Như một lời cuối, tôi cám, tôi cám ơn đời,

Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 6 mùa Phục Sinh năm B 06-5-2018

 

“Như một lời cuối, tôi cám, tôi cám ơn đời,”

như giòng suối mật bao ngọt ngào,

đời cho tôi nuốt …

Ôi ngọt ngào …

Làm sao trút hết nồi lòng của tôi.”

(Hoàng Thi Thơ – Lời Hát Tạ Ơn)

 (2Corinthô 5: 17)

 Trần Ngọc Mười Hai

Lời cuối hay lời đầu, cũng vẫn là lời và lời, mà thôi.  Lời đây, lại là lời hát những chữ “tạ ơn”, hoặc “cám ơn”. “Tạ ơn người”, cám ơn đời, nào người có hay”. “Tạ ơn Tình”,“hạnh phúc mênh mông” vẫn “bềnh bồng, trong gió trên mây.” tức nghĩa là: người được “cám ơn” vẫn thấy “mênh mông” một phúc hạnh rất “bềnh bồng”. Cám ơn đời/tạ ơn người vừa nằm xuống là cha giáo Úc cả một đời truy tìm tư-tưởng mới để rồi chia sẻ với mọi người, ở chân trời Sydney hôm nay. 

Chân trời Sydney hôm ấy, lại thấy đấng bậc Dòng mình cứ “cám ơn đời, cám ơn người”, rất hết mình qua bài điếu văn nói lên các đặc trưng/đặc thù của cha giáo Kevin O’Shea, quyết nói đến đặc trưng “truy tầm tư tưởng mới” của thày mình.

Được biết, hôm ấy Linh mục Giám tỉnh Ed Nixon có cho biết: mỗi ngày, cha giáo Kevin đều lên tàu sắt đi từ nhà phụ thuộc vùng New Castle, Sydney về nhà chính Kogarahmiệt mài “truy tìm tư tưởng mới” suốt 6 tiếng đồng hồ qua sách vở, rồi mới về.

“Truy tìm tư tưởng mới”, là động-thái lạ kỳ nhưng thiết-thực của nhiều bậc vĩ-nhân hôm nay. Kể ra tên tuổi các vĩ-nhân này quả là không hết. Có cố-gắng cho lắm, cũng chỉ hao tổn công sức và thì giờ, mà thôi. Thế nên, hôm nay, nhân cơ hội này, bần đạo xin mời độc-giả cùng bạn và tôi, ta kinh qua một số chuyện để rút tỉa kinh-nghiệm hầu sống cho thoải-mái, phúc hạnh.

Về việc “truy tìm tư tưởng mới”, bần đạo đây bèn nhớ lại câu nói đầy quyết tâm của một bạn đồng học từng nhắn nhủ, rằng: “Này bạn mình, sống mà không có tư tưởng nào mới cả, thà chết sớm còn sướng hơn, nhỉ?” Câu nhắn này, nghe qua cũng hơi mang tính “ngạo mạn” đấy! Thế nhưng, xét cho cùng thì có bảo thế cũng không sai.

Vừa qua, trong “truy tìm nguồn tư-tưởng mới”, bần đạo đây lại đã chộp được giòng chảy nhỏ của nhân-sĩ nọ có viết về “cuộc sống đầy dục tính” của loài người nói chung, xin tạm dịch một đoạn khá vui như sau:

“Có những sự việc lạ kỳ đang xảy đến trên thế-giới của chúng ta. Phía phụ nữ thì: sau khi phá vỡ các mẫu rập khuôn tuổi tác, đang đi vào địa-hạt phát-triển mọi nỗ-lực của con người. Các nước như Ấn Độ, Israel, Phillíppin, Na-Uy, Anh Quốc và nhiều nước khác đã và đang trở-thành thủ-lĩnh do dân bầu để cai-trị đất nước mình…” 

Thế đó, là một trong những cái mới nơi giòng chảy tư-tưởng của thời-đại. Thế còn, địa-hạt thần-học thì sao?   

Về thần-học, ta có thể nói mà không sợ sai lầm, rằng: ngay đến ông Phaolô của cộng-đoàn tín-hữu thời tiên-khởi cũng là người lâu nay và mãi mãi chủ-trương “truy-tìm nguồn tư-tưởng mới “. Chứng-cớ đành rành thấy rõ là qua khẳng-định đầy tâm-huyết của ông qua câu viết trong bức thư thứ hai gửi giáo-đoàn Corinthô ở đoạn 5 câu 17, vẫn cứ bảo:

“Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới.

Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.” 

Cái mới-mẻ trong giòng chảy tư-tưởng, còn rải rác ở đây đó, chí ít là các bài viết hoặc sách/vở, ngày hôm nay. Dễ thấy nhất, là bài viết ta gặp được ở đoạn văn sau đây:

“Thiên Chúa vẫn thương-yêu ta, dù ta có ra thế nào đi nữa. Với Ngài, mọi người chúng ta đều là những con người phàm-tục đáng quí-trọng. Truyện kể hàng tư tế, còn nói lên một điều nữa, là: suy-tư của ta về các lỗi/tội hoặc sai sót/bất-toàn, không có chỗ đứng trong mối quan-hệ mật-thiết giữa ta và Thiên-Chúa. Điều này, còn có nghĩa: đã có khởi đầu mới, nên ta không cần ở mãi trong thân-phận tôi đòi, hoặc làm thân nô-lệ do gánh nặng của quá-khứ tạo cho ta.

 Một số người có vấn-đề về tội lỗi hoặc mang tâm-trạng tiêu-cực, lại cứ nghĩ: mình không xứng-đáng được Chúa cứu-vớt, nên càng phải xem xét cho thật kỹ thông-điệp này, hơn.” (X. Gs Marcus J. Borg, Gặp Gỡ Đức Giêsu Như Lần Đầu Từng Gặp”, Chương 6, nxb Hồng Đức 2018) 

Nói cho cùng, thì: người và ta cũng như ta và người, chỉ gặp được những gì là “mới mẻ” ở tư-tưởng thần-học, ngang qua và nhờ vào Thần Khí, mà thôi. Cố Gs Kevin O’Shea, CSsR cũng đã nhận ra được điều này, khi ông suy và niệm trình-thuật Tin Mừng do tác giả Gioan diễn và tả mọi sự việc xảy đến với cộng-đoàn tín-hữu thời tiên-khởi, mà bảo rằng:

“Trình thuật thánh Gioan, nay diễn tả là diễn và tả về Đấng tràn đầy Thần Khí, tức Đức Giêsu Kitô. Ngài là Chúa, rất thật như lịch sử cho thấy, mà không cần chứng minh. Tuy nhiên thời tiên khởi, nhiều người lại coi đây như danh xưng lờ mờ, chưa chứng tỏ. Có lẽ vì thế, cũng nên suy về thiên tính của Ngài để khám phá thêm về Đức Chúa.

 Thời xa xưa, khi nói Thiên Chúa là nói đến Giavê. Nếu có ai hỏi về những người sống cùng thời với Đức Giêsu xem Ngài có là Giavê Thiên Chúa không, thì câu trả lời khi ấy sẽ rất nhanh là tiếng “không”. Và, nếu có hỏi chính Đức Giêsu cũng bấy nhiêu từ, thì chắc hẳn Ngài cũng nói tiếng “không” hệt như thế.

 Bởi, người sống gần gũi Đức Giêsu lúc ấy, vẫn không nghĩ Ngài là Giavê Thiên Chúa, hoặc Đức Chúa của ai, mà Ngài chỉ là ngôn sứ do Giavê gửi đến, thôi. Thế nên, người sống ở thời của Chúa ít khi thắc mắc về “thiên tính” của Đức Giêsu, cũng dễ hiểu. 

Ngay thánh Phaolô cũng ít khi tự vấn mình bằng câu hỏi Đức Giêsu có là Thiên Chúa không? Tất cả các thánh thuộc Giáo hội thời ban đầu đều có ý nghĩ: Đức Giêsu có tràn đầy thiên tính nên Ngài mới kết hợp mật thiết với Thiên Chúa đến độ ngoài Ngài ra, không ai có được cảm nghiệm nào như thế. 

Kết cục là, Thiên Chúa vẫn hiện hữu và nổi lên cách đương nhiên ở bên trong và chung quanh Đức Giêsu, vì con người. Đức Giêsu sẻ san mọi điều Thiên Chúa đã và đang làm với Chúa và trong Chúa. Và, Thiên Chúa cũng thực hiện công trình của Ngài với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu. Thiên Chúa và Đức Giêsu ở gần nhau đến độ không ngôn ngữ nào nói lên được sự gần gũi ấy.

 Tín hữu thời giáo hội tiên khởi phải mất một thời gian dài mới tìm ra ngôn ngữ chính xác để nói lên tương quan giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa cũng như giữa Thiên Chúa và Ngài. Tương quan ấy, dựa trên niềm tin rất chính xác rất mới về tính “có một không hai” của Đức Giêsu. Tín điều này, nảy sinh và lớn mạnh cũng chậm, nhất là với thế giới Hy Lạp.

 Ngay đến Tin Mừng của các thánh cũng viết theo văn phong cốt cách nhằm lôi cuốn sự chú ý phấn khởi của mọi người để biết rõ Đức Giêsu là Đấng nào. Tin Mừng các thánh viết ra không là văn bản lịch sử và cũng không là định nghĩa chính thức về Ngài. Tân Ước chỉ để ra đôi đoạn rời rạc về chuyện này và xem ra cũng không mang tính nhất quán. Có Tin Mừng nói rất rõ về thiên tính của Chúa, trong khi đó, có bản lại nói ngược hẳn.  

    Chừng như nhận thức công khai và rộng rãi về thiên tính của Đức Giêsu chỉ có được vào những năm cuối thế kỷ đầu, thôi. Nhiều người lại cứ nghĩ: mặc khải về thiên tính của Đức Giêsu, là điều cốt yếu của niềm tin, và được củng cố theo khuôn thước của Công đồng Hy-Lạp bằng cung cách dễ tiếp cận. Sự thật tuy còn đó, nhưng ngôn ngữ con người vẫn luôn nghi ngờ hết mọi sự.

 Thật ra, người thời ấy vẫn thấy khó mà nắm được ý nghĩa ngôn ngữ mà họ sử dụng hằng ngày. Giống như tiếng Hy Lạp vẫn là thứ ngôn ngữ rất lạ, đối với người thường. Lạ đến độ, có người vẫn tự hỏi lòng mình xem có cách nào khác để khám phá ra thiên tính đích thực của Chúa không? Cung cách mới chứ không phải ngôn ngữ cổ của thời xưa.” (X. Lm Kevin O’Shea CSsR, Lời Chúa Sẻ San năm B, 2018 tr. 114-115)

Cung cách mới chứ không phải ngôn-ngữ cổ thời xưa”, vẫn là những thứ và những sự làm bận tâm cộng-đoàn Hội-thánh suốt nhiều thời. Thời nay, nhiều người nắm bắt được điều mới mẻ ấy, vẫn nói những lời đầy cảm-kích như những ca-từ còn hát mãi, ở bên dưới:             

 “Như một lời cuối, tôi cám, tôi cám ơn người,

Nào người có hay,

nhưng tràng pháo tay là những phút giây,

làm tiếng hát thêm say, làm tiếng hát cao bay

đời ta bảy bờ 

Như một lời cuối, tôi cám, tôi cám ơn Tình,

Tình đến như mộng, với cuộc tình hồng,

với cuộc tình nồng cho tôi hớp cạn bao phút thiên đàng,

hạnh phúc mênh mông.

 Rồi mai đây nếu tôi không còn trên đời này,

thì lời này còn nồng nàn như hớp rượu say

Rồi mai đây nếu tôi không còn

thì lời này còn bềnh bồng,

bềnh bồng trong gió, trên mây

(Hoàng Thi Thơ – bđd)

Hát những lời “bềnh bồng trong gió, trên mây”, còn để mọi người trong đó có tôi và bạn, những con người đang suy-tư cảm-kích thứ “tình người” và “tình đời” vẫn mênh mông, rộng khắp chốn bằng đủ mọi hình-thức thân quen, mới cứng rất trân trọng ở đời người. Những tình-tự như thế, còn được trân-trọng bằng giòng truyện kể rất dễ nể như bên dưới:

“Có tên cướp đi vào ngôi làng nọ. Hắn ta ẩn vào nhà vị bác sĩ duy nhất trong làng, tức: người mà hắn tin rằng rất giàu, nên dự tính đến khuya sẽ nắm đầu ông bác sĩ và bắt ông nói chỗ cất giấu của cải quý giá của mình, rồi giết ông đi để bảo mật. 

Đêm hôm ấy, đột nhiên có điện thoại từ người thân của đứa trẻ làng bên cạnh đang bị bệnh rất nặng cầu cứu bác sĩ. Lúc ấy, vào mùa đông, trời đổ tuyết lớn, mưa gió bão bùng, thôn làng của đứa trẻ bị bệnh lại cách xa một quả núi, đi đến đó sẽ gặp nhiều nguy hiểm trên đường, mà trời lại quá khuya, trong khi ông đã trải qua một ngày trời quá mệt mỏi.

 Gác điện thoại, ông bác sĩ thở dài dự định lên giường để nghỉ. Nhưng rồi ông lẩm bẩm tự nhủ: mình không đi bây giờ lỡ ra đứa trẻ ấy chết đi thì sao. Nghĩ thế xong, ông lấy lại tinh thần bèn mặc thêm áo ấm, cầm theo cây đèn bão rồi mở cửa, ra đi. Dáng ông liêu xiêu trong gió tuyết. Sáng hôm sau khi ông bác sĩ trở về, tên cướp đón ông ngay trước cửa nhà, sụp xuống dưới chân ông:

-Ông có biết tôi chờ ông suốt từ đêm qua tới giờ không?

-Xin ông vào nhà để tôi khám bệnh cho ông, Bác sĩ đáp lại.

Tên cướp nói:

-Không phải thế. Tôi là một tên ăn trộm. Đêm qua, tôi đã ẩn nấp trong nhà ông. Tôi muốn bắt ông khai chỗ giấu của cải và rồi quyết-định sẽ giết ông. Nhưng hôm qua, giữa trời mưa gió bão bùng, tuyết rơi khắp chốn, ông lại bất chấp nguy hiểm đi chữa bệnh cho người ta. Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì định làm hại một người có lòng tốt như ông. Khi ông ra đi trong đêm tối, ông không chỉ cứu đứa trẻ ở làng bên kia mà thôi, nhưng còn cứu chính bản thân ông. Và ông biết không, ông còn cứu cả tôi nữa”.

 Thật may cho ông bác sĩ và ông Thượng vì cả tên cướp trong câu chuyện trên và anh thanh niên được kể trong đề bài đều “không thể đối xử với tình thương bằng lòng tham của mình”. Sự may mắn ấy của một con người không phải đến một cách tình cờ mà nó được tích lũy bởi lòng chân thành và tình thương của họ. Tình yêu thương của con người vẫn có thể lay động cả đất trời.

 Bởi thế nên, có thể nói rằng: chúng ta bất kể giàu/nghèo, sang/hèn đều gắn kết với nhau được đó là  nhờ việc “cho đi”. Cho đi, giống như hành-động  của một Bill Gates, hay Warren Buffet là những vĩ-nhân có thể thay đổi cả thế giới. Chúng ta cũng có thể không hoặc chưa làm được những điều lớn lao như các vị này, nhưng chúng ta vẫn có thể cho đi bằng những hành-động bé nhỏ hằng ngày.

 Đó có thể đơn giản chỉ là một nụ cười dịu nhẹ tỏ ra với người bán hàng, hoặc lời cám ơn chân thành gửi đến người lao công ở trên phố, hoặc biết chia sẻ công việc nhà với bà con, hoặc biết xếp hàng ở phố/chợ, biết bỏ cọng rác vào thùng, biết xách hộ cái giỏ nặng cho phụ nữ mang bầu, biết nhường ghế cho cụ già vất vả trên xe buýt…

 Vào những lúc có thể, ta cũng nên làm những việc nhỏ bé, chỉ vậy thôi. Nếu tất cả mọi người đều biết cách sống mà “cho đi”, ắt hẳn tất cả mọi người lại sẽ nhận ra thiên đường, ở thế gian này.

 Có người lại sẽ bảo: tôi còn nhỏ tuổi và đời tôi đâu phải màu hồng mà phải làm thế. Riêng tôi thì nghĩ khác. Bút màu cầm trong tay, ai cũng có quyền tô vẽ màu sắc cho đời mình được hết. Để kết thúc những giòng chảy này, nay xin kể thêm câu truyện kể về hai cái hồ ở đất nước Palestine thuộc miền Trung Đông binh biến.

 “Nhiều người vẫn bảo: Palestine có hai biển hồ. Biển thứ nhất là Biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào ở bên trong hoặc xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ, không loại cá nào lại sống nổi mà người uống cũng bị bệnh. Không ai muốn sống ở gần đó. Biển hồ thứ hai là Hồ Galilê. Đây là biển hồ thu hút khách du lịch nhiều nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng có thể sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở đây. Vườn tược ở đây tốt tươi là nhờ nguồn nước này…

 Nhưng, có điều lạ kỳ là: cả hai biển hồ này đều đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết. Biển chết đón nhận và giữ lại cho riêng mình mà không chia sẻ cho nơi nào khác, nên nước ở Biển Chết trở nên mặn chat, với mặn chằng. Biển hồ Galilê lại cũng nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác, nhờ vậy nước ở hồ này luôn sạch trong và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và cả con người nữa.

 Ánh lửa sẻ chia là ánh lửa lan đi khắp chốn. Môi người, có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng và trao ban mọi thứ, tâm hồn mới ngập tràn niềm vui bất tận.

 Thật bất hạnh cho những ai suốt cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình đủ mọi thứ. Sự sống ở trong họ, rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nguồn nước trong biển chết”. (Truyện kể do St sưu tầm và chuyển tải để mọi người biết).

 Nói cho cùng, có cho đi thật nhiều rồi cũng sẽ thấy cuộc đời mình vui biết chừng nào. Hãy cám ơn đời/cám ơn người cho thật nhiều dù không nhận được bao nhiêu, từ người khác. Bởi, tất cả là ân-huệ; thế nên, sẽ có lúc người và ta cũng như ta và người tha hồ mà nhận lĩnh, mãi không thôi.

Thế đó, là ý-nghĩa của đời người. Một đời vẫn cứ cho đi nhiều hơn là nhận-lĩnh suốt có đính kèm một “cám ơn đời”, “cám ơn người” về mọi sự.

Trần Ngọc Mười Hai

và những quyết-định nhỏ

có thêm lời cảm tạ bậc thày 

là cha giáo Kevin O’Shea, DCCT

vừa quá vãng cũng mới đây.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay