DÂNG HY SINH VÀ ĐAU KHỔ

DÂNG HY SINH VÀ ĐAU KHỔ

 Trầm Thiên Thu chuyển ngữ

Cuộc đời ngắn ngủi của chúng ta trên trái đất có giá trị vô hạn.  Chúng ta có cả phẩm giá cao cả và số phận vĩnh cửu.  Phẩm giá của chúng ta là gì?  Chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Tẩy.  Định mệnh của chúng ta là gì?  Tất cả chúng ta đều là khách lữ hành trên đường về quê hương vĩnh hằng là Thiên Đàng.

Sự đau khổ có giá trị vô cùng đối với con người trước mắt Thiên Chúa.  Tuy nhiên, nếu tách khỏi phương diện siêu nhiên thì tự bản chất đau khổ không có giá trị đích thực.  Nếu bạn thích: đau khổ làm chúng ta tốt lành hơn hoặc cay đắng hơn.

  1. THIÊN THẦN NHÌN CON NGƯỜI

Trong Nhật Ký, Thánh Faustina nói rằng các thiên thần nhìn con người với “lòng ghen tỵ” thánh thiện vì hai lý do.  Thứ nhất, con người nhận được Quà Tặng tuyệt diệu là Thánh Thể – Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu – khi rước lễ.  Các thiên thần trên Thiên Đàng không bao giờ có đặc ân phi thường đó, và cũng không thể đau khổ.  Các thiên thần hiểu rằng nếu được nhìn nhận và chấp nhận một cách đúng đắn, đau khổ có giá trị vô hạn, và có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất.  Thật vậy, Chúa Giêsu – Ngôi Lời Nhập Thể – đã chọn con đường đau khổ làm phương tiện để hoàn thành việc cứu độ thế gian.

  1. SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC MẸ FATIMA

Đức Mẹ Fatima bảo ba em Luxia, Phanxicô, và Giaxinta cầu nguyện và dâng hy sinh để cầu cho các tội nhân.  Đức Mẹ tỏ vẻ buồn cho biết rằng nhiều linh hồn bị hư mất vì không đủ những linh hồn quảng đại cầu nguyện và hy sinh để cứu rỗi các tội nhân đáng thương.  Một tên gọi khác của sự hy sinh là sẵn sàng chấp nhận một số hình thức đau khổ.  Sứ điệp này của Đức Mẹ Fatima có thể được áp dụng cho chính chúng ta trong tình trạng cụ thể của cuộc sống và những đau khổ của chính chúng ta.  Không ai trên thế gian này có thể tránh khỏi đau khổ.

III. DÂNG ĐAU KHỔ

Ba từ ngắn gọn này tóm tắt toàn bộ sứ điệp: dâng đau khổ.  Khi Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan vô hạn của Ngài, đến thăm bạn với dạng đau khổ nào đó, điều vô cùng quan trọng là chấp nhận những đau khổ được ban cho từ Bàn Tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa và dâng lên cho Ngài.  Hãy nhớ rằng, đau khổ có thể làm cho chúng ta tốt lành hơn hoặc cay đắng hơn.  Đau khổ có thể cứu linh hồn hoặc lãng phí!

Làm thế nào để giảm đau khổ?  Khi đau khổ, chúng ta hãy cố gắng kết hợp đau khổ của chúng ta với Thập Giá – với Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.  Chúng ta gọi đó là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.  Kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc sống, hành động, và đặc biệt là những đau khổ của chúng ta, có giá trị vô hạn.

  1. KẾT HIỆP VỚI THÁNH LỄ

Chúa Giêsu đã chết một lần trên Thập Giá tại Canvê hơn 2000 năm trước.  Ngài không chết nữa.  Tuy nhiên, mỗi khi linh mục cử hành Thánh Lễ, tái diễn những gì đã xảy ra trên Canvê xưa.  Trong mỗi Thánh Lễ, Chúa Giêsu thực sự hiến dâng chính Ngài như một Nạn Nhân không tì vết cho Chúa Cha để cứu rỗi thế giới.  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết thêm rằng trong mọi Thánh Lễ, cũng như trên Canvê, Đức Mẹ hiện diện một cách thần bí nhưng rất thực tế.

Vì vậy, chúng ta đừng lãng phí những cơ hội ngàn vàng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta trải qua bất kỳ hình thức đau khổ nào, và bắt đầu kết hiệp đau khổ của chúng ta với đau khổ của Chúa Giêsu trên Thập Giá.  Tốt hơn hết, khi kết hiệp với Mẹ Maria, hãy đặt đau khổ của bạn vào tay Mẹ Maria và Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.  Sau đó, xin Mẹ ký thác những đau khổ này trên bàn thờ, nơi cử hành Thánh Lễ, để được kết hiệp với đau khổ của Chúa Kitô.  Sống theo cách sống này sẽ biến những đau khổ, dù là nhỏ nhất, của bạn thành một kho tàng ân sủng dồi dào vô hạn.

  1. DÂNG ĐAU KHỔ CHO CHÚA GIÊSU

 Khi được các em hỏi nên dâng gì cho Chúa, Đức Mẹ Fatima đã trả lời là “dâng tất cả.”  Hãy biến cuộc sống của bạn thành lễ hy sinh sống động để chuộc tội, đền đáp và ngợi khen.  Đây là vài gợi ý cụ thể về những gì chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa qua Trái Tim Đức Mẹ:

  1. 1. Thời Tiết Khắc Nghiệt

Tất cả chúng ta đều thích những ngày nắng đẹp với những giai điệu chim hót líu lo và hương thơm ngát của hoa nở rộ.  Nhưng không phải là luôn như vậy.  Cái lạnh buốt, mưa to và gió mạnh là đặc điểm của dự báo thời tiết thực tế trong nhiều ngày.  Thay vì phàn nàn về thời tiết thì hãy chấp nhận, sau đó tạ ơn Chúa và kết hiệp với Chúa Giêsu trên Thập Giá.

  1. Tình Trạng Sức Khỏe

Hậu quả của Nguyên Tội là tất cả nhân loại đều bị suy yếu về sức khỏe, ốm đau, đôi khi bệnh tật, cũng như lây nhiễm vi trùng.  Điều này không thể tránh khỏi!  Tại sao không kết hiệp tình trạng sức khỏe thể lý đau khổ của bạn với Chúa Giêsu trên Thập Giá?  Giá trị của tặng phẩm này là vô hạn!

  1. Đại Dịch

Đại dịch toàn thế giới như vậy là duy nhất trong lịch sử thế giới.  Thay vì lãng phí sự đau khổ hoàn vũ này, hãy kết hiệp với Thập Giá của Chúa Giêsu trên Canvê qua Hy Tế của Thánh lễ dâng lên Chúa Cha Vĩnh Hằng.  Ước gì đau khổ là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa để cứu rỗi các linh hồn và chính mình!

  1. Đau Khổ Gia Đình

Nhiều cha mẹ nhiệt thành cầu nguyện đã đau đớn tột cùng khi nhìn thấy những đứa trẻ mà họ nuôi dạy là người Công giáo và lãnh nhận các bí tích, đã không may lạc lối và từ bỏ đức tin.  Bất chấp những lời mời gọi, khuyên bảo và những giọt nước mắt cay đắng của cha mẹ, những đứa trẻ vẫn sống không biết gì về Chúa, như thể Ngài không hiện hữu.  Trong trường hợp này, hơn bao giờ hết, cha mẹ không nên chán nản, tuyệt vọng, phải cố gắng hơn nhiều.

Ngược lại, cha mẹ nên đặt những đau khổ của họ và những đứa con lên bàn thờ của Thánh Lễ, nơi Chúa Giêsu dâng những vết thương của Ngài cho Chúa Cha Hằng Hữu, và Cha vui lòng.  Thánh Monica đã kiên trì cầu nguyện cho con trai Augustinô, và con trai đã hoán cải khi 31 tuổi.

  1. Khô Khan Tâm Linh

Bất cứ ai coi trọng đời sống tâm linh thì rồi sẽ gặp phải sự khô khan, cụ thể nhất là trong đời sống cầu nguyện.  Đây được gọi là trải nghiệm sa mạc khô hạn.  Thay vì từ bỏ đấu tranh, hãy cố gắng thinh lặng và cầu nguyện.  Điều này có thể dẫn đến sự đau khổ lớn lao, nhưng dâng đau khổ tâm linh rất hiệu quả và đẹp lòng Thiên Chúa.

Hãy kết hiệp tình trạng khô khan tâm linh của bạn với Chúa Giêsu trong cơn hấp hối nơi Vườn Dầu, và đặt nó lên bàn thờ của Hy Lễ Thánh.  Chúa Giêsu đã trải nghiệm sự cô độc.  Tuy nhiên, Ngài càng cầu nguyện càng mạnh mẽ và nhiệt thành hơn.  Ngài là mẫu gương của chúng ta.

  1. Cái Chết Của Thân Nhân

Khi đối mặt với cái chết của người thân, niềm tin và hy vọng của chúng ta có thể bị lung lay.  Trong thời điểm quan trọng này, việc đặt những người thân yêu của chúng ta – những người đã qua đời, lên bàn thờ và trên Thập Giá qua Thánh Lễ, là điều vô cùng quan trọng, và cầu xin cho họ được cứu rỗi đời đời.  Trong sách Gương Chúa Giêsu, tác giả Thomas Kempis nói: “Điều quan trọng không phải là sống lâu, mà là sống thánh thiện.”

Chấp nhận và tuân theo Thánh Ý quan phòng của Thiên Chúa là giải pháp chắc chắn duy nhất, chúng ta không nên đặt câu hỏi tại sao Chúa lại lấy mạng họ, nhưng chúng ta có thể làm điều gì đó trong hiện tại cho linh hồn họ, cũng như cho chính chúng ta.

  1. Đảo Ngược Kế Hoạch

Không ai trong chúng ta vui mừng vì những con người và hoàn cảnh làm gián đoạn lịch trình, kế hoạch và các dự án của chúng ta.  Tuy nhiên, dù muốn hay không, các kế hoạch và dự án của chúng ta sẽ thường xuyên bị gián đoạn.  Thay vì mất bình tĩnh và điềm tĩnh, tại sao không đơn giản chấp nhận những mâu thuẫn và kết hiệp với Thập Giá của Chúa Giêsu?  Hãy đặt những gián đoạn lên Thập Giá trên Canvê qua Thánh Lễ.  Làm vậy để công việc mà bạn không thể hoàn thành có thể cứu các linh hồn.

  1. KẾT LUẬN

Tóm lại, đau khổ là một thực tại của con người mà không ai có thể tránh khỏi.  Cho dù chúng ta là tín nhân hay vô tín ngưỡng, theo đạo Công giáo hay vô thần, nhà thần bí chiêm niệm vĩ đại hay nhà duy vật cốt lõi, đau khổ vẫn là một phần trong thân phận con người.  Nhưng hãy nhớ câu châm ngôn ngắn gọn này: “Đau khổ làm cho bạn tốt hơn hoặc cay đắng.”  Nếu một người đau khổ chỉ vì đau khổ thì thật là cay đắng!  Chỉ khi nào đau khổ của chúng ta được kết hiệp với đau khổ của Chúa Giêsu trên Thập Giá qua Thánh Lễ thì chúng ta mới được thánh hóa và tăng trưởng trong sự thánh thiện.

Do đó, bắt đầu từ hôm nay, hãy nhớ đến những đau khổ trong cuộc sống của bạn.  Hãy đặt những viên ngọc quý này trong tay và trái tim của Mẹ Maria.  Chính Đức Mẹ sẽ đặt chúng lên bàn thờ Thập Giá tại Canvê.  Sự đau khổ của bạn kết hiệp với sự đau khổ của Chúa Giêsu và Đức Mẹ sẽ thực sự có giá trị vô hạn đối với sự cứu rỗi các linh hồn kịp thời và vĩnh viễn!

Lm. Ed Broom, Omv

Trầm Thiên Thu 

(chuyển ngữ từ CatholicExchange.com) – Mùa Chay – 2021

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay