải quân của đảo quốc này mang sà lan đến để chuyển hơn một nửa số người trên tầu Đông Hải sang những tầu buôn Việt Nam khác còn trống chỗ cũng đang neo trong vịnh và chỉ đường đến Subic Bay, một vịnh trên biển Đông thuộc lãnh thổ Phi Luật Tân và là căn cứ của Hải Quân Hoa Kỳ, nơi đang đón tiếp người tỵ nạn Việt Nam. Gia đình chúng tôi được chuyển lên tầu Long Hồ với số người trên tầu khoảng 700. Chính quyền Tân Gia Ba tiếp tế gạo, bánh mì, và thực phẩm đóng hộp cho chúng tôi đủ dùng trong hành trình. Thế là chấm dứt chuỗi ngày đói khát.

Từ lúc gia đình chúng tôi được chuyển sang tầu Long Hồ, tôi không gặp lại cô gái cho mượn áo len. Cô và hai em còn ở tầu Đông Hải. Về sau, tôi được biết tầu này đã từ Tân Gia Ba đến thẳng Guam, một hòn đảo thuộc Hoa Kỳ, ở phía tây của Thái Bình Dương, nơi từng đón tiếp cả trăm ngàn người Việt tỵ nạn trước khi họ được chuyển đến các trại tạm trú trên lục địa Hoa Kỳ.

Khi đến trại tạm cư trên đất Mỹ, một cô em tôi nhắc lại chuyện cô gái cho tôi mượn áo và bảo tôi đừng tưởng bở mà mộng mơ, có khi chiếc áo cô cho tôi mượn là của mẹ cô. Cô em khác hỏi đùa tôi sao anh hùng không bắt chước Từ Hải xưa mà cưu mang giai nhân. Tôi chưa kịp trả lời thì mẹ tôi đã phang cho câu thành ngữ “Ốc không mang nổi mình ốc, lại còn đòi mang cọc cho rêu.” Tôi vẫn tiếc đã quên hỏi tên cô hay đã hỏi mà giờ không nhớ. Thậm chí, bây giờ tôi không thể hình dung ra gương mặt cô mà chỉ nhớ cô có dung nhan phảng phất câu thơ của Trần Dạ Từ: “em mười sáu tuổi, trăng mười sáu.” Trong nỗi hoang mang, lo âu cho sự sống còn, không những cho mình mà còn cho cả gia đình, sự quên lãng này là điều đáng được tha thứ. Cầu mong cho cô và các em hạnh phúc, thành công trên xứ người trong nửa thế kỷ qua, và đã được đoàn tụ với bà mẹ.

Các Trại Tạm Trú Dành Cho Người Di Tản

Ba tuần sau khi rời Sài Gòn, chúng tôi đến Subic Bay vào một buổi tối. Hải quân Hoa Kỳ đưa sà lan ra đón nửa số người trên tầu Long Hồ vào tạm trú tại căn cứ này, trong đó có gia đình tôi. Đứng trên sà lan, bố tôi thả khẩu Colt 45 xuống biển. Tôi được biết người Mỹ cung cấp thêm lương thực cho những người còn lại trên tầu Long Hồ và chỉ đường cho thủy thủ đoàn lái tầu đến Guam.

Chúng tôi ở Subic Bay dễ chừng cả tháng, ngày ba buổi xếp hàng ở nhà ăn nhận phần ăn sáng, trưa, chiều. Gia đình tôi đông người và có nhiều trẻ em nên được tạm trú tại một phòng của khách sạn hai tầng độc nhất trên đảo, nơi trước đây dành cho các các quân nhân Hoa Kỳ nghỉ phép ngắn hạn, trong khi đa số người tỵ nạn ở các lều vải với ghế bố. Chỉ vài ngày sau, tôi được những người tạm trú trong khách sạn bầu làm trưởng khu vì người tiền nhiệm lên chuyến bay sang Guam, Nhiệm vụ chính của trưởng khu là cắt cử những người dọn dẹp vệ sinh tại khách sạn và đặc biệt là cùng với những nhóm khác, luân phiên làm công tác đổ thùng trong những nhà vệ sinh dã chiến do các quân nhân Hoa Kỳ dựng tạm cho người tỵ nạn trên đảo, một công tác khá nặng nhọc chỉ dành cho những thanh niên và trung niên phái nam. Dĩ nhiên, tôi phải có mặt cùng với những người trong nhóm mình. Đến cuối tháng Năm, tôi lại được chỉ định làm trưởng ban văn nghệ cho buổi tiệc cảm ơn những quân nhân Hoa Kỳ phục vụ giúp người tỵ nạn. Thật ra, người giữ trách nhiệm trưởng ban là nghệ sĩ La Thoại Tân. Tuy nhiên, khoảng hai tuần trước buổi tiệc, ông cùng gia đình có tên trong danh sách những người sang Guam nên tôi được chỉ định thay thế. Buổi tiệc được tổ chức tại nhà ăn trong một chiếc lều thật lớn có bàn ghế đủ cho khoảng 500 người với sự hiện diện của hầu hết những người lính Hải quân Mỹ trên đảo. Điều lý thú là buổi tiệc dành để cảm ơn họ nhưng âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, và cả thức ăn đều do họ cung cấp.

Vào đầu hạ tuần tháng Sáu, chúng tôi được chuyển sang căn cứ không quân Clark của Hoa Kỳ cách Subic Bay khoảng 80 cây số để lên một vận tải cơ bay đến Guam. Gia đình tôi chỉ ở Guam gần ba tuần trước khi đáp chuyến bay của hãng hàng không Pan Am do chính quyền thuê để đến thành phố Fort Smith thuộc tiểu bang Arkansas. Từ phi trường Fort Smith, chúng tôi lên chuyến xe bus đến Fort Chaffee, một trong năm căn cứ quân sự của Hoa Kỳ được dùng làm nơi tạm trú cho người Việt tỵ nạn sau biến cố tháng Tư năm 1975. Fort Chaffee là một trại huấn luyện khá lớn của Lục Quân Hoa Kỳ với vài trăm dẫy nhà gỗ (barracks) đã đón tiếp khoảng 50.000 người Việt tỵ nạn trong năm 1975. 

Gia đình chúng tôi đến Fort Chaffee ngày 12 tháng 7, khi trại đang có rất đông người tỵ nạn đến trước. Tại đây, ông chú thiếu tá tình báo của chúng tôi đoàn tụ với vợ con đã được Hoa Kỳ cho di tản khỏi Việt Nam từ trung tuần tháng Tư như đã kề. Cuối tháng 8, tôi và cô em kế được học bổng của một trường đại học ở tiểu bang Oklahoma và rời trại đến trường để học nội trú. Khoảng 3 tuần sau, bố mẹ tôi và 6 người em được Northwoods Presbyterian Church, thuộc Giáo Hội Trưởng Lão có nguồn gốc từ Tô Cách Lan, ở Houston bảo lãnh. Cô em đã lập gia đình sang định cư ở Hoa Thịnh Đốn, tức Washington D.C. Mùa hè năm 1976, sau một năm học ở Oklahoma, tôi và cô em kế chuyển trường về Houston, tiểu bang Texas để sống chung với gia đình.

Hình gia đình tác giả với bố mẹ và 8 người con tại trại Fort Chaffee trong hồ sơ xin bảo lãnh.

Định cư tại xứ người, chúng tôi có cuộc sống gọi là tốt đẹp trong nửa thế kỷ qua. Tôi và các em lần lượt tốt nghiệp đại học, rồi đi làm, lập gia đình, sinh con đẻ cái. Chín anh chị em chúng tôi trên tầu Đông Hải ngày nào bây giờ trở thành một đại gia đình với hơn 60 người kể cả dâu rể. 

Chuyến di tản của gia đình tôi tuy gọi là cam go nhưng khi ra đến hải phận quốc tế, dù phải chịu đựng vài ngày đói khát, mọi người vẫn quá may mắn so với những đồng hương vượt biển tìm tự do vài năm sau đó. Chúng tôi ở trên một con tầu lớn trong những tuần lễ biển lặng, sóng êm chứ không phải ngồi chen chúc trên những tầu thuyền nhỏ bé mong manh giữa sóng to gió lớn, và không phải lo lắng về tệ trạng hải tặc. Chuyến đi của chúng tôi cam go ở nghĩa mình không làm chủ được vận mạng mình, những tính toán trước khi ra đi đã không thành sự thật. Thoát đi được là cả một đất trời may mắn.

Nửa thế kỷ trước, chúng tôi chỉ mong thoát khỏi Việt Nam mà không thể biết mình sẽ đến đâu, ở đâu, mưu sinh như thế nào. Những người tỵ nạn Việt Nam đầu tiên vào Hoa Kỳ được phân phối rải rác đến 50 tiểu bang, sống gần hoặc sống chung với người bảo trợ. Chúng tôi phải tìm hiểu, tự mầy mò để bắt đầu cuộc đời mới trên xứ người. Kinh nghiệm để sống còn, để tiến thân là kinh nghiệm từ chính những thất bại của mình chứ không thể học hỏi từ người đi trước, vì làm gì có người đi trước.

Quê Hương Ở Đâu?

Tháng 11 năm 2013, sau hơn 38 năm định cư tại Hoa Kỳ, tôi và nhà tôi về Việt Nam lần đầu để thăm người chị ruột nhà tôi đang bị ốm nặng. Khi máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, lòng tôi vừa bồi hồi, vừa bùi ngùi, vừa xao xuyến, lại vừa cảm động. Nước mắt tôi ứa ra, quả tim tôi đập mạnh. Hình như có giai điệu của ca khúc Chiều do Dương Thiệu Tước phổ từ một bài thơ của Hồ Dzếnh đang réo rắt trong tôi: “trên đường về nhớ đầy, chiều chậm rơi chân ngày, tiếng buồn vang trong mây…”

Ấy vậy mà hơn hai tuần thăm viếng vài nơi từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi không có cái cảm xúc “về với quê hương” như mình hằng tưởng tượng, ngay cả khi đứng trước căn nhà cũ ở cư xá Bắc Hải, nơi tôi lớn lên với rất nhiều kỷ niệm, và một chung cư nhếch nhác ở Hà Nội mà trước năm 1954 là nhà bảo sanh Hồ Thị Mão, nơi tôi được sinh ra đời. Những người chiếm nhà chúng tôi đã chia nhà thành hai căn và xây thêm phòng ở nơi vốn là vườn trước. Tôi không thể nhận ra dấu tích quen thuộc nào của căn nhà yêu dấu cũ và những con đường cư xá năm xưa.

Rốt cục, trong chuyến đi hơn 11 năm trước, tôi đã đến thăm vài thành phố ở Việt Nam với con mắt của một khách du lịch. Lúc bấy giờ, tôi ước ao phải chi mình mang tâm trạng của một kẻ xa quê bao năm trời vừa trở về, như người về lại nhà sau chuyến du sơn du thủy nhiều nơi trong bài đọc “Chốn quê hương đẹp hơn cả” của Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà tôi đã học từ tấm bé. Tôi chợt thấy buồn rầu trong ý nghĩ hay là tôi đã mất quê hương?

Ngày hôm ấy, tôi bần thần suy nghĩ quê hương tôi ở đâu? Ở vùng Bắc Ninh, nơi mồ mả tổ tiên tôi đang yên nghỉ; ở Hà Nội, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời và là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi; ở Sài Gòn, mảnh đất tôi khôn lớn, lưu giữ biết bao kỷ niệm cho tôi suốt 20 năm trời; hay là ở thành phố Houston trên xứ người, nơi bố, mẹ, vợ, và các em tôi sinh sống suốt nửa thế kỷ qua, nơi chúng tôi đang có bốn con trai và sẽ có những đứa cháu được sinh ra đời? Vâng, có người quả quyết rằng quê hương đích thực chính là nơi có sự hiện diện của người thân yêu, nơi ta nhung nhớ mỗi khi đi xa, và rộn rã niềm vui trên đường trở lại.

Dĩ nhiên, tổ quốc cùa tôi thì muôn đời vẫn là Việt Nam; nhưng câu hỏi về “quê hương” khiến tôi không khỏi quặn lòng. Trong lần thăm Việt Nam năm ấy, ngoài những đổi thay về khung cảnh mà ở bất cứ xã hội nào cũng có sau chiều dài gần bốn thập niên, tôi nhận rõ rằng ở những nơi mà trước chuyến đi tôi vẫn nghĩ là quê hương mình đã không còn những phong tục, tập quán, nếp sống, và cả thứ ngôn ngữ tôi từng quen thuộc. Lúc ấy, tôi nghĩ tôi đã có cùng tâm trạng với Bà Huyện Thanh Quan thuở trước, khi bà từ kinh đô nhà Nguyễn trở về thăm lại cố đô của nhà Lê và viết nên bài thơ bất hủ “Thăng Long Thành Hoài Cổ” với hai câu kết “nghìn năm gương cũ soi kim cổ, cảnh đấy người đây luống đoạn trường.” Thật buồn thay!

Ngẫu Nhiên Hay Số Mệnh?

Ngày còn trong lứa tuổi thanh niên “mộng vói tay cao hơn trời,” tôi nghĩ mình làm chủ vận mệnh của chính mình. Trước khi biến cố 30 tháng Tư ập đến, tôi đã từng nhiều lần phát ngôn với lòng tự tin của tuổi trẻ rằng nếu số mệnh cho mình một quả chanh chua, hãy vắt nó thành ly nước chanh ngon ngọt, cho mình và cho người chung quanh. Câu này dựa trên một giả thuyết chủ quan lắm khi không tồn tại là mình được số mệnh trao quả chanh kèm theo gói đường. Lỡ số mệnh cho thêm gói muối chứ không phải gói đường thì làm gì có nước chanh ngon ngọt mà thưởng thức? 

Hôm nay, chân đã bước qua cột mốc “thất thập nhi tòng tâm sở dục” như lời cụ Khổng dậy khi cụ khoảng tuổi tôi bây giờ, tôi tin rằng cuộc đời mỗi người sinh ra đã được dành sẵn một số phận mà mình không cưỡng lại được. Nhìn lại chuyến vượt thoát khỏi bàn tay Cộng sản vào ngày 30 tháng Tư năm ấy, với những biến chuyển nối tiếp nhau như đã được một bàn tay vô hình sắp xếp, tôi tin rằng định mệnh đã an bài sẵn cho chúng tôi thoát khỏi bàn tay bạo tàn của Cộng sản, trước khi chúng tôi bàn đến chuyện ra đi.

Nghĩ lại, tôi thấy nếu thiếu một chữ “nếu” trong những trường hợp dưới đây, gia đình chúng tôi đã không đi thoát trong ngày lịch sử 30 tháng Tư năm ấy.

– Nếu tôi không thi đậu vào Học Viện QGHC thì vào sáng 30 tháng Tư, giả thử còn sống sót trong trận chiến cuối, có lẽ tôi cũng bị bắt làm tù binh như những đồng đội ở sư đoàn 25. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, vị tư lệnh sư đoàn, cũng bị Cộng quân bắt tại Củ Chi hôm ấy. Bố mẹ tôi sẽ không ra đi nếu thiếu một người con.

– Mẹ tôi có một xưởng cưa ở Ban Mê Thuột từ năm 1971 và cho một người thuê để khai thác. Ông này không trả tiền thuê trong suốt 6 tháng liên tục nên đầu tháng Ba năm 1975, mẹ tôi quyết định đến thành phố này nhờ thừa phát lại lập vi bằng tại xưởng và đóng xưởng cho đến khi họ thanh toán số tiền đang thiếu. Bà đã mua vé máy bay từ Sài Gòn đến Ban Mê Thuột ngày 9 tháng Ba. Tuy nhiên, sau khi bà mua vé, người Tầu đang thuê phòng nhà tôi để làm nhà in như đã trình bầy ở trên muốn thay thế các máy đang có bằng những máy tốt hơn, in đẹp hơn và nhanh hơn. Ông đề nghị mẹ tôi góp vốn để làm chủ một nửa nhà in. Mẹ tôi đồng ý nên hoãn chuyến đi Ban Mê Thuột một tuần để lo liệu giấy tờ liên quan đến nhà in. Nếu bà không mua một nửa nhà in thì sẽ đến Ban Mê Thuột ngày 9 và bị kẹt lại thành phố này vì hôm sau Cộng quân tấn công và rồi chiếm thành phố. Bà bị kẹt ở Ban Mê Thuột thì gia đình tôi, không ai nghĩ đến chuyện tìm đường ra khỏi nước.

– Sáng 30 tháng Tư, bố tôi đã chọn lộ trình đến phi trường qua Ngã Ba Ông Tạ. Nếu trước khi rời nhà, ông không nhận được điện thoại từ người bạn cho biết ngã ba này đã bị Việt Cộng chiếm mà vẫn theo lộ trình đã sắp xếp thì nếu vẫn an toàn, chúng tôi khó thể thoát ra khỏi khu vực này.

– Tương tự, nếu không có những người lính Biệt Cách Dù gác cầu Trương Minh Giảng cho chúng tôi biết phi trường đã rơi vào tay Cộng Quân thì gia đình không còn cơ hội đến bến Bạch Đằng để lên tầu Đông Hải.

– Nếu không có trung đội Nhẩy Dù đến bố trí ở chỗ chiếc xe gia đình tôi đang đậu thì chắc tôi phải tìm người nào đó nhờ trông xe để lên tầu gọi gia đình về. Việt Cộng không pháo kích vào bến, tầu Đông Hải chưa khởi hành còn chúng tôi đã lên xe về nhà.

– Nếu Việt Cộng pháo kích sớm hơn dăm bẩy phút lúc tôi còn trông xe, tầu Đông Hải sẽ khởi hành với gia đình tôi đang ở trên boong. Một mình tôi bị bỏ lại trên bến.

– Nếu họ pháo kích chậm hơn đôi ba phút, hoặc nếu ông chú tôi đứng gần chúng tôi lúc trên tầu để tôi không phải tốn vài phút tìm ông chào giã biệt, thì cả gia đình tôi đã rời tầu xuống bến, và tầu khởi hành không có chúng tôi. Trường hợp tệ hơn là vừa đi bộ đến xe hoặc vừa vào trong xe thì Việt Cộng pháo kích. Có thể vài người trong gia đình bị thương hoặc thiệt mạng vì mảnh đạn.

Vâng, quả thế, nhớ đến cuộc di tản cam go cuối tháng Tư năm ấy, thiếu một trong những chữ “nếu” nêu trên thì gia đình chúng tôi không đi thoát. Bố tôi, chú tôi, và tôi đã bị hành hạ trong cái gọi là trại cải tạo suốt nhiều năm ròng rã. Riêng bố tôi, với bản tính ương ngạnh “uy vũ bất năng khuất” và lòng căm thù Cộng sản, chắc khó có thể sống sót trong hoàn cảnh bị tù đầy. Mẹ tôi trở thành nạn nhân trong chiến dịch đánh tư sản. Gia đình tôi trắng tay sau hai đợt đổi tiền. Các em tôi rồi lêu bêu, phải bỏ học vì lý lịch để bươn chải kiếm miếng ăn tại những chốn rừng thiêng nước độc có tên mỹ miều là Vùng Kinh Tế Mới. Những cái người khác gọi là “ngẫu nhiên” xẩy ra cho gia đình tôi trong buổi sáng 30 tháng Tư như sự sắp xếp của bàn tay định mệnh để thành những mảnh ghép của con đường dẫn gia đình tôi đến bến bờ tự do. Ắt hẳn mỗi người đã mang sẵn một số mệnh khi vừa được sinh ra đời theo kiểu “nhất ẩm nhất trác giai do tiền định” (một hớp uống một miếng ăn cũng là việc được định trước) như lời cụ Mạnh Tử quả quyết?

Thời mới lớn, tôi được dậy cha đẻ của trách nhiệm là đức hạnh và lòng tự trọng. Trách nhiệm được ca tụng và được trao phần thưởng trong các sách giáo khoa và tiểu thuyết nhưng trên thực tế, trong nhiều hoàn cảnh, người chu toàn trách nhiệm là những người chịu thiệt thòi. Điển hình là những chiến sĩ VNCH tôi gặp sáng ngày 30 tháng Tư năm ấy: những người lính Hải quân đứng gác bộ chỉ huy dù họ biết rõ rằng cấp chỉ huy và những chiến hạm đã ra đi trong đêm, toán Biệt Cách Dù gác cầu Trương Minh Giảng để ngăn Cộng quân tiến vào trung tâm thủ đô, và trung đội Nhẩy Dù ở bến Bạch Đằng đã thức suốt đêm chong mắt quần thảo với địch dù đang trong hoàn cảnh thiếu thốn đạn dược. Họ và những người lính VNCH khác đã can trường bảo vệ thành phố trong những ngày cuối của cuộc chiến. Nhờ vậy mà hàng chục ngàn đồng bào có đủ thời giờ để vượt thoát được cái nhà tù vĩ đại đang mở rộng cửa để nuốt trọn khối người dân miền Nam, trong đó có gia đình tôi. Tôi suốt đời mang ơn các anh!

Khi ở trại tạm trú Fort Chaffee, tôi quen một thiếu tá binh chủng Nhẩy Dù, chỉ hơn tôi khoảng mươi tuổi. Anh là một người lính tác chiến, đã bao phen vào sinh ra tử trong chiến trận. Đêm 29 tháng Tư, anh đưa được gia đình nhỏ bé của anh gồm vợ và ba con nhỏ lên một chiến hạm Hải quân rời bến Bạch Đằng. Một buổi tối, anh rủ tôi đi uống bia ở Hitching Post, quán bia vốn dành cho quân nhân Mỹ trong trại nay được trưng dụng làm nơi tiếp đón người tỵ nạn. Anh bảo uống một bữa để mừng ngày sắp được hôn lên bàn chân tuyệt trần của Nữ thần Tự Do. Đó là lần đầu trong hơn hai tháng tôi lại được thưởng thức chất men của thứ nước mà lắm người quả quyết là phát minh vĩ đại nhất của loài người sau lửa. Chất men, dù nhẹ như men bia, làm người ta cởi mở với nhau hơn. Trong câu chuyện trao đổi, tôi kể anh nghe chuyện những người lính can trường đã chu toàn trách nhiệm mà tôi gặp trong những giờ phút cuối của cuộc chiến.

– Cậu phải hiểu có nhiều thứ trách nhiệm. Anh trầm ngâm một chốc rồi thở dài nói tiếp. “Trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, với tập thể, với xã hội, và với đất nước. Ngày 29, khi biết tình hình không thể cứu vãn, tôi phải có trách nhiệm đối với bản thân để không bị bỏ mạng hay sa vào tay địch. Tôi phải có trách nhiệm đối với gia đình để đưa vợ con đến bến bờ tự do. Ông cụ của cậu cũng thế thôi. Tôi có ba đứa nhỏ còn ông cụ cậu có 9 người con. Trách nhiệm của ông còn to lớn hơn nhiều so với tôi.”

Lời anh nói khiến tôi suy nghĩ. Quả vậy, khi trưởng thành, mỗi người lắm phen phải phân vân, phải lưỡng lự cân nhắc khi đứng ở ngã ba hay ngã tư đối diện với những con đường trách nhiệm. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng người dám chọn bước vào con đường đầy chông gai và có thể mất mạng như chơi mà tuổi tên không ai biết đến là những người cao cả và đáng trọng, như những người lính tôi đã gặp trên bước đường di tản. Mỗi lần nghĩ đến họ, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của Đằng Phương, tức giáo sư Nguyễn Ngọc Huy: “Họ là những anh hùng không tên tuổi, sống âm thầm trong bóng tối mông mênh, không bao giờ được hưởng ánh quang vinh, nhưng can đảm và tận tình giúp nước.” Cầu mong họ vẫn lành lặn qua ngày định mệnh năm ấy. Cầu mong họ có một cuộc sống không gọi là bi thảm suốt nửa thế kỷ qua.

Vâng, nửa thế kỷ đã trôi qua, đến hôm nay, cũng như bố tôi, có lẽ hầu hết những người chủ gia đình đưa được người thân yêu rời khỏi quê hương trong tháng Tư tang thương ngày ấy đã không còn trong cuộc đời này. Nghĩ mà thương bố tôi. Khi khởi đầu cuộc đời tỵ nạn, tôi là một thanh niên độc thân chưa đầy 23 tuổi và với tuổi này, không khó khăn lắm để thích nghi với xã hội mới và xây dựng tương lai. Ngày ấy, bố tôi đã 45 và từ lúc trưởng thành, ông là một người lính chuyên nghiệp, chỉ biết đánh giặc, biết làm tham mưu, dĩ nhiên là tham mưu trong cuộc chiến. Sang định cư tại xứ người, ông phải học một nghề lao động, quần quật nuôi đàn con ăn học nên người. Ông đã từ giã chúng tôi về “ngôi nhà lớn” gần ba năm trước. Những người chủ gia đình người Việt tỵ nạn năm 1975, trong đó có bố tôi, chính là những kẻ đã khai sinh ra cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và cả tại những quốc gia Âu Mỹ khác. Cộng đồng ấy lớn mạnh đều đặn theo thời gian và đã cống hiến cho xã hội nơi họ định cư những đóng góp quan trọng trong mọi lãnh vực. Xin thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ và biết ơn những chủ gia đình thuở ấy nay đã về thế giới bên kia.

Trong cuộc đời, có lúc chúng ta phải đương đầu với những thách đố ảnh hưởng đến vận mạng. Những thách đố chúng ta chịu khuất phục để lại bóng tối trong hồi tưởng, nhưng những thách đố chúng ta vượt qua trở thành thứ ánh sáng ấm áp của ký ức, có thể soi rọi vào tâm hồn khiến bản thân thay đổi theo hướng tích cực. Hồi ức với những ngày tháng Tư năm ấy cho tôi sức mạnh để vượt qua những chướng ngại trong nửa thế kỷ qua. Nhờ mớ ký ức của tháng Tư thuở ấy, tôi đã có cái nhìn khoan dung hơn với người, với đời. Tôi nỗ lực hơn để cuộc sống mình ý nghĩa hơn.

Bài viết này được mở đầu bằng hai câu trong Truyện Kiều: “Bắt phong trần, phải phong trần; cho thanh cao mới được phần thanh cao;” Viết đến đây, tôi nhớ đến hai chữ “túc nhân” của nhà Phật, tức nhân duyên từ kiếp trước, nên xin mượn bốn câu khác cũng của Truyện Kiều để kết thúc:

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Cỗi nguồn cũng ở lòng người, 

Túc nhân âu cũng có Trời ở trong.

Nguyễn Ngọc Bảo 


 

50 Năm – Việt Nam Đang Ở Đâu, Làm Được Gì? Chau Doan

Chau Doan 

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm đang muốn đưa đất nước vào “kỉ nguyên vươn mình” và bài phát biểu nhân 50 năm ngày thống nhất đất nước đã gây được cảm hứng và hy vọng cho nhiều trí thức ở Việt Nam. 

Đấy là một việc tốt nhưng điều quan trọng là cần định vị đất nước đang ở đâu, điều cần thiết phải làm, mối nguy hiểm nào có thể rình rập và nếu là trí thức thực sự thì phải nhìn ra điều ấy thay vì tán thưởng với kiểu hời hợt và rỗng tuyếch. 

Để có thể đánh giá được thành tựu của một vị lãnh đạo trong vài năm tới, điều quan trọng là ta cần phải có một bàn cân có thể “cân đo, đong đếm” hiện trạng. Thực tế gần 50 năm thống nhất, đảng cộng sản Việt Nam và chính quyền Việt Nam nói chung đã không hề tạo được một bước đột phá nào đáng kể trong việc lãnh đạo đất nước. Việc cố bí thư Nguyễn Phú Trọng tự hào thốt lên “đất nước ta đã bao giờ được như thế này chưa” thể hiện một tầm nhìn hạn hẹp, lạc quan tếu, một ý chí yếu ớt trong việc đưa dân tộc đi lên. 

Ở đây cần làm rõ mấy ý. Đừng mang cái đói nghèo của thời bao cấp ra rồi gật gù tâm đắc bảo: thấy chưa, xưa áo rách, cơm độn bo bo, giờ áo lành, bữa ăn đầy thịt cá, công của ai?

Cũng đừng mang cái ý như kiểu một người đàn ông bảo vợ: Xưa mà không có anh lấy thì em ế. 

Cũng đừng bảo đất nước ta mới qua chiến tranh, thế là tốt rồi. 50 năm là một quãng đường rất dài, bằng 2/3 đời người. Đủ để một dân tộc với ý chí quật cường như Việt Nam phát triển rực rỡ, hoàn toàn có thể ngang hàng hay hơn Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan… 

Giờ chúng ta hãy nhìn thực trạng của Việt Nam về mọi mặt. 

Về kinh tế, mặc dù tuyên bố tăng trưởng GDP cao nhưng thực chất 80% là do FDI mang lại, Việt Nam đơn giản là làm thuê cho nước ngoài trên chính đất nước của mình. Các “nắm đấm thép” của nhà nước đã biến thành những móng vuốt thép cào cấu nát bét ngân sách quốc gia.

Cuối năm 2023, Bộ Tài Chính điểm ra 1000 dự án lãng phí không hiệu quả, riêng Bộ Công Thương có 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ với tổng mức đầu tư 63.610 tỉ đồng. 

20 tập đoàn kinh tế nhà nước chiếm giữ 80% tín dụng ngân hàng, họ là những đứa con đẻ được nuông chiều hết mực nhưng đóng góp không hề tương xứng với ưu đãi nhận được mà ngược lại làm góp phần suy yếu nền kinh tế. 

Trong khi ấy, nội lực kinh tế của một quốc gia thực chất phải nằm ở kinh tế tư nhân. Mô hình của Hàn Quốc cho thấy, những tập đoàn tư nhân sẽ phải tự bươn chải, chỉ khi lớn đến một mức nào đấy, đã chứng tỏ được năng lực, họ sẽ có được sự hỗ trợ nhất định của nhà nước và kết quả cho thấy Hàn Quốc đã trỗi dậy với những thương hiệu khổng lồ. 

Cùng với nó là nạn tham nhũng ngày càng tệ hại ở Việt Nam chắc chắn có liên quan tới năng lực yếu kém của những “đứa con đẻ” của nhà nước. 

Kinh tế yếu kém sẽ dẫn tới quân sự yếu kém, công nghệ yếu kém. 

Hãy mang những thành tựu của người anh em cùng ý thức hệ của chúng ta so sánh. 

Trung Quốc đang làm chấn động thế giới bởi sự vươn mình thực sự của họ. Nền kinh tế của họ là thực sự do nội lực cách doanh nghiệp trong nước. Họ chuyển từ những kẻ học việc, bắt chước thành những nhà sáng chế. 

Giờ đây Mỹ đang toát mồ hôi trong cuộc chiến về thành tựu vật lý lượng tử, máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, hàng hoá Trung Quốc tràn ngập khắp thế giới. Với đà này, với một dân số khổng lồ và nội lực vượt trội như vậy, nếu họ có vượt trội Mỹ về kinh tế và sức mạnh quân sự thì cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. 

Điều ấy liên quan tới vận mệnh dân tộc Việt Nam. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng có tầm nhìn bao quát thì thay vì thốt ra mấy câu cảm thán đầy hãnh diện thì ông đã nên thâm trầm mà nhìn ra nguy cơ khi đất nước ta phải sống cạnh ông bạn cùng lý tưởng, quá mạnh và vô cùng sâu hiểm. 

Hãy nhớ rằng khi anh em thân thiết nhất, hữu hảo nhất, chúng ta mất Hoàng Sa. Những năm trở lại đây Trung Quốc đã xây dựng 7 cơ sở quân sự ở Biển Đông. Những cơ sở quân sự thậm chí không có một bóng cây bởi mục đích đậm đặc của quân sự, đường băng, kho tàng vũ khí quân dụng. Họ xây dựng đảo không phải để sống, mà để tạo ra những cơ sở quân sự để kiểm soát biển Đông. 

Lãnh đạo Việt Nam nhận thức được điều này và đang nỗ lực xây dựng cơ sở quân sự ở Trường Sa nhưng với một nền kinh tế yếu kém, sự nỗ lực ấy không là gì so với thành quả xây dựng của Trung Quốc. 

Việt Nam đang trong một thế vô cùng hiểm nghèo, có thể thay câu nói của ông Trọng bằng câu nói: “Việt Nam đã bao giờ nguy đến thế này chưa?” 

Tại sao nguy, bởi phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc, hướng biển Đông với 7 cơ sở quân sự của Trung Quốc và phía Tây Nam có Campuchia, một người anh em đang ngả hẳn vào vòng tay của Trung Quốc và tâm lý thù ghét có tính lịch sử với Việt Nam vẫn còn. 

Khi thằng hàng xóm xấu tính, đầy tham vọng ăn nuốt mà lại quá mạnh thì ta phải làm sao? Ta phải nỗ lực nâng cao năng lực, sức chiến đấu của mình, ta phải có đồng minh mạnh. Chơi với kẻ xấu tính, khi nó hữu hảo nhất, ta mất nhiều nhất, Hoàng Sa là minh chứng rõ ràng và đau đớn nhất. 

Trong khi nguy cấp như vậy nhưng quan chức Việt Nam lại khét tiếng là những thanh củi dự bị ngày càng to hơn. Lý tưởng, khát vọng xây dựng đất nước không có hay có nhưng quá yếu ớt, bị che lấp bởi lòng tham muốn kiếm lợi riêng. Cơ chế thiếu khoa học và bộ máy yếu kém lại chính là một cái công xưởng tạo ra củi, xong lại tự hào là mình đốt lò quyết liệt. Cái cần làm là trị tận gốc, tức là phải thay đổi cơ chế tạo ra củi, chứ không phải kiểu một tay tạo củi, tay kia đốt lò. 

Hãy nhớ kinh Trung Quốc được như ngày hôm nay là nhờ Đặng Tiểu Bình và hiện thời là Tập Cận Bình, hai người hiểu là muốn làm được việc lớn cho quốc gia, sự trong sạch với đồng tiền, với lợi ích riêng là điều cần thiết. 

Ông Nguyễn Phú Trọng sở dĩ có được một uy tín như vậy bởi ông là một người được đánh giá là trong sạch nhưng tiếc thay, tầm nhìn của ông quá hạn chế. Ông đắc ý về một thứ giá trị tầm phào như “ngoại giao cây tre”. 

Với thực trạng trung bình 10 người dân có một cán bộ, viên chức nhà nước, trung bình 5 lao động nuôi một viên công chức thì việc ông Tô Lâm cho tinh giản bộ máy, cắt giảm ngân sách của các tổ chức, hội nhóm trực thuộc nhà nước là một việc làm đúng đắn nhưng đấy mới chỉ là một bước nhỏ trong chặng đường trước mắt. 

Hãy nhìn vào khoa học kĩ thuật. 

Trong khi thế giới đang ráo riết và rầm rộ trong cuộc đua về máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, liên tục đạt được những thành tựu mới thì Việt Nam chỉ có con số không tròn trĩnh. 

Nói tới kỉ nguyên mới là phải nói tới những lĩnh vực này mà muốn phát triển được hai lĩnh vực này thì cần phải có ngân sách đáng kể dành cho R&D, nghiên cứu và phát triển nhưng tham nhũng như vậy, sự tích luỹ ngân sách yếu ớt như vậy thì làm sao có được R&D đáng kể? 

Do vậy, cái việc cắt giảm bộ máy cồng kềnh của ông Tô Lâm là hoàn toàn đúng. Hãy tạo ra một bộ máy tinh gọn để giảm gánh nặng cho ngân sách và cái quan trọng là phải tận diệt tham nhũng. 

Có dám làm quyết liệt hay không, bộ máy nằm trọn trong tay, không có gì là không thể nhưng đừng có kiểu tự hào đốt củi như ông Nguyễn Phú Trọng bởi với dưới góc nhìn của người dân củi là sản phẩm bộ máy của chính quyền và diệt tham nhũng chính trách nhiệm của các vị, không phải là thành tựu gì đáng để người dân tung hô. 

Hãy nhìn thực trạng của quản lý thị trường. Phải cắt đứt được vấn nạn nhập lậu qua biên giới Trung Quốc, Lào (tôi không rõ về biên giới Campuchia). Tôi đã phải có lúc 12 giờ đêm nằm phục để chứng kiến đoàn người vác đồ lậu xuyên biên giới. 

Doanh nghiệp Việt Nam nào có thể cạnh tranh với hàng hoá nhập lậu như vậy? 

Rồi thực phẩm chức năng, thuốc tây, gần đây có 600 loại sữa giả lan tràn trên thị trường suốt bao năm. 

Đại dịch đã phô bày đạo đức cán bộ ngành y tế với que chọc mũi và những chuyến bay “giải cứu”. 

Tôi đau xót tự hỏi với đạo đức cán bộ như vậy thì bao dân oan mất đất đã phải tàn lụi trong đau khổ, uất ức. Những biệt phủ, siêu xe do các cán bộ buôn chỏi đót, nuôi lợn, chạy xe ôm thêm hay được xây bằng máu và nước mắt dân oan? 

Nếu thực sự “do dân vì dân” thì các vị phải nhìn thấu vấn đề. Trên con đường ra phía trước, các vị bảo không “bỏ lại ai phía sau” nhưng những người dân đã gục chết trên con đường tìm công lý thì làm sao chạy cho kịp với hành trình dân tộc? Phải chăng oan hồn của họ sẽ được bám theo? 

Tôi tự hỏi trong cái “kỉ nguyên mới” của ông Tô Lâm, bao phần trăm được hướng tới giá trị tinh thần của dân tộc? Con người ngoài bánh mì còn cần có hoa hồng. Hoa hồng ở đây là tự do, dân chủ, nhân quyền, công lý, văn học nghệ thuật, nền giáo dục tinh hoa, khai phóng con người, nền y tế khiến con người cảm thấy được chăm sóc chu đáo. Và điều quan trọng là niềm tự hào dân tộc. Ở đây tôi không nói tới niềm tự hào về lịch sử, về dòng giống con rồng cháu tiên mà là niềm tự hào của thành tựu hiện tại của một đất nước. Sao cho khi người dân ra nước ngoài, ai hỏi họ từ đâu tới, khuôn mặt người ta có thể bừng sáng rực rỡ mà trả lời “tôi là người Việt Nam.” 

Mấy “trí thức” nhân bài phát biểu của ông Tô Lâm mà “làm thơ” bằng văn xuôi, lại “tát nước theo mưa”, lại cao hứng tán thưởng, tràn trề hy vọng, lại “bay cao”… Mấy trí thức như vậy thật nhạt nhẽo, vô hại và ăn hại, chẳng có chút giá trị khai dân trí chút nào. 

Chúng ta ở đây không phải để khiến nhau thoả mãn, để vỗ tay, để cười giả lả ve vuốt hồn nhau, không phải để nhau “xuất ra” cho thoải mái và thư giãn tinh thần, để thăng hoa những cái ngã siêu bé của chúng ta. Chúng ta ở đây để nói lời thật, tư duy thật, thứ tư duy cần bao năm tháng học hỏi và suy ngẫm, thứ tư duy cần trăn trở, cần đọc nhiều, cần liên kết để đưa ra nhận định đúng đắn. 

Trước hết, nếu ông Tô Lâm thực sự là người có tâm có tầm, việc đầu tiên ông cần làm là nâng cấp, cải thiện nghĩa trang Việt Nam Cộng Hoà, dựng tượng tưởng nhớ những nạn nhân vượt biển mà ta gọi là thuyền nhân. Máu của người Việt Nam đã làm đỏ thêm biển Đông, nước mắt của thuyền nhân Việt Nam đã làm nước biển Đông thêm mặn. 

Họ chạy đi bởi sự đối xử tàn ác của chính quyền các vị. Có ai muốn bỏ quê hương đất nước ra đi trong khi biết nguy cơ bị chết đói, hãm hiếp và cướp bóc rất cao. Hành trình đầy sóng gió, máu, nước mắt, khi phải chứng kiến người thân chết trước mắt mình. 

Hãy dựng tượng thể hiện sự thông cảm, sự thương cảm của dân tộc Việt Nam với họ. Hành động ấy sẽ nâng hình ảnh của ông lên rất cao, và ông sẽ được ghi nhận mãi mãi trong lịch sử và trong lòng người dân. 

Hãy rà soát lại danh sách tù nhân lương tâm và hãy thả họ ra nếu các vị thấy họ vô tội. Tôi tin rằng đa phần các vị biết họ vô tội nhưng bởi thói quen độc tài, các vị bất chấp và nhân danh thứ gọi là pháp luật để buộc tội họ. 

Tôi là người trong cuộc, tôi biết rõ điều này. Tôi làm gì mà phải có kiến nghị khởi tố, cấm xuất cảnh, triệu tập và rình rập, đeo bám người nhà, bạn bè, học sinh để truy bắt? 

Hãy nhớ cho rằng tôi là người luôn thân thiện, hợp tác, lực lượng an ninh suốt từ năm 2000. 

Tôi là người ôn hoà. Bố mẹ tôi vốn có doanh nghiệp xe buýt, thời thế thay đổi, với chính sách cải tạo công thương mà trắng tay. Một doanh nghiệp ông tự xây dựng lên bằng bàn tay người thợ. Cuối đời ông thành một người bất đắc chí và chỉ cay đắng thốt lên “chúng nó cấu cánh tao.” Chỉ sợ xây nhà thì chính quyền đến cướp. Đến giờ tôi hiểu tại sao ông lo sợ, hồi hộp đến vậy khi thấy tôi mua sắt về xây nhà. 

Tôi là người ôn hoà nên không lấy câu chuyện, sự mất mát của gia đình làm mối hận thù, bởi tôi hiểu ấy là lịch sử và ta phải chấp nhận lịch sử. Ta không để cái sai của lịch sử định hình tư tưởng và hành động của ta. 

Sự công bằng, chính trực luôn là tiêu chí của tôi. 

Nhưng những ngày tháng trốn tránh này tôi càng nhận diện chân dung của các vị. Các vị nói một đằng làm một nẻo. Bảo tôi về nhưng ráo riết lùng sục. Liệu tôi có nên nhắm mắt, giả ngu để trao sinh mệnh cho các vị? Để số phận của tôi được các vị định đoạt? 

Một vị an ninh nhắn tin là chìa tay mà tôi từ chối. Ai chìa tay cho ai? Tôi có sa ngã gì đâu mà chìa tay cứu vớt? Ngược lại, tôi đang chìa tay cho cả chính thể của các vị. Bàn tay của tôi là bàn tay nhân ái, bàn tay trí tuệ, bàn tay của hiểu biết, bàn tay của khao khát thực sự đưa dân tộc đi lên, bàn tay chai sạn của lao động và tu luyện, bàn tay ấm nóng của một con tim đầy nhiệt huyết và lý tưởng cao đẹp chứ không phải bàn tay lừa lọc, đạo đức giả, bất nhân và độc tài. 

Ngày mai, ngày kia, tuần sau các vị có thể bắt được tôi nhưng các vị không bao giờ có thể khiến dân chúng nhìn sai về Đoàn Bảo Châu bởi tôi đã để ánh sáng của công lý, sự minh bạch, sự thật xuyên qua tâm hồn, hành động và toàn bộ bản thể thiêng liêng của tôi. Các vị bắt tôi, điều ấy chỉ tô thêm một nét xấu trên chân dung vốn đã không mấy tốt đẹp của các vị. 

Các vị phải học rất nhiều. Không phải học từ nhau bởi một cái ao tù thì lấy đâu ra sự trong lành mà học từ thế giới, từ những nhà hiền triết đã sống xuyên qua nhiều thế kỉ. Tôi hiểu là các vị không thể học nhanh được nhưng một con thuyền buồm sẽ tới được đích khi nó biết hướng đi. Buồm to được giương lên mà không có hướng đúng thì chỉ lạc lối mãi mà thôi. 

Vậy kỉ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ có thể vươn được đến đâu thì ta cần phải chờ thêm thời gian và điều ấy phụ thuộc vào chính các vị. Không phải phụ thuộc vào những người được gọi là “trí thức” của đất nước bởi chính các vị đã làm hỏng họ, đã biến họ thành một thứ nhạt nhẽo, lờ lợ, ăn theo nói leo, vỗ tay và cười xu nịnh. 

Cũng không phụ thuộc vào quần chúng bởi cũng chính các vị đã biến họ thành một lớp người cam phận, sợ sệt, hèn nhát, ích kỷ và khôn lỏi. 

Muốn dân tộc vươn mình, lãnh đạo thực sự phải vươn mình trước về tư tưởng, tầm nhìn, sự quyết đoán và nhất định phải có con tim yêu nước thực sự.

Thời gian sẽ trả lời điều này và tôi cũng có hy vọng vào các vị. 

Đoàn Bảo Châu.

50 Years – Where Is Vietnam, What Has It Achieved?

The General Secretary of the Communist Party of Vietnam, Mr. Tô Lâm, wants to lead the country into an “era of rising,” and his speech on the 50th anniversary of the country’s reunification has inspired and given hope to many intellectuals in Vietnam.

That is a good thing, but the important thing is to determine where the country stands, what needs to be done, what dangers might be lurking, and if one is a true intellectual, they must see these things instead of giving shallow and empty and hollow praise. 

To be able to evaluate the achievements of a leader in the coming years, it is crucial that we have a scale that can “weigh and measure” the current situation. In reality, nearly 50 years after the guns fell silent, the Communist Party of Vietnam and the Vietnamese government in general have not made any significant breakthroughs in leading the country. The fact that the late Secretary-General Nguyễn Phú Trọng proudly exclaimed, “Has our country ever been like this before?” reflects a narrow vision, a naive optimism, and a weak will to lead the nation forward.

Let me clarify a few points here. Don’t bring up the poverty and hunger of the subsidy period and then nod smugly, saying: Look, in the past we wore tattered clothes, ate rice mixed with bo bo, now we have intact clothes, meals full of meat and fish—who’s to thank for that?

Also, don’t use the kind of logic like a man telling his wife: If I hadn’t married you back then, you’d still be single.

And don’t say that our country has just come out of war, so this is good enough. 50 years is a very long time, equivalent to two-thirds of a person’s life. It’s enough for a nation with a resilient spirit like Vietnam to develop brilliantly, completely capable of being on par with or surpassing South Korea, Taiwan, Singapore, Thailand… 

Now let us look at the reality of Vietnam in all aspects.

Economically, despite claims of high GDP growth, in reality, 80% of it comes from FDI; Vietnam is simply working for foreign countries on its own land. The “iron fists” of the state have turned into steel claws that tear the national budget to shreds.

At the end of 2023, the Ministry of Finance pointed out 1,000 wasteful and ineffective projects, with the Ministry of Industry and Trade alone having 12 loss-making projects worth thousands of billions, with a total investment of 63,610 billion VND.

20 state-owned economic corporations hold 80% of the banking credit; they are the spoiled children who are pampered to the fullest but contribute far less than the privileges they receive, and in fact, they contribute to weakening the economy.

Meanwhile, the true economic strength of a nation should lie in the private sector. The South Korean model shows that private corporations must struggle on their own, and only when they grow to a certain level and prove their capabilities do they receive certain support from the state. The result is that South Korea has risen with giant brands.

Along with that is the increasingly terrible corruption in Vietnam, which is certainly related to the incompetence of these “children” of the state.

A weak economy leads to a weak military, weak technology.

Let’s compare it with the achievements of our ideological brother.

China is shaking the world with their true rise. Their economy is genuinely driven by the internal strength of domestic enterprises. They have gone from being apprentices and imitators to becoming innovators.

Now, the U.S. is sweating in the race over achievements in quantum physics, quantum computers, and artificial intelligence against China, with Chinese goods flooding the world. At this rate, with such a huge population and superior internal strength, if they surpass the U.S. in economic and military power, it would not be surprising.

This relates to the fate of the Vietnamese nation. If Mr. Nguyễn Phú Trọng had a broader vision, instead of uttering those proud exclamations, he should have been more reflective and seen the danger of our country living next to a friend with the same ideology, who is too strong and extremely cunning.

Remember that when we were closest and most friendly, we lost the Paracel Islands. In recent years, China has built seven military bases in the South China Sea. These military bases don’t even have a single tree because their purpose is purely military—runways, weapon storage facilities. They build islands not to live on, but to create military bases to control the South China Sea.

Vietnam’s leadership is aware of this and is trying to build military bases in the Spratly Islands, but with a weak economy, those efforts are nothing compared to China’s achievements.

Vietnam is in an extremely dangerous position, so much so that we could replace Mr. Trọng’s statement with: “Has Vietnam ever been in such danger as it is now?”

Why is it dangerous? Because to the north, we border China; to the east, the South China Sea has seven Chinese military bases; and to the southwest, there’s Cambodia, a brother who has fully leaned into China’s embrace, with a historical resentment toward Vietnam that still lingers. 

When the neighbor is bad-tempered, full of ambition to swallow us, and far too strong, what must we do? We must strive to enhance our capabilities, our fighting strength, and we must have strong allies. When dealing with a bad-tempered neighbor, even at its most friendly, we lose the most—the Paracel Islands are the clearest and most painful proof.

Yet, in such a critical situation, Vietnamese officials are notorious for being increasingly large “firewood reserves.” The ideals and aspirations to build the country are either nonexistent or too weak, overshadowed by the greed for personal gain. An unscientific mechanism and an incompetent system are exactly the factory that produces firewood, and then they proudly claim they are fiercely “burning the furnace.” What needs to be done is to address the root cause, which is to change the mechanism that creates firewood, not to create firewood with one hand while burning the furnace with the other.

Remember that China’s success today is thanks to Deng Xiaoping and now Xi Jinping, two people who understood that to achieve great things for the nation, integrity with money and personal interests is essential.

Mr. Nguyễn Phú Trọng gained such prestige because he is considered an honest man, but unfortunately, his vision is too limited. He takes pride in something trivial like “bamboo diplomacy.”

With the reality that, on average, for every 10 citizens, there is one state official or employee, and on average, five workers support one civil servant, Mr. Tô Lâm’s decision to streamline the system and cut the budget of state-affiliated organizations and associations is a correct move, but it is only a small step on the road ahead.

Let’s look at science and technology.

While the world is racing fiercely in the competition over quantum computers and artificial intelligence, continuously achieving new milestones, Vietnam has a round zero.

Speaking of a new era means speaking of these fields, and to develop these fields, there needs to be significant funding for R&D, research and development. But with such corruption and such weak budget accumulation, how can there be significant R&D?

Therefore, Mr. Tô Lâm’s move to cut down the cumbersome system is absolutely correct. Create a lean system to reduce the burden on the budget, and the important thing is to eradicate corruption completely.

Do they dare to act decisively or not? The system is entirely in their hands; nothing is impossible. But don’t be proud of burning firewood like Mr. Nguyễn Phú Trọng, because from the people’s perspective, firewood is a product of the government’s system, and eradicating corruption is their responsibility, not an achievement for the people to praise.

Look at the reality of market management. We must cut off the problem of smuggling across the borders with China and Laos (I’m not sure about the Cambodian border). I once had to lie in wait at midnight to witness groups of people carrying smuggled goods across the border.

Which Vietnamese businesses can compete with smuggled goods like that?

Then there are functional foods, medicines, and recently, 600 types of fake milk have been flooding the market for years.

The pandemic exposed the ethics of health sector officials with nasal swab kits and “rescue” flights.

I painfully ask myself, with such ethics among officials, how many unjustly displaced people have withered away in misery and resentment? Were those villas and supercars of officials earned from selling brooms, raising pigs, or working as motorbike taxi drivers on the side, or were they built with the blood and tears of the wronged?

If you truly “serve the people, for the people,” you must see through the issues. On the road ahead, you say you won’t “leave anyone behind,” but the people who have died on the path to justice—how can they keep up with the nation’s journey? Could it be that their wronged spirits will follow along?

I ask myself, in Mr. Tô Lâm’s “new era,” what percentage is directed toward the spiritual values of the nation? People need not only bread but also roses. Roses here mean freedom, democracy, human rights, justice, literature and arts, an elite education system that liberates people, a healthcare system that makes people feel well-cared for. And the most important thing is national pride. I’m not talking about pride in history or the lineage of dragon and fairy descendants, but pride in the current achievements of a nation—so that when people go abroad, and someone asks where they’re from, their faces can light up brightly as they answer, “I am Vietnamese.”

Some “intellectuals,” upon hearing Mr. Tô Lâm’s speech, “compose poetry” in prose, “pour water with the rain,” enthusiastically praise, brim with hope, and “soar high”… Such intellectuals are truly bland, harmless, and useless, with no value in enlightening the people.

We are not here to satisfy each other, to clap, to laugh fakely and flatter each other’s souls, not to “release” for comfort and mental relaxation, to exalt our tiny egos. We are here to speak the truth, to think genuinely, the kind of thinking that requires years of learning and reflection, the kind of thinking that demands concern, extensive reading, and connection to make accurate judgments.

First of all, if Mr. Tô Lâm is truly a man of heart and vision, the first thing he should do is to upgrade and improve the Republic of Vietnam Cemetery, erect a statue to commemorate the victims of the boat people exodus. The blood of the Vietnamese has reddened the South China Sea further, the tears of Vietnamese boat people have made the sea saltier.

They fled because of the cruel treatment by your regime. Who would want to leave their homeland knowing the high risk of starvation, rape, and robbery? A journey full of storms, blood, tears, witnessing loved ones die before their eyes.

Erect a statue to express the sympathy and compassion of the Vietnamese nation toward them. That action would elevate your image greatly, and you would be forever remembered in history and in the hearts of the people.

Review the list of prisoners of conscience and release them if you find them innocent. I believe most of you know they are innocent, but due to your authoritarian habits, you disregard that and use what you call the law to convict them.

I am someone directly involved; I know this clearly. What have I done to deserve a proposal to prosecute, a ban on leaving the country, summons, and being stalked, with my family, friends, and students harassed to hunt me down?

Let me remind you that I have always been friendly and cooperative with the security forces since 2000.

I am a peaceful person. My parents used to own a bus company, but times changed, and with the policy of industrial and commercial reform, they lost everything. A business my father built with his own hands as a worker. At the end of his life, he became a disillusioned man, bitterly saying, “They clipped my wings.” He feared that if he built a house, the authorities would come and take it. Now I understand why he was so afraid and anxious when he saw me buying steel to build a house.

I am a peaceful person, so I don’t use my family’s story and losses as a source of hatred, because I understand that it is history, and we must accept history. We cannot let the wrongs of history shape our thoughts and actions.

Fairness and integrity have always been my principles.

But during these days of hiding, I have increasingly seen your true face. You say one thing and do another. You tell me to return but relentlessly hunt me down. Should I close my eyes, play dumb, and entrust my life to you? To let my fate be decided by you?

A security officer texted me, offering a helping hand, which I refused. Who is helping whom? I haven’t fallen into anything to need saving. On the contrary, I am offering a hand to your entire regime. My hand is a hand of compassion, a hand of wisdom, a hand of understanding, a hand with a genuine desire to lift the nation, a calloused hand from labor and cultivation, a warm hand of a heart full of passion and noble ideals—not a hand of deceit, hypocrisy, cruelty, and authoritarianism.

Tomorrow, the day after, or next week, you may catch me, but you will never make the people see Đoàn Bảo Châu wrongly, because I have let the light of justice, transparency, and truth shine through my soul, my actions, and my entire sacred being. If you arrest me, it will only add another stain to your already less-than-ideal portrait.

You have a lot to learn. Not from each other, because a stagnant pond cannot produce purity, but from the world, from the sages who have lived through many centuries. I understand you cannot learn quickly, but a sailboat will reach its destination if it knows the direction. A large sail hoisted without the right direction will only drift further away.

So, how far the nation’s era of rising can go depends on time, and it depends on you. It does not depend on those called “intellectuals” of the country, because you have ruined them, turned them into something bland, lukewarm, parroting, clapping, and laughing sycophantically.

Nor does it depend on the masses, because you have turned them into a class of people who accept their fate, who are fearful, cowardly, selfish, and cunning.

For the nation to rise, the leadership must first rise in thought, vision, decisiveness, and must absolutely have a heart that truly loves the country.

Time will answer this, and I, too, have hope in you. 

Đoàn Bảo Châu


 

Tác giả “Thề không phản bội quê hương” qua đời

Saigon Nhỏ 

 Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân (Hình:TK)

Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, tác giả ca khúc lừng danh “Thề không phản bội quê hương” đã bất ngờ qua đời vào ngày 3 Tháng Năm 2025, không biết được giờ chính xác, do ông ngã quỵ trong nhà, và qua đời không ai hay biết. Theo vài người trong xóm ước tính, giờ mất của ông có lẽ vào khoảng 13g30 trưa.

Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân sinh năm 1939, mất ở tuổi 86, thuộc lứa thứ hai của những nhạc sĩ thành danh trong dòng bolero của miền Nam như Mặc Thế Nhân, Hà Phương, Giao Tiên…

Ngôi nhà của ông ở trong con hẻm nhỏ, đường Trương Tấn Bửu, Quận Ba (nay là đường Trần Huy Liệu, Quận Phú Nhuận) ít người qua lại. Chỉ đến khi hàng xóm nhìn qua song sắt nhà, thấy ông nằm trên đất, gọi không dậy, nên đã hô hoán. Vì ông sống một mình nên sau đó công an khu vực đến phá cửa và đưa ông vào phòng lạnh ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chờ cho thân nhân bên Pháp về chôn cất.

Hiện ngôi nhà nhỏ mà ông vẫn ngày ngày mở cửa nhìn ra ngoài, đón đôi ba đứa học trò đến học nhạc hay thăm viếng, đã niêm phong.

(Hình: AB)

Nhiều năm nay nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân sống cô độc một mình. Sau khi ly hôn, vợ và các con định cư ở nước ngoài, nhạc sĩ chọn ở lại cùng kỷ niệm trong căn nhà nhỏ chỉ khoảng 20m2. Dưới nhà là chỗ ông dạy học, tiếp khách, kể cả nấu bếp. Tối đến ông lên lầu và nghỉ cùng các kỷ vật của vợ con, sách vở của ông.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Trường Hoàng Xuân chọn sống đời khép kín. Ông không bè bạn với ai. Những ngày sau này khi sống một mình, lúc buồn, ông lái chiếc honda cũ của mình đi loanh quanh thành phố, ghé nơi nào đó, làm ly café, một mình nhìn phố phường rồi về. Hàng xóm biết ông là nhạc sĩ nổi tiếng một thời nhưng chưa bao giờ nghe ông nói về mình, ông chỉ chào hỏi rồi lại lui vào nhà.

Nhạc sĩ Trường Hoàng Xuân mắc một số bệnh gan, viêm phế quản, viêm mũi dị ứng kinh niên. Ông không khỏe nhưng tự trọng, tránh nhờ cậy ai giúp mình, và cũng không than vãn.

Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân nổi tiếng với nhiều bài hát như Hái Hoa Rừng Cho Em, Xé Thư Tình, Bạc Trắng Lửa Hồng… nhưng ca khúc nổi tiếng và được nhắc nhiều vào thời trước 1975 là Thề Không Phản Bội Quê Hương, viết cho Cục Chỉnh Huấn vào năm 1971. Bài hùng ca này được trình bày ở nhiều nơi và tới nay vẫn còn được yêu thích.

(Hình: PB)

Trương Hoàng Xuân học nhạc trong nhà thờ và chơi đàn kiếm sống tại các nhà hàng khi 16 tuổi.

Năm 1960, ông tốt nghiệp Sư phạm, về dạy tại Long Khánh, tỉnh Bình Tuy. Đến năm 1968 thì ông đi lính và được điều về Đài phát thanh Quân đội làm việc chung với Tô Kiều Ngân, Đỗ Kim Bảng, Trầm Tử Thiêng.

Năm 1972, ông được Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa bổ nhiệm về dạy nhạc tại trường Trung học tổng hợp Nguyễn An Ninh, Quận 10.

Năm 1978, Sở giáo dục chính quyền mới phát hiện ông là tác giả của Thề Không Phản Bội Quê Hương, cũng như quá trình làm việc cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa nên đã cho thôi việc, ông xin qua Ngành Bưu điện làm hoạt động văn nghệ quần chúng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2000.


 

MIỀN NAM ĐÃ GIẢI PHÓNG MIỀN BẮC NHƯ THẾ NÀO?

Duthapsang Tran

 Fw. Bài hay và đúng sự thật

Hòa hợp, hoà giải, và hòa bình thực sự để đất nước phát triển là nhu cầu bức thiết của dân tộc hiện nay. Sau 50 năm chia cắt, thì lòng người vẫn có “Triệu người vui, triệu người buồn!” theo như nhận xét của ông Võ Văn Kiệt. Đây là bài toán nan giải không dễ giải quyết, nhưng chúng ta phải làm, để theo kịp đà tiến hoá của nhân loại!

Thực ra, nếu hiểu nghĩa vui buồn theo dựa trên kẻ thắng người thua thì cả hai miền Nam – Bắc đều có vui lẫn cả buồn!!!

Miền Bắc vui vì đã thống nhất đất nước qua sức mạnh cứng bằng súng đạn. Công lao này không ai phủ nhận, miễn là đừng lấy cái thế của kẻ thắng trận mà kiêu căng chà đạp lên nỗi đau của dân miền Nam. Miền Nam thì đã giải phóng được miền Bắc qua sức mạnh mềm!

Tự lúc nào văn hóa sống cởi mở, nhân bản của dân Miền Nam đã thức tỉnh dân Miền Bắc, văn chương, âm nhạc đầy tình người, tình tự quê hương của Miền Nam át đi những bài nhạc đầy hận thù, sắc máu với những giai điệu chói tai. Người Miền Nam chia sẻ với dân Miền Bắc tình cảm qua Nhạc Vàng Bolero đầy tình người như bài hát Tôi Muốn của Nhạc sĩ Lê Hựu Hà với câu: “… Tôi muốn mọi người biết thương nhau không oán ghét không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau, Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu…”

Trong một bài viết nhân dịp 50 năm ngày 30/4 của người bên thắng cuộc, tác giả Trần Lệ Bình muốn nói lên cảm nghĩ thật lòng dù có khi bị ném đá: “Tối tối mỗi khi có điện, đám bạn đến đầy nhà để nghe bài nhạc Pháp “Bang Bang”… Khi sống trong cảnh cả ngày chỉ nghe đài phát thanh phát những bài hát như hét như gào: “…không cho chúng nó thoát, chúng bay vào sẽ không có đường ra nó….” quen tai, bây giờ được nghe hai tiếng “bang bang” với âm điệu du dương đến mê hồn, khiến chúng tôi không ngờ trên đời nay lại có những loại nhạc làm lay động lòng người đến như vậy.”

Ở một đoạn khác, tác giả Trần Lệ Bình nói về chị bán mướp: “… Lúc này chị cầm trong tay chiếc dao gọt tôi chưa thấy bao giờ, tay chị lướt nhẹ nhàng từ trên xuống dưới quả mướp, vỏ mỏng như tờ giấy đều đều chui từ giữa kẽ dao rơi xuống vẫn đúng chiều dài của quả mướp. Chỉ trong tích tắc, quả mướp hết vỏ vẫn tròn trịa như nguyên. Với nét mặt thật sung sướng, chi nói: “Cái thứ dao của bọn ngụy hay thật!”. Mấy chị đang đứng chờ mua cũng xen vào: “Thế đấy, cái dao đơn giản và thuận tiện thế mà miền Bắc XHCN cũng không làm nỗi…”. Tác giả kết luận: “Một sự thật mà bất cứ ai còn có lòng trung thực đều không thể phủ nhận là 30-4-75 đã giải phóng Miền Bắc khỏi nghèo nàn lạc hậu, đã cho dân Bắc được tiếp cận với văn minh của nhân loại.

Dân Miền Nam sẽ rất vui và nên tự hào nếu họ biết được chính họ đã giải phóng người dân Miền Bắc khỏi bức màn sắt của giáo điều đã che đậy tầm nhìn, sự hiểu biết của dân Miền Bắc với thế giới văn minh, nhân bản hơn. Miền Nam vui vì được người bên thắng cuộc, bà Dương thu Hương, công nhận là xứ văn minh tiến bộ ngay trưa ngày 30/4/1975 chứ không phải đợi mãi đến giờ này ông Tô Lâm mới dám xác nhận Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông!

Đến đây thì người dân Miền Nam có thể dùng tựa của một bài hát của nhạc sĩ Nhật Ngân để đặt câu hỏi “Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh” và dân Miền Nam nên vui mừng vì họ đã giải phóng được Miền Bắc qua quyền lực mềm: tinh thần khai phóng, nhân bản và nghĩa đồng bào. 

Nguyễn văn Lợi


 

ĐÊM TRƯỚC NGÀY 30/4/2024: BUỒN VÀ THƯƠNG CHO DÂN MÌNH NƯỚC MÌNH

Phêrô Nguyễn Văn Khải added 7 new photos from April 29, 2024 at 5:37 PM.

April 29, 2024

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

 Năm nào cũng vậy cứ những ngày này tôi khó ngủ. Nhớ đến nguyên nhân, diễn biến và hậu quả, đặc biệt là các nạn nhân của cuộc chiến 54-75 tôi càng thấy thương cho dân mình nước mình và càng giận những kẻ gây chiến là cộng sản Việt-Nga-Tầu.

Tôi thương cho những người lính của quân đội VNCS, trong đó có những người thân của tôi, có bố tôi, có chú tôi, có những người anh em của tôi, đã phải hy sinh tuổi trẻ, đã bỏ một phần máu thịt, hoặc bỏ cả mạng mình ở khắp bốn chiến trường A-B-C-D.

Vì họ đã bị tuyên truyền, đã bị tẩy não, đã bị nhồi sọ, đã bị lừa và bị lùa vào cuộc chiến khốc liệt! Họ đã bị đánh cắp tuổi trẻ và mạng sống mà rốt cuộc bản thân họ, gia đình họ và cả quốc gia dân tộc chẳng được lợi lộc gì! Chỉ có một số kẻ cơ hội, những kẻ đầu cơ chiến tranh là được lợi và họ vẫn tiếp tục hưởng lợi từ cuộc chiến này cho đến hôm nay.

Tôi thương cho những người lính của quân đội VNCH đã phải gồng mình bảo vệ một quốc gia tự do được Liên hợp Quốc công nhận, một chế độ dân chủ do người dân chọn lựa. Họ đã thắng trong từng trận đánh, nhưng đã thua trong toàn cuộc chiến, vì bị đồng minh phản bội và bỏ rơi trong khi đối thủ lại được Nga-Tầu hậu thuẫn quá mạnh.

Tôi thương cho các thương binh của VNCH bị hắt hủi, phải sống lay lắt, cơ cực và nhiều người chết một thân một mình. Thế mà đến cái tên gọi là Thương Phế Binh VNCH, nhiều người cũng không dám gọi và lại càng không dám đưa tay giúp đỡ, nhưng miệng thì vẫn ra rả xưng mình là bạn đồng hành của những người nghèo, những người bị loại trừ, những người bị bỏ rơi, etc.

Tôi thương cho những người cha người mẹ bị mất con, những người vợ mất chồng, những người chồng mất vợ, những người con mất bố, những anh chị em mất nhau, ở cả hai miền Bắc-Nam, cả bên cộng sản lẫn bên cộng hoà. Tôi thương cho bao nhiêu thiếu nữ Miền Bắc phải đi dân công hoả tuyến đến khi chiến tranh kết thúc thì đã quá lứa lỡ thì và phải sống côi cút vất vả và bệnh tật cả đời.  

Tôi thương cho những tín đồ, những tu sĩ của các tôn giáo, đã phải vào tù trước sau và vì cái ngày 30 tháng 4 ấy, trong đó có cha đỡ đầu của tôi, có bác của tôi; thậm chí có cha bị bắt và bị đánh chết trong tù chỉ sau mấy ngày giam giữ như cha xứ của tôi. 

Tôi thương cho hàng triệu công dân VNCH bị đảo lộn cuộc sống, cho hàng chục nghìn gia đình quân dân cán chính VNCH bị tan cửa nát nhà, mất tài sản, mất công ăn việc làm và thậm chí phải vào tù hoặc bị lưu đầy chốn rừng thiêng nước độc.

Tôi thương cho những người vượt biên vượt biển, lao vào cõi chết để tìm cõi sống, bao nhiêu người đã bỏ mình trên rừng dưới biển trên đường đi tìm tự do, bao nhiêu người đã bị cán bộ, công an và cướp biển trấn lột, bỏ tù, hãm hiếp và cướp bóc mà thương tích trong tâm hồn còn hằn sâu đến hôm nay.

Tôi thương cho đất nước mình, man rợ thắng văn minh, độc tài thắng dân chủ, ma quỷ nhảy lên làm thần phật, những kẻ bất tài thất đức thâu tóm quyền lực trong khi những kẻ có tâm có tài thì hoặc bị bỏ tù, hoặc bị quản chế, hoặc bị cô lập, hoặc bị loại trừ, hoặc đã phải bỏ nước ra đi…

Nỗi đau buồn của tôi có thể sẽ giảm thiểu ít nhiều, nếu Việt Nam nay có tự do và quyền con người được tôn trọng, nếu môi sinh không bị tàn phá, nếu người dân không bị đè đầu cưỡi cổ và bị móc túi bằng đủ cách khác nhau, nếu đạo đức luân lý không ngày càng xuống cấp bởi tham nhũng, dối trá và bạo lực, nếu các tôn giáo không bị kiểm soát và thao túng, nếu nhiều chức sắc và nhà tu hành không bị tha hoá trở thành tay chân của bạo quyền, etc.

Đằng này…!

Một chế độ thực tâm yêu nước và thương dân sẽ không tổ chức “mừng chiến thắng”, một chính quyền biết chữa lành vết thương chiến tranh sẽ không tiếp tục ăn mày dĩ vãng để chia rẽ và thống trị dân.

Tôi nghĩ người có nhân bản, có đạo đức, có hiểu biết không ai lợi dụng dịp này để đi du hý. Ai lại đi ăn mừng trên nỗi đau của người khác và trên cái mất mát của chính dân tộc mình?

Đến như chính ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một lãnh tụ hàng đầu của cộng sản Việt Nam, một người có vợ con chết trong cuộc chiến mà ông là tác nhân còn biết nói hồi hơn 20 năm trước rằng 30 tháng 4 là ngày “triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”.

Tôi đọc kinh và làm lễ cầu nguyện cho các nạn nhân trong cuộc chiến 54-75, những người đã qua đời cũng như những người còn đang sống, Bắc cũng như Nam, quốc gia cũng như cộng sản, chết trước cũng như sau 75, chết trên chiến trường, chết trên rừng dưới biển, cũng như trong các trại tập trung của cộng sản.

Tôi cầu nguyện cho những người vì yêu nước và thương đồng bào, vì dấn thân cho tự do dân chủ, cho quyền con người đang bị lưu đầy ở các nước hoặc đang còn bị giam cầm hiện nay trong các trại tù của chính quyền cộng sản.

Xin Chúa cho người chết được hưởng hạnh phúc thiên đàng cùng các bậc tổ tiên và xin cho người sống được tìm thấy ý nghĩa cuộc đời bất chấp những gian nan, khốn khó.

Tôi cũng cầu nguyện cho mọi người Việt Nam sớm được sống như là một con người được tôn trọng và yêu thương chứ không phải như một con vật bị bạo quyền lạm dụng, được sống như con cái của Đức Chúa Trời chứ không phải như nô lệ cho các thế lực đen tối, được có đủ tự do và điều kiện để xây dựng cuộc sống của mình như Chúa muốn và người mong.

Tôi cầu nguyện cho mỗi người thức tỉnh!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT


 

“Mua tội” bằng tiền mặt và đất vàng: Đại án Phúc Sơn phơi bày mặt thật chống tham nhũng

Ba’o Dat Viet

May 1, 2025

Trong một vở kịch chống tham nhũng ngày càng trở nên nhàm chán với khán giả, cái tên Hoàng Thị Thúy Lan – cựu bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc – bất ngờ được nhắc đến với “nỗ lực khắc phục hậu quả” bằng cách… nộp lại tiền mặt cùng hai lô đất, sau khi bị cáo buộc nhận hơn $2 triệu hối lộ từ Hậu “Pháo”, đại gia xây dựng đứng sau tập đoàn Phúc Sơn.

Theo cáo trạng vừa được Viện Kiểm Sát Tối Cao ban hành, bà Lan không chỉ nộp lại 20 tỷ đồng (~$769,000) mà còn “tự nguyện” giao hai lô đất gồm một lô mặt tiền rộng 304 mét vuông và một lô đất kho vận hơn 3,000 mét vuông – một hành động được ca ngợi là “tích cực khắc phục hậu quả.”

Cựu chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành, cũng “tự nguyện” đóng góp không kém phần hào phóng: 15 tỷ đồng cùng $830,000, tất cả để đổi lấy sự khoan hồng từ cơ quan tố tụng. Tổng cộng, các bị can trong đại án này đã nộp gần 119 tỷ đồng và $900,000, không phải để trả lại cho dân mà để… giảm án.

Đáng nói, ông Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu “Pháo,” bị cáo buộc đã chi tổng cộng hơn $5 triệu cho loạt quan chức tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Quảng Ngãi, nhằm trúng thầu và thâu tóm dự án. Riêng tại Vĩnh Phúc, nơi được xem là “trung tâm lộ sáng” của vụ án, có đến 15 quan chức bị đề nghị truy tố, trong đó có hai cựu bí thư tỉnh và hai cựu chủ tịch.

Cáo trạng tiết lộ chi tiết gây sốc: “Chị có việc, chuẩn bị ngay cho chị 1 triệu Mỹ,” bà Lan thản nhiên yêu cầu. Không cần giấy tờ, không cần ngụy trang, chỉ một cái giơ ngón tay là ông Hậu hiểu ngay: tiền mặt, và chỉ tiền mặt.

Nghe qua tưởng như chuyện kịch bản trong phim, nhưng đây là thực tế tại một địa phương ở miền Bắc Việt Nam. Tài sản quốc gia bị bòn rút trắng trợn thông qua “quan hệ – tiền tệ – hậu tệ,” và khi bị lộ, giải pháp lại là dùng chính phần tiền hối lộ để “khắc phục hậu quả.” Thật trớ trêu, đây được xem là “tình tiết giảm nhẹ,” là lý do để các bị can mong chờ mức án nhẹ nhàng hơn khi ra tòa.

Chống tham nhũng kiểu này chẳng khác nào bật đèn xanh cho sai phạm: “Cứ ăn đi, nếu bị bắt thì nộp lại một ít là xong.”

Trong khi đó, người dân, giới lao động và những ai dám lên tiếng chống bất công xã hội vẫn đang chịu cảnh lao lý, không tiền để nộp “khắc phục hậu quả,” cũng chẳng có đất để tự nguyện hiến tặng. Luật pháp rõ ràng không mù, nhưng dường như luôn chọn cách nhìn theo… số dư tài khoản.