LHQ: Có báo cáo TQ biến Tân Cương thành trại tập trung khổng lồ (VOA)
Một ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng họ đã nhận được nhiều báo cáo khả tín cho hay 1 triệu người thuộc sắc dân Uighur ở Trung Quốc hiện đang bị cầm giữ ở một nơi giống như một “trại tập trung khổng lồ bí mật.”
Gay McDougall, một thành viên của Ủy ban Xóa bỏ Kì thị Chủng tộc, dẫn ra ước tính rằng 2 triệu người Uighur và những nhóm sắc dân thiểu số Hồi giáo bị cưỡng bức vào “các trại chỉnh huấn chính trị” ở khu tự trị Tân Cương ở miền tây.
“Chúng tôi hết sức lo ngại về nhiều báo cáo khả tín mà chúng tôi đã nhận được nói rằng, nhân danh việc chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và duy trì ổn định xã hội, (Trung Quốc) đã biến khu tự trị của người Uighur thành một nơi giống như một trại tập trung khổng lồ bí mật, một kiểu ‘vùng không nhân quyền,’” bà nói vào lúc khởi đầu đợt đánh giá thường xuyên kéo dài hai ngày về thành tích nhân quyền của Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong và Macau.
Trung Quốc nói Tân Cương đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ những kẻ chủ chiến Hồi giáo và những người chủ trương li khai Hồi giáo, khuấy động căng thẳng giữa người Hồi giáo Uighur thiểu số gọi nơi này là quê hương và người Hán đa số.
Một phái đoàn Trung Quốc khoảng 50 quan chức không bình luận gì về những phát biểu của bà tại phiên họp ở Geneva mà sẽ kéo dài đến thứ Hai, Reuters tường trình.
Các cáo buộc xuất phát từ nhiều nguồn, bao gồm nhóm tranh đấu Những Người Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc. Họ cho biết trong một báo cáo hồi tháng trước rằng 21 phần trăm tất cả các vụ bắt giữ được ghi nhận tại Trung Quốc vào năm 2017 là ở Tân Cương.
Trước đó, Du Kiến Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, nói Trung Quốc đang nỗ lực hướng tới sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc.
Nhưng bà McDougall nói rằng những người thuộc cộng đồng người Uighur và những người Hồi giáo khác bị coi là “kẻ thù của nhà nước” chỉ vì sắc tộc và tôn giáo của họ.
Hơn 100 học sinh sinh viên người Uighur trở về Trung Quốc từ các nước gồm Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giam giữ, với một số người chết trong khi đang bị câu lưu, bà nói.
Fatima-Binta Dah, một thành viên trong ủy ban, nhắc tới “việc giam giữ tùy tiện và hàng loạt gần 1 triệu người Uighur” và hỏi đoàn đại biểu Trung Quốc:
“Người Uighur ở Trung Quốc được hưởng tự do tôn giáo tới mức độ nào, có hình thức bảo vệ pháp lí nào để cho họ thực hành tôn giáo của mình?”
Các ủy viên cũng nêu ra các báo cáo về việc ngược đãi người Tây Tạng trong khu vực tự trị, bao gồm việc không cho sử dụng rộng rãi ngôn ngữ Tây Tạng trong lớp học và tại các thủ tục tòa án.