LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Chúa Nhật II Phục Sinh – Năm B

Phanxicô Xaviê

Chuyện “Nghìn lẻ một đêm” của người Ba Tư có kể lại một phiên tòa như sau :

Có hai người anh em ruột nọ bắt trói được thủ phạm giết cha mình. Họ lôi kéo tên sát nhân đến trước quan tòa và yêu cầu xử theo luật mắt đền mắt răng thế răng. Kẻ sát nhân dùng đá để ném chết cha của họ, thì hắn cũng phải bị ném đá theo như luật đã qui định… Trước mặt quan tòa, tên sát nhân đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Nhưng trước khi bị đem ra xử, hắn chỉ xin một ân huệ, đó là được trở về nhà trong vòng ba ngày để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến một người cháu được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Sau thời hạn đó, hắn sẽ trở lại để chịu xử tử… Quan tòa xem chừng như không tin ở lời cam kết của tên tử tội. Giữa lúc quan tòa đang do dự, thì từ trong đám đông những người tham dự phiên tòa, có một người giơ tay cam kết :”Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau ba ngày, hắn không trở lại, tôi sẽ chết thế cho hắn”.

Tên tử tội được tự do trong ba ngày để giải quyết việc gia đình. Sau đúng kỳ hạn ba ngày, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, hắn hiên ngang tiến ra giữa pháp trường và dõng dạc tuyên bố :”Tôi đã giải quyết mọi việc trong gia đình. Giờ đây, đúng theo lời cam kết, tôi xin trở lại để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của tôi để người ta sẽ không nói : chữ tín không còn trên mặt đất này nữa”.

Sau lời phát biểu của kẻ tử tội, người đàn ông đã đứng ra bảo lãnh cho hắn cũng ra giữa đám đông và tuyên bố :”Phần tôi, sở dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này, vì tôi không muốn để cho người ta nói : lòng quảng đại không còn trên mặt đất này nữa”.

Sau hai lời tuyên bố trên, đám đông bỗng trở nên thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi để thể hiện những gì cao quí nhất trong lòng người. Từ giữa đám đông, hai người thanh niên bỗng tiến ra và nói với quan tòa :”Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta sẽ không nói : lòng tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa”.

Giữa sa mạc cằn cỗi, một cụm cỏ hay một cánh hoa dại là cả một bầu trời hy vọng cho những người lạc lõng. Giữa sa mạc nắng cháy, một tiếng suối róc rách là cả một nguồn hy vọng tràn trề cho những ai đang đói khát… Giữa một xã hội khô cằn tình người, một xã hội mà những giá trị tinh thần bị bóp nghẹt và đạo đức thì suy đồi, chứng từ của người Kitô hữu cần thiết hơn bao giờ hết. Giữa biển khơi mù mờ, có biết bao kẻ chơi vơi đang cần một chiếc phao của chữ tín, của lòng thành, của lòng quảng đại, của sự tha thứ… Người Kitô hữu phải sống thế nào để người ta có thể nói : Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và con người vẫn có thể yêu thương nhau. Cả ba bài đọc Thánh kinh cùng với đáp ca của Chúa nhật XXIV thường niên như đan quyện vào nhau, sẽ dẫn dắt chúng ta đi vào cung lòng yêu thương từ đời đời của Thiên Chúa đã sớm dành cho nhân loại.

Thiên Chúa đã xót thương Israel tội lỗi và tha thứ cho họ. Người đã đoái thương Phaolô khi biến đổi một con người hung hăng lùng bắt các tín hữu trở nên vị Tông đồ nhiệt tâm của Tin mừng cứu độ. Và Đức Giêsu trong bài Tin mừng không những cho chúng ta thấy Người đã xuống thế để đi tìm các chiên lạc là loài người tội lỗi, mà còn khẳng định điều đó biểu lộ lòng thương xót của chính Thiên Chúa.

Khởi đầu, bài Xuất hành (32,7-11.13-14) thuật lại một câu truyện thời Môsê : Bấy giờ ông đã ở trên núi Sinai lâu ngày với Thiên Chúa. Dân chúng ở dưới sốt ruột. Họ xin Aharôn đúc cho họ một tượng thần là con bò vàng, để họ có một tôn giáo như mọi dân tộc khác. Tâm lý của loài người ở cách chúng ta trên dưới ba ngàn năm, khó giữ vững được tinh thần trong một tôn giáo không có hình tượng nào cả. Mọi dân chung quanh đều có thần tượng của họ. Vì sao con cái Israel lại không có tượng để thờ ? Do đó, việc xin Aharôn đúc cho họ một tượng, chẳng qua cũng vì yếu đuối… nhưng vẫn là một xúc phạm tới Thiên Chúa và là một bội phản Giao ước. Thiên Chúa đã buộc họ không được đồng hóa, hình dung Người dưới bất cứ biểu tượng nào, vì Người là Đấng Thánh, tức là Đấng khác hẳn mọi sự hữu hình. Việc này làm Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và muốn giáng phạt dân nổi loạn. Nhưng nhờ lời van xin của Môsê, Người đã quên tội lỗi của dân và không giáng phạt nữa. Thiên Chúa đã tha thứ cho họ.

Thiên Chúa luôn yêu thương muốn cứu độ tất cả mọi người, Chúa Giêsu qua các dụ ngôn trong bài Tin mừng Lc 15,1-32 đã nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài yêu thương cứu độ từng người, chủ động tìm kiếm và vui mừng khi một người tội lỗi quay trở về. Các dụ ngôn đều nhấn mạnh đến lòng quảng đại của Thiên Chúa : người mục tử đi tìm con chiên lạc, người đàn bà tìm kiếm đồng tiền bị mất và người cha nhân hậu chờ đón, vui mừng tha thứ cho người con hoang đàng quay trở về. Thiên Chúa là người cha nhân hậu, là người mục tử nhân lành luôn yêu thương chăm sóc cho từng con người. Mỗi người trước mặt Chúa cho dù có tội lỗi đến đâu đi nữa vẫn luôn được hưởng trọn tình yêu của Ngài. Tình yêu ấy được thể hiện qua việc Chúa Cha đã sai Chúa Con đến tìm kiếm và cứu vớt tất cả nhân loại tội lỗi. Lòng thương xót được thể hiện khi không trách phạt mà lại yêu thương cứu độ những con người luôn quay lưng phản bội Ngài.

Kết thúc của các dụ ngôn là kết thúc vui mừng. Người mục tử vui vẻ vác con chiên lạc trên vai khi tìm thấy, người đàn bà vui mừng khi tìm được đồng bạc bị mất và người cha nhân hậu tràn đầy sung sướng khi người con hoang đàng trở về. Thiên Chúa vui mừng khi người tội lỗi ăn năn trở lại. Thánh Phaolô qua cuộc đời của mình đã minh chứng điều ấy. Nếu Thiên Chúa không thương xót ông, thì suốt đời Phaolô sẽ là Saul, một kẻ thông thái nhưng chẳng hiểu biết Chúa và do đó cũng chẳng hiểu biết anh em, nên đã lùng bắt sát hại đồng bào của mình. Saul đã xử sự như vậy vì không biết. Ông không biết Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, mà cứ nghĩ là đấng hay thưởng phạt. Nhưng Saul cũng đã nhận được lòng thương xót của Chúa. Thiên Chúa không chỉ yêu thương tha thứ cho Phaolô mà còn trao phó cho ông sứ mạng công bố lòng thương xót của Thiên Chúa cho muôn dân.

Lời Chúa hôm nay mời gọi Kitô hữu nhìn lại thái độ của mình khi đối xử với những người tội lỗi, những người xúc phạm đến mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở việc tha thứ, mà còn phải chủ động tìm kiếm và vui mừng thực sự khi một người anh em trở về.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay