BÁO CHÍ CUỐI ĐẦU TRƯỚC CƯỜNG TIỀN..!

BÁO CHÍ CUỐI ĐẦU TRƯỚC CƯỜNG TIỀN..!

Vụ xe Vinfast Fadil đi 79km đã bốc khói, chảy nhớt xôn xao trên mạng xã hội hai ngày qua nhưng đến nay vẫn tuyệt không thấy một dòng nào trên các tờ báo lớn.

Sự im lặng của các tờ báo lớn ở vụ việc này cũng như nhiều vụ việc khác trước đây liên quan đến các sự cố xảy ra với Vingroup khiến chúng ta không thể không đặt câu hỏi: phải chăng các tờ báo này đã ngấm ngầm chấp nhận cúi đầu trước cường tiền?
Nhưng tôi không tin Vingroup hay bất cứ tập đoàn lớn nào có thể mua chuộc hay bịt miệng tất cả các tòa báo để ngăn chặn hay gỡ bở các tin tức tiêu cực liên quan đến họ.

Vấn đề cốt lõi có thể nằm ở chỗ các tòa báo chưa đặt ra cách thức đúng đắn để xử lý xung đột lợi ích (interest of conflict) giữa các hợp đồng truyền thông, quảng cáo (nguồn thu chính của báo) và hoạt động nghiệp vụ báo chí.
Tôi tin chúng ta vẫn có những tờ báo, những nhà báo yêu nghề và làm báo vì nghề.

Tôi gọi những tờ báo lớn là những tờ báo có số đông độc giả hoặc có tiếng nói có ảnh hưởng lớn đến công luận. Những tờ báo này, bên cạnh việc phải có trách nhiệm với độc giả – những người thực tế mang đến giá trị và sức sống cho tờ báo, họ còn phải có trách nhiệm lớn hơn đối với cộng đồng xã hội, do tầm ảnh hưởng lớn hơn của mình.

Mà trách nhiệm lớn nhất với độc giả, với cộng đồng xã hội của một tờ báo là mang sự thật, mang tin tức chính xác và kịp thời đến cho độc giả.
Nếu phản bội hay ngó lơ trách nhiệm này, họ đáng bị hạch tội, đáng bị nguyền rủa.

Báo chí đã cúi đầu trước cường quyền giờ lại cúi đầu trước cường tiền nữa thì người dân biết trông cậy vào đâu để biết sự thật?

Tuy nhiên, tôi vẫn hi vọng, giả thuyết trên của tôi là đúng, tức là các tòa báo nhất thời chưa tìm ra cách đúng đắn để giải quyết mối quan hệ giữa truyền thông và nghiệp vụ báo chí đối với các tập đoàn, doanh nghiệp, chứ không phải họ đã lặng lẽ cúi đầu trước cường tiền.

Trong ba ảnh đi kèm theo bài này, ngoài 2 ảnh vụ Vinfast Fadil có ảnh chụp status của một nhà báo kỳ cựu đưa lên Fb hôm qua. Status đặt ra vấn đề tôi cho rằng rất nghiêm trọng trong ứng xử với các tập đoàn mà tôi gọi là tư bản hoang dã.

Các tập đoàn tư bản hoang dã này, vì lợi nhuận của họ, họ có thể hủy hoại bất kể là di sản văn hóa hay môi trường tự nhiên. Ba Son – Nha Trang – Phú Quốc – Bà Nà – Sơn Trà… là những minh chứng hiển hiện.

Chẳng nhẽ, chúng ta cứ ngồi đợi họ phá tàn canh xong rồi mới kêu than oán thán hay sao?

Như vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh vừa rồi, trong số những người kêu khóc, oán thán đất trời tôi thấy có không ít người nếu không đồng lõa thì cũng từng nâng niu ca tụng những tên lâm tặc khoác áo đại gia phá nát, phá nát sạch những cánh rừng nguyên sinh, vốn là lá phổi, tấm khiên bảo vệ cho cuộc sống của chính họ và con cháu họ.

Bây giờ chúng ta im lặng, thờ ơ hay làm ngơ để cho họ mặc sức tàn phá cả di sản văn hóa lẫn thiên nhiên môi trường, cả luật pháp lẫn chuẩn mực xã hội là chúng ta đang gây tội với chính mình và con cháu tương lai đấy.

Nguyễn Đắc Kiên

Image may contain: car and outdoor
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay