Chuyện Vãn: Tái Ông Thất Mã, Giữa Họa & Phúc

Ba’o Nguoi- Viet

July 5, 2025 

Vương Trùng Dương

Trong cuộc sống của chúng ta cũng thường gặp phải bao chuyện xảy ra họa (rủi ro) và phúc (may mắn).

Khi có người bị họa thì lấy thành ngữ “Tái ông thất mã” nghĩa Hán Việt: Tái là “cửa ải,” ông là “ông lão, ông già.” Tái ông là “ông già sống gần biên ải” ám chỉ khi người gặp họa trước thì may mắn được phúc sau.

Thông thường thì thành ngữ nầy chí với tự bản thân để an ủi. Trong Tự Điển Hán Nôm thì phúc và phước viết giống nhau. Theo cách gọi miền Bắc là phúc, Trung và Nam là phước. Với phước, họa thì khôn lường được. Câu nói Lưu Hướng trong Thuyết Uyển “Phúc bất trùng chí, họa tất trùng lai,” phúc chỉ may mắn một lần, họa thì liên miên. Hay “Phúc vô song chí, họa bất đơn hành.”

Với thành ngữ ta “Của đi thay người” rất phổ biến khi an ủi, chia sẻ vì vừa liên quan đến số phận khi họa và phúc xảy ra. Trường hợp người bạn già của tôi ở Los Angeles cách nay hơn mười năm, mua bảo hiểm chỉ một chiều, tuổi già lái xe lạng quạng húc xe trước khi dừng lại lúc đèn đỏ. Đầu xe anh bị dập nhưng may mắn thân thể không bị hề hấn gì. Tuổi già cô đơn nên anh thường đi xe bus casino chơi slot machine giải trí… Vài hôm sau vì không có xe đến chỗ xe bus, nên anh nằm nhà. Tai nạn xảy ra trong chuyến xe bus bị lật vì tài xế lạc tay lái. Câu nói “Của đi thay người” đúng hơn “Tái ông thất mã.”

Từ câu chuyện thời xa xưa tận bên Tàu dựa vào điển tích và được truyền tụng qua thời gian, trở nên thành ngữ mang tính chất triết lý dân gian… Cũng như câu  “Đắc mã thất mã nan tri họa phúc” (Được ngựa mất ngựa chưa biết họa phúc ra sao).

Trong họa lại có phúc như câu chuyện trên bàn bạc trong đời người. Họa, phúc luôn xoay vần, vì vậy không nên tuyệt vọng khi gặp họa và không nên vui mừng quá khi gặp phúc.

Sách Hoài Nam Tử chép rằng: Có một ông lão kia sinh sống gần biên ải (tức Tái Ông). Nhà ông nuôi một con ngựa quý. Thế nào nó tự nhiên đi vào đất bắc mất hút. Những người quen biết đến nhà hỏi thăm, ông nói với họ: “Mất ngựa biết đâu lại là điềm may.” Quả nhiên, mấy hôm sau con ngựa nọ trở về, lại “rủ” thêm mấy con tuấn mã nữa đi cùng. Hàng xóm láng giềng đến chia vui, ông lại chép miệng nói: “Ôi dào! Được thêm ngựa biết đâu lại là hoạ đó.”

Con trai ông thấy ngựa đẹp bèn mải mê tập cưỡi, phi ngựa suốt ngày để đến nỗi một hôm ngã gãy cả chân. Tội quá! Trước sự kiện này, mọi người cho là tai hoạ, nhưng Tái Ông vẫn ung dung: “Biết đâu lại là phúc đó!” Mà cũng nghiệm vậy. Sau đó, đất nước bị giặc giã, trai tráng tất thảy phải ra trận. Mà xung trận tiền thì “mười thằng chết chín” là cái chắc. Riêng cậu con trai ông vì tàn tật mà được ở lại và sống sót, ở với cha trọn đời, sinh con đẻ cái.

Trong truyện cổ Ấn Độ kể rằng, có vị quốc vương, khi ra ngoài đi săn không may bị đứt mất một ngón tay, mới hỏi vị đại thần thân cận nên làm thế nào? Đại thần nói với giọng lạc quan, nhẹ nhõm: “Đây là việc tốt!” Quốc vương nghe vậy giận lắm, trách ông hí hửng khi thấy người khác gặp nạn, vì thế ra lệnh nhốt ông vào đại lao chờ ngày xét xử.

Một năm sau, quốc vương lại ra ngoài đi săn, bị lạc đến khu rừng xa hẻo lánh bị thổ dân bắt sống, trói vào đàn tế, chuẩn bị làm vật tế thần. Thầy phù thủy đột nhiên phát hiện quốc vương khuyết mất một ngón tay, cho rằng đây là vật tế không hoàn chỉnh, bèn thả quốc vương ra, thay vào đó bắt viên đại thần tùy tùng làm vật hiến tế.

Trong niềm vui thoát nạn, quốc vương nghĩ tới viên đại thần vui vẻ từng nói rằng mất ngón tay là việc tốt, liền ra lệnh thả ông, và xin lỗi vì đã vô cớ bắt ông chịu nạn một năm trong ngục tối. Vị đại thần này vẫn lạc quan nói: “Cái họa họa năm ngồi tù cũng là việc tốt.” Nhà vua còn đang thắc mắc với câu nói trên, vị đại thần nói tiếp: “Nếu như tôi không bị họa ngồi tù, thì thử nghĩ vị đại thần theo người đi săn mà bị lên đàn hiến tế kia sẽ là ai?”

Với quan điểm của người xưa về tâm linh “Thiện ác hữu báo. Phúc họa tương sinh” nhằm khuyên nhủ con người, tư tưởng nhân quả, ở hiền gặp lành, ở ác gặp báo… Tuy nhiên trong thực tế, biết bao người ở hiền mà gặp họa, ở ác được may mắn! Những kẻ độc ác gian trá lại được hưởng lợi từ bản thân đến các thế hệ con cháu. Vì vậy trong cõi đời ô trọc vô thường nên không thể nào minh chứng giữa chánh và tà, giữa thiện và ác.

Trong lịch sử, văn chương Việt Nam, họa và phúc cũng là đề tài từ văn học dân gian đến văn học hiện đại. Trong Truyền Kỳ Mạn Lục của danh sĩ Nguyễn Dữ, cuối thế kỷ XVI nhà Lê Sơ, đầu thời nhà Mạc. Câu chuyện thứ 16 (trong 20 câu chuyện) Nam Xương Nữ Tử Lục (Thiếu Phụ Nam Xương). Truyện kể về bối cảnh từ thời nhà Trần cho đến nhà Hồ, người con gái có tên Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương. Nàng là người có dung hạnh vẹn toàn. Chồng là Trương Sinh, con nhà hào phú, ít học, tính tình ghen tuông, nghi ngờ vợ. Trương Sinh đi lính, để lại mẹ già và vợ ở nhà. Một thời gian sau, nàng sinh ra đứa con đầu lòng đặt tên là Đản. Ở nhà, nàng chăm nom con và mẹ chồng rất mực chu đáo. 

Vì nhớ thương con, mẹ Trương Sinh ngày càng ốm nặng rồi mất, nàng lo tang ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình. Để đỡ nhớ chồng và sợ con thiếu thốn tình cha, nàng hay đùa với con bằng cách chỉ cái bóng của mình trên vách và nói với con đó là cha Đản.

Sau cuộc chiến, Trương Sinh trở về. Biết tin mẹ già mất, con vừa học nói. Chàng đau buồn ra thăm mộ mẹ, bế bé Đản theo, ra đến đồng đứa trẻ quấy khóc và bảo: “Trương Sinh không phải là cha Đản, cha Đản đêm nào cũng đến, mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhìn nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.” Vì tính ghen tuông, nóng nảy Trương Sinh đã mắng mỏ vợ rồi đuổi nàng đi, dù cho hàng xóm thanh minh. Không thể thanh minh được. Nàng nhảy xuống dòng sông Hoàng Giang tự tử, để lấy cái chết minh oan cho chính sự trong sạch của mình! 

Vào một đêm phòng không vắng vẻ, chàng ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, chợt đứa con chỉ vào bóng chàng và bảo đó là cha, Trương Sinh mới tỉnh ngộ, thấu nỗi oan của vợ, nhưng việc trót đã qua rồi. Dân làng thương tiếc lập miếu thờ bà trên bờ sông Hoàng Giang thuộc làng Vũ Điện, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nam.

Bài thơ Miếu Vợ Chàng Trương của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) được giảng dạy trong chương trình Quốc Văn lớp Đệ Ngũ thời VNCH:

“Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.

Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ,

Cung nước chi cho luỵ đến nàng.

Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,

Giải oan chi lọ mấy đàn tràng?

Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,

Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.”

Lê Thánh Tông là bậc minh quân của nhà Hậu Lê, trị vì từ năm 1460 đến 1497. Không những được coi là một trong những vị vua đức độ nhất trong lịch sử Việt Nam, với sự nghiệp xây dựng một triều đại hưng thịnh và ổn định. Nhà vua sáng lập Hội Tao Đàn, quy tụ 28 danh sĩ để sáng tác thơ ca. 

Nguyễn Trãi (1380-1442) với hình ảnh “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” có công lớn phò Lê Lợi đánh đuổi quân Minh lập nên nhà Lê. Dòng họ Nguyễn và Trần (bên ngoại) nổi danh trong giai đoạn nầy. Thế nhưng trong phúc lại gặp họa trong vụ án Lệ Chi Viên.

Năm 1442 vua Lê Thái Tông đi tuần về miền Đông, Chí Linh. Nguyễn Trãi tuy đã cáo quan về hưu nhưng vẫn còn nổi danh, mời vua ngự ở chùa Côn Sơn. Khi vua đi chơi ở Lệ Chi Viên (vườn Vải), ven sông Thiên Đức thì bất ngờ băng hà. Nguyễn Trãi quy vào tội giết vua và bị “tru di tam tam tộc.” Dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại, Nhị Khê gần như bị thảm sát hết.

Tháng 8 năm 1464, sau 22 năm, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước hiệu là Tán Trù Bá, bãi bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến Nguyễn Trãi và ra lệnh bổ dụng con cháu ông làm quan. Dòng họ Nguyễn được nối dõi tông đường. Ngoài ra nhà vua còn ra lệnh phục hồi thơ văn của Nguyễn Trãi.

(Hình: tác giả cung cấp)

Trong bài thơ Quân Minh Thần Lương của vua Lê Thánh Tông có câu: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” được treo ở đền thờ Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi được tôn vinh là Thánh Tổ ngành Chiến Tranh Chính Trị thời Việt Nam Cộng Hòa. Sinh Viên Sĩ Quan của Trường ĐH. CTCT mang tên Nguyễn Trãi I đến Nguyễn Trãi VI.

Nếu không có bậc minh quân Lê Thánh Tông thì nỗi oan của đại công thần Nguyễn Trãi bị chôn vùi qua sáu thế kỷ và áng văn tuyệt tác Bình Ngô Đại Cáo không còn lưu lại hậu thế.

Vào thời kỳ Trịnh/Nguyễn phân tranh trong 46 năm. Nguyễn Hoàng (1525-1613) phò Lê diệt Trịnh nhưng thế lực của Trịnh Kiểm (1503-1570) và con là Trịnh Tùng (1550-1623) mạnh hơn, phế lập vua Lê, thâu tóm quyền hành. Sách sử ghi rằng, Nguyễn Hoàng thấy anh trai là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm hại chết, nên lo lắng cho tính mạng của mình, liền sai người đến xin ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Trạng Trình dắt sứ giả của Nguyễn Hoàng ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và bảo: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” ám chỉ một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời.

Theo lời khuyên của Trạng Trình, Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lánh nạn, nhưng với tài năng và mưu lược thực hiện chính sách an dân, khai hoang lập ấp và thu hút lưu dân từ miền Bắc vào sinh sống. Nhờ những đóng góp to lớn, ông được nhân dân hết mực kính trọng và tôn xưng là Chúa Tiên. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hoàng, Thuận Hóa không chỉ trở thành vùng đất trù phú, ổn định mà còn giữ vai trò trung tâm trong tiến trình mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phương Nam.

Sau Nguyễn Hoàng, các đời chúa Nguyễn như: Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635), Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648), Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái (1650-1691), Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), Chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú (1697-1738), Chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) ông nội vua Gia Long, Chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777)… Và sau nầy với 13 đời vua.

Trong lịch sử Việt Nam đã đề cập đến nhiều nhân vật và trường hợp xảy ra khi gặp họa nhưng rồi may mắn thành công “Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai,” hết họa đến phúc.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884-1958) với khoảng sáu mươi tác phẩm hơn bốn thập niên hầu hết với bối cảnh xã hội ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, trong đó có số tác phẩm nói về tình đời, tình người trong mọi hoàn cảnh với phúc/họa, họa/phúc. Và với tâm hồn nhân bản nên kết thúc có hậu. Cụ được coi là nhà văn tiêu biểu trong lãnh vực nầy.

Trong 15 tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung đề cập đến nhiều nhân vật trong chốn võ lâm với họa/phúc, phúc/họa. Các nhân vật bị họa ập đến nhưng nhờ may mắn trở thành võ công thượng thừa đã hành hiệp chánh đạo. Ngược lại những nhân vật may mắn võ công thâm hậu nhưng tâm tà rồi cuối cùng lãnh họa vào thân.

Có lẽ chuyện vãn sau nầy, tôi sẽ đề cập đến các nhân vật tiêu biểu giữa chánh giáo và tà giáo. Trong chánh phái có những kẻ tâm tà, độc ác và trong trong tà phái cũng có vài nhân vật hướng thiện… và kết quả “ác giả ác báo,” “thiện giả thiện báo” như trong cuộc sống thế gian để suy ngẫm.

Nhà văn Kim Dung qua truyện chưởng, kiếm hiệp không những thi thố võ công, chưởng lực, kiếm pháp, đấu đá… mà trong đó với triết lý nhân sinh về họa và phúc như trong thành ngữ “Thiện ác đối đầu chung hữu báo.”

Sau nầy trong các phim về võ hiệp, phim cổ trang, đạo diễn khai thác cái họa triền miên xảy ra giữa dòng tộc, cá nhân quá dài từ tập này đến tập khác, đến vài tập cuối mới trả cái họa đã từng cam chịu để rửa hận và hưởng vinh quang.

Trong phạm vi chuyện vãn nên không đề cập vấn đề chính trị trong lịch sử các dân tộc, trong đó có số người gặp họa bỏ cố hương tìm được cuộc đời mới và được hưởng phúc.

Trong Truyện Cổ Nước Nam của hai cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Tử An Trần Lê Nhân xuất bản ấn hành cách nay tròn một thế kỷ. Hai học giải truy lục khoảng 250 mẩu chuyện xảy ra của người xưa về nhân sinh quan với đạo làm người. Với đạo làm người dĩ nhiên có những mẩu chuyện về ác, thiện và họa, phúc để lưu lại tấm gương cho hậu thế.

Trong phần tiểu tựa, theo lời hai cụ thì “Có ý bảo tồn tinh hoa của cổ học nhớ đến nguồn gốc từ bao nhiêu nghìn năm về trước, rõ các điển tích thường dẫn trong văn chương nước nhà, thêm trước được ít tài liệu có khi làm văn phải dùng đến, rộng được ít tri thức tuy thuộc về cổ học mà thật khác nào ‘như thóc gạo, như vải lụa, thường cần đến hàng ngày.”

Kẻ hậu bối học hỏi được chữ tâm của bậc tiền nhân làm lẽ sống. Trải qua năm tháng với họa, phúc cũng là lẽ vô thường như mọi người, cố gắng giữ được chữ tâm để phiên phiến tuổi già.

(Little Saigon, July 2025)


 

Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay