Chúa Giêsu đã sống lại. Sống lại lúc nào và thế nào thì không ai được chứng kiến. Tuy nhiên chắc chắn Chúa đã sống lại vì các tông đồ đã được gặp Chúa Phục Sinh. Cuộc gặp gỡ đó làm thay đổi cuộc đời và con người của các ngài.
Ta thấy sự thay đổi cụ thể của thánh Phêrô trong Bài trích sách Công vụ Tông đồ hôm nay. Trước cuộc Khổ Nạn của Chúa, Ngài nhút nhát chối Thầy, nay Ngài mạnh mẽ, hùng hồn rao giảng Chúa Kitô Phục Sinh cho đông đảo quần chúng, kể cả nơi công đường trước mặt các vị chức sắc cao cấp. Trước đây Ngài không hiểu Lời Chúa, nay Ngài thông suốt Sách Thánh và minh chứng rằng “Tất cả các tiên tri đều làm chứng về Người”. Có sự thay đổi đó vì Ngài đã được gặp gỡ Chúa Phục Sinh như lời Ngài xác quyết: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng…Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tưởng”.
Sáng sớm ngày thứ nhất, mọi người đổ xô ra mộ và đã không thấy gì trừ ngôi mộ trống. Hòn đá bật tung, khăn liệm xếp gọn gàng, còn Người thì họ không thấy. Tất cả không phải là những bằng chứng thuyết phục. Chỉ sau khi gặp Chúa Phục Sinh, các môn đệ mới thật sự tin tưởng và hiểu được ý nghĩa của việc Chúa Phục Sinh. Niềm tin và hiểu biết đó có những bước tiệm tiến.
Thoạt tiên khi gặp Chúa Phục Sinh, các tông đồ tưởng là thấy ma. Trong đời sống bình thường, thấy người chết là thấy hồn ma của họ. Hồn ma thuộc về thế giới kẻ chết. Nhưng Chúa Phục Sinh không phải là hồn ma. Người cho các ông xem chân tay. Ma đâu có da thịt thế này. Người ăn uống với các ông. Ma đâu có ăn uống thế này(x. Lc 24, 36-43). Rõ ràng Chúa Phục sinh đang sống. Và Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống nên Người ở trong thế giới kẻ sống.
Không phải hồn ma, Chúa Phục Sinh cũng không phải con người cũ, trở về sự sống cũ trong thân xác cũ. Chúa Phục Sinh không giống như đứa con trai bà góa thành Naim, hay như Lazaro Chúa cho chết bốn ngày sống lại. Sống lại như thế là trở lại thân xác cũ, để rồi một ngày kia cũng phải chết như mọi người khác. Chúa Phục Sinh có một thân xác khác. Tuy vẫn còn mang những vết thương nhưng đó là thân xác hiển vinh. Có thể đi qua những cánh cửa đóng kín. Có thể cùng lúc hiện diện ở nhiều nơi khác nhau. Có thân xác nhưng không còn là thân xác cũ nên các môn đệ không nhận ra Người nếu Người không cho họ biết. Như Bà Madalena(x. Ga 20, 11-18). Như hai môn đệ trên đường đi Emmaus(x. Lc 24, 13-33). Như các môn đệ đánh cá tại Biển Hồ(x. Ga 21, 1-8). Sự sống sau phục sinh của Chúa có gì rất mới, rất lạ. Đó là sự sống trong Thiên Chúa, đồng hiện hữu với Thiên Chúa.
Tuy đồng hiện hữu với Thiên Chúa, Chúa Kitô Phục Sinh không phải là Thiên Chúa xa cách. Gặp gỡ Chúa vẫn là gặp gỡ sống động với một nhân vật cụ thể, chứ không phải chỉ là một cảm nghiệm thần bí. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng các cuộc gặp gỡ thật sống động và cảm động khi Chúa cho ông Tôma đụng tay vào các vết thương(x. Ga 20, 24-29). Khi Chúa nướng cá và cùng ngồi ăn với các môn đệ(x. Ga 21, 9-14). Khi Chúa giải nghĩa Kinh Thánh cho các môn đệ trên đường Emmaus(x. Lc 24, 13-33). Khi Chúa hỏi Phêrô về tình yêu mến và trao quyền cho ông bên bờ hồ Galilê(x. Ga 21, 15-19). Đức Thánh Cha Bênêđíchtô, trong tác phẩm “Chúa Giêsu thành Nagiaret tập 2 đã ghi nhận điều đó nơi thánh Phaolo: “Thánh Phaolo phân biệt rõ ràng giữa những kinh nghiệm thần bí – tỉ như được nâng cao lên tầng trời thứ ba như được diễn tả trong 2 Cor 12, 1-4 – với cuộc gặp gỡ của ngài với Đấng Phục Sinh trên đường Đamas, đó là một sự kiện trong lịch sử, một cuộc gặp gỡ với một nhân vật sống động” (Joseph Ratzinger, Chúa Giêsu thành Nagiaret tập 2, bản dịch Nguyễn văn Trinh, nxb Tôn giáo, 2011, tr. 328).
Chính những cuộc gặp gỡ sống động này đã biến đổi các tông đồ. Mở ra cho các ngài một chân trời mới lạ chưa từng có. Một cảm nghiệm thực đến từng chân tơ kẽ tóc đó là Chúa Phục Sinh vượt lên trên tất cả. Vượt qua mọi không gian và thời gian. Chẳng có gì giam hãm được Người. Người vượt qua thế giới hữu hạn để bước vào thế giới vô biên, trong bầu trời tự do vô hạn. Tự do đối với quyền lực phàm trần. Với Chúa Phục Sinh các môn đệ xác tín rằng cái ác không thể có tiếng nói cuối cùng. Công lý của Chúa cao vượt trời xanh. Chúa Phục Sinh vượt lên trên trần gian tầm thường, nhỏ nhen, ti tiện. Người đã mở ra chân trời cao thượng, tha thứ tất cả, chấp nhận tất cả, yêu thương tất cả. Và nhất là Chúa Phục Sinh mở ra chiều kích mới cho hiện sinh con người để con người không còn tuyệt vọng vì những giới hạn và tính chất bọt bèo của thân phận, nhưng tràn đầy hi vọng vì con người có thể triển nở đến vô biên và đạt đến tầm vóc viên mãn trong Thiên Chúa. Từ cõi chết, Chúa Phục Sinh làm một bước nhẩy vọt, vươn đến một cuộc sống mới với những phẩm chất cao vượt. Mở ra cho con người một tương lai tràn đầy niềm tin yêu và hi vọng. Đó là một tin vui mừng lớn lao. Đó là lẽ sống của nhân loại.
Xác tín vì gặp Chúa Phục Sinh sống động. Choáng ngợp vì chân trời mới lạ do Chúa Phục Sinh mở ra, các tông đồ phấn khởi, mạnh dạn ra đi loan tin vui mừng cho mọi tạo vật, bất chấp mọi khó khăn, gian lao, thử thách, kể cả tù đầy, khổ hình và tử hình.
Chúa nhật Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật Áo Trắng. Vì đây là ngày dành riêng cho người Tân Tòng. Người Tân Tòng vừa được chịu bí tích Thánh Tẩy, mặc áo trắng tượng trưng cho linh hồn rất tinh tuyền đã được rửa sạch trong máu Chúa Kitô. Linh hồn người tân tòng vừa cùng Chúa Kitô chết đi cho con người cũ và cùng Chúa Kitô Phục Sinh sống lại cho con người mới. Con người trong sạch. Con người vượt trên sự sống trần gian. Con người mới thuộc thượng giới. Con người trở thành con Thiên Chúa. Xin chúc mừng chị Maria Giang đã được sống lại với Chúa Kitô trong đời sống mới. Và xin mượn lời của thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Côlose trong bài Sách Thánh thứ 2 gửi đến chị: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới… Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. Đó chính là ý nghĩa của tất cả đời sống người tín hữu.
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen.
+TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt