Biden có một khung thời gian hẹp để chỉnh sửa các định chế bị hỏng của thế giới

Biden có một khung thời gian hẹp để chỉnh sửa các định chế bị hỏng của thế giới

Bởi   AdminTD

East Asia Forum

Tác giả: Adam Triggs

Song Phan, chuyển ngữ

21-2-2021

Lời người dịch: Bài viết đáng đọc của Adam Triggs, ông là thành viên kiêm Giám đốc Nghiên cứu tại phòng Nghiên cứu Kinh tế Châu Á (ABER), Trường Chính sách Công Crawford, Đại học Quốc gia Úc, đăng trên East Asia Forum, nói về khó khăn của chính quyền Biden trong việc giải quyết mối quan hệ với các định chế quốc tế mà chính quyền Trump đã nhận ra vấn đề, nhưng buông bỏ chớ không tìm cách chỉnh sửa để giữ vững vai trò lãnh đạo thế giới.

***

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã đúng về một điều: Nhiều định chế quốc tế trên thế giới còn thiếu sót. Những lập luận của ông về nguyên do nói chung là sai, thường là những cố gắng được che đậy, tìm vật tế thần cho những rắc rối ngay trong nước của mình. Phản ứng của ông đối với những sai sót thể chế đó còn tệ hại hơn. Giống như đứa trẻ ôm lấy trái bóng bỏ về, cách tiếp cận của Trump là chạy trốn chứ không theo đuổi cải cách.

Thay vì tìm cách sửa chữa những sai sót trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức khác, Trump hoặc là phớt lờ vấn đề, tấn công tổ chức, hoặc là rút ra khỏi tổ chức này hoàn toàn. Ông đã khinh suất từ bỏ một trong những vũ khí mạnh nhất trong kho vũ khí của Hoa Kỳ: Khả năng lãnh đạo việc viết ra các luật lệ toàn cầu và định hình các định chế toàn cầu.

Viết lại các luật lệ tắc toàn cầu và cải tổ các định chế trên thế giới không phải là điều dễ dàng. Những cải cách trong quá khứ rất khó khăn. Về mặt lịch sử, những cải cách thành công đòi hỏi ít nhất ba điều: Sự lãnh đạo từ Tổng thống Hoa Kỳ, sự chấp thuận của Quốc hội Hoa Kỳ (ít nhất là khi cần có tài trợ) và một túc số các quốc gia lớn ủng hộ sự thay đổi. Lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, cả ba mảnh khó ghép chung lại có thể đã nằm đúng chỗ.

Đảng Dân chủ giành chiến thắng kép tại Thượng viện vào tháng Giêng ở Georgia có nghĩa là họ hiện kiểm soát cả hai viện của Quốc hội và Nhà Trắng. Tổng thống Joe Biden hiểu rằng phần lớn quyền lực của Hoa Kỳ đến từ các định chế và luật lệ mà nước này tạo ra để củng cố lợi ích và ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Muốn giao thương hoặc đầu tư quốc tế ư? Sẽ cần đô la Mỹ cho việc đó. Muốn truy cập hệ thống thanh toán toàn cầu ư? Vậy thì đừng chọc giận Hoa Kỳ. Cần một gói cứu trợ của IMF hay một khoản vay của Ngân hàng Thế giới ư? Chỉ có Hoa Kỳ có quyền phủ quyết.

Nhưng những định chế này không phải càng lâu càng tốt lên và kết quả là ảnh hưởng của Hoa Kỳ đã bị thiệt hại. Những cải cách trước đây đã giúp ích nhưng cần nhiều hơn thế. WTO là một di tích của quá khứ. Các luật lệ thương mại toàn cầu cần phải được cập nhật để bao gồm trợ giá, doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao công nghệ bắt buộc và nền kinh tế kỹ thuật số. Những vấn đề này đã làm gia tăng căng thẳng và chiến tranh thương mại.

IMF thì tốt hơn một chút. Công thức hạn ngạch của nó – dành quá nhiều phiếu bầu và trách nhiệm cấp vốn cho châu Âu và quá ít cho châu Á – cần được cập nhật để phản ánh nền kinh tế hiện đại, cùng với Ban điều hành của nó. Nếu không có cải cách, tính hợp pháp và tài trợ của IMF sẽ bị ảnh hưởng; buộc nó trở thành người cho vay thiểu số trong các gói cứu trợ lớn trong khi dựa vào các khoản vay tạm thời (hết hạn dần từ năm 2023 đến năm 2025) cho một nửa tài trợ của mình.

Ngân sách của WHO nhỏ hơn ngân sách của hầu hết các bệnh viện lớn. Phần tài trợ không được dự phòng là thấp, với hội phí của hội viên chiếm dưới 20% tổng ngân sách của cơ quan này. Nhiệm vụ của WHO quá rộng và cơ cấu quản trị của tổ chức này quá hẹp – không bao gồm tiếng nói của xã hội dân sự – trong khi chuyên môn kỹ thuật của tổ chức này quá giới hạn trong các lĩnh vực phụ trợ nhưng lại thiết yếu đối với các phản ứng y tế hiệu quả: hậu cần, thiết kế đô thị, kinh tế, luật và công nghệ thông tin.

Nhiều định chế toàn cầu khác nữa cũng cần được cải cách. Giống như IMF, quản trị của Ngân hàng Thế giới cần phản ánh thực tế toàn cầu. Việc trở thành thành viên hết hạn của Cơ quan Năng lượng Quốc tế có nghĩa là cơ quan đại diện cho các quốc gia tiêu thụ năng lượng hiện loại trừ phần lớn người tiêu dùng năng lượng trên thế giới.

Hậu quả của những định chế lạc hậu này là giống nhau: phân mảnh nhiều hơn và ảnh hưởng của Mỹ ít hơn. Khi nguồn tài trợ, tính hợp pháp và hiệu quả của các định chế này giảm dần, các đối thủ cạnh tranh trong khu vực xuất hiện. Đối với WTO, đó là rất nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Đối với IMF, đó là Cơ chế ổn định châu Âu, Sáng kiến ​​Chiang Mai và hàng trăm dòng hoán đổi tiền tệ song phương. Đối với Ngân hàng Thế giới, đó là Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á và các cơ quan song phương cùng những cơ quan khác.

Sự phân mảnh làm cho hệ thống toàn cầu kém hiệu quả. Hầu hết các hiệp định thương mại toàn cầu, khu vực và song phương đều không tương thích với nhau và tạo ra cơn ác mộng cho các doanh nghiệp. Các phản ứng đối với các cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay chậm hơn, cồng kềnh hơn và mang tính chính trị hơn. Các ứng phó với khủng hoảng y tế, thách thức phát triển và chuyển đổi năng lượng kém hiệu quả và ít được phối hợp hơn.

Khi các định chế do Hoa Kỳ thống trị mờ dần về phía sau, thì ảnh hưởng của Hoa Kỳ cũng vậy. Nhưng lần đầu tiên sau hơn 10 năm, Biden có cơ hội để khắc phục điều này. Nắm giữ Nhà Trắng và cả hai viện của Quốc hội, Hoa Kỳ có thể dẫn đầu cải cách trong các thể chế này và tạo ra các quy tắc mới mà ngày nay chưa có: từ thuế, thương mại và biến đổi khí hậu đến chính sách cạnh tranh, dữ liệu và nền kinh tế kỹ thuật số.

Các nước hoàn toàn ủng hộ sự thay đổi, đặc biệt là ở châu Á. Indonesia sẽ đăng cai tổ chức G20 vào năm tới và là nước đi đầu vững chắc trong vấn đề cải tổ WTO. Ký ức cay đắng của châu Á về những thất bại trong quá khứ của IMF đã chứng kiến ​​họ dành nhiều thập kỷ để kêu gọi cải cách. Một khu vực khao khát đầu tư sẽ được hưởng lợi đáng kể từ các ngân hàng phát triển được cải cách và phối hợp tốt hơn trong khi biến đổi khí hậu là cơ hội cho sự tham gia mang tính xây dựng trên một ưu tiên chung giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực châu Á.

Năm 2022 tới phiên Indonesia đăng cai G20 là một cơ hội để thực hiện điều này. Nếu lịch sử như là chỉ dấu để dựa vào, Biden sẽ mất Hạ viện, Thượng viện hoặc cả hai trong cuộc bầu cử giữa kỳ của Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2022. Ông không có thời gian để chờ đợi.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay