May 18, 2025
Chuyện Vỉa hè
Đặng Đình Mạnh
Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự chân thành, minh bạch và cam kết lâu dài để hàn gắn những vết thương từ chiến tranh, từ chia rẽ chính trị, từ phân biệt chủng tộc, tôn giáo hoặc bất công xã hội để lại.
Người Việt tị nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ biểu tình đòi chế độ Hà Nội tôn trọng nhân quyền mỗi khi có lãnh tụ CSVN đến thủ đô Washington vận động chính trị. (Hình: Alex Wong/Getty Images)
Đức, Nam Phi và Việt Nam là ba quốc gia đã phải trải qua những cuộc xung đột sâu sắc kéo dài mới đi đến kết thúc. Trong đó, sự kết thúc của Đức và Nam Phi là một sự hòa giải có hậu và trọn vẹn. Nhưng với Việt Nam, sau 50 năm chấm dứt cuộc chiến tranh, thì sự hòa giải vẫn như chưa từng bắt đầu bao giờ.
Tất cả, hầu như đều tùy thuộc vào cách tiếp cận vấn đề và theo đó, cho ra những kết quả hòa giải rất khác nhau.
Bối cảnh lịch sử
Đức: Sau Thế Chiến Thứ II (1939-1945), Đức bị chia cắt thành Đông Đức (chế độ cộng sản) và Tây Đức (chế độ dân chủ tự do) trong bối cảnh Chiến Tranh Lạnh. Từ đó, chính quyền Đông Đức đã cho xây dựng bức tường ngăn đôi thủ đô Berlin (1961-1989). Bức tường không chỉ ngăn cách hai nước Đức, mà còn trở thành biểu tượng của sự chia rẽ ý thức hệ.
Sự sụp đổ của bức tường Berlin vào ngày 9 Tháng Mười Một, 1989, dẫn đến thống nhất, Đức đã đặt ra vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc giữa Đông và Tây Đức. Đức không chỉ đối mặt với di sản chế độ Quốc Xã, chế độ Cộng Sản độc tài mà còn đối mặt với yêu cầu xây dựng một quốc gia dân chủ thống nhất, hàn gắn xã hội.
Nam Phi: Vào đầu thập kỷ 90, Nam Phi kết thúc chế độ Apartheid, chính sách phân biệt chủng tộc do người da trắng thiểu số áp đặt. Cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào ngày 27 Tháng Tư, 1994, đã đưa Nelson Mandela trở thành tổng thống. Chế độ Apartheid đã để lại một di sản đầy bất công, bạo lực và hận thù giữa các cộng đồng người da trắng, da màu và các nhóm sắc tộc khác. Nam Phi đã phải đặt ra vấn đề hòa hợp, hòa giải nhằm tránh nội chiến và xây dựng, hàn gắn lại một xã hội đa sắc tộc.
Việt Nam: Ngày 30 Tháng Tư, 1975, Cộng Sản Việt Nam cưỡng chiến thành công miền Nam, đặt toàn bộ lãnh thổ dưới sự cai trị của chế độ độc tài. Tuy nhiên, sau khi thống nhất đất nước bằng chiến thắng quân sự, chế độ Cộng Sản đã không hề đặt ra vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Trái lại, họ thực hiện chính sách đàn áp khốc liệt đối với hàng triệu đồng bào miền Nam đã từng tham gia phục vụ dưới chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Chính sách trả thù đồng bào này đã làm sâu sắc thêm mối bất hòa giữa đồng bào ủng hộ chế độ dân chủ tự do với chế độc độc tài, vốn đã tồn tại từ khi phát sinh cuộc chiến tranh Việt Nam từ hai thập kỷ trước. Chính sách trả thù đồng bào đã gây hậu quả rất nặng nề về nhiều mặt cho xã hội Việt Nam. Hàng triệu người rời bỏ đất nước ra đi, hình thành cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong nước, hòa giải dân tộc vẫn là thách thức lớn do chế độ Cộng Sản không thực hiện đối thoại cởi mở mà thay vào đó là sự đàn áp khốc liệt với người bất đồng chính kiến.
So sánh: Cả ba quốc gia đều phải đối mặt với chia rẽ sâu sắc: Đức về ý thức hệ và địa chính trị, Nam Phi về chủng tộc, Việt Nam về ý thức hệ trong cùng một dân tộc. Đức và Nam Phi chuyển đổi sang dân chủ, trong khi Việt Nam tiếp tục duy trì chế độ độc tài, ảnh hưởng lớn đến quá trình hòa hợp, hòa giải dân tộc .
Cách tiếp cận hòa giải
Đức áp dụng nhiều biện pháp hòa giải, có thể kể như:
-Thống nhất năm 1990: Chính phủ đầu tư tài chính để phát triển Đông Đức, san bằng chênh lệch kinh tế. Không thực hiện chính sách trả thù đồng bào Đông Đức. Thành lập các ủy ban điều tra sai phạm của chế độ Đông Đức (Stasi) và công khai sự thật.
-Dân chủ và đối thoại: Đức khuyến khích tự do ngôn luận, tạo không gian cho các ý kiến khác biệt, giảm căng thẳng khác biệt giữa Đông-Tây vào thời điểm vừa thống nhất.
Nam Phi thành lập Ủy Ban Sự Thật và Hòa Giải (TRC) vào năm 1995.
-Sự thật và tha thứ: TRC tổ chức các phiên điều trần công khai, nơi nạn nhân và thủ phạm chia sẻ. Thủ phạm thừa nhận tội ác có thể được ân xá nếu hành động vì động cơ chính trị.
-Công lý phục hồi: Tập trung vào hàn gắn thông qua đối thoại, thúc đẩy khoan dung tha thứ thay vì trừng phạt.
-Dân chủ: Nam Phi chuyển đổi sang chế độ dân chủ, đảm bảo quyền tự do và thực hiện các chính sách giảm thiểu bất bình đẳng.
Việt Nam: Chế độ Cộng Sản thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc chủ yếu thông qua các phát biểu và diễn văn. Thực tế, chế độ Cộng Sản không làm điều gì để thực hiện cả, mà trái lại, họ nhất quán thực hiện hàng loạt chính sách làm sâu sắc hơn mối bất hòa, thậm chí khơi thêm hận thù giữa lòng dân tộc như trả thù, hạ nhục, trừng phạt người bất đồng chính kiến.
-Mới đây, tổng bí thư đảng Cộng sản là ông Tô Lâm kêu gọi hòa hợp, hòa giải dân tộc qua bài viết “Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” với những lời lẽ hết sức tốt đẹp như: “Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai.” Tuy nhiên, chỉ sau đó ít ngày, chế độ Cộng Sản tổ chức một lễ kỷ niệm kết thúc cuộc chiến Việt Nam hết sức rầm rộ để tự ca ngợi mình và hạ nhục đồng bào là các cựu thù chính trị. Cho thấy, các nỗ lực hòa hợp, hòa giải từ chế độ Cộng Sản là hoàn toàn thiếu chân thành và thực chất.
-Chính sách cải tạo: Ngay sau cưỡng chiếm miền Nam thành công, chế độ Cộng Sản thực hiện chính sách trả thù thông qua danh nghĩa học tập cải tạo. Đẩy hàng trăm ngàn người miền Nam vào các trại cải tạo, thực chất là các trại giam mà không hề thông qua xét xử. Giam giữ họ từ vài tháng đến 20 năm tù. Gây tổn thương xã hội sâu sắc.
-Đàn áp bất đồng: Tiếng nói đối lập từ trong nước hoàn toàn bị bóp nghẹt, không có không gian cho đối thoại.
-Kinh tế: Đổi mới (1986) cải thiện một phần đời sống nhưng không đi kèm tự do chính trị, hạn chế niềm tin từ cộng đồng người Việt hải ngoại.
So sánh: Đức và Nam Phi sử dụng cơ chế minh bạch (Ủy Ban Stasi, TRC) và dân chủ để khuyến khích đối thoại, trong khi Việt Nam duy trì tư duy “bên thắng cuộc” để kiểm soát không gian chính trị, không thực hiện hòa hợp, hòa giải.
Ngày lễ kỷ niệm và ý nghĩa
Đức kỷ niệm Ngày Thống Nhất Đức 1990 (Tag der Deutschen Einheit) vào ngày 3 Tháng Mười hàng năm. Ngày này được tổ chức trang trọng nhưng mang tính hòa hợp, tập trung vào đoàn kết xã hội Đông-Tây và giá trị dân chủ. Các sự kiện bao gồm hòa nhạc, diễn văn, và triển lãm về lịch sử, nhấn mạnh tinh thần chung của toàn dân Đức, không phân biệt quá khứ.
Nam Phi kỷ niệm Ngày Tự Do (Freedom Day) vào ngày 27 Tháng Tư, đánh dấu cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên không còn chế độ phân biệt chủng tộc vào năm 1994. Ngày này tôn vinh sự chấm dứt chế độ Apartheid và sự ra đời của một xã hội đa sắc tộc. Các hoạt động như diễu hành, lễ hội và diễn văn nhấn mạnh hòa giải, bình đẳng, và đoàn kết, dù vẫn có tranh cãi về bất bình đẳng kinh tế.
Việt Nam kỷ niệm Ngày Thống Nhất vào ngày 30 Tháng Tư, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa năm 1975. Tuy nhiên, các lễ kỷ niệm thường mang tính phô trương, như diễu binh và tuyên truyền về chiến thắng, gây tổn thương cho những người từng ở phía đối phương. Thay vì thúc đẩy hòa hợp, các sự kiện này làm sâu sắc hơn sự chia rẽ, đặc biệt với cộng đồng người Việt hải ngoại.
So sánh: Ngày Thống Nhất của Đức và Ngày Tự Do của Nam Phi mang tính hòa hợp, tập trung vào đoàn kết và các giá trị chung, trong khi ngày 30 Tháng Tư của Việt Nam nhấn mạnh chiến thắng của một phía, làm sống lại vết thương chiến tranh. Đức và Nam Phi sử dụng ngày lễ để củng cố hòa giải, Việt Nam sử dụng ngày lễ để làm sâu sắc hơn sự chia rẽ dân tộc.
Kết quả
-Đức đạt thành công lớn không chỉ về kinh tế mà còn là sự gắn kết xã hội với Đông và Tây Đức hòa nhập, dù vẫn còn chênh lệch kinh tế. Đức quốc thống nhất trở thành cường quốc kinh tế, với xã hội dân chủ, tự do.
-TRC giúp Nam Phi tránh nội chiến, thiết lập sự thật lịch sử và dân chủ hóa xã hội. Nạn nhân được lắng nghe, thủ phạm thú nhận tội ác, tạo nền tảng cho sự hòa hợp, bao dung và tha thứ, không trả thù và trừng phạt. Tuy nhiên, bất bình đẳng kinh tế và vấn đề chủng tộc vẫn chưa hoàn toàn xóa nhòa.
Người Việt Nam vượt biên bằng thuyền đi tị nạn Cộng Sản nằm la liệt ở trung tâm tạm cư Hồng Kông năm 1979 chờ đi định cư tại một quốc gia thứ ba. (Hình: Evening Standard/Getty Images)
-Việt Nam, Sau 50 năm thống nhất, nhưng lòng người chưa từng thống nhất. Vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc vẫn chưa đạt được. Cộng đồng người Việt hải ngoại giữ khoảng cách do thiếu niềm tin. Trong nước, người bất đồng chính kiến bị đàn áp, tham nhũng và bất công xã hội lan tràn khiến dân chúng không có niềm tin vào chế độ.
So sánh: Đức và Nam Phi đạt hòa giải ở mức độ cao nhờ dân chủ và minh bạch, trong khi Việt Nam bị kìm hãm bởi kiểm soát và thiếu đối thoại. Các ngày lễ của Đức và Nam Phi củng cố đoàn kết, nhưng ngày lễ của Việt Nam lại làm sâu sắc hơn sự chia rẽ.
Bài học cho Việt Nam
Từ Đức và Nam Phi, Việt Nam có thể học hỏi:
-Thừa nhận quá khứ: Lập ủy ban sự thật, tương tự TRC của Nam Phi hoặc Ủy Ban Stasi của Đức, để điều tra bất công sau 1975, như chính sách cải tạo, và khuyến khích đối thoại công khai.
-Đối thoại cởi mở: Trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, tạo không gian cho tiếng nói đối lập và cộng đồng hải ngoại, học từ tự do ngôn luận của Đức.
-Dân chủ hóa xã hội: Như Nam Phi, để xây dựng niềm tin.
-Tái định hướng ngày lễ: Biến ngày 30 Tháng Tư thành dịp hòa hợp, như Ngày Thống Nhất của Đức, tập trung vào đoàn kết dân tộc thay vì chiến thắng.
Tóm lại, sau 50 năm thống nhất đất nước, nếu chế độ Cộng Sản Việt Nam xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, tự do, công bằng và dân chủ như Đức quốc hay Nam Phi đã làm được với thời gian hết sức ngắn ngủi, thì hòa hợp, hòa giải dân tộc đã không còn là vấn đề phải đặt ra cho Việt Nam nữa.
Kể cả, đối với cộng đồng người Việt hải ngoại cũng vậy, chế độ không cần phải đưa ra những lời kêu gọi họ góp sức đầu tư bằng công, bằng của để xây dựng đất nước, vì lẽ, một khi có niềm tin, họ sẽ tự nguyện làm điều đó mà không cần phải kêu gọi.
Đức và Nam Phi đều thành công trong vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc nhờ minh bạch, sự thật và tha thứ, với các ngày lễ kỷ niệm củng cố đoàn kết. Việt Nam, để hòa hợp, hòa giải, cũng cần phải làm những điều tương tự như vậy, để biến ngày 30 Tháng Tư thành biểu tượng của đoàn kết dân tộc.