Một bài khác về Đức Mẹ Guadalupe cũng rất đáng đọc. Kính mời bà con.
KHOA HỌC LÀM SÁNG TỎ CÁC BÍ MẬT
CỦA ĐỨC BÀ GUADALUPE
Philip Callahan
Hôm đẹp trời lạnh lẽo 12-12-1531 ấy, Juan Diego -một trong những người cải đạo sớm nhất ở Mêhicô- không thể mơ có một ngày trong tương lai xa xôi, ông lại được bất tử hóa và được đặt trên bàn thờ của Giáo Hội hoàn vũ.
Juan Diego đang trên đường tới nhà thờ sáng sớm hôm đó thì lại nghe tiếng nói ngọt ngào của Bà Đẹp vốn đã hiện hình trước mắt ông tại chân Đồi Tepeyac ở ngoại ô Thành phố Mêhicô hai hôm trước.
Bà Đẹp đã lặp lại ước muốn của mình là có một teocali (nhà nguyện) được xây nơi Bà đã hiện ra. Juan Diego nói với Bà rằng Đức Giám mục Juan Zumarraga đòi bằng chứng về tính xác thực của yêu cầu này. Đức Bà đã chấp thuận. Theo hướng dẫn của Người, Juan Diego đã hái một bó hoa hồng Castilian rồi chính Người xếp trên tilma của ông (áo choàng, ct: một loại poncho hai vạt trước và sau). Ông sẽ phải đưa bó hoa hồng đó cho ĐGM. Vâng, những đóa hồng Castilian lạ lùng nở vào mùa Đông!
Juan Diego vội vàng đến gặp ĐGM. Và khi ông trải áo choàng của mình ra thì lạ chưa, ĐGM và mọi người có mặt đều hết sức kinh ngạc khi thấy không những nhiều đóa hồng thơm ngát rơi xuống từ áo choàng của ông mà còn cả một bức ảnh (cao 143 cm) của một phụ nữ trẻ đẹp với nước da hơi sẫm.
Đó là câu chuyện hay về việc làm sao hình ảnh Đức Bà Guadalupe đã xuất hiện. Hình Mẹ được bao quanh bằng những tia sáng mặt trời và dưới chân Đức Trinh Nữ có một vầng trăng lưỡi liềm và một thiên thần nâng Người lên. Đức Bà mặc một áo choàng màu xanh dương lẫn xanh lục với những ngôi sao vàng, và bên trong là một áo dài hồng thêu những nụ hoa viền vàng. Một đai lưng màu tía sẫm thắt quanh eo Đức Trinh Nữ theo kiểu các thai phụ Aztec vẫn thường mang.
Đức Mẹ yêu cầu Juan Diego gọi Người là coatloxopeuh mà trong tiếng Nahuatl, ngôn ngữ Aztec châu Mỹ, có nghĩa là “người đạp dẹp con rắn”. Trên phương diện lịch sử, đó là một phần văn hóa Aztec đương thời, vốn hàng năm dâng ít nhất 20.000 đàn ông, đàn bà và trẻ em cho các thần của họ như tế vật. Nhờ Đức Bà Guadalupe hiện ra với Juan Diego, hàng triệu người đã trở lại Kitô giáo, như thế là đạp dẹp con rắn của việc thờ ngẫu tượng.
Áo choàng của Juan Diego được làm bằng sợi thô, cứng, một thứ vải hoàn toàn không thích hợp để vẽ. Cuộc nghiên cứu và nhiều thử nghiệm khoa học đã được thực hiện trên áo choàng đó từ năm 1666 bởi các họa sĩ, bác sĩ và khoa học gia. Những phát hiện của họ cho thấy như sau: các đặc điểm lạ lùng của hình ảnh vượt quá mọi hiểu biết khoa học; hình ảnh xem ra đã không được vẽ bởi bàn tay con người; các màu sắc xuất hiện như “tích hợp” vào thớ vải; và chất màu được sử dụng không có nguồn gốc từ động vật hay khoáng vật. Hơn nữa, áo choàng, được làm bằng sợi đặc biệt đó, là tấm khăn duy nhất cùng loại còn tồn tại sau 476 năm [ct: 2007, thời điểm tác giả viết bài này].
Renzo Allegri, trong bài viết trên báo Messenger of Saint Anthony (Sứ giả của Thánh Antôn), cho biết rằng hiện tượng đã đánh thức sự tò mò khoa học đối với hình ảnh Đức Bà Guadalupe, liên quan đến cái đã được khám phá trong đồng tử đôi mắt Đức Mẹ. Năm 1929, Alfonso Gonzales, một nhiếp ảnh gia của Vương cung Thánh đường Guadalupe, sau khi nghiên cứu âm bản (phim) của hình ảnh, đã tìm ra cái có vẻ là hình ảnh rõ nét của một người nam có râu phản chiếu ở mắt bên phải.
Hơn 20 năm sau, một nhiếp ảnh gia khác của Vương cung Thánh đường, Carlos Chavez, đã tuyên bố rằng ông thấy một hình người trong mắt bên trái cũng như mắt bên phải của Đức Bà Guadalupe. Từ năm 1956 tới 1958, Rafael Torija Lavoigner đã thực hiện 5 cuộc nghiên cứu sử dụng các thấu kính phóng đại và kính soi đáy mắt (ophthalmoscopes), ông xác nhận có nhiều hình người trong đôi mắt của Đức Trinh Nữ.
Các hiện tượng như thế trở nên giật gân hơn nữa khi đôi mắt Đức Bà được nghiên cứu có sử dụng kỹ thuật tinh vi hơn nối kết với các máy vi tính.
Năm 1979, Tiến sĩ Jose Aste Tousman, một kỹ sư xuất sắc chuyên về vi tính ở Hoa Kỳ, đã đến Mêhicô. Ông là một trong những nhà nghiên cứu có khả năng nhất về đôi mắt Đức Bà Guadalupe. Allegri viết rằng công trình TS Tousman thực hiện trong 23 năm thật đáng kinh ngạc; ông đã sử dụng thiết bị cập nhật hay tinh vi nhất, giống các loại mà NASA vẫn dùng để giải mã các bức ảnh do vệ tinh chụp trong không gian. TS Tousman đã phóng to hình ảnh đôi mắt Đức Bà Guadalupe tới 2.500 lần, sử dụng 25.000 màu được chiếu sáng cho mỗi mm vuông.
Sau khi lọc và xử lý hình ảnh kỹ thuật số, TS Tousman khám phá ra một toàn cảnh được bắt hay được chụp trong đôi mắt Đức Bà Guadalupe. Trong toàn cảnh, có khoảng 11 người. Có một người Mêhicô bản địa ngồi xếp hai chân và tóc dài tết thành đuôi ngựa. Kế ông là một cụ già, hói đầu, râu trắng, mũi thẳng, lông mày rậm và một giọt nước mắt chảy dài xuống má phải. Nhân vật này được xác định là ĐGM Juan Zumarraga. Bên trái ngài là tay phiên dịch của ngài, Juan Gonzales. Có bóng dáng một ông già để râu và ria, với một cái mũi to kiểu Rôma, xương gò má lồi lên, đôi mắt chìm sâu và đôi môi nửa khép nửa mở – rõ ràng là một thổ dân châu Mỹ – đang mở áo choàng của mình khi quay mặt về phía ông già đầu hói. Rõ ràng là Juan Diego, kẻ đem những đóa hồng trong áo choàng mình tới cho ĐGM. Cũng có nhiều kẻ không xác định được gồm một người cha, một người mẹ, hai ông bà già và 3 đứa trẻ.
Cảnh tượng được khám phá trong đôi mắt phóng đại của hình ảnh kỹ thuật số cho thấy rằng trong giây phút đầy xúc động ấy, khi Juan Diego trải áo choàng cho Đức Giám mục và khi tất cả những ai đang hiện diện trong căn phòng thấy hình ảnh Đức Bà được vẽ lên đó, thì Mẹ Thiên Chúa thực sự có mặt: như những caméra tinh vi nhất, đôi mắt của Người đã chụp cảnh tượng và đã bảo tồn nó cho các thế hệ tương lai. Cũng kỳ lạ ở chỗ: ý thức những giới hạn của khoa học và kỹ thuật thời đó, Đức Mẹ biết rằng điều này sẽ chỉ được khám phá vài trăm năm sau, khi các thiết bị tinh vi nhất được con người phát minh chế tạo.
Sứ điệp của Đức Bà Guadalupe có thể là gì qua các phát hiện ấy của khoa học? TS Aste Tousman đã đi đến những suy nghĩ như vậy. Sự hiện diện của những kẻ không xác định có thể là một sự nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình và các giá trị gia đình. Vì hai người đàn ông da trắng và những thổ dân châu Mỹ được tìm thấy trong cảnh tượng, sự hiện diện của những chủng tộc pha trộn có thể là một cảnh báo chống kỳ thị chủng tộc và là một lời kêu gọi tình huynh đệ giữa con người. Việc khám phá cảnh tượng nhờ thiết bị hiện đại có thể là một lời mời gọi dùng kỹ thuật để loan truyền lời Chúa Kitô.
Juan Diego đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh tại Mêhicô. Thổ dân châu Mỹ khiêm nhường, đơn sơ này có thể đã không hình dung rằng Bà Đẹp Guadalupe mà ông đã nói chuyện với ở đồi Tepayac còn có nhiều bí mật khác được tiết lộ, được dành riêng cho các thế hệ tương lai. Trong trí óc đơn giản của mình, ông đã không thể nhận thức điều ấy. Chỉ cần nói rằng ông đã vâng lời và yêu mến Đức Mẹ, Đức Mẹ cũng đã yêu mến ông vì tâm hồn đơn sơ và trong sạch của ông.
Xem ra lạ lùng đối với một khoa học gia khi nói lên điều ấy, nhưng với tôi là kẻ cảm thấy liên hệ, bức ảnh gốc thật kỳ diệu. Nghiên cứu hình ảnh này là kinh nghiệm cảm động nhất của đời tôi. Tiếp cận với nó, tôi có cùng cảm giác lạ lùng như những ai đã nghiên cứu Khăn liệm thành Turin (Italia). Tôi tin vào những cách giải thích lô-gích tới một điểm nào đó. Nhưng không có cách giải thích lô-gích cho cuộc sống. Bạn có thể bẻ sự sống thành các nguyên tử, nhưng cái gì đến sau đó? Ngay cả nhà bác học Einstein cũng chân nhận có Thiên Chúa mà!
(*) Giáo sư Philip Callahan là khoa học gia xuất chúng, ĐH Florida năm 1979.
Trích Francis Johnston, Sự kỳ diệu của Guadalupe.
Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi dịch từ nguyên bản Anh ngữ
Nguồn: http://www.all-about-the-virgin-mary.com/our-lady-of…