Lặn Lội Thân Cò
Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.
(Ca dao)
Tôi không thể hình dung cảnh con cò gánh gạo nuôi chồng vất vả cơ cực như thế nào đến nỗi phải nỉ non kể lể như vậy, nhưng tôi có thể đoan chắc với bạn đọc rằng tình cảnh những bà vợ tù cải tạo cơm đùm gạo bới đi thăm nuôi chồng ở các nhà tù và các trại tập trung tại Việt Nam sau năm 1975 thì quả tình là muôn phần vất vả cơ cực. Vất vả là vì phải cùng một lúc, hoặc lần lượt trước sau, giải quyết một số vấn đề mà trước đây chưa từng đã gặp hoặc không phải là những công việc mà mình phải bận lòng. Cơ cực là vì phải cúi luồn, phải bon chen, phải vận động, phải năn nỉ, phải lanh lợi, phải mưu trí, phải gan dạ, phải nói những lời không từng quen nói, phải làm những việc không từng quen làm. Thân phận con cò lặn lội nuôi chồng vất vả cơ cực muôn phần như vậy, lại còn vất vả cơ cực muôn vạn lần hơn nữa, nếu không may cò lại thuộc vào một trong mười loại chúng sinh mà thi hào Nguyễn Du đã làm văn tế cô hồn:
“Nào những kẻ màn loan trướng huệ,
“Những cậy mình cung quế hằng nga.
“Một phen thay đổi sơn hà,
“Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Về đâu thì chưa biết, chỉ biết thân phận hiện giờ là bơ vơ, lạc lõng, là lá xa cành, là cây xa cội, là mình xa ta, mà mình xa ta thì còn đâu là cảnh cũ quen thuộc, người xưa thân thương để “ngày ngày núp bóng tùng quân, tuyết sương che chở cho thân cát đằng”! Bởi vậy, bằng mọi giá, phải tìm cho được nơi chồng đang bị giam giữ, để rồi cơm đùm gạo bới mang đến tận nơi thăm nuôi chồng. Không phải là ngày ngày, tháng tháng, mà năm này sang năm khác, trong quá trình chuyển biến lâu dài của nếp sinh hoạt mới, xuyên qua nhiều trạng huống đổi đời thấm đượm đắng cay, chiếc lá, một là sẽ bị cuốn theo cơn lốc thời thế, hai là sẽ cương cường vươn ra trước gió bão, quyết tâm sống chết tranh đấu cho sự sống còn của bản thân, của cành lá, của cội cây, để rồi thân phận cát đằng trở thành gốc lớn đại thụ.
Cái cảnh các bà vợ bà mẹ tù nhân cải tạo lặn lội đi thăm nuôi chồng con là một hiện tượng phổ biến. Sau tháng tư đen, khoảng ba trăm nghìn công chức và hơn một triệu quân nhân cùng một số người thuộc các giai tầng xã hội khác nhau như tôn giáo, đảng phái, văn nghệ sĩ, tư sản mại bản, học sinh sinh viên, phải chịu đi tù, hay nói theo ngôn từ thời thượng là bị lãnh án tập trung cải tạo. Thời hạn giam cầm ngắn dài tuy có khác nhau, mức độ khắc nghiệt trong cách đối xử tuy không đồng nhất, hình thức giam cứu và chế độ lao động tuy thiên hình vạn trạng, nhưng dấu ấn để lại trong lòng những người phụ nữ lặn lội đi thăm nuôi chồng con thì không khác biệt gì mấy cả. Ngày nay, một số còn ở lại Việt Nam, một số tản mác sinh sống khắp năm châu bốn biển, những thân cò ngày ấy, dù vẫn xác xơ còm cõi hay tươi tốt mỡ màng hơn truớc, chắc hẳn không bao giờ quên được những vất vả cơ cực ngày nào lặn lội gánh gồng, cơm đùm gạo bới, băng rừng vượt suối đi thăm nuôi chồng con. Những ai may mắn lanh chân lẹ cánh thoát đi khỏi Việt Nam năm 1975 thì tuy không hiểu thấu được nông nỗi đắng cay cơ cực này tận tường trong chân tơ kẻ tóc, nhưng cũng ít nhiều có nghe nói qua, có được kể lại, có đọc trên báo, có thấy trên truyền hình, nên cũng phần nào cảm thấy thảng thốt, hãi hùng, thấy mình may mắn thoát được trong gang tấc cái thân phận bất hạnh của những người bị kẹt lại, mặt khác, không khỏi cảm thấy xót thương cho những thân cò trong bao nhiêu năm tháng lặn lội gánh gạo nuôi chồng nuôi con đang phải chịu cảnh giam hãm đọa đày trong các nhà tù và các trại tập trung cải tạo.
Nhà văn Thế Uyên có viết trong một tác phẩm của anh xuất bản năm 1989 tại Mỹ về nông nỗi vất vả cơ cực của các bà vợ, bà mẹ đi thăm nuôi chồng con bị tù. Những điều anh viết là những điều anh và thân nhân của anh đã kinh qua trong thời gian anh phải đi cải tạo, hoặc là những điều anh được nghe kể lại sau này khi anh vượt biên thoát ra khỏi Việt Nam và có dịp trở về thăm quê hương. Nhà văn Duyên Anh, trong các hồi ký Nhà Tù xuất bản năm 1987, và Trại Tập Trung xuất bản năm 1988, cũng tại Mỹ, tuy chuyên chú nói nhiều về các mặt sinh hoạt của tù nhân, nhưng cũng phần nào có đề cập tới tình cảnh những người mẹ, người vợ lặn lội đi thăm nuôi chồng con. Những điều các anh viết về các bà mẹ, bà vợ tù nhân là rất trung thực, và những ai thuở ấy đã từng làm thân cò lặn lội gánh gạo đi thăm nuôi chồng con sẽ thấy được một phần nào hình bóng và tâm tư của mình trong các tác phẩm của Thế Uyên và Duyên Anh. Người viết chỉ bổ túc thêm một số tình tiết xuyên qua quá trình thụ án của bản thân có liên hệ đến người bạn đời tấm cám của mình để những bạn đọc may mắn lanh chân lẹ bước thoát đi khỏi Việt Nam năm 1975 có thêm được một chút ý niệm khái quát về tình cảnh điêu linh mà rất đáng tự hào của một lớp người đã vì tình yêu và nghiã vụ mà can đảm chấp nhận số kiếp thân cò.
Tôi bị bắt vào đầu tháng sáu năm 1975. Người ta đưa tôi vào T3, ở số 3 Bạch Đằng, tức là Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo lúc trước, cho ăn cơm trưa, sau đó đưa qua An ninh Nội chính Bộ Nội vụ, tức là Tổng Nha Cảnh sát cũ, làm thủ tục tống giam, rồi giải vào khám Chí hòa, nhốt ở khu xà lim AB. Vợ tôi chứng kiến tận mắt cảnh tôi bị hai người cán bộ có võ trang dẫn đi, một người dí súng lục vào đầu tôi, một người thúc súng AK vào lưng tôi, nên hãi hùng lắm. Trong trí tưởng tượng của vợ tôi lúc đó, người ta đang đưa tôi đi xử bắn. Những ngày tiếp theo, vợ tôi đi đến các cơ quan an ninh các cấp của chính quyền chiếm đóng, ai chỉ cho biết ở đâu là lần mò đến đó, để thăm hỏi tin tức của tôi. Ở đâu, người ta cũng lịch sự nhẹ nhàng khuyên nhủ an ủi vợ tôi, rằng “thì là đừng có lo”, tôi không phải bị bắt giữ, tôi đang được ở một nơi rất an toàn, được bảo vệ chu đáo, và việc cán bộ võ trang đưa tôi đi ở một nơi riêng biệt chưa tiện tiết lộ chẳng qua chỉ là biện pháp bảo vệ an ninh cho tôi, để tránh sự phẫn nộ căm hờn của quần chúng, có phương hại cho sinh mạng của tôi. Những lời an ủi đó đương nhiên không làm cho vợ tôi bớt lo sợ, ngược lại, càng làm cho vợ tôi nghĩ rằng tôi đã bị bắn chết. Về sau, vợ tôi không còn năn nỉ xin gặp mặt thăm nuôi mà chỉ xin cho biết xác tôi ở đâu để lãnh đem về chôn cất. Lại vẫn những lời an ủi khuôn sáo, những luận điệu động viên nghe mãi vợ tôi đâm ra thuộc nằm lòng, do đó vợ tôi lại càng tin chắc là tôi đã bị thủ tiêu, nên cuối cùng vợ tôi cũng không còn năn nỉ xin biết nơi chôn xác tôi mà chỉ xin cho biết ngày giờ tôi bị giết chết để viết bài vị thiết lập bàn thờ. Vợ tôi đã vì tôi mà phải trải qua những tâm trạng hãi hùng, khắc khoải, lo âu, rồi tuyệt vọng, lại thêm sau đó bị xét nhà vào lúc nửa đêm, của cải cũng có phần bị thất thoát, cho nên ngoài cái buồn cái lo chồng tuyệt tích không biết sống chết ra sao, lại thêm cái lo cái sợ con đông nhà nghèo, biết trông cậy vào đâu mà xoay trở. Lúc đó, vợ tôi đang mang thai bốn tháng, và vì quá lo nghĩ đến độ tuyệt vọng, vợ tôi đã bị sẩy thai. Bị băng huyết do sót nhau, vợ tôi phải đi nằm bệnh viện gần cả tháng trời. Ra khỏi nhà thương, vợ tôi trở thành con người khác hẳn, thân tàn ma dại không ai nhận ra. Còn tôi, tôi chỉ ở cách đó có mấy con đường, trong bốn bức tường đá xà lim, nào tôi có biết gì.
Bốn tháng sau, trong lúc phần lớn tù nhân ở Chí Hòa được chuyển đi các trại khác thì tôi được bố trí ở riêng một xà lim và bắt đầu bị hỏi cung. Tôi có đưa ra một yêu cầu để dọ dẫm, là xin viết thư về nhà để lấy cái kính đeo mắt, nhiên hậu mới viết các bản khai báo được, và yêu cầu của tôi đã được chấp thuận. Tôi được viết cho vợ tôi một lá thư ngắn, và mấy hôm sau khi người cán bộ chấp pháp trở lại với cái kính đeo mắt đúng là của tôi thì tôi biết chắc là tôi không bị xếp vào loại tù phải bị thủ tiêu. Nếu là thành phần tù cần phải thủ tiêu thì không bao giờ người ta cho liên lạc với gia đình hoặc cho gia đình biết tin tức. Hỏi thăm tình hình sức khoẻ của vợ tôi, tôi được người cán bộ liên lạc cho biết là vợ tôi đã gần ngày sinh, bụng rất lớn nhưng người vẫn nhanh nhẹn hồng hào. Tôi biết là người cán bộ nói không đúng sự thực, vợ tôi xưa nay có mang là bị thai hành dữ lắm, làm thế nào mà nhanh nhẹn hồng hào được, tuy nhiên tôi vẫn không nghĩ là vợ tôi đã sẩy thai. Trong thư gửi đi, tôi đã dặn vợ là nếu sinh con trai thì đặt tên là Sỹ Đạt, còn sinh con gái thì đặt tên là Tú Anh cơ mà. Vợ tôi không được phép viết thư cho tôi, nhưng được gửi cho tôi mấy thứ cần dùng và một ít thức ăn. Qua các thứ gửi vào, tôi vẫn nhận thấy được sự chăm chút của vợ tôi, nhưng tôi không tài nào hình dung được tình hình sinh họat của vợ con tôi lúc này ra sao. Các thức ăn gửi vào rất đạm bạc, tôi lo lắng không biết các con tôi no đói thế nào. Mãi về sau tôi mới biết mọi người ở Sài Gòn lúc đó đều nghĩ rằng tiếp tế cho thân nhân phải thật đơn sơ đạm bạc thì thân nhân sớm được cứu xét tha cho về, chứ lòng tôi lúc đó thật là ngổn ngang trăm mối. Sỡ dĩ tôi lo lắng cho vợ con như vậy là vì trong thư gửi đi, tôi đã nhắn nhủ vợ tôi là trong tình thế khó khăn hiện tại, chấp kinh phải tòng quyền, phải đặt nghĩa vụ lên trên tình yêu, phải lo cho con cái trước đã, do đó, nếu tình hình bắt buộc thì cũng đành phải hy sinh tình riêng đôi lứa để nuôi đàn con dại khôn lớn nên người. Chúng tôi quen biết nhau khi vợ tôi hãy còn nhỏ tuổi, chúng tôi cưới nhau khi vợ tôi chưa đủ tuổi làm thẻ kiểm tra. Từ bấy đến nay, vợ tôi chỉ biết quanh quẩn trong nhà, vui cảnh chồng con, nào có biết gì công việc ngoài đời. Người thiếu phụ vốn là học trò con quan, phu nhân vợ quan, không quen tháo vác, không phải tảo tần, giờ đây, trước giông tố bão bùng của thế giới đổi đời, làm sao đứng vững một mình mà chở che cho một đàn con nhỏ dại tám đứa. Bởi thế, trong thư gửi đi tôi đã khuyên nhủ vợ tôi rằng trong cái thế chẳng đặng đừng thì hãy can đảm tìm người tử tế mà nương tựa để đưa đàn con vượt qua khó khăn, để có điều kiện nuôi dạy chúng nên người. Nỗi dằn vặt con thơ vợ dại rồi cũng dần dần chìm lĩm trong cái lê thê của cuộc đời tù hãm giữa bốn bức tường đá xà lim, mà tin tức gia đình thì không vang không bóng, quá khứ thì mông lung hư ảo như là vọng về từ muôn kiếp xa xưa, và tương lai thì hoàn toàn chìm ngập trong bóng tối mịt mùng, không tài nào tìm thấy con đường tiến lên phía trước. Và cứ như thế kéo dài đằng đẳng gần hai năm, qua các xà lim khu AB rồi khu ED, rồi trở lại khu AB, mà “đêm thì không ánh trăng sao”, còn “ ngày thì chẳng ánh mặt trời.”
Cuối cùng thì chúng tôi cũng được ra khỏi khu biệt giam khám Chí hòa để được chuyển qua khu tập thể AH, 55 người ở chung một phòng, 3 tháng một lần được gia đình gửi thức ăn vào nuôi, một năm một lần được thân nhân vào thăm gặp 15 phút. Lần thăm gặp đầu tiên, lòng tôi rộn rã nhưng vẻ mặt thì cố giữ bình thản, chuẩn bị tinh thần để đón nhận tình huống bất lợi nhất. Gia đình có còn đông đủ, hay xiêu lạc mỗi người một nơi? Liễu Chương đài, cành dài có còn chốn cũ hay đã chuyền vào tay ai rồi? Chúng tôi mỗi người được bố trí vào một ô “chuồng chim”, có cán bộ đứng sau lưng, gia đình đứng trước mặt, ngăn cách bởi một tấm lưới thưa mắt cáo bằng kim loại. Vợ tôi “mười phần xuân cũng đã gầy năm bảy phần”, duy đôi mắt thì lại long lanh láng mướt như ngày còn con gái. Các con tôi, đứa nào cũng gầy, và có lớn hơn chút đỉnh so với ngày tôi xa chúng. Riêng đứa con nhỏ nhất thì lớn phỗng và xinh xắn lạ thường, tôi cơ hồ không nhận ra. Nó cũng e sợ nhìn tôi như nhìn người lạ. Ngày tôi xa nhà, nó chỉ mới biết đi chập chững. Trông quanh không thấy còn đứa bé nào khác, hỏi ra mới biết vợ tôi đã bị sẩy thai, đứa con trông đợi đã không được làm người. Trông nét mặt vợ tôi có vẻ hờn dỗi, tôi nghĩ là vợ tôi còn oán hận tôi đã nhận định chủ quan khiến cho toàn bộ gia đình bị kẹt lại, chịu cảnh đắng cay cơ cực như thế này. Lúc tôi động viên các con hãy cố gắng học hành, vợ tôi đã gay gắt: “Anh đừng có nói chuyện học nữa, tụi con mình bây giờ là tính chuyện đi cày”. Biết vợ đang giận, tôi không nói gì. Tôi thừa nhận là tại vì mình tính sai nước cờ mà vợ con mang lụy, nên bị vợ giận tôi đành chịu trận vậy. Nhưng tôi đã lầm. Sau này tôi mới biết là vợ tôi không giận tôi về chuyện cả nhà vì tôi mà bị kẹt lại, mà giận tôi là vì chuyện lá thư tôi viết gửi về nhà năm trước khuyên nhủ vợ tôi nếu hoàn cảnh bắt buộc thì hãy lấy chồng khác để nuôi con, và thái độ lạnh nhạt của tôi khi được ra thăm nuôi lần đầu, được gặp mặt vợ con sau hai năm trời bặt tăm âm tín. Vợ tôi đã trách tôi là trong lúc ai ai cũng hớn hở tươi cười gặp gỡ gia đình mà tôi lại mang bộ mặt xa lạ thản nhiên như đối với người dưng nước lã. Vợ tôi đâu có biết là con người tôi lúc đó bên ngoài trơ trơ như gỗ đá nhưng bên trong thì tình cảm sôi sục như dầu sôi lửa bỏng. Vợ tôi đâu có biết cùng với việc chuẩn bị tinh thần, tôi cũng cần có tư thế thích nghi để phù hợp với những tình huống khó khăn, cay đắng, để tránh đột ngột bị bẽ bàng.
May mắn cho tôi là đã không xảy ra chuyện gì đắng cay bẽ bàng cả. Từ đó, cứ ba tháng một lần, chúng tôi được viết thư về nhà, thư không được viết quá một trang giấy học trò, nội dung gồm 3 phần: báo tin sức khoẻ, thăm hỏi vợ con, và liệt kê nhu cầu. Thư ấy được cán bộ phòng, cán bộ khu duyệt xét xong, chuyển cho cán bộ giáo dục đóng dấu “Được phép thăm nuôi” lên phong bì, và được gửi về cho gia đình tù nhân. Người nhà đem phong bì có đóng dấu ra cơ quan phường để xin phép, chạy tiền chạy gạo sửa soạn thức ăn, rồi mang vào Chí hoà giao cho cán bộ thăm nuôi soát xét, xong chuyển lại cho tù nhân. Các giỏ “quà tiếp tế”này là lẽ sống của tù nhân, vì cơm trong tù đã kém cả phẩm lẫn lượng lại còn độn khoai sắn, bột mì, bo bo, thức ăn trong tù thì ngoài những ngày tư ngày tết chỉ gồm giản đơn có nước muối pha loãng mà thôi. Không có quà tiếp tế của gia đình thì tù nhân sẽ chết dần chết mòn vì các chứng bệnh thiếu dinh dưỡng và thiếu sức đề kháng. Nhưng mặt khác, các giỏ quà tiếp tế lại là những gánh nặng cho những thân cò lặn lội đi thăm nuôi chồng con. Thư tù nhân gửi về nhà như là những giấy đòi nợ. Thực phẩm thì khan hiếm, đắt đỏ, phải mua chui, mua rúc ở thị trường đen. Đối với phần đông các bà mẹ, bà vợ, lại còn vấn đề phải xoay xở tiền nong, cả nhà phải nhịn ăn nhịn uống hàng tháng mới đủ tiền sắm sửa một giỏ quà đi thăm nuôi. Lại còn vấn đề “lễ tiết” đối với cán bộ trại giam, cán bộ phường xã, thưa gửi phải ngọt ngào, thái độ phải cung kính. Làm sao nói cho hết được nỗi niềm đắng cay cơ cực của những ai đã từng vì tình yêu và nghĩa vụ đối với chồng con mà cam tâm chấp nhận làm thân cò.
Thư tù nhân gửi về nhà đã có khuôn mẫu, ai không theo đúng sẽ biết ngay hậu quả. Gặp lúc được phép viết thư nhằm vào dịp kỷ niệm ngày cưới, tôi đã gửi tặng vợ mấy câu thơ gọi là “cho có chút tình”, thay cho tờ giấy thăm hỏi và liệt kê nhu cầu tẻ nhạt:
Ta nhớ kinh kỳ ngày đầu thu năm ấy,
Đường Lê Thái Tổ rải hoa nắng lung linh.
Bím tóc đong đưa xuôi bờ vai nhún nhẩy,
Theo bước chân em, lòng ta rợn ngợp men tình.
Ta nhớ kinh kỳ ngày Nguyên tiêu năm ấy,
Đường Nam giao in bóng hai ta theo mẹ lên chùa.
Hồn ta chơi vơi theo làn gió xuân hây hẩy,
Chuyện yêu thương, nói mấy cũng chưa vừa.
Ta nhớ kinh kỳ đêm cuối hè năm ấy,
Hiên nhà em lặng nghe hai ta thủ thỉ chuyện tâm tình.
Tay trong tay, vai kề vai, môi tìm môi run rẫy.
Trời trong, sao sáng, đêm quê hương như đồng lõa với chúng mình.
Bao nhiêu năm rồi, tình ta không mảy may thay đổi,
Yêu em, ta vẫn yêu tha thiết như thuở ban đầu.
Đời hai ta như keo sơn gắn liền thành một khối
Không thể chia lìa, mãi mãi đến muôn vạn ngày sau.
(Kỷ niệm ngày cưới)
Đương nhiên là vợ tôi đã không nhận được bài thơ và tôi đã phải chịu “đói” 6 tháng. Những ai đã từng bị đói mới thấm thía trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời. Ngày trước, Khái Hưng có viết một truyện ngắn diễn tả tâm trạng con người bị cái đói dằn vặt, nhưng những điều Khái Hưng viết ra chẳng thấm vào đâu so với thực tế phũ phàng mà các tù nhân cải tạo đã phải đối đầu trong các trại giam do cái đói mà ra. Có đói mới hiểu vì sao dân quê ta có đầu óc xôi thịt. Có đói mới hiểu vì sao nhiều người lại cam tâm làm những việc hèn hạ. Khi người ta bị cái đói ngày đêm dằn vặt, có lẽ trong đầu ai cũng như ai, ai cũng nghĩ tới cái ăn, ai cũng ao ước được ăn. Cái khác nhau là hành vi, là thái độ biểu hiện bên ngoài. Mà điều này là do giáo dục gia đình, và khuôn phép xã hội, đã uốn nắn, đã rèn dũa, đã tích lũy từ rất nhiều năm tháng trước đó, đã ẩn sâu, đã dấu kín trong tiềm thức, để giờ đây giúp cho con người đang bị cái đói hành hạ có thể vận dụng được lý trí đè bẹp bản năng đấy mà thôi.
Hết hè lại sang thu. Nghĩ đến chuyện về, đường đi chỉ là mộng mị, mờ mịt lắm. Vợ con biết ngày nào được gặp mặt đây. Tường đá, nền xi măng lạnh lẽo, chăn đơn gối chiếc phong phanh. Qua chấn song sắt, đêm khuya đối cảnh trăng chiếu sương sa, người nhậy cảm tránh sao khỏi động lòng:
Sương giáng lâu tiền liễm nguyệt quang,
Tư qui, mộng nhiễu lộ man man.
Thê nhi tái kiến tri hà nhật?
Truờng dạ cô miên chẩm bị hàn.
Đến Tết năm sau, chúng tôi lại được gặp mặt gia đình. Lần này thì trại không tổ chức thăm gặp ở địa điểm chuồng chim khó kiểm soát, mà tổ chức trong các phòng nhỏ thường ngày dùng để hỏi cung. Mỗi phòng tùy theo kích thước mà được dành cho một hoặc hai gia đình. Trong phòng kê một chiếc bàn, hai bên là hai chiếc ghế dài, một bên dành cho tù nhân ngồi, bên kia dành cho thân nhân ngồi đối mặt; đầu bàn kê chiếc ghế gỗ là chỗ của cán bộ. Mọi người nói chuyện phải nói thật lớn để cán bộ theo dõi nghe cho rõ. Hai tay tù nhân cũng như của thân nhân phải được đặt trên bàn. Thời gian gặp gỡ là 15 phút. Xong là nhận quà và chia tay. Trời hôm đó âm u, buồn chi lạ. Vợ tôi xanh xao, gầy gò; các con tôi hom hem, đen đủi. Giờ phút chia ly, vợ tôi khóc như mưa. Tôi an ủi vợ mà không biết đã nói những gì, vì không được phép nói nhiều và phải nói lớn tiếng để mọi người cùng được nghe. Tôi đã viết tối hôm đó:
Ngày gặp mặt cuối năm,
Ta nom em gầy gò ốm yếu.
Em nói với ta những lời hiền dịu,
Ta thương em ruột quặn tơ tằm.
Được gặp nhau một khắc,
Đã đến rồi cái phút thứ mười lăm!
Ủ tay con chưa ấm,
Nhìn mặt vợ đăm đăm,
Ta lại phải trở về nơi có những hàng song sắt.
Trời cuối năm hiu hắt,
Thoáng đâu đây cánh én lạc đàn.
Râm ran lời giã biệt.
Nắm tay em, ta nghe tiếng lòng em thảm thiết.
Nước mắt em buồn lả chả tuôn rơi.
Sầu thương chi lắm em ơi!
Vật đổi sao dời,
Ai tránh khỏi cảnh hồng nam nhạn bắc.
Sông có khúc, người có lúc.
“Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai,
“Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.*
Hẹn em ngày tái hợp.
Nắng xuân hồng, nắng ấm, xuân tươi.
(Thăm gặp cuối năm)
Qua các buổi thăm gặp định kỳ ngắn ngủi đó, tôi cũng biết được phần nào cuộc sống của vợ con ở nhà. Tôi và vợ tôi đã trao đổi với nhau bằng những ngôn từ chỉ riêng hai chúng tôi hiểu mà thôi. Trong lúc tôi ngày ăn hai bữa rồi nằm yên một xó trong khám Chí hoà thì vợ tôi đã phải đương đầu với bao nhiêu sóng gió bão bùng. Trong năm 1977, gia đình tôi được xếp vào loại “dãn dân”, phải chuẩn bị đi kinh tế mới. Tổ dân phố, Phân hội Phụ nữ, Công an Khu vực, Cán bộ Phường, Cán bộ Quận, lần lượt đến động viên gia đình tôi đi kinh tế mới, đi sớm khai phá sớm, đi sớm thu hoạch sớm, đi sớm thắng lợi sớm, đi sớm chồng được tha về sớm. Vợ tôi cứ gan lỳ bám trụ. Hết động viên đến hăm doạ, vợ tôi cũng không nao núng, cứ một mực xin thả chồng về rồi sẽ đi kinh tế mới. Bị thúc bách quá mức, vợ tôi đâm liều, xin cán bộ cho mấy mẹ con mỗi người một viên đạn. Cuối cùng rồi cũng thôi. Lại thêm con trai lớn không được thi vào đại học, con trai nhỏ không được vào lớp 10. Qua năm 1978, con trai lớn “trúng tuyển” nghĩa vụ quân sự, Phân hội Phụ nữ, Tổ dân phố đến chúc mừng. Kỳ thực thì con tôi bị cưỡng bức đi thanh niên xung phong, đưa lên tập trung ở nông trường Lê Minh Xuân, chuẩn bị sang Campuchia lao động chiến trường, tải gạo tải đạn. Vợ tôi đã tổ chức cho con trốn trại, đưa lên Thủ Ðức ẩn náu mấy tháng rồi vượt biên trốn ra nước ngoài. Cũng cùng thời gian này, vợ tôi cho đứa con trai không được vào lớp 10 vượt biên đi Mỹ, và gả chồng cho con gái lớn, rồi đầu năm 1979 cho cả hai vợ chồng vượt biên đi Canada. Qua năm 1980, đến lượt hai đứa con gái tiếp theo vượt biên đi Mỹ. Mỗi năm vào thăm gặp, gia đình tôi cứ ít người dần dần. Để giải thích sự kiện đó, tôi đã nói cho mọi người biết là hai con trai lớn ra Thuận Hải làm garage, con gái lớn lấy chồng trên Đà Lạt, hai đứa con gái tiếp theo thì cho ra Tuy Hòa ở với chị tôi. Anh chị tôi ngoài Tuy Hòa không có con nên nhận nuôi hai cháu. Mọi người đều tin lời tôi, không ai thấy có gì là bất thường trong việc sắp xếp như vậy. Mãi cho đến cuối năm 1982, khi chúng tôi bị chuyển ra trại trừng giới Xuân Phước ở Phú Khánh, tôi thấy không cần phải dấu diếm nữa, mọi người mới biết sự thực và các bạn tù đã tíu tít chia vui với tôi, đồng thời khen ngợi vợ tôi không tiếc lời. Phần tôi, ngày truớc thấy vợ thụ động, mọi chuyện nhất nhất đều tùy thuộc vào mình nên không biết được tài tháo vát của vợ, tôi đã lo lắng băn khoăn không biết vợ tôi sẽ xoay trở ra sao trước sóng gió của cuộc đổi đời. Nay thì quả tình tôi thấy người phụ nữ Việt Nam thật là tuyệt vời về cả hai khía cạnh đức hạnh và tài năng:
Ngày xưa,
Anh ví anh như mây mùa thu,
Anh xem em như khói trong lò.
Nay mây mùa thu thôi không bay,
Khói trong lò thoát ra thay vào đó.
Em thay anh nuôi đàn con nhỏ.
Không có em, ai nuôi dạy chúng nó nên người.
Yêu em nhiều, và cảm phục em lắm em ơi.
Tôi và vợ tôi đã tính toán với nhau là vợ tôi cùng ba đứa con nhỏ còn lại sẽ vượt biên vào cuối năm 1980. Tôi đã đổi địa chỉ viết thư thăm nuôi gần cả năm trời. Vợ tôi cũng đã đóng lộ phí vượt biên cho chủ tàu. Thế mà, chỉ còn năm hôm nữa lên đường, vợ tôi lại đổi ý. Vợ tôi không nỡ bỏ tôi mà đi. Vợ tôi thu xếp cho hai đứa con kế tiếp vượt biên đi Mỹ, còn vợ tôi cùng con gái út tiếp tục ở lại Việt Nam chờ ngày tôi về. Dạo đó, ngày về còn xa lắc xa lơ. Tôi còn bị chuyển trại mấy lần nữa, hết A30A, A30B, A30C Xuân Phước đến Z30A Xuân Lộc, trải qua đủ mọi giai đoạn của qui chế cải tạo tập trung, từ biệt giam, kiên giam, đến lao động cải tạo rồi lao động tự giác. Thế là, cứ ba tháng một lần, năm này qua năm khác, “cây khiêng và chiếc giỏ”, vợ tôi tiếp tục lặn lội đi nuôi chồng. Cháu tôi cảm thương cho người con gái học trò năm nào giờ đây mang kiếp thân cò, đã tặng thím bài thơ “Lối nào đi thăm anh”, tôi chép lại ở đây để thay lời kết:
Giòng đời cuồn cuộn chảy
Nắng mai đã dậy rồi
Lối nào đi thăm nuôi.
Xích lô. Cầu Công lý.
Còn thiết gì hoa mỹ,
Điệu buồn trên nét mi
Niềm vui tươi nụ cười.
Cây khiêng và chiếc giỏ
Trọn tình trao anh đó
Chắt chiu bàn tay em
Còn thức nào mang thêm?
Phố phường hờ hững quá,
Riêng em buồn chi lạ.
Hàng cây dài chia vui,
Thương cho ai ngậm ngùi.
Cầm thư anh, suy nghĩ.
Nhớ về thư ngỏ ý
Nét chữ hiền, thương nhau
Bâng khuâng nụ hôn đầu.
Em không nhìn thiên hạ,
Gặp anh là tất cả.
Như ngày xưa học trò
Bài thuộc vẫn còn lo.
Thăm nuôi giờ cũng thế
Ngại còn chi khó dễ
Cho tương biệt cơ cầu
Xa cách vợ chồng ngâu…
Bước qua lòng cổng nhỏ
Anh mang niềm thương nhớ.
Gặp anh, gặp anh rồi…
Lát nữa về chia phôi
Cô đơn mềm vai áo.
Nhớ anh, em thầm bảo
Nắng giữa trời lên cao
Tình ta vẫn ngọt ngào…
(Lối nào đi thăm anh. 9/82)
Ottawa, tháng sáu, 1996
Minh Vũ Hồ Văn Châm
Chú thích:
*Hai câu này của Nguyễn Trải.
From: Xuan Nguyen