Dáng mẹ yêu!!!
Không biết tôi gọi được tiếng mẹ từ bao giờ, nhưng nghe mẹ tôi kể lại từ khi bi bô tập nói, tiếng ba là tiếng gọi đầu tiên của tôi. Tôi gọi tiếng ba rất sớm, ai gọi, nói gì tôi cũng chỉ biết “ba ! ba !”, nhưng khi lớn lên người mà anh em tôi quấn quýt nhiều nhất không phải là ba, mà là mẹ tôi.
- Mẹ là lá chắn bảo vệ, che chở cho con.
Thuở ấy gia đình chúng tôi nghèo lắm, sống ở vùng ven của thành phố, không có điện, nước sinh hoạt; Thế là nghề gánh nước mướn ra đời. Mẹ tôi tham gia vào đội quân đó, có lẽ do không ràng buộc nhiều về thời gian, để có thì giờ chăm sóc anh em chúng tôi và lo toan việc gia đình.
Sáng nào cũng vậy! Mẹ tôi dẫn bốn anh em chúng tôi ra gánh hàng ăn sáng, tôi và anh tôi tự ăn, bà phải đút từng muỗng cho hai đứa em gái của tôi, ăn xong bốn anh em tôi dắt nhau về nhà, lúc ấy bà mới bắt đầu gánh nước cho những người hàng xóm. Nhưng một hôm chúng tôi đang ăn, một tiếng nỗ lớn rung chuyển mặt đất, bà hốt hoảng ôm bốn anh em tôi vào lòng, như che chở, bảo vệ. Bỏ cả gánh nước, hai tay bà ẳm hai đứa em gái của tôi, miệng thét gọi hai anh em tôi chạy theo mẹ, đến hiên một căn nhà tương bên cạnh. Mẹ ngồi phía ngoài che chắn chúng tôi. Cả ngày hôm ấy, bà không rời chúng tôi nửa bước. Sau này tôi mới biết, ngày hôm đó là ngày đảo chính chính quyền Ngô Đình Diệm.
Lần đó, tôi nô đùa với lũ trẻ hàng xóm té gãy tay trái, tôi vừa về tới nhà, thấy con gãy tay, bà hốt hoảng hỏi lớn:
-Ai làm con gãy tay?
Trong ánh mắt của mẹ, tôi nghĩ xấu số cho ai dám đụng đến con cưng của bà! Với số tiền ít ỏi mẹ tôi không dám đi xe, bà cõng tôi đi bó bột. Về tới nhà đau nhức lắm, tôi khóc rất nhiều, không ngủ được, bà phải ôm tôi suốt đêm, trong vòng tay của mẹ, tôi thiếp đi không biết từ lúc nào .
- Mẹ lao động cần cù vì các con.
Ba tôi làm không đủ để nuôi sống một gia đình có sáu miệng ăn. Vì thế mẹ tôi phải làm đủ mọi việc nặng nhọc lo cho cuộc sống gia đình. Bà gánh nước mướn, gánh đất sang lấp nền nhà, phụ hồ, nhặt phế liệu trong bãi rác . . .
Ai thuê gì cũng làm. Ấy thế! Mà bà chuẩn bị ngày tựu trường cho chúng tôi rất sớm, rất chu đáo; Bà dẫn bốn anh em tôi mua sắm quần áo, giầy dép, tập, bút viết . . . Chúng tôi tung tăng, rỉu rít theo mẹ như đàn gà con, hết sạp này đến sạp khác. Đặc biệt áo quần, bà kĩ lưỡng, tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ. Về nhà thỉnh thoảng bà mang ra bắt anh em chúng tôi mặc thử, rồi đi qua đi lại cho bà ngắm nghía, sửa lai chỗ nay, chỗ khác vì bà rất chú tâm đến sự hoàn hảo của món đồ mình đã chọn. Có lẽ mẹ tôi đã phải dành dụm khoãn tiền này lâu lắm!
Lao động cật lực, làm cho mẹ tôi già trước tuổi. Chỉ hơn 30 mà trông bà già lắm. Bà quên đi tuổi thanh xuân của mình vì các con. Cả xóm đông thế !Mà có mấy gia đình cho con ăn học như gia đình tôi. Anh em tôi tự hao vì có mẹ !
- Mẹ tận tụy, hi sinh, chịu thương, chịu khó vì chồng con.
Trong các nghề, có lẽ gánh nước mướn là việc làm thường xuyên nhất của mẹ. Gánh được dăm ba đôi nước là bà lại ghé vào nhà chăm sóc anh em tôi, bắt nồi cơm, làm con cá, lặt một mớ rau xanh . . . Vì thế mà bữa ăn của gia đình tuy đạm bạc nhưng cũng khá tươm tất. Thỉnh thoảng ghé nhà nghỉ mệt, bà nựng nịu, ôm hôn từng đứa. Chúng tôi bá cổ mẹ, cười ngắt nghẻo; Bao nhiêu nỗi nhọc nhằn và vất vả của mẹ đều vơi đi ít nhiều, bởi tình thương yêu đã chấp thêm cho mẹ đôi cánh. Buông chúng tôi ra, bà tiếp tục công việc gánh nước mướn của mình.
Vừa gánh nước mướn, vừa lo buổi cơm cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa, mẹ tôi thường không gánh đủ số nước cho từng nhà được và công việc này bà phải tiếp tục vào đầu buổi chiều, sau khi bắt chúng tôi lên giường ngủ trưa. Lúc xong việc, bà phải loay hoay với một thau quần áo dơ không sao kể xiết, cao ngùn ngụt. Thế là, chúng tôi có dịp nghịch xà bông thỏa thích bên mẹ. Buổi tối bên chiếc đèn dầu leo lét mẹ tôi cặm cụi khâu từng chiếc áo, chiếc quần, đơm từng chiếc nút. Tôi thầm nghĩ sao mẹ lại tận tụy, hi sinh, chịu thương, chịu khó đến thế. Mẹ ơi!
- Tình thương của mẹ là chổ dựa, giáo dục các con.
Cái vùng ven đô nghèo khó của chúng tôi lúc nào cũng tiếp nhận người cùng hoàn cảnh, cùng số phận trôi dạt từ tỉnh lên thành thị kiếm sống. Lần đó, mẹ tôi giúp dì Ba, người mới chuyển đến, ở cạnh nhà tôi như cho mượn gánh nước, tập vào nghề, nhường mối nước quen, nhờ ba tôi tìm việc làm cho chồng ổn định cuộc sống . . . nhất là việc học của mấy đứa nhỏ. Từ đó, dì Ba xem mẹ tôi như một ân nhân!
Những cơn mưa đầu mùa, cũng là lúc bọn trẻ chúng tôi chuyển sang “Mùa đá dế”.Tôi và anh tôi trốn mẹ vào ruộng bắt dế, đựng đầy cả thùng thiếc, bắt chúng đá với nhau để xếp hạng từ hạng nhất đến hạng mười. Tôi kiêu hảnh với những chú dế chiến của mình. Lần đó, tôi mang dế chiến ra đá với dế của lũ trẻ hàng xóm, nhưng lần lượt dế chiến hạng tư, hạng ba, hạng nhì, hạng nhất của tôi đều thua cuộc. Tôi nỗi cáu, chụp chú dế tội nghiệp ngắt đầu, ném mạnh xuống sàn nhà, thân dế rung bần bật, hai chân sau duỗi thẳng và bất động. Chứng kiến cảnh đó mẹ tôi “đét” tôi mấy cái vào mông, ném mấy hộp đựng dế ra đường và trách mắng tôi là không có nhân tính,”ác nhân, sát đức”. Khi ấy, tôi điếng người, bàng hoàng, loáng thoáng chỉ nhận ra mình sai nhưng không sao lí giải nỗi. Mãi sau này tôi mới hiểu tình cảm của mẹ có cả tình yêu loài vật nửa. Và tôi nhận ra chính đạo đức của mẹ đã tạo dựng nên tình yêu thương chúng tôi hôm nay.
- Mẹ chăm chút gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Như bao gia đình Việt Nam khác, gia đình tôi hạnh phúc nhất là buổi cơm chiều, lúc ấy gia đình tôi quây quần bên mâm cơm đạm bạc, sao mà ngon lạ! Không hiểu vì sao, hể ba tôi gấp mon nào là chúng tôi tranh nhau ăn món đó đến hết sạch! Nên mẹ thường nhắc khéo ba:”Món này ngon lắm ! Ông ăn thử đi, cho tụi nhỏ nó ăn”.Trong bữa ăn, chưa bao giờ chúng tôi bị mẹ mắng vì tranh ăn, đỗ tháo, cải nhau . . . chỉ được nhắc khéo “cẩn thận” , “đừng giành” . . . “để mai mẹ nấu nữa”. Chúng tôi hạnh phúc vì có mẹ.
Ngày ấy, khu vực nhà tôi chưa có điện, nhà nào cũng ngủ sớm. Bà nằm giữa, chúng tôi gối đầu lên tay mẹ, nghe mẹ kể chuyện cổ tích. Chuyện mẹ kể không nhiều, được kể đi, kể lại nhiều lần, nhưng chúng tôi vẫn háu hưc nghe mà thiếp đi lúc nào không hay.
Bây giờ mỗi lần về thăm mẹ, bàn tay bà vuốt nhẹ lên vai tôi, sửa lại cổ áo, rót cho tôi li nước, tôi vẫn còn cái cảm giác bé bỏng trong vòng tay chăm sóc, bảo vệ của mẹ ngày nào. Nhìn mẹ, tôi không thể nào quên được hình ảnh của bà ngày xưa, mẹ tôi mặc chiếc áo bà ba, hai tay tì hai đầu gánh nặng trĩu, hai thùng nước đầy quằng vai là sát đất. Dáng mẹ tôi nhanh nhẹn, uyển chuyển, thanh thoát, bước đi nhịp nhàng. Đòn gánh và cặp móc sắt cọ nhau rít lên nghe kẻo kẹt. Tôi lặng người hạnh phúc quá, nhớ “Dáng mẹ yêu !” của tôi.
Tháng 04 /2012
Châu Lợi