Đoàn Xuân Thu
Bệnh Viện Tâm Thần Biên Hòa. (Hình minh họa: Hotovietnam.org)
Nếu có ai hỏi: “Con người nào đã chọn cái chết âm thầm để giữ lại sự bình yên cho người khác?” thì cái tên Tô Dương Hiệp chắc hẳn xứng đáng được xướng lên trong niềm kính phục.
Là bác sĩ chuyên khoa tâm thần, Bác Sĩ Tô Dương Hiệp sống một cuộc đời dung dị nhưng đầy tận hiến trong ngành y – một đời giữa những người điên và chết giữa họ, như một lời nguyện.
Sinh ngày 1 Tháng Mười Một năm 1935, tại Tân Uyên, Biên Hòa, BS. Hiệp trưởng thành trong một gia đình nho phong, trọng chữ nghĩa và đạo lý. Vừa thừa hưởng cốt cách nhân văn từ thân phụ, ông lại sớm chọn con đường y học như một sứ mạng.
Năm 1971, ở tuổi 36, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, một cơ sở y tế chuyên điều trị bệnh nhân tâm thần lớn nhất Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.
Dưỡng Trí Viện Biên Hòa không phải là nơi dành cho những trái tim yếu mềm. Ở đó, giữa âm thanh thảng thốt và ánh mắt vô định, người thầy thuốc không chỉ cần y lý vững vàng mà còn phải có lòng từ bi sâu rộng. BS. Tô Dương Hiệp không chỉ đáp ứng những điều ấy, mà còn vượt xa khỏi khuôn mẫu thường tình.
Một giai thoại thường được nhắc lại: có lần, viện tiếp nhận một thanh niên bị rối loạn tâm thần sau khi thi rớt tú tài đau lòng như muốn khóc, BS. Hiệp không dùng thuốc vội, mà thử nghiệm phương pháp “Tâm lý trị liệu” – một hướng điều trị còn rất mới mẻ lúc bấy giờ. Kết quả khiến đồng nghiệp khâm phục: chỉ sau thời gian ngắn, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Người ta nói, có lẽ ông đã chữa bằng cả trái tim.
Phòng mạch riêng của ông đặt tại đường Hàm Nghi, Biên Hòa. Nhưng chính dưỡng trí viện mới là nơi ông gửi gắm trọn đời mình, như một tu viện của khoa học và lòng nhân.
Khi biết mình mang một chứng bệnh hiểm nghèo -bệnh máu trắng (leukemia) – bác sĩ Hiệp không hề hoảng loạn hay than van. Ông âm thầm chịu đựng, âm thầm cống hiến như chưa có gì xảy ra. Ông không nói với ai, kể cả vợ con. Chỉ khi bệnh tình trầm trọng, ông mới đề nghị Bộ Y Tế VNCH cử người thay thế chức vụ giám đốc, vì biết mình không còn đủ sức cáng đáng công việc.
Bộ Y Tế khẩn trương lên kế hoạch đưa ông sang Thái Lan điều trị, chuyến bay định cất cánh lúc 10 giờ đêm ngày 21 Tháng Mười Một năm 1973. Nhưng định mệnh không chờ ai. Chỉ 15 phút trước khi buổi sáng ngày ấy tròn một giờ đồng hồ, tức 9 giờ 45 sáng, BS. Tô Dương Hiệp trút hơi thở cuối cùng. Ông ra đi ở tuổi 38, đúng vào tháng sinh của mình – như định mệnh đã viết sẵn.
Người ta kể rằng, trong lời trăn trối sau cùng, ông dặn được chôn ngay trong khuôn viên nghĩa trang dưỡng trí viện, giữa những người điên mà ông đã suốt đời săn sóc.
“Khi sống, tôi chăm sóc họ. Khi chết, xin được nằm bên cạnh họ,” ông nói như vậy.
Và lời ấy được thực hiện, không một tấm bia phô trương, chỉ là mộ phần lặng lẽ giữa vườn hoang tâm thức.
Câu chuyện của BS.Tô Dương Hiệp gợi nhớ đến nhân vật Naôê trong tiểu thuyết Vô Đăng Ảnh (tựa gốc Đèn Không Hắt Bóng) của bác sĩ Nhật Dzyunichi Watanabe. Naôê, một bác sĩ giải phẫu lừng danh, cũng phát hiện mình mắc ung thư cột sống (myeloma). Như bác sĩ Hiệp, ông cũng giấu bệnh, cũng đi qua từng ngày với trái tim bị mài mòn bởi nỗi cô đơn bệnh lý.
Nhưng trong khi Naôê tìm quên qua rượu, dục vọng và thuốc phiện, rồi kết thúc đời mình bằng cách gieo xác xuống hồ Sikôtsu lạnh lẽo, thì BS. Tô Dương Hiệp lại chọn con đường trầm tĩnh hơn: tiếp tục làm việc, tiếp tục chữa trị người điên bằng lý trí sáng suốt và sự thương yêu.
Cả hai đều là bác sĩ, đều can đảm, nhưng chọn cách khác nhau để đối mặt với định mệnh.
Bác Sĩ Hiệp là trưởng nam của nhà văn Bình Nguyên Lộc – cây bút lớn của văn học miền Nam. Hai cha con như có sợi dây kỳ lạ nối kết vận mệnh: Nhà văn Bình Nguyên Lộc sinh ngày 7 Tháng Ba và cũng qua đời đúng ngày đó; bác sĩ Hiệp sinh ngày 1 Tháng Mười Một và cũng mất trong Tháng Mười Một, ngày 21. Những trùng hợp lạnh lùng ấy như ẩn dụ cho một dòng máu văn-y, sống và chết như một bản giao hưởng ngắn ngủi mà sâu sắc.
Gia đình ông còn để lại dấu ấn đậm nét trong văn hóa Biên Hòa: vợ ông là một cựu giáo sư dạy Văn tại Trung Học Ngô Quyền, và ông để lại cho đời bốn người con – chắc chắn là bốn ngọn đèn âm thầm nối tiếp ánh sáng mà người cha đã đốt lên bằng chính sinh mạng mình.
Bác Sĩ Tô Dương Hiệp không phải là một danh y nổi tiếng ngoài xã hội, nhưng trong vũ trụ bé nhỏ của những người điên, ông là ánh sáng cuối đường hầm. Giữa thời buổi chiến tranh, hỗn mang và máu lửa, ông chọn lặng thầm hiến mình cho những mảnh đời mất lý trí. Và chính ông, bằng lý trí rực sáng, đã bước vào cái chết như bước vào giấc ngủ trưa – bình yên và vĩnh cửu.
Không tượng đài, không lễ tang rình rang, chỉ là nấm mộ nơi góc vườn Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, nơi có thể nghe được tiếng cười khóc vô định của những kẻ điên, nhưng nếu có ai hỏi “anh hùng là gì?”, thì xin hãy kể về Bác Sĩ Tô Dương Hiệp – người đã chọn nằm xuống giữa những người không ai muốn lại gần, vì ông yêu họ hơn cả chính bản thân mình.
(Melbourne)