CHUYỆN ĐỜI NGÀNH Y – Truyện ngắn HAY

Kimtrong Lam                                                                                           

Sáng thứ tư, ngồi phòng khám, có nhiều chuyện về những bệnh nhân làm tôi suy nghĩ nhiều. Buồn vui lẫn lộn. Xin kể ra đây hai câu chuyện.

CHUYỆN THỨ NHẤT.

Cô bé gái có gương mặt rất xinh bẽn lẽn theo mẹ vào phòng khám. Chưa kịp nhìn tên, chỉ mới nhìn đôi mắt, vô thức tôi chợt bật lên thành tiếng:

– Bé Q phải không?

– Dạ đúng rồi bác Khôi. Bé Q đó. Cả mười năm mới gặp lại bác.

Trong cuộc đời hành nghề Y, tiếp xúc với không biết bao nhiêu thân phận, nhưng có những gương mặt vui buồn, không vui không buồn, tôi không thể nào quên. Bé Q là một trường hợp như vậy. Lần đó, chúng tôi tiếp nhận một bé gái có đôi mắt chiếm gần nửa khuôn mặt trong tình trạng vặt vẹo. Hỏi ra mới biết sau sinh đâu tâm một tháng thì em bé cứ có những cơn đau gồng cứng người. Thể trạng mỗi lúc một kém đi. Người mẹ xứ Quảng bồng con lên xe vào Sài Gòn. Lê la mấy tháng trời qua nhiều bệnh viện rồi cuối cùng đến với chung tôi. Qua siêu âm, tôi chẩn đoán cháu bị bệnh ALCAPA, tức là một động mạch vành trái nuôi tim không xuất phát từ động mạch chủ như bình thường để nhận máu đỏ giàu oxy mà lại xuất phát từ động mạch phổi, nơi có độ bão hòa oxy rất thấp. Trái tim bé vì vậy mà bị nhồi máu (như người lớn) ngay từ những ngày đầu.

Siêu âm là vậy. Phẫu thuật viên cũng đồng thuận với chẩn đoán nhưng chủ trì hội chẩn là thầy tôi, không phải là bác sĩ chuyên khoa tim mạch nhi, muốn chắc chắn nên yêu cầu chụp CT. Oái ăm một nỗi là chụp CT thì bảo là bình thường. Tôi lập thệ với thầy là tôi đúng. Không mổ chuyển lại thì em bé sẽ chết. Vậy là tôi và phẫu thuật viên phải cam kết danh dự. Cuối cùng cuộc mổ cũng thành công. Dĩ nhiên là chúng tôi đúng. Trái tim em bé đã rất yếu.

Nguy cơ tử vong cao. Gia đình lại không có tiền. Lúc đó, chúng tôi kêu gọi và nhanh chóng nhận được ủng hộ. Em bé sau đó ra viện.

Lần này vào tái khám, chức năng tim tốt đến không thể tưởng tượng. Chỉ còn lại vết sẹo thiếu máu cũ trong tim là nhắc nhớ về một căn bệnh thập tử nhất sinh ngày xưa.

Mẹ và bé sau khi nhận được kết quả và tư vấn của bác sĩ liền vội ra về. Một cô bé đẹp. Vẫn đôi mắt to tròn như ngày xưa và giờ đã bắt đầu có nét lúng liếng của tuổi tiền dậy thì.

Một cảm giác ấm lòng.

CHUYỆN THỨ HAI

Trước mặt tôi là một người nữ, nếu không nhìn vào năm sinh thì tôi chắc chắn không thể đoán ra tuổi tác. Và cũng nhìn vào cái tên không phải tên Việt mà của người Chăm vùng An Giang nên tôi mới ngỡ ngàng nhận ra.

Ngày đó, chắc cũng đâu cùng thời gian với bé Q, một bé gái được đưa từ An Giang đến. Ấn tượng nhất là bé khóc không có cách gì dỗ nín, không ai có thể dỗ nín. Khóc từ đầu đến cuối, khóc đến khi mệt quá thì thôi. Tỉnh dậy khóc tiếp. Bé mắc hội chứng Williams, một hội chứng di truyền làm mô liên kết (mô dẻo) trong cơ thể thiếu một protein làm dẻo nên các mạch máu rất dễ cứng và gây hẹp. Hẹp nhất là ngay sau van động mạch chủ.

Nhà bé rất nghèo nên mọi chi phí phẫu thuật đều do tài trợ. Bé mổ xong tạm ổn. Mỗi lần lên tái khám là mẹ chạy xe máy từ Châu Đốc đến Quận 5 ngày xưa (giờ là phường Chợ Lớn). Đi xe đò không đủ tiền. Mỗi lần đến là như một lần đánh vật vì thuốc an thần không có cửa làm bé dịu di. Ai cũng biết bé. Cả cái tên khá đặc biệt đó ai cũng nhớ.

Giờ ngồi trước mặt tôi là một cô gái béo phì cực nặng. Tâm trí không hơn một đứa trẻ lên tư. Khuôn mặt buồn như được tạc từ đá đen.

– Nó ăn ít lắm bác ơi. Chỉ suốt ngày ăn vặt và uống nước ngọt.

– Nước ngọt có hại lắm đó. Nguyên nhân béo phì đấy.

– Dạ. Biết mà nói nó có nghe đâu. Ưa làm gì nó làm. Nửa đêm ưa bỏ nhà đi thì đi. Hai vợ chồng tui cực muốn chết. Mới hôm trước nó bỏ nhà đi mấy ngày luôn.

Vậy đó. Bác sĩ còn có cách nào hơn để giúp gia đình? Chỉ lưu ý rằng những bé bị hội chứng Williams này rất ngây thơ và hoàn toàn không có cơ chế nghi ngờ còn người. Các bé, cả nam lẫn nữ, đều là nhóm nguy cơ cao bị lạm dụng tiền bạc, lạm dụng tình dục. Mà cả thành thị lẫn nông thôn, bọn biến thái luôn luôn có mặt. Chợt rùng mình nghĩ về chuyện một bé vừa mắc bệnh tim, vừa thiểu năng lại phải mang trong mình một bào thai. Khổ không biết để đâu cho hết.

Hai cha con lầm lũi dẫn nhau ra về. Người cha với những bước chân nặng nề. Con gái với những bước đi mông lung vô định như đang đi trong làn sương mù dẫu hành lang đang lô nhô người đứng, người ngồi.

Vậy đó. Chuyện thường nhật của một bác sĩ bình thường luôn thăng trầm với những phận người rất đỗi bình thường. Mà cũng chính những cái rất đỗi bình thường ấy, không sân khấu, không hào quang chói lọi ấy chính là ý nghĩa thẳm sâu nhất và cũng là bệ đỡ tinh thần của một thầy thuốc.

Trong ảnh là một bé khác ở Bến Tre, bác sĩ đi thăm sau khi được mổ tim.


 

Được xem 5 lần, bởi 5 Bạn Đọc trong ngày hôm nay