Sẽ còn lại gì cho con cháu chúng ta, ngày mai?

May be an image of 1 person, animal, outdoors and text

Sáng sớm, mình đi dạo trên đê, nhìn cánh đồng nham nhở với lèo tèo những luống vừng (mè) nằm lọt thỏm giữa những đám cỏ dại, rồi lại nghĩ về những vùng nông thôn từ Bắc vào Nam mà mình đã từng qua, từng sống. Những vùng nông thôn không có sức sống, lúc nào cũng mang một không khí ảm đạm, đìu hiu, một cái màu xam xám bàng bạc. Chúng ta đang không có một nền nông nghiệp xứng đáng với những gì mà tạo hóa đã ban cho mảnh đất này.

Nghĩ, thay vì chạy theo một nền công nghiệp mà bản thân hoàn toàn mù mờ tại sao không xây dựng VN thành một nước nông nghiệp cường thịnh và bền vững? Cái mốc 2020 theo nghị quyết nào đó đã đi qua, và bây giờ công nghiệp vẫn chỉ là một giấc mơ (tôi không muốn dùng từ “ảo tưởng”). Một cái mốc khác cũng đã được xướng lên để thay thế, nhưng với những gì đã diễn ra trong nền giáo dục, trong khoa học và trong cung cách quản trị thì việc ai đặt niềm tin vào nó chỉ chứng tỏ một đầu óc ngây ngô.

Không những chúng ta đã thiếu hẳn một chiến lược nông nghiệp tương xứng; không những nền sản xuất ấy đang bị thả nổi tự phát mà trách nhiệm thuộc về thể chế; thì dường như còn một thực tế khác đáng lo âu nữa: tình yêu với đất.

Chúng ta luôn tự hào là “nền văn minh nông nghiệp lúa nước”, luôn ca ngợi người nông dân coi “tấc đất tấc vàng”, “một nắng hai sương”…, nhưng thực tế dường như đang chống lại những tín niệm ấy. Sản xuất manh mún, ruộng đồng bỏ hoang, đất đai bạc màu…, một hình ảnh hoang phế đang hiện rõ từng ngày.

Thanh niên đổ xô thi đại học, học chỉ là học mà không biết rồi sẽ làm chi, nông dân bỏ ruộng vào nhà máy, trai tráng phiêu dạt khắp nơi. “Học để thoát khỏi cái cày cái cuốc” đã là tôn chỉ cho hầu hết những gia đình nông thôn. Dường như họ sợ ruộng đồng, sợ làm nông đến ác cảm. Ngày nay, người phụ nữ, “biểu tượng” của nông dân VN cũng đã bỏ ruộng đồng để vào xí nghiệp. Ở khía cạnh này (dạy cho con người yêu đất đai vườn tược cây cối) thì giáo dục thất bại hoàn toàn.

Kỳ thi tốt nghiệp vừa kết thúc với hơn 1 triệu thanh niên tham gia, trong đó khoảng 80% xét đại học, điều ấy đã cho thấy một xã hội bằng cấp và cả một cuộc chạy trốn lao động chân tay, bất chấp việc là chạy về đâu.

Với cái cung cách quản trị đất nước như đang là, cùng với tình trạng quay lưng với đất của người nông dân để đổi lại một mức thu nhập đỡ hơn do yêu cầu cuộc sống quy định nhưng chứa đựng đầy những bất cập và bấp bênh, cùng cả những hiểm họa môi trường do các xí nghiệp gia công nước ngoài đang “đổ rác” lên xứ sở; chúng ta không thể không lo lắng về một tương lai bất an tất yếu.

Sẽ còn lại gì cho con cháu chúng ta, ngày mai?

Thái Hạo

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay