Duthapsang Tran
Fw. Bài hay và đúng sự thật
Hòa hợp, hoà giải, và hòa bình thực sự để đất nước phát triển là nhu cầu bức thiết của dân tộc hiện nay. Sau 50 năm chia cắt, thì lòng người vẫn có “Triệu người vui, triệu người buồn!” theo như nhận xét của ông Võ Văn Kiệt. Đây là bài toán nan giải không dễ giải quyết, nhưng chúng ta phải làm, để theo kịp đà tiến hoá của nhân loại!
Thực ra, nếu hiểu nghĩa vui buồn theo dựa trên kẻ thắng người thua thì cả hai miền Nam – Bắc đều có vui lẫn cả buồn!!!
Miền Bắc vui vì đã thống nhất đất nước qua sức mạnh cứng bằng súng đạn. Công lao này không ai phủ nhận, miễn là đừng lấy cái thế của kẻ thắng trận mà kiêu căng chà đạp lên nỗi đau của dân miền Nam. Miền Nam thì đã giải phóng được miền Bắc qua sức mạnh mềm!
Tự lúc nào văn hóa sống cởi mở, nhân bản của dân Miền Nam đã thức tỉnh dân Miền Bắc, văn chương, âm nhạc đầy tình người, tình tự quê hương của Miền Nam át đi những bài nhạc đầy hận thù, sắc máu với những giai điệu chói tai. Người Miền Nam chia sẻ với dân Miền Bắc tình cảm qua Nhạc Vàng Bolero đầy tình người như bài hát Tôi Muốn của Nhạc sĩ Lê Hựu Hà với câu: “… Tôi muốn mọi người biết thương nhau không oán ghét không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau, Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu…”
Trong một bài viết nhân dịp 50 năm ngày 30/4 của người bên thắng cuộc, tác giả Trần Lệ Bình muốn nói lên cảm nghĩ thật lòng dù có khi bị ném đá: “Tối tối mỗi khi có điện, đám bạn đến đầy nhà để nghe bài nhạc Pháp “Bang Bang”… Khi sống trong cảnh cả ngày chỉ nghe đài phát thanh phát những bài hát như hét như gào: “…không cho chúng nó thoát, chúng bay vào sẽ không có đường ra nó….” quen tai, bây giờ được nghe hai tiếng “bang bang” với âm điệu du dương đến mê hồn, khiến chúng tôi không ngờ trên đời nay lại có những loại nhạc làm lay động lòng người đến như vậy.”
Ở một đoạn khác, tác giả Trần Lệ Bình nói về chị bán mướp: “… Lúc này chị cầm trong tay chiếc dao gọt tôi chưa thấy bao giờ, tay chị lướt nhẹ nhàng từ trên xuống dưới quả mướp, vỏ mỏng như tờ giấy đều đều chui từ giữa kẽ dao rơi xuống vẫn đúng chiều dài của quả mướp. Chỉ trong tích tắc, quả mướp hết vỏ vẫn tròn trịa như nguyên. Với nét mặt thật sung sướng, chi nói: “Cái thứ dao của bọn ngụy hay thật!”. Mấy chị đang đứng chờ mua cũng xen vào: “Thế đấy, cái dao đơn giản và thuận tiện thế mà miền Bắc XHCN cũng không làm nỗi…”. Tác giả kết luận: “Một sự thật mà bất cứ ai còn có lòng trung thực đều không thể phủ nhận là 30-4-75 đã giải phóng Miền Bắc khỏi nghèo nàn lạc hậu, đã cho dân Bắc được tiếp cận với văn minh của nhân loại.
Dân Miền Nam sẽ rất vui và nên tự hào nếu họ biết được chính họ đã giải phóng người dân Miền Bắc khỏi bức màn sắt của giáo điều đã che đậy tầm nhìn, sự hiểu biết của dân Miền Bắc với thế giới văn minh, nhân bản hơn. Miền Nam vui vì được người bên thắng cuộc, bà Dương thu Hương, công nhận là xứ văn minh tiến bộ ngay trưa ngày 30/4/1975 chứ không phải đợi mãi đến giờ này ông Tô Lâm mới dám xác nhận Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông!
Đến đây thì người dân Miền Nam có thể dùng tựa của một bài hát của nhạc sĩ Nhật Ngân để đặt câu hỏi “Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh” và dân Miền Nam nên vui mừng vì họ đã giải phóng được Miền Bắc qua quyền lực mềm: tinh thần khai phóng, nhân bản và nghĩa đồng bào.
Nguyễn văn Lợi