Ông ‘Mattress Mack,’ người mở rộng vòng tay đón hàng ngàn dân Houston tránh rét
Feb 18, 2021
Cát Linh/Người Việt (tường trình từ Houston, Texas)
HOUSTON, Texas (NV) – Trận bão tuyết lịch sử chưa từng có trong 150 năm qua dẫn đến tình trạng mất điện, nhiệt độ xuống âm độ C, băng giá, đẩy hàng triệu người dân Texas vào hoàn cảnh khốn khổ của thiên tai. Giữa lúc đó, hai cửa hàng nội thất của ông “Mattress Mack,” một doanh nhân ở Houston, trở thành nơi trú ẩn cho hàng trăm người cần giúp đỡ.
“Showroom” hơn 100 ngàn sq ft trở thành phòng ăn, phòng ngủ
Cửa hàng nội thất Gallery Furniture nằm ở North Freeway, vào sáng Thứ Năm, 18 Tháng Hai, rất đông “khách” vô ra. Nhưng đặc biệt, đây không phải là khách đến để mua nội thất. Họ là những người người vô gia cư, không may mắn đủ ấm trong trận bão mùa Đông lịch sử của Texas. Cái lạnh dưới âm độ C làm cho “căn nhà” của họ dưới chân cầu, hay công viên nào đó, không còn an toàn nữa. Do đó, họ đến Gallery Furniture, nơi đang mở rộng cửa đón họ vào trú ẩn. Tại đây, không những họ có nơi ngủ đàng hoàng, ấm áp, mà thức ăn, nước uống cũng được chuẩn bị đầy đủ.
Ông James Franklin McIngvale, được mọi người gọi với tên thân mật là ông “Mattress Mack.” (Hình: Cát Linh/Người Việt)
Nếu những ai từng chứng kiến thảm họa của cơn bão Harvey đổ vào Texas năm 2017, sẽ nhớ đến một người đàn ông, chủ doanh nghiệp Gallery Furniture. Năm đó, ông cũng từng mở rộng cửa để đón những người gặp nạn mất nhà vì bão lụt. Ông là James Franklin McIngvale – được mọi người gọi với tên thân mật là ông “Mattress Mack.” Bây giờ, một lần nữa, ông và cửa hàng Gallery Furniture lại mở rộng cửa đón người cơ nhỡ, trú ẩn qua trận bão tuyết lịch sử.
Nhìn từ xa, Gallery Furniture không khác gì một công xưởng lớn. Khoảng chục nhà vệ sinh di động được đặt ngoài sân. Chúng tôi đoán là để phục vụ cho số lượng người đến trú ẩn qua đêm quá đông, vì nhà vệ sinh trong cửa tiệm không thể đáp ứng hết.
Đẩy cửa vào, bên trong là một không gian rộng lớn, được trang trí đẹp mắt với băng rôn nhiều màu và những quả bong bóng. Tất cả mọi người ở đây đều mang khẩu trang và giữ đúng khoảng cách cần thiết. Hay nhất là thái độ chào hỏi ân cần, lịch sự của nhân viên dành cho những người đến để lấy phần ăn hoặc nước uống.
Ông Kenny Nguyễn, nhân viên Gallery Furniture. (Hình: Cát Linh/Người Việt)
Một người đàn ông cao, gầy, tóc bạc trắng bước đến. Do tìm hiểu trước, nên chúng tôi biết trước mặt chúng tôi là “Mattress Mack” – ân nhân của hàng ngàn người cần giúp đỡ trong lúc này. Ông Mack nói hôm Thứ Hai, khi tuyết đổ xuống Houston, làm mất điện, nhiệt độ xuống thấp đến mức đông đá, thời tiết rất tệ hại.
“Chúng tôi chuẩn bị máy phát điện, dự tính mang mọi người đến đây vào đêm Thứ Hai, nhưng lúc đó giao thông quá nguy hiểm, nên thị trưởng chỉ đồng ý cho chúng tôi thực hiện vào ngày Thứ Ba. Gallery Furniture dùng nơi này làm ‘warming shelter’ – nơi để mọi người có thể có thức ăn nóng và ngủ qua đêm,” ông Mack nói với phóng viên nhật báo Người Việt.
Trong suốt ngày Thứ Ba, Thứ Tư, mỗi ngày có khoảng 1,000 người đến để tránh rét và nhận thức ăn nóng. Riêng mỗi tối, có khoảng 300 người ngủ lại vì thời tiết bên ngoài lạnh băng.
“Đây là cơ hội để chúng tôi trả ơn lại cho cộng đồng, xã hội đã cho (chúng) tôi rất nhiều,” ông Mack nói.
Một người vô gia cư ngồi ăn trong Gallery Furniture. (Hình: Cát Linh/Người Việt)
Lúc này vẫn là thời điểm khó khăn và nguy hiểm của đại dịch COVID-19. Để cưu mang hàng ngàn, hàng trăm, người vô gia cư trong chính doanh nghiệp của mình, nơi kinh doanh giường, nệm, đồ nội thất, thì có lẽ Gallery Furniture phải đối diện với một sự chuẩn bị và có lực lượng nhân viên vô cùng lớn? Nở nụ cười rất tươi, có vẻ như không có gì là khó khăn với điều đó, ông Mattress Mack chỉ vào chiếc khẩu trang, và nói: “Tất cả mọi người phải mang khẩu trang, trừ tôi vì tôi đang trả lời phỏng vấn trước ống kính. Tôi bắt buộc tất cả mọi người khi vào đây phải rửa tay bằng nước diệt khuẩn, mang khẩu trang, và giữ khoảng cách 6 foot.”
Nếu có chiếc khẩu trang, chúng tôi sẽ không thấy được nụ cười thật hiền của người đàn ông 70 tuổi.
Mỗi đêm, ông Mark đi kiểm tra những “vị khách” ngủ lại qua đêm. Ông muốn bảo đảm mỗi gia đình trong cửa hàng rộng lớn này phải cách nhau 20 hoặc 30 foot. Với những biện pháp phòng ngừa COVID-19 được thực hiện, ông tin rằng mọi người sẽ tránh bị lây nhiễm ở mức cao nhất.
“Chúng tôi học ở ông Mack lòng nhân đạo”
Có những sự việc cứ ngỡ tình cờ lại là hữu duyên. Tại đây, chúng tôi gặp anh Kenny Nguyễn, người gốc Việt duy nhất làm việc cho Gallery Furniture, là một ví dụ.
Ông “Mattress Mack” tâm lý thuê cả đôi chuột Mickey Mouse đến để tạo niềm vui cho trẻ em. (Hình: Cát Linh/Người Việt)
Kể lại câu chuyện 21 năm trước, anh Kenny nói: “Cuối năm 1999, tôi và bà xã đến Gallery Furniture mua đồ nội thất. Khi đó gặp ông Mark, rồi có duyên hay sao, tôi được nhận vào đây làm đến bây giờ. Ông ất là một người Công Giáo rất tốt. Người nào cần giúp là ông giúp hết. Texas bị lụt, bị hạn hán, hay bất cứ cái gì, ông đều giúp, không phân biệt gì cả.”
Nói về những gì anh học được ở ông “Mattress Mack,” ngoài tài kinh doanh, anh Kenny nói ngay, đó là lòng nhân đạo. Để cưu mang hàng trăm, hàng ngàn, người ngay trong doanh nghiệp với những sản phẩm có giá trị, thì sự hư hại và tổn thất là điều khó tránh. Tuy nhiên, anh Kenny cho biết, ông Mack không “đặt nặng vấn đề đó.”
“Khi ông ấy quyết định giúp đỡ bằng cách này thì ông ấy đã dự trù trước và chấp nhận những tổn thất đó. Chúng tôi học được ở ông ấy lòng nhân đạo. Ai cũng như ai, khi người ta cần giúp thì mình không thể quay lưng đi,” anh Kenny nói.
Anh Alan Baker, người đến “tá túc” ở Gallery Furniture một ngày trước, nay trở thành tình nguyện viên giúp đỡ lại những người đồng cảnh ngộ, đặc biệt là giúp cho một nơi đã giúp mình, nói với giọng xúc động: “Đây là một môi trường ấm áp dù ngoài kia thời tiết khắc nghiệt. Chúng tôi cố gắng biến thảm hoạ này thành năng lượng tích cực.”
Bàn ghế đáng giá cả ngàn đô la trở lên được dùng làm bàn ăn cho người vô gia cư. (Hình: Cát Linh/Người Việt)
Càng vào sâu bên trong, cửa hàng nội thất 100,000 sq ft càng lộng lẫy. Hoàn toàn không thể tin đây là một “warming shelter.” Những bộ bàn ghế có giá trị cả ngàn đô la trở lên được dùng làm bàn ăn cho những người vô gia cư. Bàn thì có cả gia đình ngồi ăn, vui đùa với nhau. Bàn thì chỉ có một người cắm cúi với phần ăn của mình.
Trẻ con mặc nhiên vui đùa ở một nơi đúng nghĩa là thiên đường với các em. Có kẹo, bánh ngon, có bút vẽ đủ màu để không buồn chán. Lũ trẻ còn được ông “Mattress Mack” tâm lý thuê cả đôi chuột Mickey Mouse đến để mua vui. Ăn món chính xong rồi, những “vị khách” này còn được cả những phần bánh tráng miệng.
Bà Sugar Trask, một người vô gia cư đến “cư ngụ” tại Harris County, Houston, vào năm 1991, tay cầm phần ăn của mình, nói: “Ông Mack luôn ở đây khi mọi người cần, và điều này là vượt quá giới hạn của một tấm lòng tốt. Đây là hành động vì sự vui buồn của con người, những người không có cuộc sống đúng nghĩa, những người sống trên vệ đường, dưới chân cầu. Ông ấy cho phép họ đến đây, cho họ thức ăn, chỗ ngủ. Họ được phép mang cả trẻ em vào.”
Ăn xong còn được tráng miệng nữa. (Hình: Cát Linh/Người Việt)
Bà cho rằng, đây là thảm hoạ của chung tất cả mọi người, nhưng ông Mack đã dành thời gian của mình và nhân viên của mình để cứu giúp mọi người.
“Ông ấy đang trả ơn cho những gì mà Texas và cộng đồng ưu ái cho ông. Không chỉ riêng ông mà nhân viên, những tình nguyện viên, đều rất tuyệt vời,” bà Trask nói.
Đúng như lời bà Trask nói, “đây là thảm hoạ chung cho mọi người.”
Trong thảm họa này, ông Mack đã nhìn thấy, còn rất nhiều người cần sự giúp đỡ. Đối với ông, lúc này, không phải lúc tìm xem “lỗi của ai.”
Ông nói: “Họ rất lạnh. Họ là những người khốn khổ. Cho nên, tôi không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Tôi không cần hỏi về trách nhiệm. Tôi cần mang đến cho thế giới này một nơi tốt đẹp hơn. Chúng ta đang làm những gì tốt nhất để giúp cộng đồng mà không hỏi lỗi của ai, cũng không cần chỉ cho họ thấy rằng chúng tôi đang làm cho thế giới này tốt đẹp hơn.”
Lại nở một nụ cười thật rạng rỡ, ông Mack quay trở lại nơi làm việc.
Tiếng chuông điện thoại liên tục vang lên, và cánh cửa Gallery Furniture để liên tục đóng mở tiếp đón “những vị khách khốn khổ.” [đ.d.]
—
Liên lạc tác giả: [email protected]