Án chồng án! Đây là kỷ nguyên độc tài, tăng cường đàn áp người bất đồng chính kiến?
Yếu tố cốt lõi của một tội danh là phải xem xét hành động ấy có gây tổn hại gì cho xã hội.
Việc khởi tố theo Điều 117 với một người đang thụ án tù chỉ vì người ấy cầm tờ giấy ghi dòng chữ “Đả đảo Cộng sản” là vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền, và tôi phản đối điều này.
Các vị quá hăng hái trả thù chính trị một người bất đồng chính kiến, và vì vậy mà các vị chà đạp lên cái thứ được gọi là “luật pháp” ở Việt Nam.
Một người bị thêm tội chỉ vì những hành vi nghiêm trọng như đánh chết bạn tù, chứ trong lịch sử tố tụng, tôi chưa từng nghe thấy việc kết án một người chỉ vì một khẩu hiệu phản đối chế độ cộng sản.
Trong một không gian hạn hẹp của nhà tù, hành động này gây tổn hại gì cho xã hội mà các vị có thể cho phép mình làm một việc phi lý và đáng ghê tởm như vậy?
Hành động này thể hiện tư tưởng độc tài, và nó bẻ gãy niềm hy vọng vào một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên tiến bộ, dân chủ của dân tộc.
Vậy cái kỷ nguyên mới của ông Tô Lâm nêu ra thực chất là cái gì?
Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hình dung được lộ trình của kỷ nguyên mới ấy là gì, nhưng vụ việc liên quan đến tù nhân Trịnh Bá Phương khiến tôi sửng sốt, phẫn nộ và nghi ngờ vào sự tốt đẹp mà những câu chữ ấy có thể mang lại.
Tôi tin rằng các vị không thể làm một việc vi phạm pháp luật như vậy. Các tổ chức nhân quyền, các cơ quan ngoại giao của các nước sẽ lên tiếng phản đối quyết định phi pháp, vô nhân đạo này của các vị.
Nếu các vị cố tình thực hiện một việc kỳ cục như vậy, thì trong lòng dân chúng, các vị sẽ mất nốt chút lòng tin còn lại.
Tôi phản đối ý định này của các vị.
Đoàn Bảo Châu